Chổi đót và ngân sách

Thứ Tư, 11/07/2018, 15:32
Bây giờ khác rồi, Ngô không lạm bàn về biệt phủ nữa, biệt phủ nhiều lắm rồi. Bây giờ lạ rồi, Ngô không nhắc gì đến con quan lại làm quan nữa, chuyện cũng nhiều lắm rồi. Bây giờ hay rồi, Ngô không nhắc gì đến chuyện đang bị kỷ luật vẫn làm lãnh đạo nữa, chuyện đó đầy ra rồi.

Thế nên bây giờ Ngô xin quý độc giả rộng lòng cho Ngô nói về chổi đót và ngân sách. Ngân sách là nguồn sống của một quốc gia, cái này hẳn ai cũng biết rồi. Vậy thì thuật ngữ chổi đót đang rất thông dụng bắt nguồn từ đâu?

1. Đót là cây cùng họ với cây lúa, lá to và rộng, có cụm hoa dùng để làm chổi. Mỗi ký đót làm được hai cây chổi sau khi trải qua giai đoạn rất kỳ công gồm: ra đót, làm bòn, kết cổ, chắp cán, bện tít… 

Bữa Ngô đọc báo mạng thấy họ rao bán trên trang mạng Amazon một cây chổi đót có giá 12 nghìn Yên (Nhật), tương đương 2,6 triệu tiền của nước mình. Thế giới nhiều khi cũng ngộ nghĩnh, chổi đót mà có giá 2,6 triệu thì có khi nước mình đã có hàng triệu triệu tỷ phú nông dân rồi.

Chổi đót đang hết sức bình yên lặng lẽ thì ông Phạm Sỹ Quý cho chổi đót một phát lên bàn trà, bàn rượu, bàn cà phê, bàn cờ tướng, bàn ăn, bàn tiệc ngay. Trung niên Phạm Sỹ Quý, nguyên là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, một trong những lãnh đạo đầu tiên trong trào lưu lộ biệt phủ. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Trung niên Phạm Sỹ Quý giờ mất chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường rồi, lý do là bởi Thanh tra Chính phủ có kết luận, "Kết luận thanh tra chỉ rõ ông Phạm Sỹ Quý không trung thực trong kê khai tài sản khi kê khai thiếu hàng ngàn m² đất ở và đất nông nghiệp do vợ đứng tên; một ngôi nhà rộng 600m² đang xây dựng; không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỉ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng. 

Ngoài ra, cơ quan thanh tra xác định ông Quý đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai; vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định số 78 về minh bạch tài sản, thu nhập; gây nghi ngờ về tài sản của gia đình, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước..." và Chủ tịch UBND Tỉnh Yên Bái đã ký quyết định thi hành kỷ luật với trung niên Phạm Sỹ Quý.

Trước khi mất chức, trung niên Phạm Sỹ Quý đã nói một câu vang dội thiên hạ, "Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ. Tôi chả thiếu nghề gì trên đời". 

Thiên hạ không nhớ đoạn sau, chỉ nhớ đúng mỗi cụm từ, "mua chổi đót". Mua tức là buôn bán, dịch trại ra thành "buôn chổi đót".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) thời điểm đó đã phải thốt lên về trần tình của trung niên Phạm Sỹ Quý như sau, "Cán bộ xây biệt phủ khi có vấn đề, cơ quan thanh tra vào cuộc, cán bộ có những giải thích coi thường dư luận. Giải thích như bán chổi đót, đi nuôi heo mà có biệt phủ chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường nhân dân. Nếu giải thích thế thì cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi. Là công bộc của nhân dân mà thái độ trả lời trước dư luận thế thì chắc nên cho nghỉ việc chứ không nên để tồn tại".

Đương nhiên là mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai, nên Ngô không nhắc nhiều về quá khứ cũng như tương lai của trung niên Phạm Sỹ Quý. Điểm lại là bởi cái chổi đót của trung niên Phạm Sỹ Quý năm xưa cũng thấp thoáng bóng dáng của ngân sách bây giờ.

2. Tỉnh Thanh Hóa vừa khái tính dự chi áng 104 tỷ đồng cho lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa kéo dài từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 5 năm 2019 với nhiều hoạt động như: Tổ chức kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc Lê Lợi; tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa... 

Trong số tiền hơn 104 tỷ đồng đó thì có 82 tỷ đồng từ ngân sách, hơn 20 tỷ đồng còn lại là tiền xã hội hóa, nói nhanh là tiền doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho tỉnh.

Dư luận sôi sục với thông tin này khi không biết bằng cách nào thông tin ấy tràn lên các mặt báo, đặc biệt khi mới tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính cho Thanh Hóa 400 tấn gạo để đảm bảo nhân dân không bị đói vào mùa giáp hạt.

Thanh Hóa suốt một thời gian dài từ dạo hot girl Quỳnh Anh biến mất, toàn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với những thông tin không mấy tốt lành gì cho lắm. 

Từ ông Bí thư Tỉnh ủy bị đồn có con rơi cho đến ông Phó Bí thư Thường trực dính tin đồn cặp kè với bồ nhí xinh tươi mơn mởn, rồi chuyện tiền cứu trợ cho huyện nghèo lọt vào tay cán bộ, chuyện em của Bí thư Thành phố mở nhà hàng trái phép trên đất nông nghiệp, chuyện bảo kê máy gặt, chuyện bò ăn cỏ phải đặt cọc tiền, chuyện lạm thu ngay cả trẻ sơ sinh, chuyện thu toàn tỉnh được mười mấy nghìn tỷ mà chi xài đến hai mươi mấy nghìn tỷ… 

Đại khái là rất lắm chuyện, toàn chuyện không lấy gì làm vui vẻ. Thậm chí chuyện không vui đến độ cái ông Phó Chủ tịch UBND Tỉnh còn mất chức vì "nâng đỡ không trong sáng" vẫn được lưu giữ làm Tổ trưởng Tổ tham mưu hay quân sư gì gì đấy trong quy hoạch, thiệt tình không bút mực nào tả xiết về cái sự lạ lẫm đầy hoang đường ấy.

Thôi thì chi hơn trăm tỷ đồng cho Lễ kỷ niệm danh xưng 990 năm cũng được đi, nhưng điều làm Ngô băn khoăn là hậu sinh sẽ lấy gì để báo cáo với tiền nhân đây. Đất Thanh Hóa là đất có núi, có biển, có sông, có đồng bằng; cũng chốn hào kiệt, cả thảy có đến mấy vua. 

Nhưng rồi không hiểu hạn hán thiên tai bão lụt làm sao đấy mà suốt ngày cứ xin tiền xin gạo của Trung ương, dân thì than bị lạm thu thuế má. Vậy mà bây giờ vinh danh, thật khó cho người soạn thảo lời thưa bẩm với tiền nhân. 

Thưa bẩm mà trung thực thì tiền nhân nghe xong chắc chắn nổi giận, thưa bẩm mà gian dối thì tiền nhân cáu gắt quở phạt không tha, đằng nào cũng nắm đằng lưỡi cả, đằng nào cũng hung hiểm trùng trùng cả. 

Đối diện với người trần gian còn chót lưỡi đầu môi được, chứ đối diện với những bậc anh linh hào khí của dân tộc thì biết chót lưỡi đầu môi làm sao, kiểu ai dám vào chùa thắp nhang lạy Phật mà dám nói lời gian dối bao giờ.

Cái khó này chưa xong, lại đến cái khó bị dư luận phản ứng vì chuyện đã nghèo còn đãi cỗ to, đúng là ách giữa đàng tự mình làm mình rối rắm cả.

Nhưng cái chuyện hơn trăm tỷ của Thanh Hóa chưa đâu ra đâu so với chuyện Sào Khê (Ninh Bình). Dự án Sào Khê (Ninh Bình) được khởi công từ năm 2001 với dự tính kinh phí ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sau đó bị đội vốn thành 2.595 tỷ đồng, gấp 36 lần. 

Đây là dự án kè đá hai bên bờ sông Sào Khê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có chiều dài khoảng 14 km.

Hẳn là câu chuyện đội vốn nghìn tỷ ở nước mình không phải là chuyện gì lạ lắm, mới nghe thì thấy ghê ghê nhưng sau nghe hoài cũng thấy thường thường. Hẳn là câu chuyện đã đội vốn nghìn tỷ nhưng vẫn ngưng trệ chưa biết bao giờ hoàn thành cũng không phải là chuyện gì kỳ lắm. 

Thế nhưng, đội vốn đến 36 lần từ 72 tỷ lên đến gần 2.600 tỷ là chuyện không phải ai cũng làm được, không phải địa phương nào cũng xảy ra được. Thật may là nó cá biệt chứ giả nó mà tràn lan như trạm BOT thì...

Tuy vậy, điều hay ho không phải ở chuyện đội vốn mấy chục lần và ngưng trệ, mà câu chuyện hay nhất ấy chính là một số người cảm thấy đội vốn là hợp lý. Thông thường thì luôn hợp lý với người này và bất hợp lý với người khác, sự vật hiện tượng nào cũng vậy thôi.

Nhất là đối với những người có quyền lợi liên quan thì đừng nói đội vốn mấy mươi lần, mà đội vốn mấy trăm lần, mấy nghìn lần đều hợp lý cả, thậm chí càng đội vốn lại càng hợp lý hơn, lần đội vốn sau bao giờ cũng hợp lý hơn lần đội vốn trước.

Người ta làm một cái nhà còn dự trù kinh phí bao nhiêu, nếu có phát sinh thì phát sinh bao nhiêu, mình có đủ khả năng dự phòng cho kinh phí phát sinh hay không, nếu thiếu thì vay mượn của người thân hay người bạn nào. 

Đấy là chuyện cái nhà của dân, do chính người dân lo. Huống hồ là chuyện công trình công cộng với ban bệ đủ đầy, quyền lực hành chính khả năng chuyên môn ăm ắp, vậy mà lại để đội vốn mấy mươi lần từ mấy chục tỷ lên đến gần 2.600 tỷ. 

Nhẽ ra nên lấy đó làm xấu hổ mà xử lý vi phạm, đằng này lại hợp lý với hợp tình. Ngô tôi không biết phải chú giải thêm làm sao.

3. Bây giờ thì đã thấy buôn chổi đót và ngân sách có liên quan với nhau rồi, không chỉ là kỷ niệm danh xưng hay dự án Sào Khê trứ danh, mà hàng loạt dự án công trình trên khắp cả nước đều có hình hài tương tự vậy.

Làm sao buôn chổi đót mà xây được biệt phủ, sở hữu nhà cửa khắp nơi. Ấy là tuy có buôn chổi đót nhưng lại có quyền dùng chổi đót để quét ngân khố, ngân khố là nơi chứa ngân sách ấy mà.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.