FIFA thời hậu Sepp Blatter: Có không kịch bản “ngoài trái đất”?

Thứ Năm, 18/06/2015, 06:13
“Những gì xảy ra ở FIFA là đáng khinh bỉ và quá tồi tệ đối với bóng đá - môn thể thao mà chúng ta yêu quý” - cựu tuyển thủ Anh David Beckham đã tuyên bố như thế, và nó là một “giọng” chung từ Chính phủ Anh, giới chức thể thao Anh tới Liên đoàn bóng đá Anh.

Rốt cuộc thì Beckham nói riêng và dư luận Anh nói chung có lý không? Câu trả lời là có! Nhưng tại sao cái lý ấy lại được khai thác triệt để ở thời điểm mà tình hình quốc tế có nhiều biến động nhạy cảm như thế này?

Sắc màu chính trị trong cuộc chơi bóng đá

Cần phải nhắc lại là không riêng gì Anh, hàng loạt chính phủ phương Tây như Đức, Pháp, Mỹ đều tổng công kích Blatter và cái tổ chức mà ông già 79 tuổi này điều hành trong suốt 17 năm qua. Chỉ có duy nhất Tổng thống Nga Vladimir Putin là lên tiếng bênh vực Blatter. Và như thế, chỉ từ vấn đề Blatter, vấn đề FIFA, người ta đã nhận thấy những sự khác biệt lớn về tư tưởng giữa Nga và các nước phương Tây. Câu hỏi đặt ra: Sự khác biệt trong bóng đá có phải là sự tiếp nối tất yếu của những khác biệt về chính trị đã xuất hiện giữa hai bên trong những năm trở lại đây, đặc biệt là khi “vấn đề Ukraina” trở thành một vấn đề nhạy cảm, và vì vấn đề nhạy cảm ấy mà Nga và các nước phương Tây càng lúc càng bị đẩy xa nhau?

Ai cũng biết, đơn vị đứng đầu trong vụ công phá FIFA là Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Và để có thể tung ra những thông tin chết người, mở màn cho việc dẫn độ 7 quan chức FIFA từ Thụỵ Sĩ sang Mỹ, FBI đã rất tinh xảo sử dụng “nội gián” Chuck Blazer - một công dân Mỹ, một người đã từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ (Concacaf)  từ giai đoạn 1990 - 2011, và cũng là một trong những thành viên của Ủy ban Chuyên trách FIFA từ giai đoạn 1997 - 2013.

Theo những thông tin từ báo chí Mỹ thì Chuck Blazer đã nhận lời làm “nội gián” để đổi lại việc sau này sẽ được xét xử một cách ưu ái, và thế là từ “nội gián” Blazer, FBI không chỉ có được những thông tin mờ ám về việc các quan chức FIFA có dấu hiệu tham nhũng, nhận hối lộ trong những phi vụ chạy đua làm chủ nhà World Cup của Pháp (1998), Nam Phi (2010), Nga (2018), Qatar (2022), mà còn có được nhiều thông tin chết người khác thông qua những cuộc nói chuyện giữa các quan chức FIFA mà Blazer tham gia và đã bí mật cài cắm, ghi âm tất cả. 

Blatter - Platini: Mâu thuẫn thật hay... mâu thuẫn kịch?

Khi những thông tin về việc FBI vào cuộc và 7 quan chức FIFA bị “sờ gáy” xuất hiện trên mặt báo, thoạt đầu người ta đã lờ mờ nghĩ tới chuyện quyền chủ nhà World Cup 2022 của Qatar có thể sẽ bị xem xét, nhưng quyền chủ nhà World Cup 2018 của Nga thì tuyệt đối không, vì trong số 7 quan chức nói trên, có tới 2 người đã từng bỏ phiếu cho Qatar.

Nhưng với những động thái mới đây, khi Blatter bất ngờ từ chức chỉ 4 ngày sau khi đắc cử thì người ta bắt đầu nghĩ tới việc có thể ngay cả quyền chủ nhà World Cup của Nga cũng sẽ bị xem xét, bởi ai cũng hiểu Nga là nước lớn hiếm hoi ủng hộ Blatter, và ngược lại, Blatter cũng có nhiều biểu hiện gần gũi với Nga. Một năm trước, thậm chí một tờ báo Đức còn tung ra cáo buộc Blatter có quan hệ với một mafia Nga thông qua một bức ảnh mà ông này tươi cười bên một nhân vật vốn đang bị truy nã quốc tế (?).

Xâu chuỗi lại hàng loạt mắc xích, từ việc FBI sử dụng “nội gián” Blazer tới việc đã tạo một sức ép khủng khiếp khiến Blatter không thể không từ chức, có cảm giác rằng cuộc chơi bóng đá không chỉ đơn thuần mang sắc màu bóng đá, mà còn bao chứa trong nó cả những sắc màu chính trị. Cái sắc màu mà với nó, người Mỹ càng lúc càng thể hiện nhiều hơn sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình.

Và những bí ẩn của bản thân bóng đá

Blatter đã từ chức , ai là ứng cử viên thay thế số 1? Hàng loạt cái tên được đưa ra, trong đó có Hoàng tử của Vương quốc Jordan Ali Bin Al Hussein - người đã thua Blatter trong cuộc bầu chọn chủ tịch FIFA mới đây (cuộc đua mà ở vòng 1, vị Hoàng tử chỉ nhận được 73 số phiếu, trong khi Blatter nhận được 133 số phiếu, và nhận thấy không thể lật ngược ván cờ nên đã chủ động rút lui trước vòng 2). Nhưng nặng ký nhất và có nhiều khả năng thay thế Blatter nhất chính là Chủ tịch UEFA Michel Platini, vì Platini chính là người đã dẫn dắt UEFA chống đối Blatter kịch liệt. 

Người ta kể rằng trong cuộc họp hội đồng FIFA trước cuộc bầu cử mới đây, Platini đã đứng lên kêu gọi Blatter từ chức, và người ta cũng không ngừng đăng tải hình ảnh hồ hởi cùng những nhận xét hồ hởi của Platini khi hay tin Blatter đã làm cái việc mà cả thế giới muốn ông làm.

Tuy nhiên, có một chi tiết gây sốc là trong tổng số 133 lá phiếu mà Blatter nhận được trong cuộc bầu cử có 1 lá phiếu của chính LĐBĐ Pháp - quê hương của Platini. Và có một chi tiết nữa cần nhắc lại: trước thềm Đại hội UEFA (Liên đoàn bóng đá Châu Âu) năm 2007, khi ông chủ tịch UEFA Johansson tuyên bố rút lui vì lý do tuổi tác thì đã nổi lên 2 ứng cử viên sáng giá nhất là Platini và “hoàng đế bóng đá Đức” Beckenbauer.

Ngay lập tức, Blatter đến gặp Johansson để khuyên ông cố ngồi thêm một nhiệm kỳ, và ngay sau khi Johansson thực hiện lời khuyên thì Beckenbauer - một người bạn thân thiết của Johansson đã chủ động rút lui. Đến lúc này thì Blatter đã thực hiện một cú trở cờ ngoạn mục khi quay sang ủng hộ Platini, và kết quả như thế nào thì mọi người đã biết: một Platini trẻ trung, giàu tham vọng đã chiến thắng, và một Johansson cũ kỹ, già nua đã thất bại.

Đây là câu chuyện được chính Johansson kể lại với một tờ báo của Đan Mạch vào năm 2010, kèm theo những lời tố cáo Blatter và FIFA thậm tệ. Nhắc lại 2 câu chuyện trên đây để thấy, nhìn bề ngoài thì Blatter và Platini thực sự là những đối thủ sống còn của nhau, nhưng trên thực tế, từ quá khứ đến hiện tại, từ những hoàn cảnh mang tính sống còn của UEFA đến những hoàn cảnh mang tính sống còn của FIFA thì có vẻ lại không như vậy.

Tất cả những điều này khiến chúng ta không thể không đặt ra hàng loạt các câu hỏi: Việc Platini lên tiếng chống đối Blatter để “nhận điểm” từ dư luận, việc Blatter vẫn ra ứng cử chức chủ tịch FIFA và chiến thắng một cách áp đảo rồi sau đó lại bất ngờ từ chức có phải là những màn kịch liên tiếp hay không? Sau những màn kịch này, Platini sẽ nhiếp chính, và sẽ nhanh chóng trở thành một Blatter thứ 2, cũng giống hệt như hồi 1998, Blatter đã tiếp nhận quyền lực của Havelange rồi cũng nhanh chóng trở thành Havelange thứ 2?

Nếu đúng như vậy thì thời hậu Blatter, thảm họa FIFA không hề chấm dứt, bởi điều mà người hâm mộ bóng đá chân chính chờ đợi là một FIFA minh bạch, tử tế trong bản chất của nó, chứ không phải là những sự chuyển đổi từ một “bố già” này đến một “bố già” kia!

Dấu hỏi 10 triệu USD

Có vô số dấu hỏi liên quan đến những giao dịch mờ ám của các quan chức FIFA trong suốt hơn 20 năm qua. Vì những dấu hỏi như vậy mà một quan chức FIFA là Bin Hamman đã từng bị đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá vô thời hạn. Và cũng vì những dấu hỏi như vậy mà người đứng đầu Ủy ban các vấn đề đạo đức của FIFA - ông Garcia cũng từng tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Kết quả là ngày 14 tháng 12 năm 2014, ông Garcia đã báo cáo lãnh đạo cấp cao  FIFA một kết quả điều tra dài trên 300 trang, trong đó có những bằng chứng cho thấy đã xuất hiện những gian lận trong một số phi vụ mua phiếu bầu World Cup. Nhưng rốt cuộc báo cáo mật của Garcia đã bị cắn xén còn vài chục trang để công bố công khai trước dư luận, và ai cũng hiểu với vài chục trang đã được “biên tập” ấy, FIFA không thể bị đánh đổ. Quá thất vọng, Garcia tuyên bố từ chức.

Hiện nay thì những dấu hỏi đang tập trung vào việc đã có 10 triệu USD được Tổng thư ký FIFA Valcke - cánh tay phải của Blatter chuyển vào tài khoản của Jack Warner - cựu chủ tịch LĐBĐ Concacaf, cựu Phó chủ tịch FIFA. Đây được cho là tiền FIFA hỗ trợ để nước chủ nhà Nam Phi tổ chức World Cup 2010, nhưng được Nam Phi tình nguyện “cắt” cho Jack Warner để đổi lại việc Warner đã bỏ phiếu cho Nam Phi. Thoạt tiên các quan chức thể thao Nam Phi nằng nặc phủ nhận thông tin này, nhưng sau đó ông cựu chủ tịch LĐBĐ Nam Phi đã thừa nhận vụ chuyển khoản 10 triệu USD là có thật, tuy nhiên theo ông đấy là tiền để hỗ trợ bóng đá vùng Caribe, chứ không phải tiền hối lộ.

Tới đây, nếu FBI chứng minh được nó là tiền hối lộ thì chắc chắn sẽ có rất nhiều câu chuyện được xới tung và rất nhiều nhân vật tưởng là “hạ cánh an toàn” rồi sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Phan Đăng
.
.