Bóng đá Việt Nam và những cuộc so kè sắp tới với bóng đá Thái Lan

Thứ Bảy, 16/05/2015, 15:19
“Khi ĐT Việt Nam thua ĐT Thái Lan thì nhiều con tim hâm mộ bóng đá Việt Nam như ngừng đập. Vậy ông cho biết, khi nào thì ĐTVN thắng được ĐT Thái Lan?” - đấy là câu hỏi mà cựu Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái phải nhận trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội.

Điều đó cho thấy đã có một thời kỳ, nỗi ám ảnh Thái Lan là một nỗi ám ảnh lớn và dai dẳng như thế nào với bóng đá Việt Nam.

Đấy là cái thời mà cứ gặp ĐT Thái Lan là ĐT Việt Nam lại vỡ, và thậm chí là vỡ nặng. Theo lời kể của tiền vệ tài hoa Nguyễn Hồng Sơn thì sau buổi tập cuối cùng trước trận bán kết Tiger Cup 1996 giữa Việt Nam - Thái Lan, HLV trưởng Weigang đã quây các cầu thủ lại để chỉ nói những câu chuyện giải trí vui vẻ hòng giúp tất cả có thể nhập trận một cách thoải mái. Và khi ấy ai cũng tin là sẽ nhập trận thoải mái. Nhưng khi tiếng còi khai trận cất lên thì trạng thái “cóng cơ” cố hữu lại xuất hiện, và ĐTVN lại vỡ nặng trước Thái Lan, giống như đã vỡ nhiều lần trước đó.

Đến thời Alfred Reidl, ngay cả khi ĐTVN bất ngờ xô đổ Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy - trận đấu mà sau khi Văn Sỹ Hùng ghi bàn thứ ba, ông Reidl bật dậy, vung tay lên trời đầy kiêu hãnh thì bóng đá Việt Nam vẫn thất thế khi phải gặp lại Thái Lan. Thực tế thì đấy là lần mà Thái chỉ cử đội hình 2 sang dự Tiger Cup, còn đội hình 1 dồn sức cho mục tiêu Asiad trên sân nhà, và đấy là kỳ Asiad mà Thái Lan vào đến bán kết sau một trận đấu vượt qua Hàn Quốc với phần lớn thời gian chỉ có 9 người trên sân.

Đúng 10 năm sau cái mốc 1998 ấy, ngay cả khi con người đặc biệt Henrique Calisto - người xuất sắc nhất trong những người từng ngồi ghế thuyền trưởng ĐTVN giúp chúng ta vượt qua Thái Lan ở chung kết AFF Suzuki Cup thì chính Calisto cũng phải thừa nhận: “Việt Nam chỉ thắng Thái Lan  một trận đấu, chứ vẫn không thể thắng Thái Lan về đẳng cấp”.

Với tài cầm quân của HLV Miura, hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có những cuộc đối đầu coi được với bóng đá Thái Lan. Ảnh: H.M.

Hai năm sau chiến thắng này, Calisto sang Thái Lan cầm quân CLB Muang Thong United, khi thực sự sống và hiểu bóng đá Thái Lan, để rồi một lần nữa khẳng định lại: xét ở góc độ nền tảng, Thái Lan vẫn hơn hẳn Việt Nam. Lần gần đây nhất ĐTVN gặp ĐT Thái Lan là tại vòng bảng AFF Cup 2012 tại Bangkok, và lần ấy thì ĐTVN của thầy nội Phan Thanh Hùng đã thua lấm lem trắng bụng 3 bàn không gỡ.

Tới đây, có thể đưa ra kết luận, bất chấp các đời HLV nội ngoại khác nhau, và bất chấp những khoảnh khắc chiến thắng trước người Thái mà chúng ta bất ngờ có được thì xét về mặt đẳng cấp, bóng đá Việt Nam vẫn không thể sánh bằng Thái Lan. Nhưng trong sự thua kém nói chung giữa hai nền bóng đá, vẫn có một tín hiệu tích cực, đó là so với thế hệ cầu thủ những năm 90 của thế kỷ trước, thì với những thế hệ cầu thủ Việt Nam sau này, nỗi ám ảnh Thái Lan, hay nói trắng ra là cái tâm lý “sợ Thái Lan” đã giảm dần.

Và có thêm một điểm tích cực nữa khi trong khoảng 2 năm trở lại đây thì ĐT U.19 Việt Nam luôn giành kết quả ấn tượng trước U.19 Thái Lan. Người ta chưa quên, trận đấu đầu tiên mà lứa U.19 (với nòng cốt là sản phẩm của lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai JMG) trình làng chính là trận đấu với U.19 Thái Lan tại giải U.19 Đông Nam Á 2013. Đấy là trận đấu mà những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường... đã trình diễn một thứ bóng đá tấn công rừng rực lửa, giành chiến thắng 3-2 đầy ấn tượng.

Một năm sau, khi gặp lại nhau ở bán kết giải U.22 Đông Nam Á tại Brunei, và khi ông HLV trưởng Thái Lan tuyên bố “sẽ thắng Việt Nam bằng mọi giá” thì rốt cuộc U.19 Việt Nam vẫn là người giành chiến thắng sau cùng. Lần ấy, người ta không quên những phát biểu và cả những biểu hiện mang rõ sự hậm hực, cay cú của HLV trưởng U.19 Thái Lan.

Phải thừa nhận, sự xuất hiện của một lứa U.19 tài năng với những chiến thắng liên tiếp trước U.19 Thái Lan đẩy chúng ta đến một suy nghĩ: Có phải đã đến lúc Thái Lan không còn là một nỗi ám ảnh nữa? Và thậm chí, có phải giờ thì chính Việt Nam mới trở thành ám ảnh của Thái Lan? Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhìn vào sự nhạt nhòa của những Công Phượng, Văn Toàn khi bị “ép” lên chơi V.League không khó tìm ra câu trả lời.

Ông Miura (giữa) cùng các trợ lý và phiên dịch.

Ở cấp độ cao hơn và thực sự phản ánh trình độ của một nền bóng đá hơn (là cấp độ U.23 và ĐTQG) thì bây giờ, thật ngẫu nhiên cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều đang ở cùng một vạch xuất phát, và cả hai đều đang rốt ráo chuẩn bị cho những lần đấu nhau.

Cách đây ít lâu, trong buổi hội quân đầu tiên của ĐTVN, chuẩn bị cho trận đấu với Thái Lan ở vòng loại World Cup khu vực châu Á vào ngày 24 tháng 5 tại Thủ đô Bangkok, HLV trưởng ĐTVN Toshiya Miura đã bị báo giới cật vấn nhiều về chuyện cùng một lúc phải huấn luyện, dẫn dắt cả ĐTQG lẫn ĐT U.23 Quốc gia, và thế là Miura lập tức trả lời: “Đâu riêng gì tôi. Hãy nhìn sang Thái Lan kìa, HLV trưởng Kiatisak cũng đang phải cùng lúc dẫn dắt cả 2 đội tuyển như thế”.

Ngược lại, trong một cuộc trả lời báo chí Thái Lan, HLV trưởng Kiatisak nói rất nhiều đến trận đấu sắp tới với Việt Nam, và không ngại cho biết Thái Lan có quá nhiều lý do để giành chiến thắng. Cái lý do mà theo “Sắc” thì không chỉ nằm ở lợi thế sân nhà, khán giả nhà, mà còn nằm ở một đội bóng với chiều sâu lực lượng, được dày công chuẩn bị từ nhiều năm nay.

Ở cấp độ đội tuyển U.23 thì cách đây chưa lâu, trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á, U.23 Việt Nam đã thua tâm phục khẩu phục U.23 Thái Lan trong một trận giao hữu trên đất Thái.

Mặc dù ông Miura từng nhiều lần cho biết: “Đó chỉ là một trận giao hữu, và khi hai đội gặp lại nhau ở một trận đấu chính thức, mọi thứ có thể sẽ khác” thì mới đây, khi lá thăm may rủi đưa U.23 Thái ở cùng bảng với U.23 Việt tại SEA Games 28, ông Miura cũng chỉ nói rất thận trọng: “Ở một bảng đấu có Thái Lan, mục tiêu vào bán kết của chúng ta là không dễ dàng”.

Ai cũng biết, với sự dẫn dắt của Kiatisak và với một nhóm chủ lực binh tài năng, giàu triển vọng được chọn làm nòng cốt cho cả ĐTQG lẫn ĐT U.23 Quốc gia, bóng đá Thái Lan đã trở lại một cách ngoạn mục bằng chức vô địch SEA Games 27 và  AFF Suzuki Cup 2014.

Trong khi đó, ở SEA Games 27, ĐT U.23 Việt Nam của HLV Hoàng Văn Phúc phải xách vali ra về ngay sau vòng bảng, còn ở AFF Suzuki Cup 2014, ĐTQG của HLV Toshiya Miura phải dừng cuộc sau một trận bán kết lượt về đầy khả nghi. Rõ ràng, nhìn ở cả phương diện thành tích lẫn bề dày nội lực, không thể không thừa nhận ở thời điểm hiện tại, U.23 Thái Lan và ĐTQG Thái Lan đang có phần vượt trội so với chúng ta. Thế thì những cuộc gặp gỡ, đụng đầu liên tiếp tới đây liệu có đẩy chúng ta quay về cái thời kỳ bị ám ảnh dữ dội bởi người Thái như những năm 90 của thế kỷ trước hay không?

Hy vọng là với tài cầm quân của ông Miura, và với khát vọng cống hiến của một thế hệ cầu thủ trẻ, khỏe, giàu ước mơ, chúng ta cũng sẽ thể hiện một bộ mặt không đến nỗi nào trong những lần cọ xát với người Thái tới đây. Những cuộc cọ xát mà ngay cả khi không giành được mục tiêu mong muốn về điểm số và thành tích thì chúng ta cũng không phải đối diện với một nỗi ám ảnh như đã từng sống một thời.

Hy vọng thế!

Phan Đăng
.
.