Họ - những vị Bồ Tát khoác áo màu diệp lục...

Thứ Năm, 04/07/2019, 17:15
Lúc nào đứng trước họ, ngồi trước họ hay tựa vào họ, tôi cũng thấy mình hạnh phúc bởi cảm giác bình yên, tin cậy và tràn ngập những suy nghĩ thiện lành cho dù họ chưa bao giờ cất lên một lời nào bằng ngôn ngữ của tôi. 

Họ ở mọi nơi chốn trong cái thế gian như càng ngày càng điên loạn và lạc đường của chúng ta. Họ không bao giờ ngừng nỗ lực cứu vớt chúng ta cho dù chúng ta luôn phản bội họ. Họ là ai? Họ chính là những cái cây trên thế gian này.

Họ là sự hoàn thiện của tạo hóa. Cho đến tận bây giờ, tôi đã ngắm nhìn hàng vạn, có thể là hàng triệu cái cây trên mặt đất này từ đông sang tây. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy có bất kỳ một cái cây nào lại phi lý kể từ khi cái cây đó nảy mầm, mọc lên và trút lá lần cuối cùng. Bạn hãy thử nhìn những cái cây mà xem. Mọi hình thức của tất cả các loài cây trên mặt đất này đều đẹp, đều không thừa ra một chút  gì kể cả một cái cành cong hay bị gãy.

Có lẽ đó là lý do mà tôi không bao giờ thích những cái cây bon sai. Tôi thích vẻ đẹp tự nhiên của những cái cây. Bởi đó là những cái cây luôn luôn hòa vào thế giới xung quanh nó một cách tự nhiên nhất. Những cái cây biết cân bằng chúng với toàn bộ nhịp điệu của vũ trụ.

Khởi đầu là một cái hạt. Những cái hạt cây luôn mang một vẻ đẹp tối giản nhưng lộng lẫy. Hồi tôi 18 tuổi, mẹ tôi nói với tôi: "Bền vững hơn vàng là kim cương''. Rồi đợi tôi bước qua tuổi 50, mẹ tôi nói: ''Bền vững hơn kim cương là những hạt cây''.  

Tôi thực sự không hiểu vì đâu mà mẹ tôi, một bà giáo làng lại có thể nói một câu như thế. Càng già đi tôi càng nhận thấy câu nói đó là chân lý và nó chứa đựng một đời sống rộng lớn bên trong. 

Chỉ khi lớn lên và đã hiểu hơn đời sống này, tôi mới quan sát những cái hạt và suy tưởng về chúng. Những cái hạt không bao giờ sốt ruột. Chúng nằm im trong bóng tối của một cái bồ, một cái chum sành, một chiếc giỏ đựng hoặc trong đất sâu hay trong một khe đá. Rồi một ngày, chúng ta gieo những hạt cây xuống cánh đồng. Và chúng vụt mọc lên như một tia sáng, đẹp đẽ, kiêu hãnh và đầy sức sống. 

Hàng năm, tôi thường về quê vào mùa rau khúc nở để hái rau khúc làm bánh mời bạn bè. Và lúc nào cúi xuống hái những ngọn rau khúc, tôi cũng xúc động. Những hạt rau khúc chỉ nhỏ hơn một hạt cát. Chúng vùi trong đất suốt 12 tháng trời. 12 tháng với nắng mưa, sấm chớp, nóng lạnh, úng lụt, hạn hán… 

Chúng nằm trong đất với sự im lặng đến tột cùng như một vị thiền sư tọa thiền để gìn giữ hơi thở và chuẩn bị toàn bộ sức mạnh cho sự trở lại đời sống. 

Và khi những hạt mưa xuân và những ngọn gió xuân ấm áp trở về, những cái hạt nhỏ bé tưởng như không có thật trong đất đai thức dậy và hiển lộ rực rỡ.

Chúng ta có thể sợ hãi sông sâu, núi cao, biển cả khi đứng trước sông, trước núi, trước biển…. Nhưng chúng ta không bao giờ sợ hãi khi đứng trước những cái cây. Càng đến gần những cái cây, chúng ta càng mang cảm giác bình yên và tin cậy. Những cái cây tỏa bóng xuống chúng ta như một niềm an ủi lớn lao và sự che chở vô tận. 

Trong những mùa đông khắc nghiệt, những cái cây bất động với những cành đen đúa như đã chết. Nhưng tôi hiểu rằng, trong sự bất động ấy là một sức sống phi thường ngập tràn ánh sáng. Để một ngày, từ những cành đen đúa và bất động ấy bừng sáng những mầm non, và hoa nở, và quả thơm. Đấy quả thực là một vị bồ tát. Phép thiền định tột đỉnh đã sinh ra ánh sáng của diệp lục, của màu hoa và hương thơm của quả chín. 

Phải chăng, Thượng đế đã gửi những thiên sứ của mình đội lốt những cái cây xuống thế gian để truyền cho con người một bài học lớn về cuộc sống. Nhưng hầu như chúng ta không nhận ra và không học được bao nhiêu từ những thiên sứ diệp lục của Người. Ngược lại, chúng ta điên rồ tàn phá những cái cây để phục vụ cho những nhu cầu vật chất của chúng ta.

Trong ký sự về một chuyến đi làm báo, tôi đã viết về những cái cây: ''Năm 2001, trên đường trở về từ biên giới Pakistan - Afghanistan sau một tháng chứng kiến một phần cuộc tấn công của Quân đội Mỹ vào thủ đô Kabul, tôi dừng lại thành phố Karachi của Pakistan để bay về Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi chứng kiến một thành phố tưởng chừng nơi đây chưa bao giờ mọc lên một cái cây nào. Karachi có hơn 12 triệu người và một số lượng quạ khổng lồ. Trong hoàng hôn của thành phố, tôi nhìn thấy chúng đậu kín những mái nhà và tôi cảm tưởng như những mái nhà được lợp bằng quạ. 

Thật vô cùng khó khăn cho chúng có thể kiếm được một vòm cây để đậu xuống. Đây là thành phố ít cây nhất trong hàng chục thành phố trên thế giới mà tôi đã đi qua. Một công dân của thành phố này nói họ có thể đổi một mạng người để lấy một cái cây cho thành phố này. Câu nói ấy làm cho tôi rùng mình. Có gì đó như vô cảm, như độc ác nhưng lại là một sự thật. Một sự thật của khát vọng đến mê dại.

Chúng ta cần những cái cây như cần một con người có tâm hồn đẹp trên thế gian này. Một ai đó đã từng nói: con người trước kia vốn là những cái cây. Tôi đã tin điều ấy. Những cái cây đã hiện lên quanh tôi thuở ấu thơ mãi mãi vẫn còn trong trí nhớ tôi như những người thân đã sống cùng tôi trong những năm tháng ấy. 

Và không phải mộng mị, cũng không phải do bệnh hoang tưởng, mà là sự thật khi tôi đã thấy những cái cây thuở ấu thơ mọc trên những con đường chốn thôn quê hiện về trong một đêm thành phố oi bức và ngạt thở. Những cái cây hiện về giống linh hồn của những người thân đã khuất. 

Hiện về xanh biếc và lấp lánh ánh sáng của những phiến lá và rực rỡ của những chùm quả. Chúng đứng cạnh chúng ta và toả xuống chúng ta tinh thần của những vẻ đẹp bền vững mà chúng ta không hề biết.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Vào một đêm khuya khoắt, tôi đi bộ trong thành phố vắng người. Lúc này, những cái cây hiện ra như những công dân chính thức của thành phố và sống một cuộc sống đích thực của họ. Tôi dùng từ ''họ'' để gọi những cái cây. 

Bởi họ luôn luôn mang một tâm hồn lộng lẫy. Họ luôn dịu dàng, nhân ái và che chở chúng ta. Họ đã thực sự cứu rỗi chúng ta trong nhiều cách mà chúng ta không nhận ra. Họ chỉ mang một ngôn ngữ khác ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hàng ngày. 

Nếu chúng ta hiểu được ngôn ngữ ấy, chúng ta sẽ thấy họ luôn luôn dạy bảo chúng ta nhiều điều: sự kiên nhẫn, lòng nhân ái, sự dâng hiến và những vẻ đẹp của tâm hồn giản dị với sự nồng ấm từ thân mộc và tiếng xào xạc của những vòm lá.

Những cái cây không những cứu rỗi chúng ta một cách cụ thể mà còn dạy cho chúng ta cách sống. Chúng dạy chúng ta không được than thở trong mọi hoàn cảnh sống của mình mà phải vươn lên. Những cái cây dạy chúng ta không bao giờ được tuyệt vọng. 

Bởi nếu những cái cây than thở, tuyệt vọng và đánh mất ý chí thì chúng không thể chịu được gió bão, khô hạn, băng giá… và như thế chúng không có khả năng sinh ra những vẻ đẹp kỳ diệu của những tán lá, những vầng hoa và hương vị ngọt ngào của những chùm quả chín.

Và bạn có biết không, không chỉ là tôi mà nhiều người khi khổ đau, thất vọng đã bước đến và ngồi dưới một tán cây. Những tiếng lá khua vang, màu sắc rực rỡ của hoa và hương thơm ngọt ngào của quả chín đã làm cho chúng ta bình tĩnh trở lại và lòng u uất được giải tỏa và cân bằng. 

Mỗi ngày bạn hãy đến trước những cái cây hay ngồi dưới vòm lá và im lặng lắng nghe chúng, bạn sẽ nhận ra biết bao điều tốt lành từ những cái cây. Đấy là một sự thật. Sự thật ấy từ chính tôi như một nhân chứng.

Hà Đông, 15-6

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.