Hội chứng sợ Tây

Thứ Năm, 17/03/2016, 10:47
Người Việt cãi nhau với người Việt, lúc nào cũng hăng. Cần thiết, có thể nói liên tiếp hai vạn chín nghìn bảy trăm sáu mươi một từ liên tục mà không đổi hơi. Cần thiết, có thể hét to một tiếng ngang còi tàu hụ rồi nhanh chóng lao vào tẩn nhau miệt mài không khác dã tràng lấp biển. Đại khái, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, chết bỏ.

Và lúc mà đã nói liên tiếp hai vạn chín nghìn bảy trăm sáu mươi một từ liên tục không cần đổi hơi, đã hét to một tiếng ngang còi tàu hụ, đã tẩn nhau thừa sống thiếu chết mà vẫn chưa phân thắng bại.

Họ bắt đầu mang Tây ra luận. Ai luận được nhiều Tây hơn người đó nhất định chiếm được lợi thế.

1. Cứ dăm bữa nửa tháng, những cá nhân tự xem là trí thức lại lôi Tây lên tôn sùng như bửu bối để tranh luận. Hôm trước, là mượn Tây lý giải chuyện du học sinh ở lại nước ngoài không chịu trở về nước cống hiến. Hôm sau, là chuyện người Tây không hung hãn như người Việt. Hôm tiếp, là chuyện người Tây không ủng hộ chuyện ngoại tình còn người Việt thì hân hoan tiếp nhận… Đại khái, chuyện gì Tây cũng ưu việt. Đại khái, chuyện gì của nước mình cũng không đâu ra đâu.

Cứ sau Tết Nguyên đán vài hôm, khắp các trang báo từ báo in đến báo mạng dày đặc những lời bỉ bai các lễ hội, từ lễ hội cướp phết đến lễ hội cướp Hoa tre, rồi lễ hội chém lợn, lễ hội đâm trâu...

Các bậc thức giả tự xưng ấy hăng hái bỉ bai quá, mà quên mất lễ hội cũng như tín ngưỡng gói gọn trong khuôn khổ cộng đồng làng xã. Nghĩa là gói gọn trong niềm tin của một nhóm người cùng chung tập quán sinh hoạt.

Họ cảm thấy lễ hội ấy phù hợp với họ, họ cảm thấy điều đó thú vị cho đời sống của họ. Họ không biểu diễn cho đám đông xem, họ không trình bày cho các cộng đồng khác xem.

Ấy vậy mà vẫn chửi họ như hát hay, vẫn mắng họ như đúng rồi. Ngô tình thật không thể nào hiểu được.

Những lễ hội ấy có phản cảm, có không hợp lý hay có thế này hay thế khác là vì người quan sát có nhãn quan khác với người trong cộng đồng lễ hội. Kiểu như chúng ta nhìn thổ dân ăn thịt kẻ thù thì bảo là man rợ hay tàn ác vậy. Nhưng với thổ dân đó là điều mang lại khoái cảm tinh thần cho họ.

Sẽ chẳng ai hiểu được ý nghĩa của những lễ hội này vì họ không thuộc về cộng đồng của lễ hội. Và những lễ hội như vậy chỉ tự mất đi khi cộng đồng ấy cảm thấy không còn phù hợp, mỗi thế hệ đã qua lễ hội sẽ có những biến chuyển so với lễ hội gốc.

Chỉ có vậy thôi mà. Chứ chuyện này hoàn toàn không liên quan đến Tây hay đến ta gì cả. Khổ quá khổ, đến lễ hội xứ mình mà cũng lôi Tây vào thì Ngô chịu, Ngô cũng không biết phải làm sao nữa.

Minh họa: Lê Phương.

Sau lễ hội là đến truyện cổ tích. Ngô không biết tự bao giờ, trào lưu cãi nhau với cổ tích đang hiện hữu. Nghĩa là, lấy tư duy ngày nay để phỉ báng tư duy ngày xưa. Cổ tích có lạc hậu như các hủ tục không? Cổ tích lạc hậu so với bây giờ - tất nhiên, nó là một loại hình văn học phản ánh quan điểm của một nền văn minh lúa nước, của nền văn hóa làng xã, cây đa, cổng làng. Đầu tiên, có tính truyền miệng. Sau đó, thông qua các cuộc điền dã; nhà nghiên cứu, nhà văn chép lại thành sách.

Đừng lo sợ con cháu sẽ học cái không phù hợp từ cổ tích, theo quan điểm của bạn. Bởi cũng như mình, mình tin bạn đã đọc cổ tích. Và bạn có làm mắm Cám không? Bạn có trộn cát vào bát cơm của con chồng không? Bạn có đuổi em ruột bạn ra gốc khế để giành hết gia tài không?

Tây có cổ tích không? Tây cũng có cổ tích. Cổ tích của Tây còn nhiều chi tiết dở hơn chi tiết trong Tấm Cám. Là bởi bạn chưa đọc thì bạn cứ nghĩ cổ tích của Tây chỉ có mỗi ấm áp như Cô bé bán diêm.

Những khía cạnh liên quan đến văn hóa, đến văn học thì phải được phân tích dựa trên lăng kính văn hóa, văn học. Chứ không phải dựa trên một chuyến đi Tây về mà kể, hay dựa trên tinh thần tôn sùng Tây mà bàn.

2. Vừa rồi, có đoàn làm phim Tây đến Quảng Bình quay vài phân đoạn. Cả nước hồ hởi, từ khen đoàn phim của Tây chuyên nghiệp cho đến đoàn phim của Tây kỷ luật bảo tồn di sản giúp nước ta. Rồi lại bàn nhân cơ hội này phim Tây sẽ giúp chúng ta phát triển quảng bá du lịch không công.

Tây họ đâu có rảnh vậy?

Tây họ làm gì cũng đều có mục đích? Đặt mấy trăm triệu USD ra để làm một bộ phim, việc đầu tiên là phải tính toán làm cách nào để phim hay nhất, hoàn hảo nhất. Phim phải hay nhất, phải hoàn hảo nhất thì mới có thể nghĩ đến chuyện thu hồi vốn rồi sinh lợi.

Mà muốn đẹp, muốn hoàn hảo thì cảnh quay phải phù hợp, phải long lanh. Đến Việt Nam, vừa có cảnh đẹp lại vừa được quảng bá rầm rộ thì mắc mớ gì không qua.

Còn chuyện quảng bá du lịch, thì Chính phủ đã phân công cho đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rồi. Cứ vậy mà động não làm, cứ vậy là toan tính quảng cáo để thu hút khách du lịch sao cho hợp lý nhất. Chứ quản lý nhà nước mà cứ ngồi hy vọng một đoàn làm phim kinh doanh sẽ quảng bá không công cho lĩnh vực của mình thì Ngô cũng không biết phải lạm bàn làm sao nữa.

Duy có điều này phải thừa nhận, khi đoàn làm phim Tây rút đi họ đã dọn dẹp sạch sẽ trả lại cảnh quan ban đầu. Tây họ ít xả rác hơn người Việt mình, thói quen này được duy trì truyền đời qua nhiều thế hệ. Ngô có cậu em con dì sinh ở Mỹ, về Việt Nam ăn kem, thản nhiên đút que kem lẫn vỏ kem vào túi quần về nhà ném vào sọt rác nhất chứ nhật định không quẳng ra đường làng. Nhìn rất hay.

Sau phim lại lấy Tây bàn về Tết Việt. Họ bảo, Tết Việt nghỉ dài quá, nhậu nhẹt lôi thôi lếch thếch, tệ nạn cờ bạc khắp nơi từ nhà ra phố, rồi nghỉ dài quá ảnh hưởng đến kinh tế, lại thêm tinh thần uể oải, thái độ làm việc thiếu nghiêm túc trước và sau Tết. Tức là, có rất nhiều trở ngại nếu cứ đón Tết theo kiểu Việt mà không chịu đón năm mới theo cách của Tây.

Ngô có hỏi một chị sinh sống ở Mỹ, chị nói trường học tại Mỹ nghỉ đông (nghĩa là nghỉ Giáng sinh kéo dài qua năm mới Dương lịch) bắt đầu từ ngày 23/12, nghỉ tầm khoảng 2 tuần, còn người lao động nghỉ ngắt quãng chứ không nghỉ một mạch vậy. Tây họ nghỉ thì cũng tụ tập party, bia rượu, cũng mua sắm, đi chơi, cũng quậy thả ga. Đó là những ngày giờ tươi đẹp để giải tỏa stress, cũng mát trời ông địa.

Còn vì sao nước mình cứ nghỉ Tết là lại như vậy thì phải hỏi từng cá nhân mỗi người, là do tư duy của mỗi người, mỗi  gia đình chứ không phải là do kỳ nghỉ Tết. Có ai xui nghỉ Tết là phải nhậu say xỉn rồi tẩn nhau đến nhập viện, có ai bảo Tết là phải chơi cờ bạc đến cháy túi bán nhà, có ai khuyên nghỉ Tết phải ăn ngập mặt cho mập thây rồi lười biếng đâu. Toàn là tự mình cả thôi, xong lại nằng nặc đi đổ lỗi cho hoàn cảnh, chứ Tây ta gì ở đây.

Hôm Tết Ngô nghỉ, toàn ở nhà chơi với ba má và các con, đi ra mộ thắp nhang cho ông bà, thăm bạn bè rồi đọc sách. Nhớ tuổi thơ quá thì lang thang đường làng, nhìn cây nhìn lá, chào hỏi xóm giềng. Bạn bè rủ uống rượu, Ngô uống một xíu rồi ngồi dùng trà, vẫn chém gió ào ào được.

Không vấn đề gì đâu, chẳng qua là tại chúng ta cứ hưng phấn quá mất kiểm soát thôi.

3. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tây và ta, chính là Tây duy lý còn ta duy tình. Tây đụng gì cũng nói đến luật pháp, luật định. Ta đụng việc xét đoán tình trước (cái tình bao gồm cả mối quan hệ, vị trí cá nhân), mặc dù miệng vẫn bi bô trước pháp luật đều bình đẳng như nhau.

Học được Tây cái này thì hay, đáng tiếc là chúng ta không chịu học. Thay vào đó toàn mượn ánh sáng Tây để minh chứng cái văn minh tự phong của cá nhân nhằm chửi nhau cho sướng miệng.

Mấy lâu trước, Ngô có trao đổi với một vị giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa. Giáo sư có khai kiến cho Ngô chi tiết này. Đó là trong sự giao lưu và dịch chuyển văn hóa, Tây họ học được nét nhân văn và thông cảm của phương Đông. Còn chúng ta toàn học những trò buồn cười của Tây kiểu Ngày Tình yêu, Lễ hội hóa trang… nghĩa là, tận thẳm sâu trong tư duy của mình, chúng ta vẫn thích hình thức lắm.

Thật ra, Tây họ cũng như mình vậy. Cũng có người này người kia, cũng có hạn chế này hạn chế nọ. Vấn đề là chúng ta chọn góc nhìn nào để quan sát mà thôi.

Vừa quan sát học cái hay để noi theo, vừa tự tu dưỡng bản thân để hoàn thiện thì mấy chốc mà thành người tử tế.

Chứ cái kiểu ngồi sợ Tây rồi tán tụng Tây, nói năm câu khen Tây ba lần thì buồn cười lắm. Đơn giản nhất thì Tây cũng là người mà chúng ta cũng là người.

Người nào cũng có thể trở nên tốt đẹp, vấn đề chính là cá nhân đó có muốn hay không. Mỗi cá nhân tốt đẹp thì xã hội sẽ biến chuyển theo hướng tích cực thôi mà.

Hãy học điều hay của Tây, đừng sợ Tây, đừng mang Tây ra dọa nhau.

Ngô thiệt.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.