Lạc vào cõi thơ tìm người tri kỷ

Thứ Ba, 18/03/2014, 12:40

Gặp Phạm Nguyễn Toan trong một buổi chiều lạnh của mùa đông Hà Nội, khi cái tất bật của phố phường thường ngày dường như đang chậm lại bởi cái lạnh xuyên thấu thịt da. Toan ngồi đối diện, cặp mắt kính với gương mặt đầy góc cạnh biểu lộ những nét cảm xúc của một chàng trai vui vẻ, lãng mạn của người làm thơ, viết văn nhưng cũng toát lên sự lanh lợi, khéo léo của một người làm nghề PR chuyên nghiệp.

Trong rất nhiều câu chuyện về đời sống, về thi ca, anh háo hức chia sẻ tập thơ mới viết cho thiếu nhi còn thơm mùi mực: “Nói thật, tôi không đủ tài để nghĩ ra những câu chuyện, những vần thơ hay cách diễn đạt ngộ nghĩnh và trẻ con đến thế. Tôi nhận mình chỉ là “thư ký” cho bọn trẻ, là người chắp bút, ghi lại, sắp xếp và gieo vần cho những câu chuyện, những ý tưởng của các bé, mà trước hết là hai con yêu quý của mình…”.

Bỏ lại sau lưng những bài thơ tình một thuở từng làm xao xuyến trái tim của bao cô gái, bỏ lại những xúc cảm bất chợt của một chàng trai trẻ nhiều nỗi niềm, thoáng chút khổ đau vì những mối tình đã đi qua trong cuộc đời: “Thành phố thiếu em nên thừa ra anh/ Lại thêm một người hút thuốc/ Hoa sữa vẫn vào mùa nhưng nghẹn ngào không thơm lên được/ Tách cà phê chỉ biết đắng cồn cào…”, Phạm Nguyễn Toan lạc vào thế giới trẻ thơ trong trẻo hồn nhiên với những vần thơ đơn giản như hội thoại, mộc mạc như lời nói đời thường nhưng say lòng nhiều cô bé, cậu bé tuổi mẫu giáo, tiểu học. Những bài thơ đầy ngộ nghĩnh, mát lành và trong trẻo: “Sáng nay trên cánh đồng/ Có một đàn cò trắng/ Bay đi mời ông sấm/ Để về làng làm mưa/ Thế mà mới tan trưa/ Trời đã mưa xối xả/ Chao ôi thích, thích quá/ Rợp cả trời mối bay…” hoặc bài “Bố ơi, con nói nhỏ/ Con bảo bạn mắt rồi/ Đã đến giờ đi ngủ/ Bạn ấy chẳng nghe lời/ Mà bạn mắt cứ thức/ Là bạn miệng lại cười/ Chuyện này mẹ biết được/ Lại đánh bạn mông thôi”… Ngay cả chuyện “làm công tác tư tưởng” để con ngủ riêng cũng được Phạm Nguyễn Toan diễn đạt đầy ngộ nghĩnh: “Ở nước ngoài con ạ/ Trẻ con rất là ngoan/ Không ngủ chung với mẹ/ Mà nằm riêng hoàn toàn/ Việc này giúp các bạn/ Sớm tự lập sau này/ Nếu mà con đồng ý/ Tuần sau mình làm ngay…/ Mẹ ạ, việc này khó/ Con quen hơi mẹ rồi/ Mà bố đã lớn thế/ Vẫn ngủ chung đấy thôi!”. Và nữa, một cuộc “mặc cả” với bà nội rất khéo: “Bà nội ơi bà nội/ Cháu muốn xin phép bà/ Để đón bạn mèo béo/ Lên Hà Nội thăm nhà/ Cháu thích bạn ấy lắm/ Lông cứ mượt như nhung/ Lại rất hay làm nũng/ Yêu đến thế là cùng/ Cho cháu mượn bạn ấy/ Đến Tết lại về thôi/ Nhìn bà cười cháu biết/ Là bà đồng ý rồi!...”…

Hỏi anh về sự thay đổi này, Phạm Nguyễn Toan mỉm cười nhẹ nhàng: “Đó là khi niềm hạnh phúc làm cha đến với anh, hai đứa con bé bỏng đã là những áng thơ đẹp nhất đến với cuộc đời anh. Cả tập thơ Thế giới trong mắt bé là các con anh viết chứ không phải người viết văn mang tên Phạm Nguyễn Toan. Bởi vì, nếu là anh, anh sẽ viết “Con là người thầy vĩ đại/ Dạy cho cha đức hy sinh/ Con là vị ân nhân lớn/ Ban cha hạnh phúc đời mình…” hoặc sẽ thế này: “Này hỡi các con yêu quý của cha ơi/ Cha viết cho con khi cách xa gần nửa vòng trái đất/ Nơi có những buổi chiều bụi mù và hoàng hôn bỏng rát/ Nơi cha đã khóc trước nụ cười của em bé Phi châu/ Sẽ có rất nhiều lần để con đến thành Rome/ Nhưng khi lớn lên, cha mong con một lần thăm xích đạo/ Nơi thừa nắng, thừa khổ đau, thừa hoang dại/ Và thừa cả vô cùng niềm hạnh phúc, lạc quan/ Ở đây chẳng có gì là tính toán thiệt hơn/ Mỗi con người đều như thân bao báp/ Thản nhiên xanh giữa muôn trùng khô khát/ Tự tại đi cho đến cuối hành trình…”.

Phạm Nguyễn Toan chia sẻ: “Thật ra phải cảm ơn công nghệ, cảm ơn Facebook. Tôi lập một cái Facebook nhưng chẳng biết viết gì, thế là mỗi ngày tôi làm một bài thơ cho con. Hứa với chúng như thế, thực hiện được hai tháng và thế là có tập thơ này. Thế giới trong mắt bé hoàn toàn không có ngôn ngữ của người lớn, không có những bài học áp đặt được đúc rút với những thành bại của đời người, mà tất cả đều là ngôn ngữ của các bé, có chăng chỉ là cách biểu đạt, sự “tinh ranh” già trước tuổi tí chút. Tôi không đủ tài để nghĩ ra những câu chuyện, những vần thơ hay cách diễn đạt ngộ nghĩnh và trẻ con đến thế. Các con tôi đã cho tôi được làm cha và chính sự hồn nhiên, ngây thơ con trẻ đã cho tôi “một vé đi tuổi thơ” với những trải nghiệm đầy thi vị. Tôi sinh ra ở làng quê; có một tuổi thơ đầy kỷ niệm của một đứa trẻ làng với những trò nghịch ngợm, với cánh đồng, dòng sông, con diều… Tuổi thơ tôi cũng ít được gần bố vì ông đi bộ đội, ông dạy con bằng thư và yêu con bằng thơ… Tôi chỉ cố để cho các con tôi đỡ thiệt thòi.

Thời nay, trẻ con thành phố thiệt thòi quá. Hàng ngày chúng phải di chuyển trong những “cái hộp” từ nhà ra ô tô đến trường và sống trong thế giới ảo của games. Chúng phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, quá nhiều kỳ vọng của các bậc sinh thành. Áp lực ấy khiến chúng bị già trước tuổi, trở thành những “ông cụ non” và mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ đáng có. Dường như hiện nay, ông bố bà mẹ nào cũng rất chăm lo cho con, xã hội cũng dành nhiều quan tâm cho trẻ nhỏ; nhưng bạn cứ nghĩ xem, chúng ta chỉ dành sự chăm sóc ấy cho trí tuệ, thể chất, kỹ năng để mong con mình “sống được với đời” nhưng gần như quên bẵng việc nuôi dưỡng, nâng niu tâm hồn con trẻ. Theo dõi đời sống trẻ thơ, tôi cảm nhận rằng, tâm hồn trẻ em thành thị thời nay, tôi thấy dường như đang bị “sa mạc hóa”. Trẻ bây giờ không biết đến ca dao, tục ngữ; không màng cổ tích, không thích thơ ca. Thiếu tâm hồn, thiếu sự lãng mạn tuổi thơ, chúng ta đang hình thành nên một thế hệ tương lai lạnh lùng. Mà từ lạnh lùng đến vô cảm thì gần lắm. Thi ca, văn học nghệ thuật là liều thuốc bổ dưỡng cho tâm hồn, nhưng ngày nay điều này đang quá thiếu với trẻ em”.

Phạm Nguyễn Toan là một người viết đầy năng động, anh bắt nhịp với thời cuộc khá nhanh nhạy với nghề PR, một nghề đòi hỏi có mối quan hệ rộng, sự khéo léo và nhận biết được đâu là đích đến của mình. Mặt khác, với tư cách của một nhà báo, Toan lại sắc sảo khi bình luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, cái nhìn đa chiều, thấu đáo với lối kể chuyện hóm hỉnh… Các bài viết của anh luôn tạo ra sức cuốn hút với người đọc. Ngay cả những vấn đề hết sức khô khan, mang tính chuyên môn sâu, nhưng qua cách lý giải dễ hiểu với những ví dụ minh họa “hiếm”, “đắt” và sát thực.

Cách đây không lâu, anh cho ra mắt cuốn sách Vấn đề không phải là tiền và tới đây, cũng cùng phong cách viết ấy, anh sẽ trình làng cuốn Hà Nội không vội được đâu, một cuốn sách tập hợp những bài “Nghe và Nghĩ”, “Góc nhìn” mà tác giả đã đăng tại các chuyên mục do mình phụ trách trên các báo trong gần 2 năm trở lại đây. Và mặc dù tựa sách rất hóm này cũng chỉ đơn thuần lấy từ tên một bài viết, song, đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo mà tác giả muốn đề cập tới trong cuốn sách của mình. Hà Nội không vội được đâu như một “thành ngữ thời @”, vừa là lời cảm thán, vừa thể hiện sự châm biếm, sâu cay khi người ta muốn diễn tả thực trạng trì trệ đang diễn ra ở một lĩnh vực nào đó.

Một người biên tập khó tính đã nhận xét: “Đọc Phạm Nguyễn Toan, độc giả có thể sẽ “gật gù” ngay với những tít bài chơi chữ đầy châm biếm và sâu sắc; sẽ thở dài khi hiểu sự thật đằng sau những con số, sự kiện; sẽ tâm đắc với những “chuyện vỉa hè” mà tác giả nghe và kể lại; sẽ buồn vui cùng những bình luận khi dí dỏm, “đanh đá”;  khi bỏ lửng, buông xuôi; và cũng có thể sẽ phải cùng suy ngẫm, trăn trở với những câu hỏi như một cái kết mở ở nhiều bài viết… Và, qua những bài viết, người đọc cũng thấy được một phong cách phản biện mang đầy tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội của một nhà báo - công dân”.

Có thể nói, Phạm Nguyễn Toan là một người đàn ông nhạy cảm và nhiều lo toan trước những đổi thay chóng vánh những giá trị của con người. Ở anh toát lên được sự điềm đạm nhưng láu cá, sự nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, sự vui vẻ, hòa nhã nhưng có khoảng cách. Toan là mẫu người “làm ra làm, chơi ra chơi”, có thể ngồi uống rượu say quên đường về cùng bạn hữu, nhưng trong công việc, Toan là người đầy nguyên tắc và cẩn trọng. Toan bảo, anh thích câu nói: “Một gã ăn trộm biết làm thơ sẽ lương thiện hơn một gã ăn trộm chỉ biết ăn trộm”. Thơ khiến người ta tử tế hơn. Trong cuộc hành trình tìm kiếm chính mình, Phạm Nguyễn Toan tự nhận mình là người may mắn, may mắn vì có nghề cầm bút, có thơ ca. Ở cõi thơ, anh được bè bạn, gặp được người tri kỷ. Ở cõi thơ, anh cũng gặp được những ký ức ngọt ngào tuổi ấu nhi và những kỷ niệm đã nuôi dưỡng tâm hồn anh những khi giông gió.

Với riêng tôi, tôi thích nhìn ngắm Phạm Nguyễn Toan ở một khoảng lặng của tâm hồn, ở một khối mâu thuẫn trong tận cùng nỗi lòng khi anh cất lên những bài thơ tình đắm say, những bài thơ anh viết về gia đình, quê hương, cha mẹ. Như bài thơ Tự ru anh đã viết và được giải thưởng cách đây 15 năm về trước khi anh mới là gã trai làng mới bước chân ra phố: “Ngủ đi tôi của tôi ơi/ Ngủ đi tôi của cái thời ngày xưa/ Cái thời chăn nắng thả mưa/ Cái thời trắng muốt cánh cò đồng xa/ Ngủ đi cho cải đơm hoa/ Ngủ mà về với tương cà trăng sao/ Ngủ đi mà để chiêm bao/ Thấy mẹ bước thấp bước cao ngõ nghèo/ Làm gì mà phải đăm chiêu/ Áo cơm phố thị vốn nhiều đua chen/ Buồn chi những chuyện không tên/ Vui chi những chuyện hão huyền không đâu/ Người ta kẻ đón qua cầu/ Mẹ ngươi sương nắng dãi dầu ai thương/ Tìm xem nắm đất quê hương/ Cha trao vào buổi lên đường còn không/ Sớm mai là chợ làng Đông/ Gánh rau tàn nhẫn bẻ còng dáng ai/ Ngủ đi ngủ giấc thật dài/ Bậu cửa vẹt, gót mẹ chai, ơi à.../ Ngủ đi, thôi ngủ đi mà/ Nước mắt đừng mặn như là ca dao.../ Chuồn chuồn bay tít trên cao/ Trời đang hạn hán nơi nào... ngủ ơi...”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.