Có một vũ trụ được tìm thấy…

Thứ Hai, 20/05/2019, 18:01
Tôi cầm cái chuông nhỏ trên tay, rồi đưa nó vào gần trái tim mình. Tôi gõ một tiếng chuông, rồi áp cái chuông vào tai. 

Tôi cảm nhận được những sóng âm rất lạ, lan toả trầm mặc và từ tốn. Tôi cảm nhận được một phút tĩnh lặng vi diệu của không gian - thời gian. Tôi như chạm được vào một vũ trụ vốn bị lãng quên trong lòng mình. 

Thầy Santa Shakya ngồi ở phía trên nhìn chúng tôi. Thầy ăn mặc và đội một cái mũ đúng theo phong cách người Nepal truyền thống. Thầy không nói nhưng tôi biết, ở Nepal, những người mang họ Shakya được cho là dòng dõi chính của Đức Thích Ca. Thầy không thích nói về mình, nhưng qua những người bạn Nepal, tôi biết thầy là một trong những nghệ nhân chuông xoay nổi tiếng nhất tại Nepal hiện tại. 

Thầy sản xuất chuông xoay - một loại chuông nhỏ, có thể cầm trên tay, vốn được các bậc thầy thiền định sử dụng từ cả trăm ngàn năm trước. Thầy Shakya bảo rằng, trước và sau khi thiền, những bậc thầy thiền định lại đánh những tiếng chuông này. 

Chúng tôi hiểu: bản chất của thiền là buông bỏ, là tĩnh tâm, là xa rời phiền não, và những tiếng chuông này giúp những người hành thiền có thể đạt tới trạng thái này nhanh hơn.

Những sóng âm kỳ lạ của những chiếc chuông xoay.

Tôi không phải một người hành thiền. Nhưng như đã nói, khi để những sóng âm của tiếng chuông lan toả vào tai mình, vào đầu mình, vào tim mình, có một vũ trụ trong tôi được đánh thức. Mà không chỉ được đánh thức, những sóng âm êm ru, vang vọng, lan toả, thần truyền còn như đang tạo dựng một vũ trụ mới trong một miền tinh thần lý tưởng của tôi. 

Vũ trụ vốn có và vũ trụ đang tạo dựng đều thinh lặng giống nhau, đều tịch mịch giống nhau, và tôi hình dung khi từ tốn đặt bước chân từ vũ trụ này sang vũ trụ kia thì bước chân ấy cũng tế vi hệt như âm thanh của một chiếc lá chạm vào mặt nước.

Tôi thử một cái chuông khác. Âm thanh lúc này không trầm êm, mà thánh thiện. Điều giống nhau duy nhất là cả hai kiểu âm thanh đều rất vang. 

Có lẽ trong một tập hợp những cái chuông mà thầy Santa Shakya mang đến, cái chuông nào cũng vang, nhưng giọng vang, độ vang, và kiểu vang của mỗi cái khác nhau.

Bạn có thể hợp với tiếng vang này hoặc tiếng vang khác, phụ thuộc vào sóng âm của bạn, tần số âm thanh của bạn, và cả tần số giao cảm của bạn nữa. Tôi thích cái chuông đầu tiên với giọng vang êm trầm nhất. Tôi thấy hợp với nó nhất, và tò mò về cách mà những người như thầy Santa Shakya làm ra nó.

Bằng một chất giọng trầm mặc và cực kỳ từ tốn, thầy Santa Shakya kể rằng, về cơ bản mỗi quả chuông xoay được làm từ 7 thành phần kim loại, tương ứng với 7 luân xa trên cơ thể con người.

Mục đích tối cao là khi nghe tiếng chuông, những luân xa trên cơ thể người được mở ra, và sóng phiền não Beta sẽ dần dần được thay thế bằng sóng an lành Alpha. Thành thử hàng trăm ngàn năm trước, khi Y học chưa phát triển, rất nhiều người Nepal đã dùng tiếng chuông này chữa bệnh. 

Chính những gợn sóng an lành mà tiếng chuông đem lại, khiến người ta bớt đau đớn về thể xác, và có thêm nhiều hy vọng, nhiều niềm tin vào những gì sắp đến với cuộc đời mình. 

Người Nepal còn có quan niệm khi người phụ nữ mang bầu, ăn thức ăn được đựng trong những quả chuông thì cơ thể họ sẽ được tiếp nhận những nguồn năng lượng tốt. Đứa con trong bụng nhờ thế mà cũng từ từ phát triển một cách thiện lành...

Bây giờ, ở Nepal việc dùng những chiếc chuông xoay để trị liệu tinh thần vẫn rất phổ biến. Nhưng không chỉ ở Nepal, những chiếc chuông này đã đến với khá nhiều người phương Tây. Những chiếc chuông thuần phương Đông đã thấm dần vào văn minh phương Tây, và được nhiều người phương Tây ưa chuộng. 

Bản thân thầy Santa Shakya cũng đang dùng những chiếc chuông này trị liệu tinh thần cho một vị cựu nguyên thủ quốc gia nổi tiếng. Mà có một điều thú vị là thoạt tiên người phương Tây gọi những chiếc chuông này là "chuông Tây Tạng", vì cứ nghĩ nó là sản phẩm truyền thống của văn hoá Mật tông Tây Tạng. 

Có nói chuyện với thầy Santa mới biết hoá ra thời cổ xưa một cô công chúa Nepal được gả sang Tây Tạng, và khi về nhà chồng cô mang theo những chiếc chuông vừa để đựng thức ăn, vừa để tìm kiếm những khoảnh khắc an bình ở một xứ sở lạnh giá và đầy khắc nghiệt. 

Từ đây chiếc chuông lan toả vào đời sống văn hoá Tây Tạng. Thầy Santa đính chính: "Nguồn gốc của nó chắc chắn ở Nepal, chứ không phải Tây Tạng. Và bây giờ thì người phương Tây cũng đã biết đến nguồn gốc này rồi".

Theo lời thầy, người phương Tây hiện nay gọi dòng chuông này là "Full moon", vì họ hiểu nó được làm dưới ánh trăng, vào đúng ngày rằm. Mà đấy phải là ngày trăng tròn thật sự, không có mây che và ít gió. Thiếu một trong những yếu tố thời tiết quan trọng này, các nghệ nhân sẽ huỷ bỏ kế hoạch đúc chuông. 

Trước khi đúc, tất cả mọi người phải tẩy rửa cơ thể, phải cùng nhau ngồi cầu nguyện các vị thần, và trong toàn bộ quá trình đúc chuông, tất cả đều sẽ cảm nhận một cách sâu sắc rằng mình đang tạo ra một sản phẩm chứa đựng những luồng thanh khí thiêng liêng nhất của vũ trụ.

Không biết có phải nhờ những lý do đặc biệt này hay không mà ngồi ở một góc Hà Nội, đối diện với thầy Santa, tĩnh tại lắng nghe những tiếng chuông thầy mang đến, quả nhiên tôi như cảm thấu được từng nhịp điệu của vũ trụ, cả vụ trụ trong mình lẫn vũ trụ ngoài mình. 

Anh bạn đi cùng tôi cũng có chung cảm giác ấy. Anh bảo trong cái phút nhắm mắt lại, nghe tiếng chuông vang vọng trong lòng, anh nghĩ về bản chất của đời sống. Chúng ta sống để làm gì và chúng ta sống vì cái gì? Đấy là hai câu hỏi mà theo anh, chúng ta đã lãng quên khi bị cuốn vào đời sống cơm áo hằng ngày. Chúng ta nghe những âm thanh và chạy theo sự cám dỗ của những âm thanh bên ngoài mình nhiều quá. 

Hãy hiểu âm thanh theo nghĩa rộng: sự giàu có của một người bạn đồng niên, chính là một dạng âm thanh; sự thành đạt của một người bạn đồng niên khác, cũng là một dạng âm thanh khác... Và chúng ta cứ mải miết chạy theo dòng âm thanh phồn hoa đó, cố trở thành một phần của dòng âm thanh phồn hoa đó mà quên mất những âm thanh trong lòng chúng ta. 

Nhưng khi ngồi cùng thầy Santa, nhắm mắt lại và nghe những tiếng chuông thì khi ấy chợt thấy những âm thanh bên ngoài là vô nghĩa hết. Vì, nó không phải là bản chất của đời sống. Nó không đem lại những ý nghĩa đích thực của đời sống. Ý nghĩa đích thực của đời sống nằm ở những âm thanh trong vũ trụ lòng mình. Những âm thanh bị lãng quên, và lúc này đột nhiên được đánh thức.

Tôi đồng cảm với anh. Tôi đồng cảm với những hiệu ứng âm thanh kỳ diệu mà những chiếc chuông xoay thầy Santa mang đến từ Nepal. Những âm thanh gọi những âm thanh. Những âm thanh hiện hữu (bên ngoài) đến những âm thanh giải thoát (bên trong), đấy là một quá trình giúp chúng ta nhận thức được bản chất của đời sống và cả sự kỳ diệu, thiêng liêng của đời sống.

Thầy Santa Shakya đang hướng dẫn cảm nhận tiếng chuông xoay.

Vệt suy nghĩ đó lại dẫn miền tinh thần của tôi trôi về một âm thanh nổi tiếng khác trong thế giới Đường thi. Theo nhiều giai thoại thì đêm ấy sư trụ trì chùa Hàn San - một ngôi chùa hẻo lánh ở Tô Châu (Trung Quốc) đột khởi hai câu thơ:

Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa như móc bạc, nửa như cung trời

Nhưng chỉ làm được đến thế rồi thôi. Càng nghĩ, sư cụ càng bế tắc trong việc viết thêm 2 câu nữa để trọn một bài tứ tuyệt. Ai dè, chú tiểu đột ngột gõ cửa, xin được đọc sư cụ nghe 2 câu mà mình cũng vừa nghĩ ra:

Một bình ngọc trắng chia đôi
Nửa in đáy nước, nửa cài cung mây.

Ghép hai câu của sự cụ với hai câu của chú tiểu, ngẫu nhiên một bài tứ tuyệt thành hình. Quá hạnh phúc, sư cụ sai chú tiểu đánh một hồi chuông tạ ơn trời phật. Như thế, tiếng chuông ở đây là tiếng chuông tạ ơn. Nhưng tiếng chuông ấy lại vô tình bay đến bến Phong Kiều, chạm vào trái tim của chàng sĩ tử Trương Kế. Trước đó, Trương Kế đang nằm ở con thuyền vừa gặm nhấm nỗi buồn thi trượt vừa nhìn những ánh lửa sum họp cuối ngày của dân làng chài mà cô đơn, buồn tủi viết rằng

Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Hai câu thơ buồn hiu hắt những tưởng sẽ mở ra một bài thơ buồn hiu hắt. Nhưng khi đột nghiên nghe thấy tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại, Trương Kế như bừng tỉnh.

Nỗi cô đơn của người lữ thứ, nỗi thê lương của người tan mộng quan trường như bị dẹp bỏ. Lòng Trương Kế như được giải thoát, và nhờ thế hai câu thơ cuối lại bất ngờ mang trong nó ánh sáng của sự giải thoát:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Nhiều người hậu thế tin rằng, tiếng chuông chùa Hàn San là tiếng chuông giải thoát. Và nhờ tiếng chuông giải thoát mà Trương Kế hiểu bản chất của cuộc đời...

Tiếng chuông chùa Hàn San trong giai thoại này, tiếng chuông xoay của thầy Santa Shakya mà tôi kể ở đầu bài viết, và rất nhiều những tiếng chuông như thế nữa, chủ đích hay vô tình, hữu ngôn hay phi ngôn..., tất cả những tiếng chuông ấy dường như đều chứa đựng trong nó một chức năng đốn ngộ, một chức năng giải thoát. 

Nhưng dường như còn một vế thứ hai quan trọng không kém, đó là chúng ta sẽ đón nhận những tiếng chuông ấy trong tâm thế nào?

Sự giải thoát có thể đến từ tiếng chuông, nhưng nó cần sự cộng hưởng từ tâm thế của người đón nhận tiếng chuông. Hãy lắng mình lại, hãy ngẫm sâu vào một vũ trụ ẩn nấp trong lòng mình, hãy bớt chút thời gian ngẫm ngợi về bản chất của đời sống. 

Rồi một ngày nào đó, khi lang thang trên phố, nghe một tiếng chuông vô tình vọng lại, ta sẽ thấy ta kỳ trầm mặc hơn chính ta. Ta bí mật hơn chính ta. Ta thiêng liêng hơn chính ta.

Và, ta kỳ diệu hơn những gì chính ta vẫn nghĩ về ta!

Diệp Xưa
.
.