Chuyện buồn lặt vặt

Thứ Hai, 12/11/2018, 11:43
Chuyện buồn lặt vặt là chuyện buồn không lớn, chuyện buồn không lớn là chuyện buồn nhỏ. Mà thông thường chuyện buồn nhỏ là nỗi buồn hoàn toàn có thể tránh đi, nghĩa là có thể ngăn chặn.

Vẫn lẽ cũ, Ngô vốn nghĩ nông cạn, nên ít có những nỗi buồn tự thân. Chẳng qua đọc báo rồi cái cảm giác nỗi buồn lặt vặt cứ bám theo mãi vậy.

1. Báo đăng có ông chủ tịch phường ở Thái Bình, nhà cửa khang trang, mấy tầng mấy lầu. Vậy mà vợ ông lại được phê duyệt để vay vốn chính sách, số tiền vay không nhiều, chỉ 50 triệu. 

Tất nhiên, vay vốn chính sách là một chủ trương đúng đắn và nhân văn của Nhà nước. Đó là cách mà Nhà nước cho những đối tượng còn đang khó khăn một chiếc cần câu thay vì những con cá.

Năm mươi triệu có thể mở một cửa hàng tạp hóa, tằn tiện cẩn thận thu chi vẫn mưu sinh độ nhật được. Năm mươi triệu có thể cải tạo lại mảnh vườn, vun đất mua giống, sắm đồ tưới tiêu, vụ mùa bội thu do người chăm chỉ do trời thương xót biết đâu có cơ may thoát khó khăn. Năm mươi triệu có thể đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi lợn… Năm mươi triệu không lớn, nhưng năm mươi triệu có thể giải quyết được những câu chuyện tương lai cho những cá nhân vốn đang loay hoay tiền bạc.

Thiệt ra thì không phải ông lãnh đạo địa phương nào cũng giàu, cũng của ăn của để. Mặc dù đa phần đều là buôn chổi đót chạy xe ôm mà tích lũy rồi hình thành nên khối tài sản nhiều người mơ ước. Ngô có quen một người chị hiện đang là phó giám đốc Sở, chị là con gái của nguyên lãnh đạo tỉnh. 

Thế nhưng, nhà cửa chị rất bình thường, cuộc sống cũng bình thường. Nói theo kiểu dân gian, cha làm quan con cũng làm quan. Ngô đưa ra ví dụ này không phải có ý là làm quan thì không được làm giàu, chỉ là Ngô muốn nói, không phải quan nào cũng giàu cả đâu.

Minh họa: Lê Phương

Ông chủ tịch phường mà Ngô nhắc đến có giàu không, trông nhà cửa thì cũng có thể gọi là giàu, mà giả như không giàu thì không thể là nghèo được. Không thể nghèo thì vợ có trong danh sách vay vốn chính sách làm gì, thú thật Ngô không trả lời được cho câu hỏi này. Ông chủ tịch phường trả lời báo giới là ổng không có biết vợ ổng có tên trong danh sách vay vốn này, câu trả lời thiệt ra không có mới. 

Đến ông bố làm bí thư tỉnh còn không biết vì sao con gái mình được nâng điểm trong kỳ thi phổ thông trung học, đến anh đương làm quan nhân còn không biết vì sao em ruột được nâng đỡ đề bạt lên vị trí này vị trí kia, huống hồ là chồng không biết vợ có tên trong danh sách hộ nghèo vay vốn. Vợ chồng mà, nhiều lúc đâu phải chuyện gì cũng tâm sự với nhau.

Năm xưa Ngô cùng bạn bè tổ chức chuyến cứu trợ các tỉnh bị bão lũ miền Trung, có đi mới biết nhiều chuyện buồn lắm. Nhưng tựu trung nhận ra một điều, không phải cán bộ địa phương nào cũng đưa người nhà mình vào danh sách nhận quà cứu trợ. 

Mặc dù bà con người nhà của cán bộ địa phương nghèo lắm, lại bị thiệt hại nặng nề sau lũ. Đơn giản là do cán bộ địa phương ngại điều tiếng, ngại xóm giềng, ngại đoàn cứu trợ dị nghị. Họ cũng có cái khó của họ.

Sau chuyến đi ấy về lại thành phố, đọc báo lại thấy xuất hiện chỗ này chỗ kia người nhà của cán bộ địa phương nhận gạo, người nhà của cán bộ địa phương nhận mì gói. Cộng đồng mạng nhào vào phân tích, lên án rất dữ dội. 

Tình thiệt Ngô có buồn nhiều mà không biết lý giải sao. Đành phải mượn câu mà Ngô hay biết để luận bàn, "Ngang ruộng dưa không sửa giày, ngang vườn đào không chỉnh nón vậy".

Tiếc vô cùng câu chuyện của nhà ông chủ tịch phường, chỉ vì 50 triệu mà lại thành trung tâm của dư luận. Chỉ vì 50 triệu mà chấp nhận nay tiếp nhà báo này mai tiếp nhà báo kia, hết lý rồi giải, hết phân bua rồi trình bày. Mà số tiền ấy có đáng để gánh chịu thị phi không, là tùy quan điểm cá nhân thôi chứ cảm quan riêng của Ngô thì Ngô cho là không đáng.

Đặc biệt là không đáng trong bối cảnh có vay nợ thì có trả nợ, có trả nợ thì có kèm theo tiền lãi. Số tiền không lớn, vay lại phải trả kèm theo lãi thì mắc gì vơ vào để danh dự uy tín của cá nhân lẫn cơ quan vo tròn ném vào cái bể công luận để làm gì. Ngô không tài nào hiểu được.

Ví dụ đói quá, đói không chịu được, thấy cái bánh nóng hổi trên bàn, thò tay thó một cái ăn vụng, còn nghĩ ra lý do để giải thích. Đằng này không đói, cũng không bần hàn, nhưng vẫn cứ muốn lao vào giành phần của người khó khăn hơn để người này gièm pha, người kia giễu cợt. Đúng thật sông mê bến lú, biết thế nào mà lần.

2. Trong phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nhắc lại phát biểu mà Bộ trưởng đã từng nói vào tháng 5-2018, "Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn".

Ngô nghe phát biểu này của Bộ trưởng, dẫu là thân phận thường dân cũng thấy chạnh lòng cho các bác sĩ giám đốc của bệnh viện. Ngô biết nhiều bác sĩ đang đảm nhiệm vị trí giám đốc bệnh viện giỏi lắm, rất xứng đáng là chuyên gia đầu ngành. Từ phẩm chất đạo đức cho đến chuyên môn, tuyệt không có gì phải chê trách hay xét nét.

Cái nhà vệ sinh trong bệnh viện, Bộ trưởng nói vậy là nặng lời rồi. Ngô đi thăm người thân không may nằm viện, ám ảnh nhất chính là cái nhà vệ sinh. Có nhu cầu cần kíp lắm chịu hết nổi rồi mới phải nín thở nhắm mắt qua loa cho xong. Nhưng đây có phải là lỗi của giám đốc bệnh viện hay không thì cần phải xem xét lại.

Bệnh viện nào ở nước mình cũng quá tải, tất nhiên là cũng có vài bệnh viện tuyến huyện luôn trong tình trạng giường bệnh chờ bệnh nhân. 

Còn lại, người bệnh phải nằm chung giường, người nuôi bệnh phải ngủ hành lang, ngủ dưới gầm giường, ngủ vạ vật nơi góc cầu thang để chờ nghe thông báo về tình hình sức khỏe người thân, chờ nghe thông báo để đóng viện phí… là điều mà bất cứ ai cũng đã từng thấy qua rất nhiều lần.

Bởi bệnh viện quá tải, nên người ra vào nườm nượp. Lấy ví dụ như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chẳng hạn. Bà con đưa người thân đến khám bệnh chữa trị rồi nằm lại, có bà con ở miền Tây lên, có bà con ở miền Trung vào. Mà nuôi bệnh thì phải lưu ngụ trong bệnh viện rồi. Ăn thì ăn cơm bụi ở mấy cái quán cạnh bệnh viện, tắm giặt thì ngay trong nhà vệ sinh của bệnh viện. Rửa chén rửa ly cũng ngay trong cái nhà vệ sinh ấy. 

Thế nên, trong nhà vệ sinh bệnh viện cơ man nào là rác, từ túi nilon cho đến bịch dầu gội đầu, rồi móc treo quần áo, rồi cả hộp giấy hộp nhựa. Ở rãnh thoát nước thì là tóc, có cả bông băng. Cái mùi hỗn hợp này cộng thêm rất nhiều hình ảnh khác trong nhà vệ sinh bệnh viện luôn là một thử thách vô cùng to lớn đối với những ai có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh trong bệnh viện.

Muốn nhà vệ sinh trong bệnh viện sạch sẽ như kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Y tế, một mình bác sĩ giám đốc làm không nổi đâu. Nhất là khi việc sạch hay bẩn phụ thuộc quá nhiều vào ý thức của người nuôi bệnh.

Bác sĩ giám đốc bệnh viện có giỏi bằng trời mà ông vào nhà vệ sinh trước xả rác, ông vào nhà vệ sinh sau cũng tiếp tục xả rác, thì vĩnh viễn nhà vệ sinh không thể nào sạch được. Mà chi phí cho các cô lao công quét dọn trong bệnh viện có hạn, ngay cả chỉ tiêu ký hợp đồng cho vị trí này cũng có hạn. 

Vì vậy, bác sĩ giám đốc bệnh viện không thể làm gì khác ngoài chuyện vì là cấp dưới nên Bộ trưởng có nói nặng nói nhẹ gì cũng cố phải nghe. Nhưng, có việc này các bác sĩ giám đốc bệnh viện có thể làm được.

Nhà vệ sinh trong bệnh viện luôn chia làm hai khu, khu dành cho bác sĩ, cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện và khu dành cho người nuôi bệnh, cho bệnh nhân. Trên thực tế, việc phân chia này khiến cho bệnh nhân, cho người nuôi bệnh cảm thấy có chút tủi thân. Tại sao đến cái nhà vệ sinh cũng phải phân biệt chi li khổ ải vậy.

Nếu như Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hay chỉ đạo Ban giám đốc Bệnh viện phải làm sao đó để nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân, cho người nuôi bệnh sạch sẽ một cách tương đối đến độ các bác sĩ, các cán bộ nhân viên của bệnh viện vẫn có thể xài chung được. Thì như vậy, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ rất chuẩn xác, rất phù hợp với tình hình thực tế mà lại không nặng nề, dễ nghe.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng dạy rõ ràng trong công tác phê và tự phê, "Phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. 

Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người", là phê bình việc chứ không phải phê bình người.

Nói thiệt là bác sĩ giám đốc bệnh viện, nội chuyện một ngày nghe điện thoại gửi bệnh nhân từ chỗ A chỗ B chỗ C không là đủ rã người rồi, ngoài ra còn công tác chỉ đạo điều hành đủ cả. Nay vì cái nhà vệ sinh bẩn mà mắng luôn cả giám đốc bệnh viện bẩn thì thấy không công bằng cho các bác sĩ giám đốc bệnh viện lắm.

Nói phải củ cải cũng nghe hay chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

3. Có mấy nỗi buồn lặt vặt tiện thể mà chép lại, ngõ hầu góp ý xây dựng cùng nhau chứ không có mưu cầu nào khác vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.