Đường tàu điện ngầm trí tuệ ở Paris

Thứ Sáu, 08/07/2016, 23:47
Đến thăm Paris hoa lệ, du khách đều muốn không chỉ được đứng trên tháp Eiffel ngắm thành phố với những lâu đài, bảo tàng soi bóng xuống sông Seine, mà còn mơ một lần được đặt chân vào Cung điện Versailles. Cung điện nguy nga dát vàng này là nơi đời vua cuối cùng của nước Pháp ngụ, được UNESCO xếp vào hàng Di sản thế giới năm 1979.


Để quảng cáo - tỏa lan văn hóa Pháp mọi nơi và mọi lúc, Sở Giao thông Paris và lâu đài Versailles (nay được gìn giữ như bảo tàng sống) đã kết hợp làm con tàu trí tuệ nối từ Thư viện Quốc gia Pháp F.Mitterrand đến Cung điện Versailles.

Thư viện Quốc gia có từ năm 1368, được Tổng thống Pháp F.Mitterrand (1916-1996) chủ trương mở rộng, qua 5 năm xây thêm khu mới gồm 4 cao ốc, tạo thành hình cuốn sách đang mở, khánh thành năm 1996, mang tên vị Tổng thống này. F.Mitterrand - người từng tham chiến ở Điện Biên Phủ, đã có công phát triển, ảnh hưởng ánh sáng văn hóa Pháp khắp thế giới bằng cách đầu tư xây dựng thư viện quan trọng nhất nước Pháp.

Thông thường, những công trình văn hóa đều cần sự hỗ trợ của chính phủ, thành phố vì không sinh lời. Thư viện F.Mitterrand ra vào miễn phí, thường xuyên tổ chức các hội thảo, triển lãm. Phải những vị lãnh đạo có tầm cỡ văn hóa mới biết trân trọng và đầu tư văn hóa. Văn hóa là bộ mặt của quốc gia. Một đất nước giàu đẹp, khiến du khách nhớ lâu, nhờ đội ngũ văn nghệ sĩ. Họ luôn góp phần tô đẹp đất nước.

Nước Cộng hòa Pháp được biết đến chính là nhờ đội ngũ này. Một thế kỷ Ánh sáng với Voltaire, Rousseau, Montesquieu... đã làm đảo lộn thế giới. Cộng hòa Pháp ngày nay với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái vang danh là nhờ những cây bút sắc sảo, trí tuệ. Vụ thảm sát tuần báo hí họa Charlie rung động toàn cầu, bởi sự tự do biểu cảm bị tổn thương.

Trạm Cluny Sorbonne.

Paris là thủ đô ánh sáng văn hóa thế giới. Vì thế, lễ tưởng niệm một năm vụ thảm sát hôm 8/1/2016, tại quảng trường Cộng hòa, người ta trân trọng nhắc lại lời của Victor Hugo: ''Cứu Paris, là cứu cả thế giới!''. Đông đảo công chúng đến tham dự xúc động lặng nghe câu nói này hơn cả tiếng hát của ca sĩ rock lừng danh John Halliday hôm đó.

Paris sở hữu hệ thống giao thông công cộng ưu việt với những đường tàu điện ngầm (métro). Métro mấy tầng như thành phố ngầm chạy dọc ngang khắp Paris và các khu ngoại ô. Đồ sộ với 220 cây số và 303 trạm, hệ thống métro của Pháp trung bình có hơn 5 triệu lượt người sử dụng/ngày. Ngoài ra, hệ thống tàu nhanh (RER) xuyên qua Paris nối các trạm tàu điện ngầm dẫn ra những thành phố vệ tinh, hơn 450 triệu lượt người sử dụng/năm.

Tuyến đường từ trạm Thư viện Mitterrand đến Cung điện Versailles khoảng 20 cây số. Để thu hút khách du lịch, ngay trong toa tàu điện cũng trang hoàng hấp dẫn mô phỏng Versailles. Khách đi tàu cảm giác như đang ngồi trong trung tâm triển lãm văn hóa, trong thư viện vua Louis hay quang cảnh của vườn thượng uyển Versailles.

Métro nối đến Thư viện Quốc gia - nơi lưu trữ nhiều tư liệu quý báu của các nền văn hóa thế giới, ngày càng được trang hoàng đẹp.

Trang trí trong tàu đi Cung điện Versailles.

Bến đợi métro trong lòng đất không chỉ để phục vụ quảng cáo thương mại, còn là những công trình văn hóa nghệ thuật đầy ý nghĩa. Đoạn đường số 14 nối từ nhà thờ Madeleine đến khu thư viện Mitterrand, hai bên toàn kính, cửa mở an toàn tự động, tránh được sự xô đẩy có thể xảy ra rơi xuống đường ray, và đặc biệt là dùng tàu không người lái.

Khách du lịch ưa khám phá, sung sướng đứng ngay phía đầu tàu chiêm ngưỡng cảnh hai bên. Khách sẽ ngạc nhiên khi tàu tự động xuyên hầm bỗng sáng bừng hai bên, với những vườn cây nhân tạo như khu Disney hấp dẫn.

Bến Cluny Sorbonne - ngã nối lên trường đại học cổ kính Sorbonne - trung tâm tri thức, trường đại học lâu đời nhất nước Pháp kế đường lên nhà thờ Đức Bà Paris huyền bí vang danh nhờ tác phẩm của Victor Hugo, và lối ra quảng trường Saint-Michel - chốn hẹn hò lãng mạn của các cặp tình nhân. Khu Latin là trung tâm Paris cổ kính, nhiều sinh viên và khách nước ngoài qua lại.

Bến này, vòng trần cong trang trí rất nghệ thuật và trí tuệ. Toàn khảm bằng men sứ đa màu những chữ ký của nhiều vĩ nhân làm rạng danh nước Pháp: Voltaire, Balzac, Rousseau, Montesquieu, Victor Hugo.

Trạm Tuileries - gần vườn hoa cùng tên, đẹp nổi tiếng.

Người đợi tàu tha hồ chiêm ngưỡng tác phẩm và bút tích danh nhân qua chữ ký. Nếu bạn ham tìm hiểu, hãy vào thăm thư viện trường Sorbonne ngay đấy để biết đầy đủ thông tin về các vĩ nhân này. Hoặc chỉ cần lên mạng tại trạm, bấm tìm, bạn thỏa mãn và biết ngay những nhân vật đó là ai. Hằng năm, trạm này có hơn 2,5 triệu lượt người vào.

Bảo tàng Louvre càng nổi tiếng hấp dẫn ngay khi khách xuống trạm Louvre - Ravoli. Trạm đặt tủ kính bày một số hiện vật và tượng cổ đại thời Hy Lạp - La Mã rất đẹp, hút khách du lịch.

Bến đợi tàu là những nơi công cộng, nhiều người qua lại. Nước Pháp nức tiếng đề cao nghệ thuật văn hóa. Địa điểm công cộng là nơi phát huy, quảng bá tác phẩm, tài năng của các nhà kiến trúc, họa sĩ, điêu khắc. Công trình đường phố trở thành những cuốn sách hoành tráng, lôi cuốn về lịch sử, nghệ thuật văn học của nước Pháp dành cho người Pháp tự hào, đấy là những trang sử vàng son phô diễn trước khách quốc tế.

Con người bận rộn mưu sinh, phải bươn trải vật lộn với cuộc sống, đứng chờ tàu xe mệt mỏi cũng cảm thấy đỡ stress khi nhìn những công trình nghệ thuật đẹp. Nghệ thuật đường phố thể hiện tầm nhìn văn hóa của lãnh đạo: vừa là tôn trọng người xem, vừa tôn trọng dân tộc mình. Cái đẹp hoành tráng không chỉ để trưng trong bảo tàng, mà cho mọi công dân được hưởng. Người nghèo cũng có quyền thưởng thức văn hóa nghệ thuật để nâng cao dân trí.

Trạm Louvre - Ravoli.

Cứ ngày Chủ nhật đầu tháng, bảo tàng Louvre, Orsay mở cửa miễn phí. Những người làm nghệ thuật thường nghèo. Nhà nước Pháp tạo điều kiện cho sinh viên trường nghệ thuật và giới nhà báo, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và trẻ em dưới 17 tuổi được vào các bảo tàng miễn phí để học hỏi. Điều đó tạo điều kiện cho mọi tầng lớp đều được thưởng thức nghệ thuật và thêm phát triển khả năng trong lĩnh vực này.

Nghệ thuật trang trí trong con tàu trí tuệ và các trạm tàu điện ngầm của Paris đủ giải thích tại sao Paris được mệnh danh Thủ đô ánh sáng - nghệ thuật của thế giới. Dưới tầng ngầm, những toa tàu ngày ngày chuyên chở văn hóa của một quốc gia văn minh.

Trần Thu Dung
.
.