Hải Phòng - giữa những tầng gió thở

Thứ Bảy, 26/03/2016, 15:59
Nếu ai hỏi: thành phố (TP) nào tôi đến nhiều nhất, chắc tôi sẽ trả lời ngay mà không cần thống kê: Hải Phòng (HP). TP lớn nhất miền Đông Bắc Việt Nam là nơi đến, nơi trở về của những người có quê hay gắn bó nơi này; đây còn là chốn nhiều tầng ký ức, sự thư thả và lãng mạn vẫn được nuôi giữ.

“Bênh” HP không chỉ vì đây là quê ngoại của tôi, nơi mẹ tôi và ông bà ngoại chào đời. Không chỉ vì tin Văn Cao với những câu thơ trường sinh thổ lộ với HP. Mà HP với bao kỷ niệm từ tuổi thơ tới trung niên và những ngày đã sống cất cho tôi những cổ xưa, mơ mộng và mãnh liệt mà tôi có trong dòng máu và khí chất HP. Đây là nơi cho tôi cảm hứng, sẻ chia trong sáng tạo bởi những con người mà nhờ họ, chất HP được nhấn mạnh và phát triển. Họ là một phần những gì quý giá mà tôi có được trong đời - “giàu vì bạn”.

Bây giờ, nhiều TP có biển đều phát triển cảng nên danh xưng, cách gọi “TP Cảng” như không còn độc quyền riêng cho TP lớn thứ nhì miền Bắc. Sự phát triển nhanh ở Việt Nam tỷ lệ nghịch với số người cần sự thơ lãng, trầm sâu, bảo tồn sự trầm mặc, thơ mộng, cổ kính. Xét về tốc độ cơ học, thì diện mạo nội đô HP ít thay đổi, bị coi là phát triển chậm; song nhờ sự chậm này mà HP vẫn còn là một bảo tàng sống của nghệ thuật, của chất thơ.

Bộn bề công việc cuối năm Nguyệt lịch, nhận lời mời của nhà văn, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Ban tổ chức trại viết Cây bút vàng lần 3 do Bộ Công an tổ chức, tôi vẫn lên đường. Để được về HP - trở lại Đồ Sơn. Gần 10 năm, chưa trở lại, thị xã Đồ Sơn nay đã thành quận, đường ra biển Hè rợp phượng. Phải rồi, phượng cần trồng trở lại rực màu biểu tượng trên các ngả đường ven đô, ngoại ô.

Chẳng chờ đến bây giờ, trại viết Cây bút vàng về khách sạn Hải Yến, Đồ Sơn mà cả trăm năm nay thị xã biển đã là nguồn cảm hứng, nơi sáng tác của nhiều đoàn văn nghệ sĩ, những chuyến đi tập thể, cá nhân, những trại viết, vẽ tập trung hay lặng thầm đơn độc. Tranh, ảnh, nhạc, họa, văn chương không chỉ viết nhiều về HP, viết từ HP không thể nào đếm xuể. Ai đó nói “HP vẫn thế” là nhìn cực đoan, thiếu tổng quan. TP có nội đô, huyện đảo, cảng sông, cảng biển.

HP hiện đại hơn khi một phần huyện An Dương nâng thành quận Hải An, một phần huyện Kiến Thụy nâng thành quận Dương Kinh (nơi có đền thờ Mạc Đăng Dung quy mô). Toàn huyện Kiến An đã thành quận. Về HP, từ Hà Nội tới HP, không thể dùng từ “lên”, “đến”; từ địa lý và mối quan hệ mật thiết, dân gian vẫn nói “Về HP”. 

Từ “về” nghe thật thân thương, gần gũi. Ngoài đường truyền thống Quốc lộ 5 song song tuyến hỏa xa tuổi hơn thế kỷ, từ 2015 đã thêm đường cao tốc Hà Nội - HP. Tôi đã đi đường mới này cuối tháng 10/2015, lần đầu theo xe của Tổng biên tập Báo HP cho chở gia đình tôi “quá giang” khi anh công tác về.

Nhà báo Lê Trọng Nghĩa là người con của HP, trọn đời gắn bó. Chất HP nơi anh là tính quyết đoán, mạnh mẽ. Chuyện với anh rất thú vị, bởi sự hóm hỉnh và hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về đất Cảng.

Dời non lấp biển nghe to tát, xa vời từ thời cổ xưa, nay cũng thành “xưa”, HP cũng có đường ô tô cao tốc ra bán đảo Đình Vũ (quận Hải An), nơi có khu công nghiệp quy mô. Đến quần đảo sinh quyển thiên nhiên thế giới, không ít người ngại ngần, khách du lịch thì cứ lo chậm, vất vả khi phải đi 2 lần phà mới tới được điểm du lịch. Đình Vũ - cảng sông cho tàu biển, container lớn dỡ hàng. Kề sát nội thành là cảng Chùa Vẽ, cảng Hoàng Diệu (bến Sáu Kho) cho những tàu hàng rời, khu kho cảng, bến bãi. Cảng biển ngoài xa.

Cũng thật lạ, TP Cảng công nghiệp này lại nhiều yên tĩnh. HP trong xu thế phát triển bền vững của thế giới, nỗ lực là TP xanh, cảng xanh. Nhà, cầu vượt đường sắt, công trình kiến trúc Pháp lớn như bảo tàng, nhà bưu điện, ngân hàng vẫn hoạt động, còn cả dấu tích công trình nhỏ, thậm chí chỉ còn trong các tên gọi, danh từ Pháp hoặc từ thời Pháp. Dù cây chặt, lát lại gạch vỉa hè dải vườn hoa trung tâm, thay đổi ấy vẫn không làm mất hết vẻ bình yên nên thơ của đường phố trung tâm.

Tôi thường chọn tàu hỏa về HP, từ ga tìm bằng được xích lô để về khách sạn. Chỉ vài bác già còn đạp chiếc xe to kềnh chở người, chở cả 2 valise. HP mở rộng thênh những con đường mới đẹp như Lê Hồng Phong san sát cao ốc, văn phòng, chung cư, Big C, Parkson, Hải Đăng Plaza rực sáng. Ánh sáng lộng lẫy buổi tối cứ như thể đang đi trên đại lộ Champs Élysées Paris. Đến HP, được đi bộ yên ả. Tôi sinh trưởng, gắn bó Hà Nội mà không có cảm giác ấy ở khu trung tâm Thủ đô.

Chỉ 7km ở phía Đông Nam đến Cát Bi, hiện là sân bay quốc tế lớn thứ hai miền Bắc. Những chuyến bay trong nước đến với HP dành cho khách từ miền Trung và miền Nam, còn với dân miền Bắc thì HP gần gũi về địa lý và tình cảm. Không cần “phản lực thời gian”, không cần ý nghĩ tốc độ ánh sáng để tìm kếm bề dày trầm tích văn hóa lịch sử của đất “Hải tần phòng thủ”.

Sông Tam Bạc ngày nước kém, Sơn dầu, 100x120cm, của hoạ sĩ Hải Phòng Đặng Tiến.

Tượng nữ tướng Lê Chân sừng sững ngay quảng trường trước Nhà hát Lớn gợi nhớ cách đây gần 20 thế kỷ với những trận chiến ác liệt, nữ tướng Lê Chân dấy binh từ Đông Triều, một mũi cánh quân chủ lực trong đội quân của Hai Bà Trưng. Sông Bạch Đằng vẫn còn cọc gỗ những chiến thắng từ hơn nghìn năm trước. Tiếng la hét hoảng loạn của quân Nam Hán, tiếng hò reo thắng trận của quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của tướng Ngô Quyền năm 938.

Cảnh bỏ chạy bại trận trong thủy chiến thế kỷ 13 của giặc Nguyên Mông, giặc từ đại lục Trung Hoa hay từ thảo nguyên mênh mông của Thành Cát Tư Hãn đều bị tiêu diệt ở cửa biển HP. Nhiều tỉnh có cửa biển, riêng cửa biển HP mang sóng rền vang dội. Sóng của thời gian vây quanh ảnh tư liệu chụp HP cuối thế kỷ 19, đầu 20. Bản đồ và ảnh những đô thị Việt Nam do người Pháp chụp và quản lý tư liệu.

Một phần quá khứ ấy lưu trữ trong bộ sưu tập của doanh nhân Cao Văn Tuấn. Anh không hãnh diện bởi là “Vua cá sấu miền Bắc”, sở hữu cơ ngơi hàng nghìn m² đất, xưởng sản xuất đồ da cá sấu mà đề cao giá trị văn hóa. Tuấn đặt tôn chỉ tại công ty: “Cuộc sống tình bạn và sự nghiệp luôn song hành. Tình bạn là sân bay cho sự nghiệp cất cánh”. Nhà hàng Nam Phương của “Vua cá sấu” ở km 6, Quốc lộ 5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng là chốn hội tụ thú vị của người yêu nghệ thuật Hà Nội - HP.

Tại đây, trưng bày bộ sưu tập tranh, cổ vật, đèn dầu, Thạch thi viên (vườn đá đề thơ) và ngay 1/1/2016 đã có cuộc đấu giá tranh để tiến tới thành lập Trung tâm Đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở đây. Tuấn quảng giao, nhiều bạn tiếng tăm, hào hiệp với nhân tài.

Anh làm thơ, trong đó “Người HP từ biển đi lên” đã in VNQĐ và bán ảnh HP xưa cũ. Ảnh lồng khung kính đẹp mà chỉ 90 nghìn đồng, ông chủ phải bù lỗ mà rất hồ hởi vì lãi khi khuếch tán được niềm say mê những giá trị của thời gian. Mấy năm gần đây, HP thành trung tâm mỹ thuật lớn của miền Bắc và cả nước bởi tổ chức được nhiều triển lãm chất lượng và quy mô.

Đấy là tâm huyết của họa sĩ Đặng Tiến - Chủ tịch Hội Mỹ thuật HP. Cha người Quảng Nam tập kết, Đặng Tiến sinh, lớn lên tại phố Cầu Đất và suốt đời ở quê mẹ HP. Là “Mạnh Thường Quân” cho nhiều sự kiện nghệ thuật tầm cỡ, doanh nhân Đào Toàn (SN 1968) sở hữu tâm hồn nghệ sĩ nhờ di truyền từ thân phụ Đào An - cựu Chủ tịch UBND TP HP (1989-1996) tuổi 80 vẫn miệt mài thơ ca, niềm đam mê suốt đời mà trước kia không làm được vì bận rộn.

Thoạt nhìn, Đào Toàn chẳng khác gì một quý ông Nhật Bản: mắt một mí, phong thái lịch lãm với sự hiểu biết đa dạng. Trò chuyện với anh trong biệt thự Pháp cổ 22 phố Minh Khai, nay cho thuê là nhà hàng Thái Lan, những tầng thời gian về HP của ký ức - lịch sử hòa say khát vọng về tương lai của TP mà số phận chứa biết bao cuộc đời và cuộc tình không nhòa nhạt.

Doanh nhân, nhà thơ Trần Thị Lưu Ly mang dòng máu HP của mẹ, yêu say HP như TP của thi ca, như đam mê thơ nơi chị nguyên khiết không gió bụi thương trường nào hoen vẩn được. Dương Hoàng Nam thì không tự hào là giám đốc một ngân hàng mà về sự giàu có bởi người vợ đẹp Minh Châu và nhiều bạn quý, tranh quý.

HP hội tụ dân tứ xứ, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định... về đây làm thuê, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, đều muốn và thích nhận HP là quê. Sắc thái kiêu hãnh ấy tôi đã gặp trong cộng đồng người HP ở Vancouver (Canada) và Praha (Séc), khi chúng tôi hát “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ôi Hải Phòng thành phố quê ta”, bài Hải Phòng ca do nhạc sĩ Lương Vĩnh viết từ 1969 (thơ Hải Như) đã thành bất hủ.

Tình yêu mãi không bao giờ thay đổi của ca sĩ Nguyễn Thu Phương, định cư ở Mỹ 1,5 thập kỷ, chị vẫn trở về đây làm liveshow Mùa thu tối 26/9/2015 tại Nhà hát Tháng Tám. Con trai đầu lòng của Thu Phương đặt tên Duy Hải, ý nghĩa “Chỉ có HP”. Nhớ bồi hồi như Ngọc Tân coi HP là quê hương cưu mang những tháng năm hoạn nạn nên lúc nào giọng hát cũng vang bay da diết khi hát “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn).

Đường ô tô vượt biển, từ nút giao Tân Vũ (phía Nam quận Hải An) theo hướng đông Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ, xuyên qua kênh Nam Triệu đến gần bến phà Ninh Tiếp, điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải. Thực hiện bằng vốn vay ODA của Nhật Bản gần 12 nghìn tỷ đồng, công nghệ - kỹ thuật - giám sát bởi chuyên gia Nhật, rút ngắn khoảng cách đảo Cát Bà với trung tâm HP.

Đường dẫn dài hơn 10 km, bốn làn xe, với 5,4 km vượt biển, Tân Vũ Lạch Huyện là cầu vượt biển đầu tiên, lớn nhất Việt Nam và Ðông Nam Á HP trong khắc khoải của họa sĩ Đinh Quân thuở hàn vi làm việc cho Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Dù đã sống ở Hà Nội gần 30 năm và thường xuyên về quê, thấy HP biến đổi, song với Đinh Quân, HP của anh vẫn là HP thuở ấy.

HP tốc độ chậm cần cho sự lãng mạn, cho người coi trọng và muốn giữ dấu tích lịch sử. Tôi thích đi phà, liệu có thể giữ lại phà cho người lãng mạn và không vội, được không? Đi phà để được ngắm sông nước, trời mây, gió lộng tóc bay, hương gió có vị phù sa, muối mặn, hải sản và cả mùi nước mắm. Đấy là phong vị đời sống mà đủ thứ tất bật, ào ạt không bao giờ có cơ hội. Nước mắm Vạn Vân của gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã vào ca dao, khởi từ đảo Cát Hải.

Đảo Bạch Long Vỹ anh hùng cũng là điểm du lịch đáng giá cho ai muốn đi xa. Chẳng biết nếu tái sinh, danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ có “lời sấm” nào con đường mang tên ông chạy từ quận Hồng Bàng, qua quận Lê Chân - quận Ngô Quyền - quận Hải An. Hậu sinh, người cùng huyện Vĩnh Bảo (cùng Tiên Lãng, đất trồng thuốc lào nức tiếng) nhưng không hút thuốc lào, sống gần đường mang tên tiền nhân vĩ đại từ ngôi nhà vườn rộng thuộc phường Đằng Giang, Ngô Quyền (từ năm 1995).

Năm 2010, nhà thơ Thi Hoàng đã chuyển sang phường Đằng Hải nơi có làng hoa Hạ Lũng lâu đời thuộc quận Hải An nhưng có một việc cả đời không thay đổi: ông đi xe đạp từ lúc thanh niên tới giờ ở tuổi 73, có 2 cháu ngoại. Hơn 40 năm trước thời chống Mỹ, thi sĩ - nhà biên kịch - đạo diễn Đào Trọng Khánh từng viết về quê hương qua bài thơ “Hải Phòng trở lại”: “Hải Phòng như con tàu chở đầy thuốc nổ / Cuốn đi số phận mỗi con người”.

NSND nhà làm phim tài liệu tài hoa này đang sống ở trong làng cổ gần Hàng Kênh. Ông đã viết nên hồn cốt và dự báo đúng về HP. Con tàu ấy vẫn đang vượt sóng giữa các chiều không gian bằng sức mạnh không đoán trước. Ước mong tương lai, HP vẫn là bảo tàng sống động của vẻ đẹp cổ điển - hiện đại, để ai đã một lần đến đây muốn trở lại và “đi lạc” trong tình cảm với đất và người của TP lửa hoa cho những nghiệm sinh vô giá của kiếp người.

Cuối tháng ba này, gia đình tôi lại về Hải Phòng. Để tóc tôi lại đan mái tóc con đan gió...

Vi Thùy Linh
.
.