Bây giờ ai còn muốn khóc?

Thứ Hai, 23/11/2020, 13:18
Trong bộ tiểu thuyết kinh điển "Kim Bình Mai", ở đoạn Phan Kim Liên giết chồng rồi giả vờ khóc, tác giả Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh cho rằng có ba kiểu khóc. Kiểu khóc thành tiếng và có nước mắt gọi là "khốc", kiểu khóc không thành tiếng nhưng có nước mắt gọi là "khấp", còn kiểu khóc không có nước mắt mà chỉ có tiếng kể lể thì gọi là "gào"! Bây giờ quả thật khóc cũng không dễ vì đôi khi người ta không còn nước mắt để khóc nữa.


Một lần ba tôi cũng bảo rằng, không dễ khóc đâu con à. Không có lòng thương hoặc sự xúc động thì không khóc nổi.  Khóc là biểu hiện của nỗi đau cũng là sự xoa dịu, chừng nào còn khóc được thì người ta còn cảm thấy nhẹ đi được một chút. Không khóc được nữa mới thực sự là bi kịch.

Hồi bé tôi rất hay đến các đám ma. Ở vùng nông thôn, đám ma luôn là một sự kiện có tính khuấy đảo cộng đồng. Hồi đó còn ít kèn, ít nhạc nên các bà các chị khóc dữ lắm. Tiếng khóc ai oán não nề, tiếng khóc sầu thương nuối tiếc, tiếng khóc thương thân mình bồ côi, bồ cút. Tiếng khóc như mưa sầu, gió thảm, như thân thể sẽ hoà tan vào nước mắt. Tôi lắng nghe những tiếng khóc ấy và đặc biệt chú ý đến những lời than vãn. Có những người khóc tràn đầy nước mắt, người thì nấc nghẹn từng cơn và ám ảnh nhất là những tiếng than gào. Những người mẹ trẻ, những em gái, chị gái là những người khóc dữ dội nhất. Người mất càng trẻ thì tiếng khóc càng ai oán đau thương, khi nghe những tiếng than khóc nức nở ấy, thân quyến, bạn bè, hàng xóm cũng như tan chảy ra trong niềm thổn thức.

Tôi lắng nghe những tiếng than khóc xót thương và ghi nhớ chúng. Thường là vài kiểu phổ biến: Ối ông ơi! Nhà cao cửa rộng, con cháu đề huề thế này mà ông không sống để hưởng cùng vợ con. Ới mẹ ơi! Nhà mình ấm áp vui vầy sao mẹ không ở lại với chúng con, lại đi tìm chỗ lạnh lẽo làm gì. Hoặc: Mẹ ơi, bây giờ mẹ nằm dưới ba tấc đất thì con biết gặp mẹ ở đâu…

Ngày trước, do thiếu các phương tiện thông tin nên người ta ít biết các sự kiện diễn ra ở những nơi khác nên cái chết và đám tang trong các làng xóm luôn là những sự kiện gây dư chấn đáng kể. Những tiếng khóc về đêm luôn có những tác động rất mạnh đến người còn sống. Trẻ con ban đêm không dám ra ngoài đi tiểu vì sợ những bóng ma lởn vởn đâu đây, còn người lớn cũng ngủ không ngon vì tiếng khóc trong đêm khiến người ta không an tâm mà ngủ được. Và tiếng khóc đã làm được đúng sức mạnh và công năng của mình: nó khiến người ta không thể yên ổn được.

Có lẽ vì thế mà phụ nữ rất hay khóc, nước mắt và tiếng khóc của phụ nữ là một thứ quyền lực rất lớn. Đàn ông nhìn thấy phụ nữ khóc thì khó lòng mà đứng yên được, họ phải nhượng bộ, họ phải xiêu lòng, họ phải an ủi, vuốt ve để khỏi phải nhìn thấy, nghe thấy tiếng khóc ấy nữa. Phụ nữ khóc vì họ yếu mềm nhưng đôi khi cũng để thực thi "quyền năng nước mắt" của mình.

 Nhưng rồi càng ngày người ta càng ít nhìn thấy nước mắt và tiếng khóc. Con người hiện đại ngày càng trơ lì và ít biểu cảm. Ngày xưa, như đã nói, người ta khóc nhiều lắm, khóc đến rã rượi thân thể, khóc rối bù đầu tóc, khóc cho mặt mũi méo xệch đi. Giờ thì ta ít nhìn thấy những cảnh ấy, một phần vì đời sống khấm khá dần lên, những cảnh tang thương, tàn nhẫn đã bớt, phần vì nhà nào túng thiếu cơ cực quá thì cũng có cộng đồng cưu mang, cứu giúp hoặc lòng xót thương đã được kèn trống hỗ trợ phần nào. Các ban nhạc hiếu bây giờ bớt chơi các khúc nhạc ai oán, sầu thảm, họ chơi những bản nhạc buồn hoặc êm dịu để tiễn đưa người đã khuất. Hoặc triết lý của cuộc sống bây giờ đã khác, không phải đám ma là than vãn, gào khóc mà để cầu chúc cho người khuất được siêu thoát, tịnh độ, an tâm đi vào miền vĩnh cửu mà không day dứt, ăn năn…

Ngay cả trẻ con bây giờ cũng không khóc nhiều như ngày xưa. Nếu hờn dỗi chúng sẽ được bố mẹ chiều chuộng hết sức, tha hồ ăn, chơi, đặc biệt có các phương tiện như tivi, điện thoại thông minh để giải trí. Đa số những đứa trẻ hay quấy sẽ ngừng khóc khi được bố mẹ bật cho xem một bộ phim hoạt hình vui nhộn. Sự thay đổi của đứa trẻ rất nhanh và bất ngờ, vừa nãy khóc, giờ chúng đã có thể cười khanh khách khi thấy một con thú ngộ nghĩnh trên màn hình điện thoại. Ông bố, bà mẹ không phải mất nhiều công dỗ dành và những đứa trẻ nhanh chóng được thoả mãn những yêu cầu của mình. Ngày trước, gia đình nào có trẻ nhỏ, người ta thường hay nghe thấy tiếng khóc, bây giờ thì tiếng khóc vẫn còn nhưng ít hơn và ngày càng ít đi.

Những câu phương ngôn về tiếng khóc như "Khóc như cha chết, mẹ chết";  "Khóc như cô dâu về nhà chồng" ngày càng rời xa ý nghĩa ban đầu của chúng. Mất cha, mất mẹ có lẽ là thời điểm khóc nhiều nhất nhưng ngày trước con cái ở xa bố mẹ, thi thoảng mới về thăm nhà hoặc ở gần thì kinh tế cũng khó khăn không chăm lo được cho cha mẹ chu toàn. Khóc nhiều vì ít được gặp cha mẹ hoặc chưa làm tròn chữ hiếu của phận làm con. Bây giờ thì con cái có ở nước ngoài cũng có thể về thăm cha mẹ dễ dàng, rồi điện thoại, máy vi tính giúp việc liên lạc được gần hơn. Ở xa vẫn nhìn thấy nhau, có nhiều người  gọi điện cho cha mẹ mình bằng hình ảnh hằng ngày. Cha mẹ ốm đau thì mua đủ các thứ thuốc tốt, thuốc bổ, đưa đến bệnh viện lớn, mời bác sĩ giỏi…

Con cái không tiếc cha mẹ điều gì và có điều kiện đền đáp công sinh thành dưỡng dục. Nên khi cha mẹ có khuất núi thì cơ bản người con không ân hận, day dứt. Bởi vì không ân hận, hối tiếc thì tiếng khóc sẽ vợi bớt đi. Người ta càng đau khổ, càng hối lỗi thì tiếng khóc càng lớn, càng khổ sở. Khi đơn thuần là sự tiếc thương, luyến nhớ thì tiếng khóc cũng giảm nặng nề phần nào.

Thời hiện đại, cô dâu về nhà chồng cũng không còn mấy ai khóc nữa vì lấy chồng không phải biền biệt bóng chim tăm cá mà có thể gọi điện hàng ngày, bắt tàu, bắt xe về thăm cha mẹ luôn. Về nhà chồng đôi khi đơn giản chỉ là sự thay đổi chỗ ở và người con gái trưởng thành cũng đã từng sống xa nhà từ khi đi học, đi làm, bây giờ chỉ là cái sự chuyển đổi theo một chiều hướng mới. Tất nhiên vẫn có những cô dâu yếu lòng, xúc động, vẫn còn những giọt nước mắt xúc động luyến tiếc nhưng những giọt nước mắt ấy ngày càng hiếm đi.

Nhưng vẫn có những tiếng khóc gian giảo lừa dối như cô nàng Phan Kim Liên kia, giết chồng rồi lại khóc chồng để che mắt thiên hạ. Chắc nhiều người sẽ tò mò không biết Phan Kim Liên sẽ khóc kiểu gì. Chính xác là "gào" vì lấy đâu ra nước mắt xót thương! Tôi cũng đã từng nhìn thấy những nàng dâu khi sống thì đối xử tàn tệ với mẹ chồng, người mẹ chết thì cũng khóc rống lên tỏ ý tiếc thương. Họ có thể đánh lừa được người ngoài nhưng sao lừa dối được chính lòng mình, tiếng khóc ấy nó trơ trẽn, giả dối, nước mắt cá sấu. Hoặc tôi đặt một giả thuyết khác, có thể những người ấy lúc đó mới thấy hối hận vì những cư xử của mình mà bật tiếng khóc, nếu là tiếng khóc của sự ăn năn, hối lỗi thì cũng nên châm chước phần nào.

Thực ra khóc được vẫn là tốt. Khóc được là giải tỏa những đau thương, hối hận, sợ hãi hoặc sung sướng và có một cửa mở để đưa thoát, không phải giữ mãi cái đau khổ, lo lắng trong lòng. Nước mắt cũng giúp thanh tẩy đôi mắt, giúp nó trong sáng, khoẻ mạnh hơn. Khóc là đã đến tột bậc của cảm xúc, sự căng thẳng vì thế được hạ giải. Không khóc được nữa, không dám khóc hoặc phải kìm nén quá mức đều không tốt cho cảm xúc và sức khoẻ. Điều này giải thích cho việc trẻ em khóc nhiều hơn người lớn vì chúng ngây thơ, hồn nhiên hơn và phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới vì họ không muốn phải chịu đựng quá sức. Phải kìm nén quá mức, phải dằn lòng quá nhiều sẽ khiến người ta trầm cảm u uất, sợ nhất đến lúc cần phải khóc, có thể khóc mà lại không khóc nổi nữa.

Tôi vẫn ủng hộ tiếng khóc và nước mắt khi cần thiết. Trẻ em phần nào ít đau khổ hơn người lớn vì chúng dễ dàng khóc. Chúng hồn nhiên và "người" hơn người lớn, còn người trưởng thành, đôi khi vì dồn nén, gò bó, chịu đựng, họ ngày càng vô cảm hoặc hoạt động như một cái máy không cảm xúc. Có một sự khuyến cáo là sống gần với thiên nhiên, sống hồn nhiên như con trẻ thì sẽ khoẻ mạnh, hạnh phúc và sống lâu hơn.

Vậy nên, nếu có cảm xúc tột bậc thì cứ nên khóc, không vì câu nệ rằng người lớn không được khóc hay đàn ông không nên khóc. Chúng ta phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành để không phải trở thành một cỗ máy vô cảm mà hướng tới một con người với đầy đủ cung bậc và cảm xúc của loài người.

Sợ nhất là sự vô cảm và lạnh lùng.

Tôi cũng sợ rằng có thể đến một lúc nào đấy loài người sẽ không khóc được nữa, không có phản xạ khóc hoặc không bao giờ muốn khóc.

Vậy nên bây giờ nếu có thể khóc được thì cứ khóc. Những giọt nước mắt sẽ làm an bình, vơi dịu nỗi đau và thấy mình vẫn còn cảm xúc và cảm giác của loài người.

Những ai bây giờ còn có thể khóc?

Uông Triều
.
.