Học cách đối mặt sự thật

Thứ Tư, 02/06/2021, 11:27
Trong máy tính của tôi từ lâu luôn lưu một file có tên là “Linh tinh lang tang”. Đó là nơi tôi ghi lại nhận xét, cảm nghĩ về những sự kiện hay con người quanh mình. Phần lớn là chuyện ngoài xã hội. Chúng ít liên quan trực tiếp đến bản thân và công việc nhưng lại làm cho tôi phải suy nghĩ về chính mình, về môi trường xã hội mà mình đang sống.

Trong tất cả những “vụn vặt đời thường” mà tôi ghi chép thì nhiều nhất là chuyện người tốt luôn phải đơn độc chống lại sự sai trái, tìm lại công bằng cho mình. Không phải lớn lao, to tát như là việc “đi tìm công lý” hay chống tham nhũng tiêu cực mà chỉ là những chuyện nho nhỏ của bản thân họ, những câu chuyện mà chỉ cần có thiện ý chút thôi là có thể giải quyết thỏa đáng, êm đẹp.

Vài năm trước có sự việc ở một trường học, xe hơi của bà hiệu trưởng chạy trong sân trường đâm vào một học sinh và làm cháu bị gãy chân. Sự việc tưởng như “rõ mười mươi” nhưng không, người cha cháu bé đã kể lại hành trình vô cùng khó khăn khi đi tìm sự thật câu chuyện tai nạn của con trai mình. Khó khăn thứ nhất là việc anh đi tìm để gặp cho được hai bà hiệu trưởng, hiệu phó đã có nhiều biểu hiện che giấu chuyện này. Khó nhì là thuyết phục các thầy cô giáo nói ra sự thật. Khó ba là làm sao cho những phụ huynh khác hiểu và ủng hộ mình vì phụ huynh rất ngại va chạm với nhà trường do “sợ ảnh hưởng đến con mình”. Và theo anh, khó nhất là làm sao để con mình tin là người lớn sẽ nhận lỗi khi họ phạm lỗi.

Tôi rất cảm phục người cha này vì anh kiên trì đi tìm sự thật cho con trẻ để con tin rằng: không phải lỗi của con, dù tai nạn không ai muốn nhưng người gây ra thì cần biết nhận lỗi - nhất là người lớn, là thầy cô giáo. Mục đích của anh không phải đổ lỗi ai đúng ai sai, không phải tìm cách để trả thù hay bêu riếu. Do đó, thái độ của anh luôn bình tĩnh, không xúc phạm người gây tai nạn cho con mình, khách quan tiếp nhận những thông tin “trái chiều” và luôn khiêm nhường trình bày lý lẽ đúng đắn của mình.

Cũng may, sự thật được sáng tỏ nhưng đôi bên đều mệt mỏi và tổn thương. Tôi chắc nhiều thầy cô giáo và phụ huynh đồng cảm với người cha này nhưng liệu mọi người có cảm thấy áy náy hối hận chút nào không, khi đã để mặc cho anh một mình đi tìm sự thật, thậm chí còn có cả những người tham gia cản trở anh. Với người cha người mẹ như thế (tôi tin vợ anh cũng ủng hộ thì anh mới có thể làm được điều đó) cháu bé lớn lên hẳn sẽ là một người chính trực!

Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều câu chuyện như trên nhưng hầu như ít khi nào kết thúc êm đẹp. Bởi vì luôn thiếu vắng một lời xin lỗi được nói ra đúng lúc với thái độ chân thành, thiếu vắng một sự độ lượng chia sẻ chuyện rủi ro, mà thường nghe thấy lời chối tội hay quy kết, đe dọa nặng nề, thậm chí nạn nhân bỗng trở thành người có tội. Và cơ bản nhất là thiếu vắng một thứ: dũng cảm đối diện sự thật, dũng cảm không né tránh sự thật, dũng cảm để không lấp liếm sự thật, dũng cảm để không tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình. Thế là chuyện từ “bé xé ra to” chỉ vì sự thật bị giấu nhẹm, bị tráo đổi đúng - sai. Chính sự thiếu dũng cảm ấy đang là một tập quán rất xấu của người Việt đương đại.

Ở những việc lớn hơn, khi có bất đồng thì người trong cuộc thường không quan tâm đến việc đi tìm bản chất sự việc mà chỉ mải mê tranh luận, trấn áp nhau để chứng minh “tôi đúng anh sai”. Việc tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người khác khá phổ biến, nhất là khi một bên có thế có lực và một bên chỉ là phận “con sâu cái kiến”. Có những người biết rõ sự thật nhưng im lặng, họ chỉ lên tiếng ủng hộ điều tốt một cách “có điều kiện”, khi họ không bị bất lợi, thiệt thòi. Tệ hơn, để kiếm lợi, có người còn tìm cách ngụy biện và bênh vực sự giả dối hoặc tránh né, không dám bênh vực người yếu thế và thậm chí còn “a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức... Bất cứ việc gì, người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương” - như một thói xấu của người Việt mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã lên tiếng cảnh tỉnh từ năm 1929. Thói tật này làm thui chột lòng trắc ẩn và dung dưỡng sự bất công, sâu xa hơn là nuôi dưỡng sự phản kháng tiềm ẩn của những “Chí Phèo hiện đại”.

Tôi từng có những lần được nghe vài người quen thuật lại rằng, trong nghệ thuật bán hàng có một chiêu gọi là “trung thực với khách hàng nhưng chúng ta có thể hơi lái sự thật đi một chút”. Cái việc lái sự thật đi một chút này, theo tôi hiểu, nó như kiểu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng là khi bán một món hàng, ví như bán cái xe gắn máy chẳng hạn, nếu giới thiệu mẫu xe A cho khách hàng, thay vì nói “cái loại này anh lưu ý chút là thiết kế nam tính của nó dẫn đến tay lái sẽ rất rung đấy nhé” thì sẽ lái sự thật đi thành “à, do thiết kế thể thao nên tay lái nó sẽ không êm bằng mẫu xe B đâu”. Đó là cách tránh né sự thật một cách vô hại và có thể chấp nhận được do bối cảnh công việc. Nhưng, ở mọi góc độ, mọi mối quan hệ, mọi tương tác trong xã hội mà luôn bẻ cong sự thật đi thì lại đáng ngại vô chừng. Và đã từ lâu rồi, chúng ta hình thành một thói quen sử dụng uyển ngữ để mô tả một sự việc, hiện tượng đã quá rõ ràng. Chúng ta sợ điều gì? Tại sao phải làm mập mờ mọi thứ như thế trong khi nhu cầu minh bạch trong xã hội ngày càng lớn hơn?

Trong những ngày tháng gần đây, chúng ta ai cũng lo sợ về dịch COVID-19 và thực tế đã cho thấy không ít người chỉ vì “ngại đi cách ly” đã che giấu sự thật. Chẳng hạn, gần đây một bệnh nhân ung thư chuyển từ phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh để khám và điều trị nhưng lại nói dối rằng mình từ Bình Dương lên. Rốt cuộc, khi bị phát hiện, lời nói dối ấy gây tác hại đến bao nhiêu người, trong đó có cả những y, bác sĩ đang căng mình tuyến đầu chống dịch. Chợt nghĩ đến câu nói vui đang xu thời hôm nay là “đừng trốn vì bạn sẽ được tìm” mới thấy không thể nén tiếng thở dài. Cần thiết gì mà phải dối trá đến những việc nhỏ nhất, những việc mà ngay bản thân mình cũng hình dung được rằng cái sự dối trá ấy sẽ bị bóc trần dễ dàng thôi.

Cái tập quán ấy, theo tôi, là thứ người Việt đương đại cần phải sửa ngay, sửa gấp thì mới mong xã hội có thể phát triển được. Dám đối diện với sai lầm của chính mình, nhận trách nhiệm về mình thay vì che giấu sự thật ngõ hầu chối bỏ nghĩa vụ mới có thể giúp gầy dựng nên một cộng đồng thẳng thắn, trọng danh dự, trọng luân lý, chịu kiếm tìm phương án khắc phục...

Mà suy cho cùng, thời gian để che đậy, để lấp liếm, để đổ vấy ấy nếu được sử dụng để khắc phục hậu quả thì chắc chắn sẽ hiệu dụng hơn nhiều. Còn cứ che, cứ đậy, cứ “mình biết với nhau thôi” thì e là hậu quả về sau còn lớn hơn nhiều, mà lớn hơn cả chính là chúng ta tạo ra cho thế hệ đi sau một “văn hóa dối trá” như thế, một văn hóa mà để lâu nó sẽ vấy bẩn luôn hình ảnh của cộng đồng mình. 

Hậu Nguyễn
.
.