Hỡi hạnh phúc, người ở đâu?

Thứ Năm, 10/10/2019, 05:10
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được tôn kính là chân Hóa thân Đức phật Quan âm Đại từ bi, Ngài là một nhà giáo dục và hoạt động môi trường quốc tế, đồng thời là bậc lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa, truyền thống Phật giáo Đại thừa Kim cương thừa khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ thời Đức Naropa ( 1016 - 1100), bậc Đại thành tựu giả trứ danh của Ấn Độ. Chữ Druk trong danh hiệu Drukpa mang nghĩa "Rồng giác ngộ" và cũng là "Tiếng sấm".


Vào năm 1206, khi nhìn thấy chín rồng cuộn mình phi thiên từ Thánh địa Namdruk, Đức Gyalwang Drukpa đời thứ 1, bậc hóa thân chuyển thế của Đại thành tựu giả Naropa, đã đặt tên dòng Truyền thừa là Drukpa, tức là "Truyền thừa Rồng giác ngộ".

Đức Pháp Vương đã đến Việt Nam nhiều lần để kêu gọi và truyền giảng cho con người tìm thấy hạnh phúc trong chính con người họ. Tôi đã có bốn lần được hạnh ngộ Ngài để trợ duyên Ngài nói về con đường đưa con người thoát khỏi khổ đau, thù hận. Trong một chuyến viếng thăm của Ngài đến đất nước chúng ta, Ngài đã ra mắt cuốn sách có tên "Hạnh phúc tại tâm". Tôi đã được Ngài cho gọi để giúp Ngài giới thiệu cuốn sách ấy.

Trước đông đảo các phật tử và các vị khách ở  mọi lứa tuổi, tôi nói với mọi người rằng: cho đến thời đại này, nếu tôi nói về phép thiêng thì hỏi có bao nhiêu người tin điều ấy. Có người sẽ cười mỉa cho tôi là một kẻ hão huyền. Phép thiêng thật sự có trong đời sống này không.

Với những gì mà tôi đã trải nghiệm, tôi có thể nói rằng: phép thiêng vẫn đang ẩn chứa trong đời sống chúng ta. Nhưng tôi muốn mọi người phải hiểu đúng phép thiêng. Phép thiêng theo tôi không phải là ta chỉ tay vào một cục đất hô một tiếng thì nó biến thành một cục vàng.

Phép thiêng là cái giúp mỗi con người chúng ta xua đi bóng tối trong lòng ta để lòng ta ngập tràn ánh sáng, để ta yêu một cái cây mà trước đó ta từng chặt phá, để ta yêu một con người mà trước đó ta đầy ngờ vực và ghét bỏ, để ta thấy ấm áp và hạnh phúc trong ngôi nhà mà trước đó ta thấy nó chật chội và thiếu thốn làm sao, để ta thấy hạnh phúc chia đều cho mọi người từ một người nông dân trên cánh đồng đến một vị vua trong hoàng cung.

Hạnh phúc đích thực của mỗi chúng ta không phải do người khác mang đến cho dù người đó là một vị Thánh. Hạnh phúc đích thực của mỗi chúng ta là do chính chúng ta làm nên. Đức Pháp Vương hay những vị Thánh khác chỉ giản đơn là một người bạn, người bạn ấy không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta, ngừng lắng nghe chúng ta, người bạn đó lúc nào cũng ở bên chúng ta trong mọi lúc mọi nơi để giúp chúng ta đi qua những đau khổ, ngờ vực, tham lam, tuyệt vọng.

Chúng ta thường tự đặt câu hỏi hoặc kêu lên: "Hạnh phúc, người ở đâu?". Tôi đã từng nhiều lần đặt cho mình câu hỏi ấy và cũng không ít lần phải kêu lên như thế. Rồi cuộc sống làm cho tôi thấy con đường đi đến hạnh phúc hiện ra rõ ràng và quen thuộc như chính con đường chúng ta vẫn đi từ nơi làm việc về tới cửa ngõ nhà mình chứ không phải là một con đường nằm trong gió, trong mây.

Trên con đường ấy, mây vẫn bay lộng lẫy trên bầu trời, cây lá vẫn xanh tươi, hoa vẫn ngào ngạt tỏa hương, quả vẫn chín ngọt, chim chóc vẫn hót vang, ngọn lửa vẫn nhóm lên trong bếp, lúa vẫn vàng rực trên cánh đồng và có những người vẫn yêu thương và chờ đợi chúng ta. Thế thì làm sao chúng ta lại phải tuyệt vọng và sợ hãi.

Một điều vô cùng sâu sắc và lớn lao trong cuốn sách của Ngài khi Ngài nói "Hạnh phúc không phải là mục đích mà là một hành trình". Điều này không phải nhiều người trong chúng ta nhận ra. Chính vì thế mà có biết bao người lòng luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc, đi kiếm tìm hạnh phúc không mệt mỏi mà không chạm đến được hạnh phúc cho đến tận cuối đời. 

Họ không nhận ra rằng hạnh phúc đã hiện ra trên chính con đường mà họ đang đi trong mỗi bước chân. Thanh thản uống một chén tra, đấy là hạnh phúc. Vui vẻ gieo những hạt giống xuống cánh đồng, đấy là hạnh phúc.

Chỉ đường cho một khách du lịch, đấy là hạnh phúc. Nhận ra lỗi lầm của mình, đó là hạnh phúc. Cầm tay một người bạn lúc họ ốm đau hay sợ hãi, đó là hạnh phúc. Bỏ rác vào nơi qui định, đó là hạnh phúc. Và mỗi ngày, mỗi người sẽ làm biết bao công việc. Chính mỗi công việc ấy đều chứa đựng hạnh phúc.

Tôi tin chắc khi một ai đó tin vào hạnh phúc thì họ đã đặt chân vào con đường của hạnh phúc rồi. Chỉ cần họ tiếp tục đi trên con đường ấy với một niềm tin mãnh liệt và sự chia sẻ, họ sẽ tới được hạnh phúc. Trong bản thảo trường ca Lò Mổ của tôi, một nhân vật của trường ca đã nói chuyện với Đức Chúa:

- Thưa Cha, xin Người cho con đến được Nước Người để con nhìn thấy  Ánh Sáng và Tự do.

- Hỡi con bé bỏng, Ánh sáng và Tự do bắt đầu từ chính nơi con đứng dậy và bước đi trong bóng tối

Kể cả Đức Chúa cũng không thể mang chúng ta từ một nơi tăm tối, khổ đau đến một nơi ngập tràn ánh sáng của hạnh phúc. Người chỉ tìm cách mang tới cho chúng ta niềm tin vào con đường chúng ta đi mà thôi.

Có lần nói chuyện với một linh mục của giáo phận Hà Nội, tôi hỏi vị linh mục kia Chúa có sức mạnh toàn năng vì sao Người không đưa tay lên và trong nháy mắt xóa đi mọi khổ đau, bất hạnh của con người trên thế gian này. Hỏi vậy, nhưng tôi hiểu rằng: hạnh phúc không bao giờ là một món quà ai đó mang cho chúng ta mà là con đường chúng ta đi trong một niềm tin và khát vọng lớn lao.

Chúng ta mới chính là những người quyết định hạnh phúc của mình và thấu hiểu sự hạnh phúc của mình. Trong bài thơ Bài hát về cố hương của tôi có những câu thơ: 'Kiếp này tôi là người/ Nếu kiếp sau là vật/ Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi".

Khi bài thơ này được công bố, có người mỉa mai tôi rằng người không muốn làm lại muốn làm chó. Vấn đề lớn nằm ở cách nhìn này. Tôi có hạnh phúc không khi ở một kiếp nào đó biến thành một con vật hay côn trùng? Cụ thể ở đây là một chú chó nhỏ. Nhưng tôi thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc không phụ thuộc vào công việc hay vị trí của ta trong xã hội mà phụ thuộc vào khát vọng của ta.

Khát vọng trong những câu thơ nói trên không phải là khát vọng biến thành vật ở một kiếp nào đó mà là khát vọng được hiện diện trong bất cứ hình thức sống nào để được đứng trên mảnh đất cố hương mình và canh giữ những điều đẹp đẽ của cố hương mình, để được thêm một lần nữa yêu cố hương mình.

Tôi là người có cơ hội đi rất nhiều nơi trên thế giới từ khi còn rất trẻ. Và không ít nơi người ta khuyên tôi ở lại để có thể được sống trong một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất… trong khi trong nước có muôn vàn khó khăn.

Nhưng những lúc như thế, tôi tự hỏi nếu định cư ở một đất nước khác thì tôi sẽ phải dời xa ngôi nhà của tôi, tôi sẽ không được đi trên con đường thân thuộc tôi đi ngày ngày, tôi không được tắm gội trong những cơn mưa xứ sở, tôi sẽ chẳng được chìm vào những ngọn gió đổi mùa trên cánh đồng làng, tôi không được ngồi uống cà phê trong một buổi sáng đầu đông với bạn bè…

Như thế, sự bất hạnh sẽ xuất hiện và theo đuổi tôi những năm tháng còn lại ở xứ người. Nhà thơ giải Nobel Rabindranath Tagore viết một bài thơ về một đứa trẻ chơi trên bãi biển. Tôi không nhớ cụ thể bài thơ nhưng câu chuyện được kể trong bài thơ mãi mãi mãi ảnh và khai mở tôi. Trên bài biển ấy, những ngọn gió dụ đứa trẻ ấy đi theo chúng để đến những nơi thần tiên mà đứa trẻ chưa từng biết.

Đứa trẻ không đi và nói nếu nó theo ngọn gió đi thì chiều mẹ nó về biết tìm nó ở đâu. Rồi những ngọn sóng lại đến dụ đứa trẻ hãy đi cùng chúng đến những hòn đảo đẹp như chốn thần tiên và có tất cả những thứ mà đứa trẻ thích.

Đứa trẻ không đi và nói nếu nó theo những con sóng thì chiều mẹ nó về biết tìm nó ở đâu. Cuối cùng mẹ đứa trẻ từ cánh đồng trở về. Hai mẹ con đứa trẻ ôm lấy nhau cười vang và không ai biết được hai mẹ con đứa trẻ ấy ở đâu trong sự vô tận của hạnh phúc ấy.

Con đường dẫn đến hạnh phúc nhân loại đã chỉ ra từ hàng ngàn năm nay trên hành trình đi tìm hạnh phúc của mình. Tôi chỉ là kẻ nhớ và nói lại cùng với những trải nghiệm của mình khi tôi nhận ra rằng: con người đang lãng quên con đường đi tới hạnh phúc trong lúc đang cuống cuồng và đầy tuyệt vọng đi tìm hạnh phúc.

Hiện thực cho chúng ta thấy chưa bao giờ con người Việt Nam lại lao vào cuộc kiếm tiền điên rồ như bây giờ. Bao cái chết thương tâm của những anh chị em ruột giết nhau vì hơn thiệt một chút vật chất nào đó. Nếu chúng ta thấy mình bất hạnh khi ít tiền hơn một người khác thì chỉ có một kẻ duy nhất hạnh phúc trong tổng số hơn bảy tỷ người đang sống trên thế gian này.

Duy nhất một người. Bởi luôn luôn có một kẻ giàu có nhất còn tất cả những người khác đều đứng sau.  Nếu tính theo công thức hạnh phúc theo số đếm của những đồng tiền thì toàn bộ nhân loại đang sống trong bất hạnh.

Hồi con gái tôi hơn hai tuổi, một hôm cháu chạy từ ngoài vườn về với một gương mặt hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.Cháu xòe bàn tay nhỏ xíu run rẩy ra. Trong lòng bàn tay cháu là một viên bi thủy tinh nhiều màu mà cháu tìm được trong đất đá ở góc vườn.

Cháu đã cất giữ viên bi ấy như cất giữ một viên ngọc lớn nhất thế gian. Viên bi ấy không có một chút giá trị nào về vật chất nhưng là một giá trị tinh thần khổng lồ. Trong giấc ngủ cháu đã khóc khi mơ thấy viên bi bị mất.

Tôi chẳng thể nào quên được bàn tay nhỏ xíu của con gái tôi nắm chặt viên bi khi ngủ. Mãi về sau trong cuộc đời của con gái mình, tôi tin cháu sẽ khó tìm được hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc khi tìm thấy viên bi đó. Và chúng ta, những người lớn, có lẽ cần phải tìm được một viên bi kỳ vĩ như thế trong đời sống tinh thần của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.