Facebook và cuộc chia tay

Thứ Năm, 17/05/2018, 14:01
Khi viết bài này, tôi đã xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại trong 2 tháng. Tôi chưa bao giờ thực sự chia tay Facebook từ năm 2007 đến giờ. Nhưng vì sao tôi lại làm vậy?

Sự giận dữ thường trực

Một buổi sáng, bạn thân gửi một inbox nói: “Xem này, tại sao lại có thể ngu ngốc tin theo một điều như vậy?” - đó là ảnh chụp status một cô gái nói hai mẹ con nhà bạn cô đã chết khi cô bạn sinh con theo kiểu thuận tự nhiên tại nhà. 

Đọc qua tin nhắn và những comment, tôi thấy buồn ói. Trong ngực dâng lên sự hoảng sợ vì nghĩ rằng hai sinh mạng đã mất. Sau đó sự giận dữ không thể cưỡng lại trước ý nghĩ “người mẹ” (nhân vật tôi không quen biết) đã mạo hiểm và đánh mất cả con yêu lẫn chính mình.

Sáng hôm đó Kênh 14 đăng bài viết mô tả status trên.

Một ngày sau báo chí tràn ngập các bài viết nói không nên sinh con thuận tự nhiên và sở y tế “tìm sản phụ sinh thuận tự nhiên chết cả hai mẹ con”. Ngầm ý của bản tin này có thể hiểu, sự việc có thể là thật.

Một ngày sau nữa tin tức nói không có trường hợp này. Địa chỉ mà tài khoản Facebook tung tin dẫn tới nhà của bà Phương Hồng Nhất Lê đăng ký kinh doanh - chủ soái của phong trào này.

Sau 3 ngày, tôi nhận ra sự giận dữ xảy ra trong mình đã dựa trên một lời nói dối. Tin đồn. Nói cách khác, tôi đã mất 3 ngày yên thân làm việc chỉ vì nhận tin nhắn từ bạn tôi - qua Facebook và group Tâm sự EVA.

Có hàng ngàn sự việc và cảm xúc đã xảy ra theo mô hình tương tự trong suốt 11 năm sống trên Facebook. Cho dù sự việc là giả, thì sự giận dữ trong tôi là thật. Tôi cảm nhận sự dối trá bằng cách đối chiếu status.

Tôi giật mình vì cách người ta bóp vụn thông tin và cấu trúc chúng thành mô hình lừa dối. Mạng xã hội là nguồn tin mà nhà báo không thể bỏ qua. Khán giả và cộng đồng luôn sống trong cơn khát thèm điều gì đó dữ dội, ấn tượng, phức cảm của sự đe dọa, chuyện kịch tính, sự giận dữ, sự bất nhẫn, tàn bạo, hay bất cứ gì gây xôn xao.

Nhưng không điều gì kéo dài được quá lâu.

Tôi nhìn thấy hàng ngàn status nói về chuyện trẻ con bị ấu dâm, sự phẫn nộ của bà mẹ, những chiến dịch trên mạng xã hội, hàng ngàn chữ ký gắn vào lá đơn bảo vệ em nhỏ nạn nhân, hàng chục ngàn lượt xem video cách bảo vệ con trẻ. Nhưng đến khi phỏng vấn nhiều gia đình, tôi bắt gặp những cái lắc đầu ngơ ngác của mẹ, của trẻ em, của thiếu niên…

Con số hàng trăm ngàn lượt tương tác khiến nhân viên công tác xã hội hài lòng. Hàng trăm ngàn lượt view khiến phóng viên chúng tôi ngủ yên khi chui vào giường mỗi tối. Có lẽ ngoài kia hàng trăm ngàn bà mẹ đã hiểu thêm về nguy cơ gần ngay bên con cái mình.

Nhưng thực tế phũ phàng hơn thế rất nhiều. Cái lắc đầu và ánh mắt ngơ ngác làm tôi bối rối.

Tôi nhìn thấy cuộc tẩy chay sản phẩm Dr. Ruồi, rất ồn ào, rất được ủng hộ. Và sau đó, vô tư như chưa từng xảy ra, rất nhiều người từng bấm like ủng hộ trào lưu đó vẫn mua loại nước đó cho con mình uống, và mua về tiếp khách dịp tết.

Tôi hào hứng xem những status ngàn like nói rằng phải bảo vệ rừng, bảo vệ núi, bảo vệ nơi ta đi cắm trại, chỉ để trèo lên mỗi đỉnh núi đều thấy một đống rác hôi hám kiêu hãnh đứng đó. Và những người cắm trại tôi gặp mỗi lần đi, đều là công dân số đang active trên mạng xã hội.

Mọi hiệu quả tương tác đo đếm bằng con số phản hồi thành soi chiếu hoàn toàn khác trong đời thực. Sự phẫn nộ được xây dựng trên kỳ vọng hoàn toàn ảo giác - qua lăng kính không hề được trọng thị ở ngoài đời. 

Hàng ngàn cuộc tranh luận ồn ào, náo loạn tới độ có thể xông vào cào mặt nhau, nghỉ chơi nhau, sỉ nhục nhau… lại chẳng tiến thêm một bước vào trong nhận thức và hành động trong đời sống của ta hàng ngày.

Những bà mẹ bỉm sữa nói về cách dạy con, và họ ngoài đời mải mê ngồi livestream chứ không dành thời gian chơi với đứa con đang lủi thủi sau khung hình. Người đàn ông ngời ngời danh dự, phẩm giá tranh biện về đạo đức xã hội, về sự tiến bộ của loài người, trong khi đó cũng vô cùng vô tư đưa ra lời miệt thị phụ nữ ở bất cứ đâu trên bàn nhậu.

Sự bất toàn của một “bản năng thứ cấp” được xây dựng thành hình ảnh được yêu thích trên mạng khiến cho cảm giác của ta về đời thực bị lái sang một ngả khác: bị thao túng trong mọi khía cạnh của đời sống.

Cơn giận dữ thường trực, dâng từ cơn này sang cơn khác. Nỗi thất vọng dài ra. Đổ từ làn sóng này sang làn sóng khác. Những người viết bình luận ồn ào, từ trào lưu này sang trào lưu khác. Sóng sau xô sóng trước. 

Vậy bao giờ ta có thể tập trung vào sống cuộc đời hiện hữu của mình? - Một cuộc đời với 4 giờ trên Facebook mỗi ngày (tôi check trong history sử dụng và biết mình tiêu tốn 4 giờ/ngày trên Facebook). Trong một năm, tôi mất 1.460 giờ, tương đương gần 61 ngày (là 2 tháng cuộc đời) trên Facebook.

61 ngày sống trong phẫn nộ, giận dữ, chờ mong, kích động, tuyệt vọng, hoảng loạn, đau xót, ức hờn… Như một tấn bi hài kịch. Và không có nhiều lắm những con số tương tác nịnh đầm trên kia trở thành phản ứng xã hội thực sự.

Tới một ngày hai tháng trước, tôi nghĩ mình đã sống đủ trong màn bi hài kịch không thể giải quyết bất cứ gì. Tôi xóa hai ứng dụng Facebook và Messenger khỏi điện thoại của mình.

Không toàn tâm thương yêu

Hãy bắt đầu bằng chuyện cô vợ của một anh bồ cũ tôi tìm cách xem toàn bộ lịch sử chơi Facebook của tôi để đánh ghen với những hình ảnh tôi và anh ta chụp vài năm trước. Là một người rảnh nhảm, tôi đáp lại lời đề nghị xóa hết ảnh bằng câu: “Không, Facebook của tôi là của tôi, tôi thích để cái gì tôi để”. Đó là thuở ngây ngô đầy kiêu hãnh.

Nếu bây giờ, để đáp lại cô, tôi sẽ nói: “Tại sao chị mất thì giờ vô đào bới đống hình ảnh quá khứ đó làm gì vậy? Bộ chị rảnh quá không dành thời gian chơi với chồng đi mà vô stalk cái tài khoản FB này chi vậy?”.

Tại sao ta không dành thời gian để thực sự sống với người trước mặt mình?

Tôi không cầm điện thoại lên rủ vài người bạn thân đi ăn vì cảm giác tưởng là vẫn có họ bên mình khi mỗi ngày đều xem Facebook thấy họ làm gì đó.

Tôi không hề ghé qua nhà bạn chơi, vì nghĩ chúng tôi vẫn hiểu nhau trên Facebook.

Tôi đã không gặp học trò mình suốt 1 tháng, vì nghĩ em ấy vẫn ổn, và mọi thứ trên Facebook đều tốt.

Nhưng cuộc đi uống buổi tối cho tôi biết em không ổn, và lạy trời, hên là chúng tôi còn chịu đi uống cùng nhau để biết điều đó.

Tôi gặp bạn mình (sau 3 năm không gặp) để hiểu chúng tôi đã xa cách tới mức không còn có thể quay trở lại làm bạn. Tôi ngu ngốc tưởng rằng không dành thời gian vẫn có thể giữ gìn tình bạn.

Tôi hiểu rằng câu nói “nhờ có Facebook mà tụi tôi luôn giữ liên lạc” chỉ là một phương tiện liên lạc, giống hệt điện thoại hay email (chỉ khác là nó tô vẽ thêm râu ria và rất nhiều màu sắc).

Còn cảm tình thật sự, lòng quan tâm, sự lắng nghe, cảm giác ở bên ai đó khi họ bị tổn thương, tìm đến người thân quen khi chính mình ngã gục – là thứ quan hệ con người bằng chuyện trò, bằng cái vỗ vai cảm thông, bằng sự im lặng ngồi kế bên đợi mình khóc xong ra về. Đó là thời gian. Là nhân tính. Là sự xuất hiện bằng da thịt và hơi thở. Là sự toàn tâm trong khoảnh khắc mà ta quên mất, bằng cách tự trấn an “nhờ Facebook”.

Những bức ảnh hay status viết đầy vẻ sâu sắc chẳng thể nào lấp đầy được khoảng không con người đầy cảm xúc và niềm thương mến đó. Tôi không sẵn sàng hi sinh tình cảm tốt đẹp vì ảo tưởng “giữ liên lạc” này nữa. Tôi cần gặp họ, những người trong đời mình.

Thời gian của vô nghĩa

Trong 2 tháng bỏ Facebook, tôi đã có thời gian để hoàn thành 1 khóa học mỗi 2 tuần trên Coursera. Những khóa học đơn giản, nối lại vài kỹ năng đứt gãy trong công việc. Sau 2 tháng, tôi học được 4 khóa. Đó là thứ 6 năm qua tôi khó khăn lắm mới hoàn thành mỗi tháng chỉ được 1/4 khóa.

Tôi viết được 30.000 chữ trong các nội dung làm việc của mình.

Tôi đọc được mỗi tuần một quyển sách, chừng 200 trang.

Tôi chạy bộ, đạp xe hoặc đi leo núi xen kẽ mỗi ngày 2 tiếng, trung bình 5 ngày/tuần.

Tôi xem được 2 phim tài liệu + 3 tập phim truyền hình nào đó giải trí mỗi tuần.

Tôi check Facebook 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.

Tôi không bỏ Facebook. Đó là nơi tôi đã gặp những người tuyệt vời sau này trở thành bạn hữu và thầy dạy tôi. Tôi viết và có độc giả từ đây. Và nếu bạn đọc bài viết này, thì bởi vì tôi đã đăng nó lên Facebook.

Nhưng đã đến lúc tôi không hi sinh 60 ngày/năm chỉ để sống trong sự giận dữ, căm thù, đau khổ hay làm drama queen của một thuật toán chạy trên nhận diện sự kích động của người sử dụng.

Tôi cần thời gian để sống. Chiều chiều chạy bộ ngang qua Miếu Nổi mưa đã hóa thành cầu vồng. Buổi tối ngã xuống trong phòng tập và ngón tay trật chảy máu. Hay những chiều chạy xe đạp nghe “Modern Love” trên New York Times tự dưng rơi nước mắt.

Cuộc sống ngoài kia quá lớn, và tôi chưa sẵn sàng để chết trên mạng. 

Khải Đơn là phóng viên và nhà văn tại TP HCM. Chị là tác giả của một số sách viết cho giới trẻ như Gập ghềnh tuổi 20, Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - thị thành hoang dại...  Hiện chị viết văn và giảng dạy trong một số chương trình báo chí.
Khải Đơn
.
.