Mấy chuyện vui mừng

Thứ Năm, 14/03/2019, 16:46
Sau tháng Giêng là những ngày phương Nam nắng nóng gay gắt, nắng như ai đang chao củi bếp đượm trên đầu, nắng rát da rát thịt. 

Ngang qua những con đường phố thị vốn đã thành quen sau gần hai mươi năm lưu ngụ, nhớ những hàng cây cổ thụ đã không còn nữa, nhìn những ngổn ngang phố xá, nghĩ chuyện này chuyện kia, lòng buồn hiu hiu.

Tự dưng lại vang vang cái bóng cây hòe trong mường tượng sách vở xa xưa, môn sinh ngủ dưới gốc cây hòe, nằm mơ một giấc mộng đời người. Tỉnh dậy như được khai sáng.

Nếu đời người là hữu hạn, tại sao lại không sống đừng phí hoài, tại sao lại không chọn cách sống để được kính trọng thay vì tiền nhiều quyền nhiều tỷ lệ thuận với oán than. Ngô tài hèn phận kém, tuyệt không hiểu được.

1. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng… Đây là chỉ thị rất hay, rất cần thiết, rất kịp thời mà Ngô vô cùng ủng hộ.

Bấy lâu nay, câu cửa miệng của người dân (thậm chí là người trong các ban ngành đoàn thể) luôn là, "Đấu tranh tránh đâu". Người vì cái chung, thấy cái tiêu cực, cái sai, viết đơn khiếu nại tố cáo hoặc công khai chống lại cái tiêu cực, cái sai ấy, chưa kịp thấy kết quả thì đã bị nện cho một trận nhừ tử, bán thân bất toại. 

Nhẹ thì đang yên đang lành thành sẩy nhà ra thất nghiệp, nặng thì nghe đủ lời hăm dọa hoặc nằm viện. Như báo chí đưa tin có anh kỹ sư tố cáo tiêu cực trong thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị dàn cảnh đánh ghen đến lún sọ.

Ai tạo ra cái sai, cái tiêu cực. Chắc chắn là những người có địa vị, có quyền. Mà người có quyền, có địa vị một khi vì lòng tham, vì điều lợi cá nhân để tạo ra cái sai cái tiêu cực thì hậu quả bao giờ cũng rất khủng khiếp. Đừng nói là hàng trăm hàng nghìn tỷ thất thoát hoặc bốc hơi khỏi quốc khố, mà ngay cả thân phận của nhiều người dân cũng bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi. 

Minh họa: Lê Phương

Lấy ví dụ người ký một quy hoạch đất đai nhằm vụ lợi cho bản thân, thì một chữ ký sẽ tước đoạt biết bao nhiêu lợi ích chính đáng của những người dân sinh sống truyền đời hoặc đang canh tác trên mảnh đất hợp pháp của họ.

Khi thu hồi hoặc cưỡng chế, có nhiều người chỉ nhìn thấy đất. Chứ có biết đâu ngoài đất còn là ký ức, còn là sự yêu thương, còn là cảm xúc của người bị mất đất. Mấy bữa trước ầm ĩ phiên tòa ly hôn của hai vợ chồng ông chủ tập đoàn cà phê,  người ta bình luận ca thán đủ điều liên quan đến tiền.

Bất chấp thực tế thì tiền không phải là tất cả của cuộc sống. Nói theo kiểu của Ngô thì, khi không còn gì cả người ta mới nói đến tiền. Cuộc sống phải là cảm xúc, phải là sự nuôi nấng những ấm êm, những ân cần. 

Cáo chết ba năm quay đầu về núi hay mỏi gót men về thung cũ, chẳng qua là nhớ cồn cào về những ngày đã qua, chẳng qua là có đi khắp thế gian có sống vội vã hay cuồng nhiệt đến đâu thì trái tim cũng đã chôn chặt nơi góc nhà, nơi mảnh vườn chôn nhau cắt rốn. Khi thu hồi một mảnh đất, người ta đã quên mất người ta đã tước đoạt đi tình cảm của người bị mất đất. Tiền, đôi lúc chỉ là tiền mà thôi.

Có trước sinh ly tử biệt, có đứng trước những đổi thay trên mảnh đất năm xưa giờ thành của người xa lạ mới thấm thía hết tiền không là gì trong một cuộc đời của mỗi con người. Cái xe gắn máy không đi nữa bán cho người khác, vô tình gặp lại trên đường lòng còn dâng lên sự cảm thương, huống hồ là những chuyện lớn lao khác.

Nhắc đến cảm xúc lại hơi dông dài rồi, trở lại chuyện bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng… theo chỉ thị của Bộ Chính trị, đây chính là điều mà những cá nhân không cam tâm khi thấy cái sai trái đang diễn ra, không chấp nhận đồng lõa hoặc im lặng trước tiêu cực trong giai đoạn hiện nay. 

Đó không phải là vũ khí của những người vì cái chung mà lên tiếng, mà hành động, đó là chỗ để họ tin tưởng dựa lưng vào khi bị tấn công, bị vu vạ. Ít nhất, là về mặt phòng thủ. Bộ Chính trị đã rất sáng suốt khi nhìn ra điều này, khi nhìn thấy thực tế đang diễn ra.

Làm sao để người tố cáo tiêu cực, người chống tham nhũng không cảm thấy cô độc, không cảm thấy bất an, không cảm thấy sợ hãi… thì công cuộc chỉnh đốn Đảng, loại trừ cán bộ thoái hóa biến chất, miệng thì nói đạo đức nhưng tay lại làm điều xằng bậy sẽ thu được nhiều hiệu quả hơn, được nhân dân cả nước đồng lòng và ủng hộ.

Muốn thắng được cái xấu, thì phải bảo vệ được người chống cái xấu trước nhất. Hệt như đánh trận vậy, muốn thắng được một trận chiến thì việc quan trọng nhất là phải tìm ra phương pháp càng ít thiệt hại quân số bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Có đủ quân số thì mới tấn công được, mới phòng thủ được. Chứ ra trận cứ thúc quân ào ào lao lên thì không khác thiêu thân lao vào ánh đèn dầu hỏa là mấy. Cỡ nào cũng bị thiêu trụi.

Nhưng để chỉ thị ấy không thành khẩu hiệu, nhất định phải có ví dụ điển hình. Có ví dụ điển hình thì mới có tấm gương để người khác noi theo. Một chỉ thị rất hay, rất đúng lại không kèm theo ví dụ thì sẽ đáng tiếc vô cùng.

2. Song song với chỉ thị này, Ban Nội chính Trung ương cũng vừa phát động một cuộc thi đua rất chuẩn mực nếu như thực hiện nghiêm túc thay vì hô to khẩu hiệu.

Ban Nội chính Trung ương ban hành kế hoạch số 142 thi đua chuyên đề giai đoạn 2019 - 2020 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi "tham nhũng vặt" xảy ra trên địa bàn" đối với các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. 

Mục đích của đợt thi đua lần này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong công tác phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, các hành vi "tham nhũng vặt"; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". 

Theo đó, mỗi Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy phấn đấu phát hiện và tham mưu xử lý có kết quả ít nhất 2 vụ án tham nhũng và 3 hành vi "tham nhũng vặt". Trong đó, đến thời điểm sơ kết (cuối năm 2019) mỗi đơn vị phát hiện và tham mưu xử lý ít nhất 1 vụ án tham nhũng và 1 hành vi "tham nhũng vặt".

Đây có thể được xem là động thái rất quyết liệt để chung tay cùng công cuộc "đốt lò" do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và đang kiên định thực hiện.

Hơn hai năm, tính từ thời điểm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát đi tiếng trống lệnh chống tham nhũng, có thể thấy gần như chỉ mỗi mình Trung ương với sự đốc thúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là có những chuyển biến tích cực cũng như hiệu quả. 

Còn lại, các địa phương vẫn im lìm, thật sự không khác chuyện ai chống cứ chống còn chúng tôi không có tham nhũng nên không chống.

Trong lúc tình trạng tham nhũng từ tham nhũng to cho đến tham nhũng vặt đều xuất hiện ở các địa phương, nhưng siêu nhân là ở chỗ báo cáo thành tích năm nào cũng hết sức tốt đẹp, hết sức không phát hiện có tham nhũng, hết sức tình trạng tham nhũng ổn định.

Địa phương nhất định không chịu phát hiện ra những sai phạm cho đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì không chỉ có tham nhũng mà còn lãnh đạo cấp cao của địa phương bị vạch mặt chỉ tên. Từ Đồng Nai, Gia Lai cho đến TP HCM... đều có cán bộ lãnh đạo sai phạm. Vì sao cán bộ lãnh đạo sai phạm, thiệt tình nói trắng phớ với nhau thì rất ít (hoặc không có) những cán bộ sai phạm là do yếu kém về nghiệp vụ hay hạn chế về tư duy, nhận thức.

Có ai yếu kém về nghiệp vụ hay hạn chế về tư duy nhận thức mà được đề bạt làm cán bộ lãnh đạo bao giờ. Trong quá trình được quy hoạch rồi làm hồ sơ bổ nhiệm cho đến lúc nhận quyết định chính thức bổ nhiệm, cán bộ nào cũng luôn miệng khoe mình giỏi, mình đầy năng lực, mình đủ tiêu chuẩn đúng quy trình để nhận nhiệm vụ lãnh đạo, rồi hứa hẹn sẽ đóng góp cho cái chung, cho sự nghiệp chung. 

Chứ có cán bộ nào hồi được quy hoạch, lúc tiến hành quy trình bổ nhiệm lại mạnh dạn thành khẩn, "Tui không đủ nghiệp vụ, hạn chế tư duy nhận thức đủ đường nên tui không thể làm lãnh đạo được".

Nên chung quy là do tham, là do muốn két sắt nhà mình đầy thêm mà thành ra sai phạm thôi. Điển hình như có một khu đất công ở TP HCM mà đến mấy ông lãnh đạo thành phố lần lượt cởi áo quan khoác vào áo tù vậy. Đến thượng thơ ở Trung ương cũng bị tước ấn tống giam cũng vì một chữ tham, chính xác là hai chữ, tham tàn.

Phải tham tàn thì chuyện gì cũng dám làm dám thực hiện đến cùng, chứ chỉ tham thôi thì còn đủ tỉnh táo mà suy xét, chuyện càn quấy quá không dám ký. Còn tham tàn thì bất chấp.

Thế nên, cuộc phát động thi đua với tiêu chí rõ ràng của Ban Nội chính Trung ương tạo trong lòng Ngô rất nhiều phấn khởi. Mong rằng ngoài chuyện thi đua thì Ban Nội chính Trung ương cũng rõ ràng chỉ đạo, nếu Ban Nội chính Thành ủy, Tỉnh ủy nào trong năm mà không phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực thì sẽ điều chuyển hoặc cho ông Trưởng ban Nội chính của Thành ủy đó, Tỉnh ủy đó được thoải mái về nhà nằm sofa đọc báo mỗi ngày.

Chứ kém vậy thì nắm chức vụ làm chi cho phí tiền ngân sách, phí ghế của hệ thống chính trị. Ai lại cứ ngồi cho đủ tụ vậy mãi bao giờ!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.