Đạo đức giữa ngã ba đường

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:56
Bạn có thường xuyên nghe thấy những lời chỉ trích kiểu "giàu vậy sao không lấy tiền đó đi làm từ thiện"? Nếu có, thì bạn có thể đang phải đối mặt với một người tuyệt đối hóa đạo đức.


Hai vị Thánh đạo đức

Trong tiểu luận có tên "Những vị thánh đạo đức", triết gia người Mỹ Susan Wolf, đã thử tưởng tượng ra hai hình mẫu của đạo đức, được bà đặt tên lần lượt là 'Thánh yêu thương' và 'Thánh hợp lẽ'.

Thánh yêu thương, theo Wolf mô tả, làm bất cứ điều gì tốt nhất về mặt đạo đức, kiên quyết và không nao núng, với đức tin vào tình yêu hàn gắn mọi thứ. Kiểu như một người sẽ vui vẻ dấn thân vào mọi nỗi buồn của thế giới, bán tất cả tài sản của mình để quyên góp cho người bất hạnh hơn.

Thánh hợp lẽ là người cũng sẵn sàng cống hiến cho các lý do đạo đức không kém Thánh yêu thương, chỉ khác là với ý thức rằng đó là bổn phận phải tuân theo.

Cả hai đều là tuýp đạo-đức-hoàn-hảo: họ làm việc để tối đa hóa đạo đức (một cách thực sự, chứ không phải chỉ để thể hiện mình có đạo đức), dù động cơ là gì đi chăng nữa. Và cả hai kiểu thánh này đều có thể gây ra rắc rối nếu bạn không phải một vị thánh. Họ có thể liên tục làm phiền bạn và thúc giục bạn chia sẻ nhiều hơn. 

Họ có thể làm bạn cảm thấy có lỗi, khi chú ý đến tiệc tùng hơn là giúp đỡ người nghèo; hoặc sử dụng phần lớn thu nhập vào xì gà và rượu vang, thay vì đóng góp vào các quỹ từ thiện. Khát vọng trở thành một vị thánh đạo đức có thể biến bất kỳ ai thành cơn ác mộng cho người sống cùng họ.

Trên thực tế, rất khó để một vị thánh đạo đức có một người bạn. Ví dụ, liệu họ có thể cười đùa một cách chân thành trước một trò đùa cay độc của bạn, vì điều đó chống lại hạt giống đạo đức? (mọi trò đùa đều có thể mang tính giễu cợt bất kỳ ai, hoặc một nhóm người nào đó). 

Hoặc vì để làm quá nhiều việc đạo đức, tránh lãng phí thời gian với phim truyền hình và mạng xã hội, thời gian đâu để họ cùng bạn chơi đùa? Vấn đề của lòng vị tha cực đoan là nó chiếm quá nhiều thời gian: một vị thánh thường sẽ phải chọn lựa đánh đổi những niềm vui "trần tục" để làm càng nhiều việc có đạo đức càng tốt.

Tất nhiên, kịch bản tưởng tượng của tiểu luận của Wolf vẽ lên một bức tranh có phần hơi tiêu cực, nhưng ý tưởng của bà về những gì chúng ta đang bỏ lỡ nếu quá tập trung vào đạo đức là điều rất đáng chú ý. 

Một hệ thống giá trị cá nhân trưởng thành, với đầy đủ lòng trắc ẩn và sự vô tư, sẽ lựa chọn được hành động đạo đức phù hợp, cân bằng giữa hạnh phúc đẹp đẽ nhỏ bé của cá nhân và những niềm vui chung rất người.

Bà cho rằng nếu bạn không có đủ thời gian cho những điều phi-đạo-đức, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều thứ quý giá. Phi đạo đức ở đây không nghĩa là vô đạo đức, chỉ là nó không giúp gì nhiều vào xóa bỏ đi bất bình đẳng hay giảm bớt khổ đau cho người khác. 

Có rất nhiều điều phi đạo đức là tốt đẹp: đi nghỉ mát với một người bạn, chơi một trận bóng ra trò, hoặc thưởng thức một món ngon. Bạn có thể nghe thấy những lời chỉ trích kiểu "sao không lấy tiền đó đi làm từ thiện"? Nhưng những điều vị kỷ, dù phi đạo đức, vẫn rất đáng giá.

 Hãy thử tưởng tượng một cuộc sống mà những điều phi-đạo-đức không có chỗ đứng. Đấy sẽ là một cuộc đời khổ hạnh, hầu như không có chỗ cho tình bạn, sở thích. Lòng tốt đạo đức chỉ là một khía cạnh của những điều tốt đẹp trong cuộc sống và nếu bạn sống như thể khía cạnh đạo đức là điều quan trọng duy nhất, thì bạn đang bỏ lỡ quá nhiều.

Không ích kỷ, cũng không quá vị tha

Hai phiên bản Thánh đạo đức kể trên mô phỏng theo hai trường phái triết học đạo đức có ảnh hưởng bậc nhất phương Tây hiện đại: Thuyết vị lợi (truyền cảm hứng cho hình mẫu Thánh yêu thương) và Lý thuyết Đạo đức của Kant (Kantianism, truyền cảm hứng cho hình mẫu Thánh hợp lẽ). 

Các ví dụ trong bài luận của Wolf đặt ra một câu hỏi lớn, rằng nếu bạn sống theo những thế giới quan đạo đức này ở mức tối đa? Như ta đã thấy, các vị Thánh đạo đức sẽ kiến tạo tầm nhìn về cuộc sống tốt đẹp bằng cách tận tâm với nhu cầu của người khác mà không có thời gian hưởng thụ cá nhân nhiều điều phi-đạo-đức nhưng rất tốt đẹp trong cuộc sống của mình. Bạn sẽ dành toàn bộ sự tồn tại của mình để trở thành người phụ tá của hệ thống đạo đức.

Đó là một đặc điểm quan trọng của thuyết vị lợi của Jeremy Bentham lẫn lý thuyết đạo đức của Immanuel Kant: hạnh phúc cá nhân không được đánh giá cao. Thuyết vị lợi (hay còn gọi là công lợi) chủ trương tối đa hóa hạnh phúc với số lượng lớn nhất và vì vậy, nếu nhu cầu của nhiều người đòi hỏi bạn phải hy sinh cá nhân, thậm chí là hạnh phúc to lớn, thì đó vẫn là điều phải làm. 

Với thuyết vị lợi thì cuộc sống cá nhân của bạn, được xem xét trong bối cảnh tương quan với hàng tỷ cuộc sống có ý thức khác, chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Nếu làm bất kỳ điều gì vì lợi ích chung - ví dụ như bán tài sản cá nhân và dành phần lớn trong số đó vào các hoạt động từ thiện - thì dù điều đó bất lợi với cá nhân bạn, nhưng luôn là đúng đắn.

Kant thậm chí còn ít quan tâm đến hạnh phúc cá nhân hơn. Lý thuyết đạo đức của ông nhấn mạnh trách nhiệm hợp lý của chúng ta với "những sinh vật có lý trí khác". Lý do để làm điều đúng đắn, theo Kant, là vì đó là nghĩa vụ của bạn đối với người khác chứ không phải vì nó sẽ khiến bạn hạnh phúc. 

Nếu những sinh mệnh khác cần sự trợ giúp của chúng ta - ví dụ nếu họ đang đói hoặc bị áp bức - thì chúng ta nợ họ, giống như họ sẽ nợ chúng ta nếu vị trí bị đảo ngược. 

Kant cho rằng việc thực hành đạo đức làm bạn xứng đáng có được hạnh phúc, nhưng đấy là tất cả những gì ông cho phép. Nếu còn sống đến bây giờ, hẳn Kant sẽ thích một câu nói được cho là của triết gia lừng danh người Áo Ludwig Wittgenstein: Tôi không biết tại sao chúng ta ở đây, nhưng tôi khá chắc rằng nó không phải để chúng ta tận hưởng chính mình".

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle giữ một quan điểm trung dung, không ích kỷ nhưng cũng không quá vị tha về đạo đức: cuộc sống tốt nhất là quan tâm và gắn kết với người khác, nhưng không đòi hỏi sự cống hiến vô tư cho nhu cầu của người lạ. 

Nói một cách dễ hiểu, Aristotle quan tâm nhiều hơn đến băn khoăn rằng làm thế nào để trở thành một người bạn tốt, hơn là làm thế nào để cứu thế giới. Với một tình bạn tốt, luân lý là tốt cho bạn lẫn người khác. 

Trọng tâm trong lý thuyết của Aristotle là quan hệ win-win (cả hai cùng thắng). Cuộc sống luân lý tốt nhất chỉ đơn giản là cuộc sống chúng ta mong muốn nhất, đồng thời hoàn thành được bản chất xã hội của chúng ta bao gồm sống trong hạnh phúc chung của những người khác. Và không làm theo những yêu cầu khắt khe của một vị Thánh đạo đức không có nghĩa rằng bạn sẽ trở thành một tội đồ.

Nhưng rốt cục thì điều gì sẽ phân biệt và mách bảo chúng ta, giữa những ranh giới dường như thật mong manh ấy? Điều gì sẽ giúp chúng ta chọn đúng hạnh phúc cá nhân đích thực, thay vì trở thành một kẻ sùng bái chủ nghĩa cá nhân lệch lạc? Điều gì sẽ giúp ta không trở thành một vị Thánh đạo-đức-hoàn-hảo và vô tình bỏ qua những thứ phi-đạo-đức tốt đẹp của cuộc sống này?

Đạo đức đích thực

Truyện ngắn Khóm phúc bồn tử của văn hào Anton Tchekhov viết về một chàng công chức nghèo có tên Nhi-cô-lai I-va-nứt đã làm lụng cả đời vì một giấc mơ rất "cá nhân": tậu được một trang trại riêng, và trồng trong tư viên của mình một khóm phúc bồn tử.

Để hiện thực hóa điều đó, Nhi-cô-lai đã hy sinh tuổi trẻ, nhịn ăn nhịn mặc, lấy cả một bà góa xấu xí để bòn rút của cải. Ngày đầu tiên được ăn phúc bồn tử trồng trong nhà mình, anh ta xúc động trào nước mắt, sau quá nhiều những điều đã phải trả giá. 

Trong bữa tiệc tại nhà, khi đã trở thành một chủ trang trại giàu có, I-va-nứt kể về hạnh phúc cá nhân của mình, với giọng lưỡi hoàn toàn khinh bỉ với "quảng đại quần chúng" thấp kém, nghèo khổ hơn, bên ngoài trang viên Nhi-cô-lai.

Và người kể chuyện, là anh trai của Nhi-cô-lai, đã "tức cảnh" cảm thán trong đầu như thế này, sau khi nhìn thấy giấc mơ Phúc bồn tử của em mình thành hình:

"Cần phải làm sao để cứ ở ngoài cửa buồng mỗi kẻ an nhàn, sung sướng có một người đứng cầm búa và luôn tay gõ vào cửa nhắc nhở rằng hiện đang có những người bất hạnh, rằng dù anh sung sướng đến đâu sớm hay muộn rồi cuộc sống cũng sẽ cho anh biết thế nào là móng vuốt của nó. 

Tai họa sẽ giáng xuống đầu anh, đó là nghèo đói, bệnh tật, thua lỗ, và sẽ không ai nghe thấy, nhìn thấy anh ta cũng giống như bây giờ anh ta không nhìn thấy, nghe thấy một ai khác".

Tiếng búa nhắc nhở đó, có lẽ là lương tâm. Anh trai của Nhi-cô-lai dường như đã đóng vai trò một người tuyệt đối hóa đạo đức. Nhưng đặt trong bối cảnh phi luân mà trong đó Nhi-cô-lai vừa bày ra, của một người quá đắc chí đến nỗi khinh rẻ những ai vừa bị bỏ lại trong cuộc tiến thân tàn nhẫn của anh ta, thì tiếng búa lương tâm gióng lên như là một điều tất yếu phải đến, với một người còn lương tâm.

Trong đa số thời gian của đời sống, ta sẽ sống theo luân lý - là đạo đức do thời đại ta đang sống quy định, chứ không phải lương tâm. Luân lý này có thể thay đổi (ví dụ phụ nữ ngày nay ăn mặc thoáng một chút là quyến rũ, còn ngày xưa bị cho là hở hang, dung tục). 

Sống theo luân lý giúp việc thực hành các hành động đạo đức dễ dàng hơn: ta chỉ cần biết cộng đồng quan niệm như thế nào là tốt, và làm theo. Nhưng sự nhận biết đơn thuần này không giúp gì cho ta trong cuộc lựa chọn thực hành đạo đức đầy băn khoăn: ta thường không thể tránh khỏi việc trở thành một nhà đạo đức thái quá (vì cao hứng chiều theo cộng đồng) hoặc trở nên quá vị kỷ (nếu chán ghét cộng đồng).

Đa số chúng ta khi cho một đứa trẻ ăn xin tiền  có xu hướng làm hài lòng chính mình, hoặc để tăng thêm ý thức rằng mình là một người tốt. Những điều ấy hết sức lý trí. Lương tâm, được cho là một trạng thái siêu việt khó định nghĩa, chính là thứ duy nhất có thể kết nối với đạo đức đích thực. Đấy là một hệ thống giá trị cá nhân sẽ mách bảo con người giữa đen, trắng, và cả xám. 

Một hệ thống giá trị cá nhân trưởng thành, với đầy đủ lòng trắc ẩn và sự vô tư, sẽ lựa chọn được hành động đạo đức phù hợp, cân bằng giữa hạnh phúc đẹp đẽ nhỏ bé của cá nhân và những niềm vui chung rất người.

Đấy đơn giản là một khóm phúc bồn tử trong vườn nhà của một con người đã không phải trả giá quá nhiều cho linh hồn mình để trồng nó lên.

Ban Cầm
.
.