Chung chiêng ở quê nhà mẹ vua Lê Thanh Tông
Mạch núi thiêng Quan Yên dưòng như đã thực thi chức phận địa linh của phong thủy bởi chỉ trong phạm vi chưa đến nửa dặm vuông mà đã góp cho Đại Việt mình ba nhân kiệt. Theo thứ tự thời gian, ngoài Bà Triệu, Khương Công Phụ người thứ ba là Ngô Thị Ngọc Dao.
Một hội làng mà hơn hai chục bàn viết sớ và quá nhiều đám chầu văn lên đồng thì có nên không nhỉ? Cố dẹp bên tai những vang lừng trống phách cùng bao thứ nỉ non của đám cung văn, tôi xoài người bên mép nước sông Cầu Chày uốn lượn trước đền để gẫm thêm về xứ đất thiêng Động Bàng này.
Thời Lê, Định Hòa đây có tên là Động Bàng. Còn có tên khác là Đồng Phang hay Kẻ Phấng, một làng Việt cổ có từ thời vua Hùng! Cũng là điều lạ, Thượng thư Hoàng Phúc của giặc Minh từng có lời bàn về vùng đất Động Bàng Đồng Phang như thế này: "Duy có mạch đất Đồng Phang giống như bàn tay tiên, nhiều mạch nước chảy hợp lại, tám hướng gió không lay động. Nhiều mạch nước chảy hợp lại trước khi chảy qua trăm dặm đưa nước về kết huyệt ở áp sông thành đất Văn tinh...".
Xứ Động Bàng thời giặc Minh cai trị tàn khốc có một chàng trai tuấn tú giỏi võ thông kinh sử họ Ngô tên Từ nửa đêm trốn nhà ra đi ngược lên mạn Lam Kinh để tham gia nghĩa quân của Lê Lợi. Ngô Từ được Bình Định Vương Lê Lợi trọng dụng và trong thời gian nằm gai nếm mật của cuộc kháng chiến là bạn thân của Nguyễn Trãi.
Cuộc kháng Minh thắng lợi, sau Cáo Bình Ngô tất thảy ca khúc khải hoàn kéo về thành Đông Quan. Là bậc khai quốc công thần dưới triều vua Lê Thái Tổ, Ngô Từ được phong đến chức Thái sư. Thái Sư Ngô Từ tuy chức quan cực phẩm nhưng vẫn thường nhớ tới quê hương Động Bàng còn nghèo khó.
Ông cho mở trang trại khai khẩn đất hoang chăn nuôi trồng cấy nhờ vậy mà dân vùng Động Bàng ghi nhớ nhiều ơn tích. Một thời gia sau, ông lập dinh cơ ở quê nhà nói theo kiểu bây giờ là xây trang trại biệt thự vườn và thường xuyên lui về nghỉ ngơi. Tại dinh thự ở quê, người vợ (không biết là chính hay kế?) đã sinh cho ông năm trước năm sau hai cô con gái xinh đẹp là Ngô Thị Ngọc Xuân (cô chị) và Ngô Thị Ngọc Dao (cô em).
Tuổi ấu thơ của hai chị em đã êm đềm qua đi ở miền thôn dã này. Việc mưu sinh cấy cày vất vả cùng nghề tằm tang canh cửi tất tả, những sinh hoạt thuần hậu miền thôn dã ít nhiều in đậm trong ký ức của đôi chị em vốn dòng dõi cành vàng lá ngọc. Có thể nói đó là chất liệu để hình thành nên một tính cách, một thứ ứng xử tầm cỡ mẫu nghi thiên hạ? Nhưng đó là chuyện sau này.
Càng lớn, hai cô con gái của Thái sư Ngô Từ càng xinh đẹp. Lại được thừa hưởng một chế độ giáo dục nghiêm cẩn do những gia sư giỏi của triều đình về kèm cặp nên được đủ nết công dung ngôn hạnh. Năm 17 tuổi, cô chị được tuyển vào cung vua thì năm sau cô em cũng bén gót chị. Vua Lê Thái Tông, hoàng nam của Lê Thái Tổ rất mực yêu chiều Ngô Thị Ngọc Dao.
Dưới triều vua Lê Thái Tông, những ung nhọt thâm căn cố đế, căn bệnh kinh niên của mọi chế độ phong kiến tạm lặn đi trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nhưng đến thời bình thì đã tìm cách bùng phát. Sống với nhau thời loạn thì được nhưng thời bình thì khó! Điểu thố tử, tẩu cẩu phanh, cao điểu tận lương cung tàn địch quốc phá, mưu thần vong (Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ thịt, chim bay cao hết cung tốt vất bỏ, giặc phá xong giết mưu thần) đã khiến lịch sử Đại Việt thời Lê Trung Hưng có nhiều trang u ám. Ở đây không bàn đến hàng loạt mưu thần đến nhiều bậc khai quốc công thần chết oan chết thảm vì sự đố kỵ ghen ghét...
Đến như Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao khi mang thai đã bị chính phi Nguyễn Thị Anh tìm cách hãm hại vì nghĩ rằng nếu Ngọc Dao sinh con trai trước thì mình, lại được vua Lê Thái Tông yêu chiều thế kia con sẽ được kế vị và mình sẽ mất chức danh quốc mẫu! Tin dữ truyền đến tai lão thần Quan nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi.
Để giúp con gái bạn mình và tránh mưu đồ hãm hại của Nguyễn Thị Anh, ngài bày cách cùng người thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ. Hai người chuẩn tâu với vua Lê Thái Tông rằng cứ như thế như thế... Như thế là tạm lánh vào chùa Huy Văn (ngõ Văn chương Hà Nội bây giờ) Sau khi sinh con là Lê Tư Thành, hai mẹ con mặc dù đã mai danh ẩn tích nhưng vẫn không thoát được mạng lưới mật thám của Nguyễn Thị Anh. Nguyễn Trãi lại bày cách bí mật đương đêm ẵm con trốn về miền An Bang, một vùng sâu vùng xa ở mạn Đông Bắc.
Thời gian thấm thoắt trôi. Đùng cái, bùng phát loạn Lê Nghi Dân. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Lúc này trời bỗng nhiên có mắt. Người ta chợt nhớ ra vua Lê Thái Tông có một người con trai là Lê Tư Thành. Lê Tư Thành được các công thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt tôn lên làm vua. Gia vương Tư Thành lên ngôi lấy hiệu là Lê Thánh Tông.
Và như mọi người đã tường, Lê Thánh Tông (1442- 1497) hoàng đế nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ thứ XV, là bậc vua giỏi, uyên bác, đầy tài năng, nhiều võ công văn trị, một danh nhân văn hoá Việt Nam kiệt xuất. Sau này nhà vua đã phong cho mẹ là Quang Thục hoàng thái hậu. Năm Bính Thìn (1496) người con gái xứ Động Bàng Ngô Thị Ngọc Dao đã trút hơi thở cuối cùng ở kinh thành Thăng Long thọ 75 tuổi.
Thái hậu Ngọc Dao là người đã hết lòng cùng con chăm lo cho giang sơn xã tắc, là một trong những chỗ dựa tin cậy của Hoàng đế Lê Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ rằng, chính bà là người đã không quản đường sá dặm dài, cùng Lê Thánh Tông tiến hành cuộc tấn công vào đất Chiêm Thành cuối năm 1470, đầu năm 1471.
Chính vì có chuyến chinh phạt ấy nên hiện giờ các nhà nghiên cứu sử đang tranh luận về ngôi mộ ở đất Hà Tĩnh được cho là mộ bà (bà bị cảm đột ngột mất dọc đường?). Lại có sách chép bà mất khi đang đi bái yết sơn lăng ở Lam Kinh. Rồi ngày mất của bà nữa, cũng chưa thống nhất. Sách thì chép nhằm ngày 26 tháng Hai (năm nhuận) Bính Thân (1496), sách thì khẳng định ngày 25 tháng Ba năm Tân Mão 1471 như bữa nay dân Định Hòa đang tổ chức ngày Giỗ Bà phía trong đền kia.
Ngôi đền thiêng thờ Thái sư Ngô Từ, Ngô Thị Ngọc Dao và đức vua Lê Thánh Tông tại đất Động Bàng nay là Định Hòa đã được dựng từ thời Lê Thánh Tông (sau này vua Lê Thánh Tông được phối thờ). Ngôi đền nguy nga được kết cấu theo lối chữ vương dựng tuyền bằng cột đá và gỗ lim hương khói hàng bao năm không dứt! Ấy thế mà đã dứt vào một năm cách đây cũng chưa lâu.
Khởi đầu sự dữ là vào năm 1952 hay 1953 chi đó. Tàu bay Pháp oanh tạc địa điểm trú quân của một lớp cán bộ kháng chiến (Định Hòa nói riêng và Yên Định là vùng tự do). Trận oanh tạc làm sập ngôi chùa có từ thời Lý cách khu vực đền khoảng 500 mét. May ngôi đền chỉ bị hư hại không nghiêm trọng lắm. Thế rồi công cuộc kháng chiến tiếp tục rồi hòa bình lập lại sau 1954 có biết bao nhiêu việc mới mẻ lẫn lạ lùng cuốn hút, người ta đã bẵng đi việc tôn tạo tu sửa lẫn chăm nom hương khói.
Rồi đùng cái, những chiến dịch với danh nghĩa bài trừ mê tín chà đi sát lại... Thời chống Mỹ, hình như sự linh thiêng của ngôi đền đã tránh được tất tật các loại bom Mỹ? Nhưng ngôi đền đã không thoát được những hăm hở, những phong trào ấu trĩ này khác! Ngoảnh đi ngoảnh lại, mấy chục năm thôi, đền thiêng thờ bà và nhà vua đã trở thành bằng địa lúc nào!
Bên đền, tôi tha thẩn trên những mặt bằng còn sót lại những viên gạch bát. Những viên gạch không phải là niên đại của thời Lê Trung Hưng mà là mới. Gạch lát sân kho HTX. Một cái sân kho thênh thang nền cũ của ngôi đền thiêng gỗ lim cột đá. Sân ấy dùng để trục lúa chia thóc, chia khoai lang và những gì gì nữa của những phong trào thời chưa xa và người cũng chưa cũ... Họp đội bàn xong mạ nước phân/ Quanh nồi khoai luộc chuyện vang sân/ Sớm mai trẩy thóc lên kho huyện/ Nón vẫy cờ tung tiếng trống ngân (Thơ Đoàn Văn Cừ).
Trụ sở và hội trường UBND và cả khu nhà mẫu giáo xã bây giờ làm đúng trên nền đền chính. May mắn thay, sự bừng thức lẫn xót xa trong dân làng Định Hòa đã bột phát tự bao giờ? Chỉ mới hơn chục năm nay thôi, một phong trào thầm lặng hầu hết là tự nguyện của dân lại được sự đồng cảm của chính quyền xã huyện chữ vương thì chưa rành rẽ hoàn tất nhưng dân làng Định Hòa đã phục dựng trên cái nền sân đã hoang hóa này được tàm tạm ngôi đền thiêng theo lối kết cấu chữ nhị.
Nghĩa là một nhà tiền tế, một ngôi hậu cung phối thờ đức bà và đức vua Lê Thánh Tông. Trừ những cột đá bia đá đã đem đi nung vôi, gỗ lim thứ dỡ thứ vạc ra làm kho hoặc lẩn lút trong dân, người ta chịu khó lọ mọ lặn ngụp xuống sông Cầu Chày tìm hú họa thôi, thế mà vớ được lắm cột lim lẫn đá và không ít đồ thờ tự.
Dân làng mỗi người góp tí của tí công nếu đem quy ra thóc gộp thành tiền thì đằng thằng nguồn ngân sách cấp cũng còn lẩu lâu. Hương khói thờ bà, thờ vua lại tứ mùa xôm tụ nhất là những dịp Giỗ Bà như bữa nay! Nhà nước đâu như lại xuất tiền để Định Hòa phục dựng được ngôi từ đường họ Ngô trên nền cũ mà thuở sinh thời đức vua Lê Thánh Tông đã cho xây cất.
Thành kính dâng xong nén hương ngày Giỗ Bà, tôi chợt nhớ đến sắc mặt đỏ gay của mấy vị tuổi sồn sồn trong câu chuyện tại quán nước chỗ mé sông Cầu Chày hồi nãy. Họ khăng khăng vị trí của đền mai kia nếu tu tạo phải trên cái nền chính, tức là trụ sở UBND xã và nhà mẫu giáo kia!
Nhưng cũng có những ý kiến dàn hòa rằng cứ để nguyên ngôi đền đã tôn tạo với phục dựng kia vì mọi thứ đã trót rồi! Trót và nhỡ không có nghĩa làm hỏng việc đại sự mà ngôi đền có chệch đi một quãng cũng chả sao! Nếu mai kia cấp trên cấp cho vốn thì tính thêm việc sửa sang nội thất trên cái khung đã có thì mọi sự cũng tươm!
Như tâm trạng của không ít dân làng, tôi phập phồng nghĩ đến hình ảnh dân làng chứng kiến mới đây tại ngôi đền thiêng này là bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và ông Ngô Hoài Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng nắm tay nhau hình như cam kết chi đó trong việc tu tạo gìn giữ ngôi đền đã được xếp hạng di tích này! Hai ông bà, hai nhà chức việc không nhỏ họ Ngô ấy mà đã nắm tay nhau cam kết thì ngôi đền thiêng này còn có cơ sầm uất này khác?