"Khấn nhầm hơn bỏ sót"

Chủ Nhật, 25/07/2021, 09:17
Chuẩn bị cho kỳ thi PTTH, các thí sinh như thường lệ hội tụ về Văn Miếu cầu may. Vì dịch COVID-19, không thể vào vuốt đầu rùa được nên sĩ tử cầm số báo danh khấn vọng qua hàng rào và đốt vàng mã mù mịt. Rất nhiều sĩ tử và phụ huynh vái lạy khói hương trước một tấm bia có chữ "hạ mã". Điều buồn cười là Văn Miếu biết dân không biết chữ Nho nên giải thích bằng cái biển chữ Quốc ngữ "Bia hạ mã. Đề nghị không đặt hoa, đồ lễ và thắp hương tại bia hạ mã. Trân trọng cảm ơn!". Thế mà người ta xếp lễ chồng chất.


Cái bia này vốn chỉ là biển chỉ dẫn giao thông, nghĩa là "Xuống ngựa!". Bây giờ đi xe máy thì mời xuống dắt qua cổng. Sĩ tử phân trần, biết là biển báo giao thông nhưng không vái như bổ củi thì sao qua được vòng gửi xe? Đầu không xuôi thì đuôi không lọt. Không có cái lạy nào thừa, thà "khấn nhầm hơn bỏ sót". Các thầy thở dài, mù chữ khổ thế đấy.

Có cả những bài khấn mà thí sinh chỉ cần điền tên mình cùng số báo danh rồi khấn ở bất kỳ đâu có hương khói cũng được. Bài rất dài, xin trích một đoạn ngắn:

"…Hôm nay con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa, trà quả, lòng thành lễ bạc, tâm có của không thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

"Cúi xin phù hộ độ trì cho con tên là: … tuổi:… sắp tới vào ngày: …tháng … năm … Con dự cuộc thi … tại trường: … ngụ tại (địa chỉ của trường) … ở phòng thi: … số báo danh: …được gặp nhiều may mắn, hanh thông, đỗ đạt trong kỳ thi sắp tới.

Cúi xin ngài thần linh, gia tiên tiền tổ, bà cô, ông mãnh, cô bé, cậu bé tại gia bồi hơi tiếp sức, gia lực hộ trì cho con Long Vân đạt hội, thẳng lối đường mây, công danh thỏa nguyện, tâm cầu sở nguyện, như ý sở cầu, kỳ thi đỗ đạt như ý muốn. Cho con cho cháu được học thông, viết thạo. Học đâu nhớ đấy. Sức khỏe dồi dào, tinh thần thoải mái, tinh tấn thông minh, làm bài được tốt, để lên được lớp, để đậu đúng trường. Đi lại trên đường, bình an vô sự. Để cho tương lai đèn sách, vinh danh bái tổ.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì, chứng tâm. A Di Đà Phật!".

Rất nhiều thí sinh chuẩn bị sẵn người vía tốt chờ sẵn trước cửa, trước cổng xóm để thí sinh gặp trên đường đi thi như sự tình cờ. Việc ra ngõ gặp con gái hay bà đẻ thì cũng kiêng kỵ.

Nếu chỉ làm vài lễ trước kỳ thi thì nhàn quá. Một số học sinh bị phụ huynh chuẩn bị chay tịnh từ xa. Rằng tâm chay tịnh thì nhiều may phúc. Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà "gà chọi" chỉ toàn ăn rau với đậu phụ thì sức đâu chiến đấu.

Kỳ thi sẽ có một số lớn thực phẩm tạm thời được “ân xá”. Đó là trứng, ngỗng, tôm, ốc, mực. Lý do là ăn trứng dễ bị điểm 0, ăn ngỗng dễ bị điểm 2, ăn tôm thì phân để trên đầu, ăn ốc nói mò, ăn mực thì biết đen thế nào rồi đấy.

Ân xá tiếp cho các loại bí vì sợ bí bách không nghĩ ra cách giải đề.

Ân xá cho gà vì sợ ẩu, vì chữ trong bài thi xấu như gà bới.

Ân xá cho món lạc rang lạc luộc để thí sinh biết gạt bỏ lạc thú, không bị lạc đề. Chả ai nghĩ đến lạc quan cả.

Ân xá cho chè đỗ đen vì có chữ đen. Đỗ thì phải đỗ xanh. Đỗ là đỗ ông nghè. Thế nên tích cực nhồi các loại xôi đỗ xanh. Ăn nhiều phát ợ lên.

Ân xá tiếp cho chuối, món ăn bổ dưỡng hàng đầu. Lý do vì sợ trượt vỏ chuối.

Ân xá tiếp cho thịt bò. Lý do sợ ăn thịt bò vào rồi ngu như bò. Riêng việc này thì loài bò rất phiền lòng bèn rống lên một tiếng "ò ò ò!". Dịch từ tiếng bò ra thế này: "Vì sao những người nói ngu như bò nhưng lại cổ vũ uống sữa bò thì thông minh lên. Bảo uống sữa bò thì thông minh vượt trội thì bò có liên quan gì đến việc học dốt của con cái các người".

Nhiều thí sinh không cắt móng chân móng tay, không gội đầu vì sợ kiến thức trôi mất. Thành ra thí sinh bù xù hôi hám chả khác gì Tarzan người rừng.

Số báo danh mà là con số 13 xui xẻo thì phải đi "giải đen". Nhiều cách giải đen rất không tiện nói.

Việc xem giờ xuất hành cũng được đề cao. Thò chân nào trước tiên là việc cần nắn nót.

Thực tế cho thấy những sĩ tử lười, không chịu ôn luyện thì dù kiêng khem nghìn lần vẫn trượt chổng vó. Học tài thi phận vốn chỉ là cách nói thanh minh cho sự yếu kém. Người có bản lĩnh, sau khi thi trượt, đứng dậy ôn luyện nghiêm túc để đỗ đạt. Người u mê, thi trượt lại tiếp tục kiêng khem, hương khói và chờ "sung rụng".

Người thầy lỗi lạc Chu Văn An, người được thờ phụng trong Văn Miếu chắc hẳn sẽ không hài lòng trước việc con cháu lười học hành, siêng khấn vái. Bước đầu tiên rời xa mê tín là cần hiểu đúng, "hạ mã" chỉ là cái biển chỉ dẫn giao thông.

Lê Tâm
.
.