"Cấm đỗ xe trước cửa nhà tôi!"
- Hà Nội Bố trí thêm 87 điểm đỗ xe trên lòng đường
- Tình trạng dừng, đỗ xe trên vỉa hè vẫn tiếp diễn
- Thí điểm dừng đỗ xe thông minh tại quận Hoàn Kiếm
Nhà tôi trong một con ngõ rất vừa vặn hai chiếc ô tô tránh nhau, mà ngõ lại được "bít hậu" bởi một khu đô thị mới nên rất đông đúc. Thời buổi khó khăn đủ đường, đến chỗ đỗ xe cũng là cả một vấn đề nên mới có chuyện dân cũng cấm người khác đỗ xe.
Đếm suốt ngõ, có đến chục cái biển, nhẹ thì "Đề nghị không đỗ xe" "Xin đừng đỗ xe chắn cửa…". Nói quả đáng tội, cái ngõ này mà bị đỗ xe vào cửa thì chẳng thể ra vào gì được, đến đi bộ chắc cũng phải bắc thang mà trèo qua thôi chứ đừng nói đến chuyện dắt xe máy hay đánh ô tô ra vào.
Chắc chắn là không thiếu những người vô ý vô tứ, thậm chí là rất vô ý thức, chỉ biết được việc mình, đã đỗ thẳng xe vào cửa nhà khác mà thăm ai đó trong khu vực, vui chuyện mà quên hẳn đi chiếc xe đang chình ình làm khó bao người.
Ở nước ngoài, người lái xe thường bao giờ cũng có sẵn một, hai tấm bảng in số điện thoại của mình, khi đỗ đặt sau kính xe để đề phòng trường hợp có chuyện gì cần kíp, người khác còn biết đường mà gọi.
Ở xứ ta, chuyện này hiếm lắm, và nếu có thì cũng là từ những người đã "bị nhiễm" cái lối sống văn minh xứ người. Có lần tôi chứng kiến một chiếc ô tô đỗ còn có tấm biển "Xin phép đỗ nhờ, xin lỗi vì đã làm phiền, nếu cần xin gọi số…" Chuyện khiêm nhường như thế cũng là hãn hữu, khi mà đến tiếng còi giục giã, gắt gỏng người ta còn chẳng hạn chế được khi ngồi sau vô-lăng.
Ấy thế mà lại có một "nạn nhân" từ một đất nước tưởng văn minh hơn ta, "dám" đỗ xe trước cửa nhà khác chẳng thèm có bất cứ một thông tin nào để chủ nhà liên hệ, nhỡ gia đình người ta có chuyện gấp như có người ốm cần đi cấp cứu thì làm thế nào?
Chuyện gì đến phải đến, ngày "đẹp trời" gặp đúng ông chủ nhà nóng tính, vác ngay cục bê-tông rõ to, đập gãy cả gương. "Nạn nhân" người nước ngoài cũng chỉ biết có ngậm ngùi mà đi.
Chuyện đỗ xe bừa bãi, trên các diễn đàn của những người lái xe ô tô người ta nói mãi rồi. Về nguyên tắc bất cứ một ngôi nhà nào những người sinh sống bên trong cũng phải có quyền đi ra đi vào, nếu không thì họa chăng có mà bay ra khi không có lối đi.
Luật dân sự Việt Nam cũng như rất nhiều nước cũng đều có quy định về chuyện này: quyền có lối đi ra của miếng đất bên trong, người chủ của miếng đất bên ngoài phải có nghĩa vụ thiết lập một lối đi đó với điều kiện người chủ của miếng đất bên trong phải trả tiền cho nó…
Với những nhà mặt phố nhưng không có vỉa hè, điều này dễ hiểu và đương nhiên quyền ra vào phải được tôn trọng cao hơn, nhưng với những nhà mặt phố lại có vỉa hè to to một chút, chuyện nó đơn giản nếu ở thời của xe đạp và xe máy, khi thành phố thanh bình và con người còn chưa bon chen và bị hành hạ bởi đủ điều của kinh tế thị trường.
Nhưng đến thời của ô tô thì lại khác, cả cái vỉa hè to như thế cũng chưa chắc đã đủ cho cái ô tô ra vào. Và câu chuyện không chỉ được nhìn từ phía người đỗ xe vô ý và quyền được ra vào của những người sống trong ngôi nhà nữa.
Trong số chục tấm biển "Đề nghị không đỗ xe" ở ngõ nhà tôi, riêng có một căn nhà chiếm tới ba tấm biển. Một tấm là "Không đổ rác ở cửa nhà tôi" (không liên quan!) tấm thứ hai là "Cấm đỗ xe trước cửa nhà tôi" và một tấm bổ sung "Xe ra vào 24/24h." Mỗi lần đi qua, đọc thấy cái chữ "Cấm" màu vàng trên nền đỏ rực, tôi lại thấy chờn chợn thế nào.
Chúng ta thường quen hiểu cái chuyện cấm đoán, nó phải được áp dụng từ người có quyền lực hơn tới những người không có quyền lực bằng - như cha mẹ cấm con cái làm một số việc, hoặc chính quyền cấm công dân của mình làm những điều phi pháp…
Nếu xét từ góc độ "quyền ra vào" chúng ta nói chuyện trên đây, thì đúng là chủ nhà thì có quyền còn người đỗ xe là người nhờ vả, sự bất bình đẳng được xác lập và khi người chủ nhà đã ban hành lệnh "Cấm" cũng có nghĩa là "không có nhờ vả gì hết."
Dù sao thì cái cảm giác gai gai, chờn chợn… vẫn còn nguyên mỗi khi nhìn thấy tấm biển cấm. Là cư dân của thành phố đã lâu, tôi cũng chứng kiến nhiều chuyện "thực thi" quyền của người sống trong nhà mặt phố rất khác nhau. Hầu hết, mặc nhiên người ta coi cái vỉa hè trước mặt nhà mình cũng là của nhà mình và không muốn ai vi phạm vào đó - điều này đặc biệt đúng với các khu buôn bán và hệ lụy chắc chắn của nó là "chiếm dụng vỉa hè."
Điều thú vị là có nhà thì đuổi quầy quậy bằng được những trường hợp để xe ở cửa nhà mình và… sang mua hàng ở nhà bên cạnh; nhưng lại có những trường hợp sẵn lòng cho khách để xe ở cửa nhà mình mà không mua hàng.
"Xởi lởi thì trời cho" các cụ nói cấm có sai, chính những người sẵn lòng thì buôn bán ngày một ăn nên làm ra, còn những người bo bo thì lại lụn bại đi. Chính cái tâm lý muốn "cấm" những gì không có lợi cho mình, có lợi cho đối thủ cạnh tranh của mình đó làm cho con người bo bo, hẹp hòi đi và dần dần khách hàng xa lánh.
Ngôi nhà có cái biển "Cấm đỗ xe" kia, nó làm cho người qua đường, và chắc là cả khách khứa có một cảm giác không yên, không an lòng, không vui vẻ. Chắc hẳn những người sống trong đó cũng đã phải bức xúc nhiều lắm về những người đỗ xe vô ý, mới dẫn đến việc cấm đoán ghê gớm như thế.
Nếu quan sát kỹ hơn, thì cảm giác không vui vẻ, thoải mái càng gia tăng khi thấy tầng tầng lớp rào thép gai trên hàng rào, cánh cổng bằng sắt nặng nề chắc phải xe tăng húc mới đổ, theo đúng kiểu "nhà của tôi là pháo đài của tôi".
Nhìn nó, ta cảm giác thấy rõ rệt một "cái tôi" quá lớn của những người chủ nhà, vừa sợ hãi vì một xã hội bất an bên ngoài lại vừa lo lắng cho một cuộc sống đủ đầy bên trong. Nhưng ta thử đặt vào hoàn cảnh họ.
Hãy thử tưởng tượng, gia đình họ, có cửa nhà là lối ra vào trong nhà mình mà bị hết lần này đến lần khác, bị hết người này đến người khác, ngày này qua tháng khác, ngang nhiên từ đâu đến cứ coi cửa nhà mình là bãi đậu xe công cộng của họ, thậm chí thấy mình đang đứng ở đó cũng như không, không hề thốt ra được một lời đúng mực lịch sự tối thiểu, đại khái như: "Phiền Anh/chị cho tôi để xe nhờ có việc lên nhà ông/bà X trên kia được không ạ?"…
Có ở trong hoàn cảnh ấy, mới thật sự hiểu thấu cơn ức chế vì những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhặt hàng ngày nó có thể làm người ta dễ tăng xông đến cỡ nào!
Một cuộc sống như vậy, với một tâm lý như vậy và "hôm nào đó như bao hôm nào" ta đi về nhà, lại gặp chiếc xe đỗ cổng, bầu máu nóng sục sôi có cớ bùng phát, ta vác bê-tông chọi luôn vào nó, và ta gây bão trên truyền thông cũng như mạng xã hội. Chuyện đơn giản chỉ vậy thôi.
Lý do thì nhiều, bởi cuộc sống bây giờ bao điều bức xúc, nhiễu nhương. Con đi học khổ đằng con đi học, mà công đường, bệnh viện… chỗ nào cũng có thể gặp đầy chuyện. Bệnh nhân khổ đằng bệnh nhân mà bác sỹ cũng có khi bị côn đồ truy sát, cảnh sát giao thông bị lăng mạ thậm chí bị đánh chứng tỏ những bức xúc của lái xe cũng đã lên đến cực điểm…
Bức xúc trong lòng đã không từ một ai, cả những người thuộc tầng lớp bình dân lẫn giới tinh hoa của xã hội, cứ động một cái cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, là nổi nóng và có những hành vi rất lệch chuẩn.
Không còn phải bàn cãi gì, dù người ta có đỗ xe làm ảnh hưởng đến "quyền ra vào" của mình, thì mình có quyền gọi chính quyền đến xử lý, cùng lắm là cẩu chiếc xe ra chỗ khác, nhưng trong cơn bức xúc có thể đã kìm nén lâu ngày, hay là cơn bức xúc có cộng thêm ức chế với bao nhiễu nhương dồn nén khác, thì người ta bỗng không còn kiểm soát được cảm xúc và ý thức, lại áp dụng "biện pháp mạnh" làm hư hại tài sản của người khác, một hành vi rõ ràng vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước hết về dân sự.
Chúng ta đồng ý với nhau rằng, môi trường xã hội là của chung, nếu những gì chúng ta thấy bức xúc, cũng có nghĩa là người khác cũng sẽ thấy bức xúc. Nếu ai cũng đem bức xúc để "bùng nổ" nổi nóng lên với nhau, thì còn gì là một xã hội bình yên nữa.
Nếu như mỗi chúng ta giữ cho mình được văn hóa và ý thức tôn trọng văn minh, luật pháp tối thiểu, thì chắc hẳn không có cảnh vô ý thức hay nghênh ngang ngạo ngược mà đối xử với nhau ngay từ những việc nhỏ nhưng là đạo lý sống hằng ngày.
Và giảm thiểu những hành xử thiếu văn hóa với nhau, cũng sẽ làm dịu lại cho nhau và dịu lại cho cuộc đời hơn. Cũng đừng nên đổ lỗi cho khả năng thực thi pháp luật nghiêm minh vội - vì pháp luật chỗ tồn tại quan trọng nhất của nó là trong ý thức của con người, sau đó mới là sự trừng phạt của pháp luật. Không nên áp dụng tiêu chuẩn kép, bản thân thì không tôn trọng pháp luật nhưng lại muốn yêu cầu pháp luật bảo vệ khi lợi ích của mình bị vi phạm.
Đến đây mới thấm cái lý mà Đạo Phật vẫn nói: "người được hưởng phước nhiều thì khó tu" - câu chuyện này cũng cho thấy, bằng cấp và địa vị xã hội, hoàn toàn không đem tới sự bình an trong tâm hồn.
Một ngày chúng ta sẽ nhận ra rồi chúng ta phải buông bỏ hết - cả nhà cửa và cái "quyền ra vào" gắn liền với nó, những của nả chất chứa bên trong nó và đến cả danh tiếng, địa vị xã hội… những thứ đang tạo nên một "cái tôi" hư ảo nhưng cao chất ngất bên trong chúng ta… rồi sẽ phải bỏ hết mà trở về với cát bụi.
Hiểu được như thế, thì ta chợt mỉm cười: ừ thôi bạn cứ đỗ xe đi, tôi tuy vội, nhưng thôi vẫy taxi đi cũng được… "Lùi một bước thấy biển rộng trời cao" là như vậy.