Học ngoại ngữ trên đường Trường Sơn
Với những người từng tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc thì ký ức về những năm tháng khốc liệt nhưng hào hùng của cuộc chiến vẫn còn đậm mãi trong tâm trí. Cùng với những mảnh ghép nghiệt ngã, tàn khốc của cuộc chiến, thì những mảnh ghép tươi sáng về đời sống tinh thần của những người lính trẻ, giấc mơ khát vọng học tập của những chàng sinh viên mặc áo lính đã làm nên một bức chân dung thật đẹp về người chiến sĩ.
Nhà báo Lê Trung Đản, nguyên biên tập viên của Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng-Cuối tháng cũng từng là một người lính pháo binh trên tuyến đường Trường Sơn trong Chiến dịch Hè thu 1967 và Đông xuân 1968. Và câu chuyện sau đây về chuyện học ngoại ngữ của ông và các đồng đội như một đoạn phim sống động về khát vọng học tập của người lính Cụ Hồ trong những năm mưa bom bão đạn ấy...
Tham mưu trưởng Đỗ Anh Dũng kéo tôi ra tận góc sân Lữ đoàn bộ, hỏi:
- Cậu có biết tiếng Nga không?
- Dạ, em nói và nghe thì kém, đọc hiểu thì tàm tạm.
- “Tàm tạm” là thế nào?
- Ba năm ở cấp III, em đều học tiếng Nga, và em được Trung ương Đoàn Thanh niên khen thưởng bằng cách: cho kết bạn với một cô gái Ukraine, tên là Kốp-che-va Nhi-na. Chúng em thường xuyên viết thư cho nhau, thế nên việc đọc hiểu tiếng Nga của em cũng tàm tạm thôi.
- Tốt rồi! Tốt rồi!
Ông khoát tay như biểu thị đã xong một việc gì đó, rồi quay đi. Hình như trong đầu ông đang suy nghĩ lung lắm về một vấn đề hệ trọng, mà ông chưa thể thổ lộ với tôi. Sau đó một thời gian, tôi mới biết, Lữ đoàn 45 Pháo binh vừa nhận lệnh thay đổi trang bị, vũ khí mới: từ pháo xe kéo sang pháo mang vác.
Cả Lữ đoàn sôi lên trong không khí luyện tập suốt ngày đêm để làm chủ vũ khí mới. Và ngày 13/6/1967, Trung đoàn Pháo binh 45 (đổi phiên hiệu) từ giã chiếc xe kéo pháo thân yêu để bước vào cuộc hành quân bộ lịch sử mang vác pháo ĐKB từ núi rừng Phú Thọ, vượt Trường Sơn vào Quảng Trị, tham gia liền hai chiến dịch Hè thu 1967 và Đông xuân 1968, cực kỳ gian khổ, ác liệt, mà chiến thắng lừng lẫy hào hùng.
Lệnh trên truyền xuống: Mọi liên hệ hoặc thông tin với hậu phương tạm thời cắt đứt. Cán bộ, chiến sĩ không được đem theo sổ sách, giấy bút. Áo vệ sinh, chăn chiên,... bỏ lại, để lấy sức mà mang vũ khí, khí tài, trang bị cá nhân, nặng chừng 30-35 kg mỗi người. Ấy thế mà tôi vẫn “phạm quy”: tách từng phần (theo bảng chữ cái ABC) cuốn Từ điển tiếng Nga, rồi bí mật giấu kín vào bàn đạc Pu-ô 9, hoặc kẹp lẫn với giấy tác nghiệp, bảng bắn. Nặng quá, bảy ngày đầu, hai vai và hai bàn chân tôi rộp phồng, rớm máu.
Lúc nghỉ trong đêm, tổ kế toán ôm nhau khóc vì đau. Cực nhất là vượt trọng điểm, trên trời thì pháo sáng địch thả liên tục, soi rõ từng vết chân ngọn cỏ. Tiếng máy bay gào rú; tiếng bom đạn nổ đinh tai, nhức óc; tiếng người chỉ huy: “Chạy! Dừng lại là chết!”. Tới điểm tập kết, tim tôi vẫn đánh trống trận.
Tôi cố nhắm mắt, nhưng không ngủ được, lại xòe bàn tay, cố nhớ hai từ tiếng Nga viết trước lúc hành quân. Nhờ có từ điển, khi tới Sở chỉ huy, giữa hai trận đánh, tôi lại hướng dẫn kế toán số 2, số 3 tra bảng bắn bằng tiếng Nga.
Sau hai chiến dịch, nhóm “văn nghệ, văn gừng” chúng tôi có lệnh trở ra Bắc để chuẩn bị cho hội nghị mừng công, riêng tôi thì về Đội Tuyên văn Binh chủng. Số là, khi lớp tân binh chúng tôi được điều về Lữ đoàn 364 (sau đổi là Lữ đoàn 45), thì chỉ có mình tôi là tốt nghiệp cấp III. Sau giờ luyện tập trên thao trường, tôi hý hoáy chuyển thể tác phẩm văn xuôi Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, thành vở kịch nói và gửi cho Đội Văn nghệ Lữ đoàn 45, mà tôi là thành viên, biểu diễn. Nhưng Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn bảo, vở kịch dài quá, không dựng được. Để động viên an ủi tôi, Chủ nhiệm cử tôi đi học (trong mấy năm) một lớp viết văn của quân đội, hai lớp viết kịch nói và một lớp lồng điệu chèo. Chính ủy tiếc tôi là kế toán số 1 được việc, nên chần chừ chưa quyết bề nào. Tôi gặp Chủ nhiệm chính trị, nói: “Thủ trưởng ạ, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo: Ba tháng nữa, họ sẽ dạy tiếng Anh trên đài. Em ra Hà Nội, vừa tham gia Đội Tuyên văn, vừa theo học lớp tiếng Anh của đài, sau này về đơn vị làm phiên dịch khi đơn vị bắt được tù binh Mỹ. Thật là: “Nhất cử, lưỡng tiện”. “Tớ đồng ý, nhưng các cậu phải tự túc phương tiện ra Bắc, đơn vị trực chiến, không có xe đưa đi đâu”. Thế là tốp “văn nghệ, văn gừng” chúng tôi hành quân như bay ra Bắc. Tôi đến ngay phố Trần Xuân Soạn đưa bức thư tay của Tiểu đội trưởng Trinh sát Nguyễn Đình Sơn (là người thân quen với Giáo sư Vũ Tá Lâm), nói:
- Em biết anh sắp dạy tiếng Anh trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đơn vị cử em ra gặp anh để xin học. Học xong, em sẽ về đơn vị làm phiên dịch. Ở chiến trường, quân ta thắng to, bắt sống được nhiều tù binh Mỹ, nhưng chẳng thằng giặc nào biết tiếng Nga… Em ra đây lớ ngớ như lạc vào rừng, chẳng biết mua tài liệu học tập ở đâu.
Tôi để ý thấy Giáo sư Vũ Tá Lâm cứ ngồi im, chăm chú nghe, không nói nửa lời. “Kiểu này là xôi hỏng, bỏng không rồi!”. Tôi tự nhủ thế và giở trò láu cá, nói: “Chúng em vượt qua biết bao mưa bom bão đạn của kẻ thù, mới đến được với anh một cách lành lặn và giữ nguyên khát vọng được học tiếng Anh. Thế là, trời thương, kẻ thù nể, anh nhỉ?”.
Giáo sư Vũ Tá Lâm lặng lẽ quay vào nhà trong, bê ra một chồng sách mới cứng, còn thơm mùi mực in, nói:
Lá thư Kốp-che-va Nhi-na gửi tác giả ngày 3/12/1963. |
- Anh tặng em đủ bộ cho bốn người học (mỗi bộ hai tập). Em nên rủ thêm các bạn cùng học theo từng cặp, để rèn luyện kỹ năng nói và nghe, thì mới mau tiến bộ được.
Tôi sung sướng quá, ôm chồng sách, như ôm đống vàng, ra về. Sau này, tôi được anh Nguyễn Đình Sơn thuật lại lời Giáo sư Vũ Tá Lâm nhận xét về tôi rằng: “Lúc đó, anh cảm động quá, không nói được câu nào, chỉ tự hỏi: Sao trên đời này lại có những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiếu học ngoại ngữ đến thế?”.
Được thầy cho sách, tôi vẫn chưa thỏa sơn say mê học ngoại ngữ. Khi về học Đại học Báo chí (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khóa II, tôi bớt ăn, bớt tiêu, cố dành dụm tiền mua bằng được chiếc đài National ba băng, để chiều chiều tập nghe chương trình dạy tiếng Anh trên Đài BBC.
Hồi đó, cánh sinh viên chúng tôi ăn uống rất kham khổ: gạo dự trữ trong kho lâu ngày bị hẩm, vài cọng rau bao cấp đã úa, đôi ba miếng thịt lợn thái mỏng như tờ giấy pơ-luya, gió thổi bay, chỉ còn trông chờ vào bát canh “toàn quốc” (toàn nước) chan ngập đầu gối, rồi “lính bộ đánh thủy” cho trôi cơm. Trớ trêu thay, Đài BBC lại dạy tiếng Anh vào đúng giờ chúng tôi đi ăn cơm chiều. Mà nhờ bạn lấy cơm, thì không có đồ đựng “canh toàn quốc”. Thôi thì, được cái nọ, phải chịu thiệt cái kia.
Lúc đầu nghe đài, tôi chẳng hiểu gì cả, đầu cứ ong ong như bị tra tấn. Học tiếng Anh khó nhất là phát âm. “Chịu khó vậy!”. Vài tháng sau thì “nghiện”, và bắt đầu tập nói theo kiểu Ăng-lê, thuần thục đến nỗi cô Phi, giáo viên dạy tiếng Anh bên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, sang dạy chúng tôi, một hôm bảo tôi: “Hay anh dạy lớp thay tôi. Tôi sắp sang nước Anh thực tập hai năm”. Tôi không chịu, vì cùng học với nhau “bụt chùa nhà không thiêng” đâu. Cô giáo bảo: “Những lần gọi anh lên bảng, tôi biết anh phát âm khá chuẩn, nắm chắc ngữ pháp, nên có thể dạy tiếng Anh được. Tôi sẽ dành ra ít buổi, truyền đạt cho anh phương pháp dạy tiếng Anh, thế là ổn”. Tôi mừng rơn. Quả là cái vốn sư phạm ấy, sau này khi về hưu, tôi đã dạy được 98 học trò, học trong bốn năm, thì Báo An ninh thế giới, và sau này Báo Công an nhân dân tuyển tôi về làm biên tập cho tờ báo rất suôn sẻ được mười sáu năm.
Về tòa soạn báo, hàng ngày thao tác tiếng Việt và tiếp xúc với đội ngũ cộng tác viên là những vị túc nho, tôi mới ân hận một điều rằng, tại sao ngày ấy, mình không thuyết phục được ông bố dạy cho mình chữ nho, chỉ đến khi tôi lấy vợ, sinh con thì bố tôi lại dạy chữ cho cháu nội. Cái lý của ông là, biết tôi ham học tiếng Nga, nếu dạy thêm chữ nho nữa, thì sợ rằng tôi sẽ lơ là các môn học còn lại ở nhà trường. Ông từng nói rằng: “Thôi, con cứ học xong cấp III, bố sẽ dạy chữ nho cho con, cũng chưa muộn!”.
Hàng ngày, nhìn ông bố dạy con trai tôi - nay là Tiến sĩ Lê Tâm Đắc, Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo mà lòng tôi trào dâng một nỗi khát thèm.
Rồi tôi nhập ngũ được hơn hai mươi bốn năm. Khi về, bố tôi đã sang thế giới người hiền, để lại trong lòng tôi một niềm khát khao khôn nguôi: Phải học chữ của cha ông mình - cái vốn văn hóa cực kỳ đồ sộ và quý báu. Thế là năm 2008, ở cái tuổi U.70, tôi lều chõng đi thi vào Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, để rồi, sau bốn năm học, tôi trở về làng mở lớp dạy cái thứ chữ quý giá này (dạy miễn phí). Chuyện học chữ nho còn kỳ công hơn rất nhiều so với thời tôi học tiếng Nga và tiếng Anh. Nhưng xin hẹn trao đổi vào một dịp khác vậy