Gửi chàng nông dân trồng rau sạch

Chủ Nhật, 08/11/2015, 15:06
Em bảo em muốn trồng lúa không dùng phân bón, không dùng thuốc trừ sâu, để tạo ra hạt gạo sạch. Nhưng em lại nói rằng gạo của em bán ế hơn, vì không có mối tiêu thụ, em lại nói rằng ruộng của em cho năng suất thấp hơn các ruộng dùng thuốc, dùng phân. Thế thì em cố làm gì? Hay là em điên?

Võ Văn Tiếng thân,

Từ bữa trò chuyện với em tới giờ, anh không ngừng suy nghĩ: Điều gì đã khiến em suy nghĩ như hôm nay? Em chỉ là một cậu nông dân mới đi nghĩa vụ quân sự về, chẳng trường lớp cao siêu gì, nhưng em nghĩ cao và nghĩ xa hơn bao nhiêu người mang danh “trí thức” chốn thị thành.

Em bảo em muốn trồng lúa không dùng phân bón, không dùng thuốc trừ sâu, để tạo ra hạt gạo sạch. Thế cũng được, nếu như gạo của em bán có lãi hơn thì em cứ việc làm, vất vả một chút mà có thêm cơ hội làm giàu thì rất đáng khuyến khích. Nhưng em lại nói rằng gạo của em bán ế hơn, vì không có mối tiêu thụ, em lại nói rằng ruộng của em cho năng suất thấp hơn các ruộng dùng thuốc, dùng phân. Thế thì em cố làm gì? Hay là em điên?

Chắc nhiều người cũng nghĩ em điên thật, Võ Văn Tiếng ạ, khi một cậu trai ngoài 20 tuổi dám lớn tiếng tuyên bố rằng: “Lúa của ba không phải là lương thực”. Nghe câu đó chắc ba em giận lắm. Nhà em đang trồng lúa ổn định theo cách cũ, mỗi năm thu cả 200 tấn gạo, sống ổn định, mà giờ, em dám hất tung tất cả. Hẳn là em bị điên.

Đúng là “điên” bây giờ thì mới lo chuyện bao đồng. Em kêu rằng lúa của ba em không phải là lương thực, lúa của người khác cũng không phải là lương thực, vì người nông dân dùng nhiều hóa chất để tạo ra năng suất. Em lo rằng những hạt gạo ngậm đầy hóa chất ấy có thể trở thành nguồn gốc bệnh tật của cả dân tộc. Em là cái gì mà dám thay mặt toàn thể người Việt phát biểu? Họ vẫn ăn lúa đó hàng ngày đấy thôi.

Nhưng em, Võ Văn Tiếng “điên”, giờ đang cặm cụi cấy trồng lại trên mảnh ruộng Đồng Tháp quê mình, một mô hình canh tác không dùng thuốc trừ sâu và phân bón. Năng suất chỉ bằng 60% các ruộng xung quanh, giá bán thì cao hơn mấy ngàn đồng. Vậy mà em dám hy vọng rằng rồi mọi người xung quanh sẽ học theo em, mô hình này sẽ được nhân rộng, và chắc trong đầu em đang tưởng tượng ra một ngày trên toàn đất nước, người ta sẽ canh tác theo mô hình hữu cơ của em. Tức là ai cũng sẽ chấp nhận đánh đổi lợi ích kinh tế hiển hiện trước mắt để tạo ra những hạt gạo “sạch”, lo cho sức khỏe của giống nòi. Cái mơ ước ấy nó đẹp quá, đẹp điên, đẹp không tưởng.

Em đặt tên cho loại gạo của mình là “Tâm Việt” - nói đến tâm của người Việt. Nhưng em có biết tâm của người Việt bây giờ như thế nào không? Anh nghĩ phần lớn cũng như anh: hoài nghi tất cả, và không còn hệ giá trị vững chắc nào để tin tưởng nữa. Khi không còn gì để tin tưởng, người ta sẽ chẳng thể làm gì khác ngoài đuổi theo cái lợi trước mắt. Nếu là anh, với mấy héc-ta mượn được của má, anh cũng thú thật rằng mình sẽ tìm đủ mọi cách, kể cả các thủ đoạn, để tăng năng suất trên đó tới mức tối đa. Kiếm tiền.

Anh vẫn không ngừng lạ lẫm khi bắt gặp những người như em trên đường đời. Anh nhớ năm ngoái, gặp bác sỹ Quảng. Bác sỹ Quảng trả lời phỏng vấn anh mà cương quyết không cho tiết lộ tên họ đầy đủ, mặt mũi và nơi làm việc trên mặt báo – và anh cũng đồng ý với điều đó, bởi nếu lộ ra, báo chí sẽ đổ xô đến khuấy đảo đời sống của anh.

Ảnh: Đinh Công Thủy.

Bác sỹ Quảng quá tốt, và quá hiếm bây giờ. Anh ấy cứ chạy chữa “chui” cho những người vô gia cư dưới gầm cầu Long Biên, kê đơn bốc thuốc mà không được cấp phép khám chữa bệnh gì. Anh khám bệnh, rồi đi làm nhà nước có bao nhiêu tiền lại lấy hết đem mua thuốc cho những bệnh nhân nghèo của mình. Có người bị tim nặng, anh xuống tận dưới bãi giữa sông Hồng để cõng cô ấy vào viện. Làm bác sỹ bệnh viện lớn mà anh Quảng không có nổi một chiếc xe máy, phải đi xe buýt, vì có bao nhiêu tiền anh đem cho hết. Và anh ấy đã khóc khi những bệnh nhân nghèo của mình ra đi, vì sức anh không bao giờ đủ tiền để điều trị tận gốc cho họ. Anh tự hỏi còn bao nhiêu bác sỹ trên đời không có xe máy đi, và khóc khi bệnh nhân của mình qua đời?

Có thể em sẽ nói rằng em chưa phải là một ông bụt như bác sỹ Quảng. Đúng thế. Nhưng em có chung một điểm với anh ấy, là nghĩ cho người khác. Sự tử tế trong xã hội này có lẽ chỉ cần được định nghĩa bằng đúng một thứ: Khả năng suy nghĩ cho người khác.

Hôm qua anh mới được đi xem bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân của đạo diễn Đặng Hồng Giang. Bộ phim nói về hành trình đi tìm lại hình hài và hạnh phúc cho bé Thiện Nhân, em bé bị ruồng bỏ và bị chó ăn mất bộ phận sinh dục và một chân. Hẳn Tiếng còn nhớ câu chuyện đã gây xôn xao dư luận ấy. 

Chị Mai Anh, người ban đầu đến thăm bé Thiện Nhân chỉ với mong muốn giúp đỡ chút ít, đã quyết định nhận nuôi bé để có thể chạy chữa cho Thiện Nhân được đầy đủ. Rồi sau đó, là một hành trình đầy vất vả để Thiện Nhân khôi phục lại được cuộc sống bình thường với những khuyết tật tàn khốc từ khi mới chào đời.

Anh phải thú thực rằng đó là một bộ phim thô mộc - xét về kỹ thuật thì sẽ có rất nhiều đồng nghiệp của anh không vừa lòng. Nhưng trong bộ phim ấy, anh bắt gặp rất nhiều những con người tử tế. Họ cũng chỉ có một năng lực siêu nhiên thôi, là nghĩ cho người khác. Anh gặp bố nuôi của bé Thiện Nhân, anh Greig, một người Mỹ xa lạ đến tìm chị Mai Anh và sau đó cùng đi với chị suốt chặng đường gian khó để làm các phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho cháu.

Anh gặp bác sỹ Roberto De Castro, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Thế mà ông sẵn sàng mổ miễn phí cho bé Thiện Nhân. Và sau khi biết rằng còn rất nhiều trường hợp khuyết tật cơ quan sinh dục như Thiện Nhân ở Việt Nam, mỗi năm ông lại bay sang đây vài lần, để thực hiện cả trăm ca phẫu thuật thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ tội nghiệp.

Em có tưởng tượng được một ca phẫu thuật do một chuyên gia hàng đầu thế giới thực hiện thì tốn kém đến thế nào không? Em không tưởng tượng được đâu: nó miễn phí. Bởi vì ngoài “ông bụt Roberto de Castro” đóng góp phần công sức của mình trên bàn mổ, thì chị Mai Anh đã cùng với bạn bè quyên góp rất nhiều tiền để chăm sóc cho các bé có cùng hoàn cảnh với Thiện Nhân. Đằng sau hàng tỷ đồng quyên góp ấy, là biết bao nhiêu con người sẽ không lộ diện, anh sẽ không bao giờ được gặp.

Trong đầu họ có gì? Anh không biết. Nếu một ca phẫu thuật của anh trị giá hàng chục nghìn USD, anh có làm nó miễn phí không? Anh không biết. Kể từ nãy tới giờ, hóa ra trên đường đời anh cũng nhìn thấy nhiều khuôn mặt người tốt đấy chứ. Anh gặp bác sỹ Quảng, gặp em, gặp chị Mai Anh. À, anh còn chơi rất thân với ca sĩ Thái Thùy Linh. Mỗi lần chị ấy đi hát cũng được cả tháng lương của anh. Nhưng khi Linh lên miền núi, nhìn thấy lũ trẻ con tím tái vì lạnh, chị về ôm con khóc.

Bây giờ mỗi năm Thái Thùy Linh quyên góp hàng chục tấn quần áo chở lên miền núi phía Bắc cho lũ trẻ, và hát cho chúng nghe. Anh cũng đã gặp bác Trần Đăng Tuấn - người sáng lập quỹ “Cơm có thịt” nổi tiếng. Nhưng tại sao anh lúc nào cũng có cảm giác rằng xã hội vẫn còn đang thiếu những tấm lòng nhân ái và tinh thần thiện nguyện như thế?

Có phải đất nước trong anh bây giờ, là hình ảnh của những con người chỉ một chút đường cũng phải cố lấn lên, không thể nhường cho người khác và cho cả đám đông đi lên, trong những giờ tan tầm không? Có phải đất nước trong anh bây giờ, là những đại án tham nhũng nơi một con người có thể giật bát cơm của hàng triệu con người bằng một cái gật đầu hay một chữ ký không? Có phải đất nước trong anh bây giờ, là nơi mà người ta quên mất rằng xung quanh mình còn có những con người khác, nơi họ có thể bấm nút xả chất hóa học cực độc ra dòng sông mà không mảy may suy nghĩ không? Có phải là thế không, hay những người biết nghĩ cho người khác vẫn còn nhiều, anh chỉ bi quan vậy thôi?

Võ Văn Tiếng ạ, nếu như em nói khơi khơi rằng mình đang “lo cho cộng đồng” thì chắc là anh không tin đâu. Nhưng em cũng giống như nhiều người mà anh đã kể, chấp nhận hy sinh đi nhiều cái lợi nằm trong tầm tay để đi con đường đó. Nghĩ cũng buồn thật, nếu như năng suất của em không thấp, nếu như gạo của em bán chạy, thì chắc là anh cũng không tin em đang lo cho cộng đồng đâu, anh cũng lại nghĩ em đang kiếm lời thôi. Không biết đến khi nào, người ta mới tin tưởng vào lòng thiện nguyện của nhau mà đối phương không cần phải đánh đổi để chứng minh điều đó.

Anh muốn chúc em vụ mùa thứ 2 thành công. Thành công tức là bán gạo chạy hơn chút ít, và được nhiều người quan tâm hơn để mong ước “nhân rộng” của em sớm thành hiện thực. Ít nhất là đã có ba em quan tâm. Từ lúc đầu, chỉ có má thương con xén cho em 2 héc-ta trồng thử cái mô hình “điên” của mình, bây giờ ba cũng đã bị thuyết phục và cho em thêm ruộng để trồng.

Gạo Tâm Việt của em, cũng giống như tinh thần của bé Thiện Nhân, có thể trở thành một ngọn lửa. Anh, dù là một người ích kỷ và bi quan, cũng mong rằng sẽ đến một ngày “Lửa Tâm Việt” của Võ Văn Tiếng ở Hồng Ngự, Đồng Tháp sẽ lan tỏa đến nhiều cánh đồng, để chúng ta cũng giống như nước Nhật, nuôi trồng bằng phương pháp hữu cơ và không phải ăn hạt gạo ngậm đầy hóa chất mà em kỳ thị nữa. 

Nhà báo Hoàng Minh Trí
.
.