Lòng con trẻ vẫn nguyên sơ như tờ giấy trắng

Chủ Nhật, 06/12/2015, 16:51
Nhiều người bây giờ nói rằng, cái tình thầy trò trong thời hiện đại hôm nay sao mà nhạt phai đến vậy. Đâu rồi cái thời cả thầy và trò háo hức cả năm mới có một mùa 20/11 để hướng tới. Có cô cậu học trò nào trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường mà không có những xúc cảm đặc biệt. 

Những xúc cảm sâu đậm, thiêng liêng và theo suốt trong ký ức tuổi học trò. Với thầy và trò, ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày lễ đặc biệt, là một ngày hội lớn. Trong ngày hội truyền thống đó, cả thầy và trò đều nao nức hướng về, thi đua lập thành tích chào mừng. Các chương trình sinh hoạt văn nghệ ở trường, lớp đến dịp này là trăm hoa đua nở. 

Chương trình biểu diễn văn nghệ ca múa, kịch đặc sắc thể hiện tính sáng tạo của thầy và trò được thầy và trò dụng công tập luyện kỹ lưỡng hàng tháng trời chỉ để biểu diễn trong dịp 20-11. Những tờ báo tường thể hiện cá tính sáng tạo của từng lớp cũng ráo riết thi đua. Dịp này, trường tổ chức cắm trại, thi học sinh thanh lịch. Các hoạt động diễn ra vô cùng sôi động khiến thầy trò đều náo nức.  

Bao nhiêu năm đã rời xa ghế nhà trường, bấy nhiêu năm từ giã quãng đời học sinh thơ dại, đi qua bao gương mặt thầy cô giáo đã dày công dạy dỗ vun đắp cho mình, những kỷ niệm cũ về mái trường thân yêu về những người thầy đầu tiên thì vẫn in sâu trong tâm trí. 

Chẳng thế mà giờ đây, kẻ ở quê, đứa xa xứ lập nghiệp, trong những dịp như thế này lòng không khỏi náo nức nhớ lớp cũ trường xưa. Và dù sấp ngửa ngược xuôi, bộn bề cơm áo, dịp này cả bọn sống gần nhau trong thành phố lại tụ tập kéo nhau đến thăm thầy cô giáo cũ năm xưa giờ nghỉ hưu cũng trong thành phố này. Thầy cô giờ tóc đã bạc, lũ học trò nhiều đứa có khi tóc còn bạc hơn thầy. 

Gặp lại thầy cô, gặp lại bạn cũ, cảm xúc vẫn nguyên sơ trong trẻo và đầy ắp niềm vui, chứa chan hạnh phúc như mấy mươi năm về trước. Ngồi với thầy giáo cũ, lòng lại rưng rưng nhớ những thầy cô giáo cũ khác lâu lắm rồi chưa thể về thăm... Tự dưng, buồn một nỗi một nỗi buồn man mác của đứa học trò vô tâm chưa trọn vẹn lòng tri ân với tất cả các thầy cô giáo cũ.
Một buổi hoạt động ngoại khóa của lớp 9 Pháp, Trường THCS Trưng Vương đến thăm và tặng quà với các em nhỏ mồ côi ở Bình Lục, Hà Nam cùng cô giáo chủ nhiệm Đỗ Ngọc Xuân.

Bây giờ bao lứa học trò chúng tôi đều đã lên bậc phụ huynh, vẫn chứng kiến những mùa 20/11 của các con mình với thầy cô giáo của chúng như một sự nối tiếp của thế hệ. Nhiều phụ huynh bây giờ than với nhau, sao cái tình thầy trò thời nay bạc bẽo, không còn thiêng liêng, không xúc động như ngày xửa ngày xưa... 

Cái ngày xửa xưa mà bọn học sinh dặn nhau để dành cả năm được mấy chục đồng bạc, đến lớp góp nhau mua ba quả cam, mua dăm bông hồng bạch nở toe toét rồi kéo đến chúc mừng thầy cô giáo. Năm nào sang hơn chút thì cả lớp gom góp mua được cuốn sổ tay bìa cứng xanh đỏ, cây bút máy kim tinh, rồi kéo nhau cả đoàn cả lũ đến nhà cô thầy. Tặng thầy cô được 1 cuốn sổ tay, chiếc bút máy mà lăn ra phá, ăn hết sạch sành sanh cả 2 rổ khoai lang kèm lạc luộc (vét hết của để dành của nhà thầy mùa giáp hạt). Cái giá sách một thời thương khó trong gian nhà tranh lỗ chỗ vết tường đất của thầy bỗng chốc tan tành vì lũ học trò thi nhau mượn sách mà không biết bao giờ mới mang trả cho cô thầy.

Bây giờ, 20/11 là ngày của phụ huynh chứ đâu phải ngày của học sinh, ngày của thầy trò nữa. 20/11 phụ huynh đưa con đến lớp kèm theo giỏ hoa, phong bì hay gói quà thập thò trước cửa lớp để dẫn con vào rồi tiện thể chúc mừng thầy cô. Đáng lẽ cái việc lễ nghĩa của một học sinh đối với thầy cô giáo, cha mẹ phải dạy con, phải để con làm thì ngày nay cha mẹ lại làm hộ con. Nhiều thầy cô giáo than với nhau, học sinh bây giờ lạnh quá, ít tình cảm quá. 

Ngày Nhà giáo Việt Nam thì cũng y như một ngày nào đó trên đời. Ngày Noel thì háo hức được quà, ngày Halloween thì lùng sục mua đủ thứ trang sức ma quỷ để chơi, nhưng ngày 20/11 thì kệ thôi đã có bố mẹ lo rồi. Trẻ con bây giờ chỉ biết học và học, được nuôi dưỡng như những chú gà công nghiệp bố mẹ phục vụ tận răng. Bố mẹ cũng chẳng có thời gian đâu mà đưa các con đến nhà thầy cô chơi trong ngày lễ tết. Thế nên các con như thể những robot học, chỉ biết đến việc học và tính cách cũng phần nào trở nên ích kỷ bó hẹp và thiếu kỹ năng với giao tiếp xung quanh. 

Nhiều thầy cô giáo bây giờ than với nhau rằng, cái tình trò thầy thời hiện đại sao mà tạnh vắng đến đáng sợ. Tôi không nghĩ vậy. Với riêng tôi, vẫn quan sát con gái mình cùng bạn bè trở về trường cũ thăm cô giáo cũ trong dịp 20/11. Con thường xin mẹ trước cả tuần không về nhà hôm đó để cả lớp kéo nhau đến nhà cô. 10 năm qua, khi con rời Trường Tiểu học Quang Trung để lên học Trung học cơ sở Trưng Vương, chưa một ngày nhà giáo Việt Nam nào lớp Pháp các con không trở về thăm cô giáo chủ nhiệm Sầm Ngọc Bích ở trường cũ Quang Trung. 

Học trò lớp 9 Pháp, nay là 12 Pháp trường PTTH chuyên Amsterdam vẫn thường xuyên trở về thăm lại thầy cô giáo cũ ở trường tiểu học Quang Trung và trường THCS Trưng Vương. (Trong ảnh các con và cô giáo Phạm Thoa).

Mỗi một dịp kéo về thăm cô là một dịp cô trò sung sướng gặp nhau ôn lại bao nhiêu chuyện trên trời dưới bể. Cuộc gặp nào các con cũng được cô Bích đưa đi ăn, đi hát, và tất nhiên là cô giáo bao lo cho toàn bộ lũ học trò cũ. 

Giờ đây khi các con rời trường Trưng Vương, lên học trường Phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam thì không chỉ có mỗi ngày 20/11 mà cứ thèm được tụ tập nhà cô, lúc nào nhớ cô thì lại kéo nhau cả lớp 9 Pháp cũ về thăm trường Trung học Trưng Vương và đến nhà cô giáo chủ nhiệm Đỗ Ngọc Xuân ở ngõ 195 phố Hàng Bông. Quà cho cô đôi khi cả lớp góp nhau chỉ mua được một lẵng hoa, đèo nhau bằng xe đạp điện, hoa tơi tả cùng với giao thông Hà Nội. Nhưng đến nhà cô, cả lớp ríu rít như chim về tổ. Cô nấu bao nhiêu món ngon, cả lớp sà vào ăn như tằm ăn rỗi, ăn hết tất tần tật từ mì tôm xào, xúc xích rán, mì Ý, bánh piza. Hôm nào các con về thăm cô đột xuất thì cô lại cho tiền ra quán để cô trò cùng ăn. Hôm nào không vào giờ ăn thì cô cho tiền các con đi xe phim ở rạp Hàng Bài...

Chia sẻ ra câu chuyện thật này để thấy lòng học trò thì từ cổ chí kim vẫn nguyên sơ như tờ giấy trắng. Tình học trò từ xưa đến nay vẫn có cái trong sáng thánh thiện như nhau. Chẳng qua người lớn chúng ta đã lỡ làm nhạt phai đi trong cái đời sống gấp gáp thời hiện đại này. 

Chúng ta không có thời gian dẫn con đến nhà thầy cô giáo trong ngày đặc biệt để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Chúng ta vội vã trong guồng quay gấp gáp của cuộc sống. Chúng ta tranh thủ chúc mừng thầy cô sau giờ tan lớp, hay lúc đến trường. Chúng ta giản tiện thay vì chuẩn bị hay lựa chọn một món quà cầu kỳ, chúng ta trao thầy cô chiếc phong bì gọn nhẹ, quà 20/11. Chúng ta gạt phắt việc con xin tiền mẹ để góp nhau đi chơi mua quà tặng thầy cô chỉ vì: “Thôi con đừng bận tâm, để việc ấy mẹ lo”. Chúng ta đã vô tình tước đi cái nhu cầu được bày tỏ tình cảm của các con với thầy cô giáo, và cũng vô tình tước đi kỹ năng sống, những tình cảm vô tư trong trẻo đáng ra phải có ở tuổi học trò đối với cô thầy của mình.

Và, có thể trong cái mớ hỗn độn của đời sống thực tại với bao thứ phải lo nghĩ, các thầy cô giáo cũng đã góp phần làm nhạt phai đi cái tình thầy trò vốn dĩ chỉ cần nuôi dưỡng là mãi mãi bền lâu. Một chút thờ ơ, lãng quên của thầy cô với những món quà nhỏ xíu dễ thương chứa đựng bao niềm háo hức khi các con dồn vào đó bao tình cảm trong sáng để tặng thầy cô, sẽ làm cho lòng con trẻ tủi thân và xa cách. Các con của tôi từ khi còn mẫu giáo đã rất thích vẽ tranh tặng cô chủ nhiệm vào những dịp lễ như ngày mồng 8 tháng 3, 20 tháng 11 hay dịp Noel. 

Các con thường thích thú mang bức vẽ đến hỏi mẹ tranh của con có đẹp không và cháu luôn hỏi câu: “Mẹ ơi, theo mẹ cô có thích tranh này con vẽ tặng cô không”. Nhưng năm nay tôi thấy từ đầu tháng 11, con gái 10 tuổi của tôi vẫn cặm cụi viết thư cho ông già Noel sớm bởi sợ ông nhiều thư quá mà gửi muộn thì ông không đọc được. Nhưng tranh tặng cô giáo thì cháu thôi không vẽ nữa. 

Hỏi, cháu ngập ngừng trả lời: “Mẹ ơi, con nghĩ cô không thích tranh chúng con vẽ đâu. Năm lớp 3, con dành bao nhiêu thời gian để vẽ tranh tặng cô nhưng sau đó cô vứt ở dưới gậm bàn, các bạn khác xéo vào... tranh con bị rách”. Nói rồi con gái tôi ngước cặp mắt lo âu nhìn tôi. Tôi ôm cháu vào lòng và an ủi con: “Không phải đâu, cô vô tình đánh rơi đấy”. Con gái tôi kể: “Lần trước, con mang tờ báo có bức tranh con vẽ tặng cô được in, con để lên bàn của cô. Nhưng khi vào lớp, cô cau mặt và vứt tờ báo vào sọt rác mà chưa mở xem mẹ ạ. Cô nói, anh chị nào để báo lên bàn tôi lộn xộn thế này, lần sau là tôi kỷ luật đấy”.

Thế đấy, lòng con trẻ thì vẫn nguyên sơ như tờ giấy trắng, chỉ có chúng ta, những người lớn đã vô tình trong một lúc nào đó đã làm nhạt phai đi cái sự thiêng liêng, xúc động, quý giá của tình thầy trò. Chúng ta đừng vội phán xét, đừng trách ai cả, cũng đừng đổ lỗi cho thời đại, hay đời sống bận rộn gấp gáp và thực dụng hôm nay. Cái tình thầy trò ở một ngôi trường tốt, trong một gia đình tốt, một lớp học tốt, vẫn trong sáng, đẹp đẽ và nồng đượm như một thứ tình thiêng liêng nhất của con trẻ trong những năm tháng học trò.

Hà Nội 10-11-2015

Như Bình
.
.