Cậu bụng trự không bằng mự bụng lòng

Thứ Tư, 30/09/2020, 09:37
Nghĩ rằng, truyền thuyết, tương truyền, giai thoại là những mẩu chuyện có thể không có thật hoặc “có ít xít cho nhiều”, người kể sau thêm thắt chút đỉnh so với người kể trước, cứ thế, mỗi người mỗi phách khiến về sau nghe ra càng phong phú hơn, đầy đặn hơn.


Kể ra cũng hay. Chẳng ai khó tính, xét nét đến độ đòi hỏi phải đưa ra chứng cứ, nếu đó là mẩu chuyện mà y kể lại “chẳng chết thằng Tây đen” nào.

Kể rằng, vào một ngày đẹp trời, Vua Tự Đức đang thả hồn vào “Truyện Kiều” ra chiều đắc ý lắm, bỗng ngài ném xoẹt cuốn sách xuống bàn: “Phải chi Nguyễn Du còn sống, phải nọc ra đánh cho vài chục trượng”. Cơn cớ sao lại giận? Ấy là lúc ngài đọc đến câu: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Nghe thế, có người bảo ngài chỉ nói nhún, nếu nói thẳng ruột ngựa, nói toạc móng heo phải là “chém đầu” mới đã nư, đã giận!

Trường thi ngày xưa. Ảnh: L.G..

Những ngày này, trong và ngoài nước chuẩn bị tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du. Cụ mất vào ngày 10/8 Âm lịch năm Canh Thìn (tức ngày 16/9. 1820), năm nay tính Dương lịch là ngày 26/9/2020. Nếu biết giai thoại này, không rõ cụ nghĩ gì trong bụng? Ngẫm lại, tiếng Việt hay quá. Lẽ ra phải nói là nghĩ gì trong đầu thì mới đúng logic chứ nhỉ? Tại sao lại là bụng? Nàng Kiều bảo: “Thiếp dầu vụng chẳng hay suy/ Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười”. Nghĩ là nghĩ trong đầu, cơn cớ sao lại dơ bụng?

Thôi  thì, đã không biết thì phải học.

“Trong cuộc sống, người ta thường quy ước dùng một sự vật nào đó để nói lên một điều gì đó. Cách dùng như thế được gọi là biểu trưng. Chẳng hạn, người Việt chúng ta thường dùng các bộ phận của lục phủ, nghĩa là ruột, gan, dạ dày, bụng, lòng, phổi để biểu trưng cho ý chí, tâm tư, tình cảm, tấm lòng…

Các bạn có thể kiểm tra điều này qua những thành ngữ và tục ngữ: ruột để ngoài da; phổi bò; lòng vả cũng như lòng sung; miệng nam mô bụng bồ dao găm; suy bụng ta ra bụng người; bụng bảo dạ…”.  Ai cũng phải “chịu” ý kiến của nhà ngôn ngữ học, TS Nguyễn Đức Dân là “chuẩn cơm mẹ nấu”.

Không bàn cãi lôi thôi gì thêm. Từ sự lý giải này, vào ngày chủ nhật, không thèm xuống phố, mở cửa phòng, gió lùa vào mát mẻ khiến khoan khoái bụng dạ mà ngồi đọc lại ca dao, tục ngữ há chẳng lý thú lắm sao?

Anh chớ thấy em lắm bạn mà ngờ

Bụng em vẫn trắng như tờ giấy phong.

Từ “bụng” có thể thay thế bằng “dạ/ lòng” đấy chứ? Chẳng hạn, ông thi sĩ tài hoa Tú Xương dẫu thơ hay, nhưng qua nhiều lần thi rớt oạch đụi, buồn quá bèn than: “Bụng buồn còn muốn nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Nếu không sử dụng “bụng buồn” có thể thay bằng “dạ buồn/ lòng buồn” chăng?

Được hay không, y không dám quả quyết nhưng nghe từ “bụng buồn”, tự dưng đã thấy sự trào lộng, mỉa mai một cách chua chát. Mà “bụng buồn” là sao? Là có nỗi buồn đang giấu kín, chỉ mỗi mình mình biết, chỉ mỗi mình mình hay mà ngoài mặt vẫn tỉnh rụi, khó tâm sự với ai khác. Tâm sự mà được à? Mắc cỡ lắm, chẳng hạn anh chàng háu ăn kia:

Bụng buồn chẳng muốn nói ra

Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời.

Còn có dị bản: “Bực mình chẳng muốn nói ra”. Ai làm gì mà bực mình? Vô lý quá. Chỉ có thể là “bụng buồn” mà thôi, vì muốn ăn, thèm ăn nhưng “chẳng ma nào mời”. Ma ở đây chẳng phải Ma trêu quỷ hờn; Thần cây đa, ma cây gạo, cáo cây đề; Nhủng nhẳng như chó cắn ma… Mà lại là dùng để chỉ một ai đó, người nào đó - tỷ như Ma cũ bắt nạt ma mới. Không chỉ có thế, một người nhận xét: “Cô ấy ma lắm” - ta hiểu là tinh quái, khôn lanh, xảo quyệt. Nhưng sổ ma, giấy tờ ma… là không có thật, chỉ bịa ra để gạt người khác.

Nhớ về ngày tháng hoa niên êm đềm, ai lại không từng trải qua trường hợp đáng yêu này. Chẳng hạn, trưa trầy trưa trật, tan trường, cái Tún lấy xe “lai” Tí về nhà. Cám ơn bạn, Tí  mời cái bánh, Tún từ chối: “Tớ còn để bụng về nhà ăn cơm. Cũng là “để bụng” nhưng ngữ cảnh này lại là để dành bụng đặng ăn thứ khác, khác với tâm sự sâu kín của chàng trai nọ:

Thấy em nhỏ thó lại có duyên thầm

Anh đây để bụng thương thầm bấy lâu.

Để bụng là không nói ra, giữ lại trong lòng; thế nhưng nghe câu nhận xét: “Chẳng biết đâu mà lần, hắn ta hay để bụng lắm đấy”, ta lại hiểu theo nghĩa người đó tính khí/ bụng dạ nhỏ nhen, chấp nhặt, thù dai, nhớ dai về việc không ưng ý nào đó, dù việc nhỏ như cái móng tay. Ối dào, tiếng Việt nhà mình. Đa nghĩa thiệt. Mà từ “để” đáo để ấy, còn có hiểu theo nghĩa là “bỏ”:

Mèo lành ai nỡ cắt tai

Gái hư chồng để, khoe tài nỗi chi.

Nếu không dùng từ “để”, ta có thể thay từ khác chăng? Sao lại không. Vợ chồng một khi Cơm không lành canh không ngọt, đã đến nước Ông ăn chả bà ăn nem thì dẫn đến Bẻ tiền bẻ đũa là cái chắc.

“Bẻ tiền bẻ đũa” hàm nghĩa thế nào? Từ năm 1651, ông A. de Rhodes giải thích: “Ly dị. Bởi vì bẻ đồng tiền và những chiếc đũa dùng để ăn là dấu hiệu sự tan vỡ của hôn nhân khiến cho người vợ từ lúc đó có thể lấy người chồng khác mà không có tội”. Thế thì, để là ly dị, lại còn có từ “rẫy”: “Gái rẫy chồng mười lăm quan quý. Trai rẫy vợ tiền phí đổ sông”. Để cũng hàm nghĩa là bán lại, nhường lại: “Mua cái Ipad này không, tớ để lại giá bèo”; là đặt vào vị trí nào đó, hãy nghe anh chàng nọ tâm sự:

Thương em chẳng biết để đâu

Để quán, quán đổ; để cầu, cầu xiêu

Là chờ đợi, hẹn về sau:

Chết ba năm sống lại một giờ

Để xem người cũ phụng thờ ra sao.

Mà “để” còn có nghĩa là “chịu”: Để tang để trở. Ơ hay, xin hỏi nhỏ, “để trở” là gì, nghe lạ tai quá đi mất? “Việt Nam từ điển” (1931) giải thích: “Dùng sang tiếng Nam có nghĩa là có tang”. Lại nữa, “Bậu để chế cho ai mà tóc mai bậu rành rạnh/ Để chế cho mẹ chồng, vậy hiếu hạnh bậu đâu”. Để chế cũng là để trở/ để tang. Xin lưu ý để (dấu hỏi), nếu đễ (dấu ngã) lại nhảy qua nghĩa khác là thuận tình, hiếu thảo như hiếu đễ/có hiếu, có đễ.

Hãy trở lại với câu thơ của Tú Xương. Có thể nói, từ “bụng/ dạ” như anh em song sinh, chẳng hạn: Bụng làm dạ chịu; Bụng mang dạ chửa; “Thẹn thay cho kẻ vô nghì/ Khi này dạ Sở, lúc kia bụng Tần (Nhị độ mai); Dạ sâu hơn bể, bụng kín hơn buồng; Bụng làm dạ chịu… Nhưng từ “dạ”,  còn là tiếng người dưới đáp lại lời người trên - chỉ cần nghe “Gọi dạ bảo vâng” đã thấy sự lễ phép, nề nếp gia phong.

Trước đây, ở miền Nam có câu “Cán ống nhựt dạ”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Giấy việc quan phải đệ đi gấp, chẳng kì ngày đêm”. Thành ngữ này dần dần nói trại thành: “Cắn ống giựt nhợ” và còn tồn tại đến nay - nhằm chỉ phải hành động, thực hiện ngay việc gì đó một cách nhanh chóng, gấp rút, không thể chần chừ. Rõ ràng, “nhựt dạ/ nhật dạ” âm Hán Việt (chỉ ngày đêm) đã biến hóa thành “giựt nhợ/ giật nhợ” một cách nôm na, ngon lành, dễ hiểu. Chỉ nghe thoáng qua đã dễ dàng liên tưởng tới một việc bức bách, phải làm ngay:

Ai về nhắn với ông câu

Cá ăn thì giựt để lâu hết mồi.

Nhợ là dây đánh bằng sợi, xe bằng chỉ như nhợ câu dùng để câu cá.

Với người Việt, ít ai nói “nặng dạ”, chỉ thường nói “nặng bụng” nhưng lại có từ “nhẹ dạ”. Một bà mẹ khuyên con: “Sai lầm của vợ con chỉ do nó nhẹ dạ. Thôi, con đừng để dạ/ để bụng nữa,”. Ý bà mẹ chồng bảo con dâu nông nổi do tin người mà mắc sai lầm ấy. Nhẹ/ nặng ấy, lấy gì so sánh? Thành ngữ có câu Nhẹ như bấc nặng như chì; Nhẹ bằng lông quăng chẳng đi, nặng như chì đi vanh vách… 

Nghe mẹ nói thế, người con đáp: “Dạ, đành là thế nhưng chẳng thấu bụng dạ vợ con thế nào”. Thì “bụng dạ” lại là từ biểu trưng về tâm tư, lòng dạ, tính tình, suy nghĩ sâu kín của ai đó mà người khác khó biết. Nếu biết, ắt dùng câu Đi guốc trong bụng chứ gì? Không cần giải thích, ai cũng thừa biết ý nói biết tỏng tòng tong về tâm tư, suy nghĩ thầm kín của ai đó, dù họ không hé môi. 

Nếu giải thích này đúng, thì mới thấy rằng, ngày xưa ở Hà Nội, các cô bán hàng quán đã “đi guốc trong bụng” các sĩ tử lai kinh ứng thí. Ông Doãn Kế Thiện có kể lại trong quyển “Hà Nội cũ” (1943) chi tiết này cực kỳ lý thú. Kể lại nghe chơi. Vâng ạ.

Ngày trước đi thi, các thí sinh tất nhiên họ phải ở trọ nơi gần trường thi để thuận tiện việc đi lại và đỡ tốn kém, vị trí ấy khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ ở Hà Nội bây giờ. Cứ những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu có thi Hương thì hàng quán nơi này mọc lên, đón các thí sinh đến ăn ở, trở thành nơi đông đúc vui vẻ. Khoa thi càng đông thì các o bán cơm, cho thuê phòng trọ lại càng phát tài. Các o cũng đáo để, hóm hỉnh lắm, còn biết đặt ra bài vè để chào mời: “Ba gian nhà khách/ Chiếu sạch giường cao/ Mời các thầy vào/ Muốn sao được thế/ Mắm Nghệ lòng dòn/ Rượu ngon cơm trắng”. 

Sau khi “tiếp thị” hàng quán của mình, các o còn khôn khéo biết tỏng bụng dạ của dân lều chõng: “Các thầy dù chẳng sá vào/ Hãy dừng chân lại em chào cái nao/ Đêm qua em mới chiêm bao/ Có năm ông Cử mới vào nhà em/ Cau non bổ, trầu cay têm/ Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời/ Năm thầy tốt số hơn người/ Khoa này tất đỗ nhớ lời em đây”. Nghe như thế, dù không nói ra, chứ thí sinh nào mà không sướng phổng mũi, sướng rơn trong bụng, khó bước chân qua hàng khác...

Hơn nữa, ở quán này còn có món “mắm Nghệ lòng dòn” mà xứ Nghệ có câu: “Cậu bụng trự không bằng mự bụng lòng”. Trự là chữ; mự là thím/ mợ. Ta hiểu theo hai nghĩa, dù bề bề bụng chữ, làu làu kinh sách cũng không bằng “bụng lòng” là chỉ về lòng tốt, có tâm, có lòng; nhưng cũng có thể hiểu là “tạng phủ động vật, đây chỉ lòng lợn, ý nói thói đời coi trọng cái ăn hơn chữ nghĩa và phê phán những kẻ coi trọng cuộc sống vật chất hơn cuộc sống tinh thần” - nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban giải thích. Không chỉ đi chung với “bụng”, “dạ” có lúc lại “léng phéng” với “lòng”, chẳng hạn, Lòng chim dạ cá; Lòng lang dạ sói; Lòng son dạ sắt; Ghi lòng tạc dạ; Đau lòng xót dạ; Lòng đàn bà dạ con nít… Ở Huế cao câu liên quan đến “lòng/dạ” hay quá là hay:

Đường mô vui bằng đường Thượng Tứ

Cảnh mô đẹp bằng cảnh núi Ngự, sông Hương

Ví dầu lòng thầy, dạ mẹ không thương

Tấm thân anh đây chết đứng giữa chặng đường đợi em…

Và một khi kèm thêm từ chỉ tính chất, “dạ” lại còn “chung chạ” với “gan” như Gan vàng dạ sắt; Gan sành dạ sỏi… Vẻ vang thay, “dạ” còn “dan díu” với “ruột”:“Đêm qua mới thật là đêm/ Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa”… Mà  “ruột” lại đi chung với “gan” để có thành ngữ Lú ruột lú gan, Sôi gan lộn ruột; Mát gan mát ruột; Gan thắt ruột bào; “Bước xuống tàu, ruột bào gan thắt/ Qua khúc sông này anh Bắc em Nam”; hoặc“Đứng giữa trời anh chẳng nói gian/ Vắng em một bữa, ruột gan rã rời”. Nhằm chỉ cấp độ cao hơn ắt phải Bầm gan tím ruột hoặc: “Xa nhau tính đã đôi năm/ Bởi thương người nghĩa gan bầm ruột đau”…  

Qua những dẫn chứng trên, ta thấy “để biểu trưng cho ý chí, tâm tư, tình cảm, tấm lòng” thì các từ bụng, dạ, lòng, gan, ruột… tùy ngữ cảnh có thể hoán đổi nhau được chăng? Chưa chắc, bởi mỗi từ đều có vị trí, ngữ nghĩa riêng biệt, nếu sử dụng chính xác thì nó mới trở nên “đắc địa/ đắc giá”.

Lê Minh Quốc
.
.