Dấu hỏi căn tính của thế hệ thiên niên kỷ

Thứ Hai, 15/04/2019, 19:33
“Trong tương lai, mọi người có thể nổi tiếng thế giới trong vòng 15 phút”, huyền thoại pop-art Andy Warhol nói vào đúng 50 năm trước.

Khi nói ra điều đó, có lẽ ông không nghĩ nó sẽ trở thành một lời tiên tri. Bởi đúng, sau 50 năm, những gì ông nói đã trở thành sự thật. Với mạng xã hội, giờ đây ai cũng có quyền nổi tiếng, ai cũng có khả năng nổi tiếng và nổi tiếng trong nháy mắt.

Một anh chàng với mái tóc bờm ngựa, xăm trổ đầy mình, quá khứ bất hảo, chẳng có tài cán gì đặc biệt, đơn giản là trên nền nhạc Vinahouse (một nhánh nhạc house ra đời cuối những năm 1990 ở Việt Nam), anh ta múa may quay cuồng theo kiểu không giống ai (mà điệu múa được gọi là “múa quạt”), hoặc thi thoảng anh ta lên kể đời giang hồ “oanh liệt, lẫy lừng chiến tích” của mình, thế là cũng nổi tiếng. 

Trước khi bị bắt vì dùng ma túy và tổ chức đánh bạc, Khá “bảnh” có đến 2 triệu người theo dõi trên kênh YouTube, tuy thua kém Sơn Tùng - MTP, chứ còn nhiều hơn cả những ngôi sao giải trí đình đám như Chi Pu chẳng hạn. Đến cả Đàm Vĩnh Hưng mang tiếng là “ông hoàng”, số lượt theo dõi của Mr. Đàm cũng chỉ là số lẻ cho anh chàng trời ơi đất hỡi kia.

Chúng ta đang sống trong thời đại vàng của ngành giải trí, khi chúng ta có thể tận hưởng không giới hạn những sản phẩm giải trí ở mọi lúc, mọi nơi.

Báo chí đã chỉ trích Khá “bảnh” cùng “đồng bọn” rất nhiều. Anh ta có đáng lên án không? Có. Nhưng nếu đơn thuần là lên án Khá “bảnh”, nếu đơn thuần là bất bình với chuyện một bộ phận thanh niên mến thích anh ta, tôn anh ta như thần tượng trong khi anh ta quá đỗi tào lao, nhảm nhí, vớ vẩn, thế thì mới chỉ là bơi trên bề mặt của vấn đề. Bởi điều đó thì ai cũng biết. Lại càng không nên phiến diện mà kết luận rằng thế hệ trẻ ngày nay tụt dốc. 

Vấn đề là tại sao rõ ràng Khá “bảnh” chẳng có gì hay mà vẫn nhiều người thấy anh ta hay? Khi ăn trái táo có con sâu thì vấn đề lớn nhất không nằm ở con sâu, cũng không nằm ở xử lí con sâu mà vấn đề là trái táo như thế nào mà có sâu trong đó, làm sao để lần sau táo đừng có sâu nữa?

Thẳng thắn nhìn nhận, những hiện tượng nổi tiếng vô lí như Khá “bảnh” không phải là chuyện cục bộ của Việt Nam. Thế giới cũng có rất nhiều. 

Có những video về một người đàn ông Mỹ béo ú, mặc áo công nhân, nhún nhảy theo những điệu vô nghĩa rồi “hát” (nếu như ta có thể gọi đó là ca hát) những câu cũng rất vô nghĩa: “Đây là những gì tôi sẽ làm: tôi ngồi lên bạn” và cứ thế ông ta lặp đi lặp lại câu hát này và... ngồi lên đùi, lên người, thậm chí lên đầu tất cả mọi người ông ta thấy. Một video như thế cũng nhận hàng triệu lượt xem, hàng ngàn bình luận và hàng chục ngàn lượt thích.

Thập niên 1950, các nhà sử gia gọi đó là thời đại vàng của ngành giải trí. Lần đầu tiên, tivi xuất hiện, đem cả thế giới về căn phòng của bạn. Ít nhất là ở Mỹ, chiến tranh thế giới đã qua đi, kinh tế bùng nổ trở lại, người ta có nhiều lí do để “ăn mừng” hay để tận hưởng. 

Đến nay, nhờ có internet, thời đại vàng giải trí lại phục hưng. Chưa bao giờ những show truyền hình, ca nhạc, phim ảnh lại được xuất xưởng nhiều như thế. Mà sản xuất các ấn phẩm đó không còn là độc quyền của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào. 

Mọi người có đủ tài nguyên để sản xuất chúng. Hơn nữa, giải trí là liều thuốc bổ để ta có thể sống sót trước áp lực cuộc sống, sao không chứ, một nụ cười là mười thang thuốc bổ.

Và giữa dòng chảy xối xả của ngành giải trí, có một xu hướng ngày càng gia tăng: những trò giải trí vô nghĩa, mà cụ thể hơn, những trò hề vô nghĩa. Khiếu hài hước của nửa sau thế hệ millenial, những 9x và 10x như ta vẫn thường gọi, có lẽ đang đổi khác. Họ “troll” tất cả mọi thứ. Họ biến mọi biểu cảm thành “meme”. 

Mặt khác, họ vẫn có khả năng giễu nhại xã hội bằng nụ cười thâm sâu. Mặt khác, họ phát rồ vì mấy miếng hài vô bổ. Snapchat tung ra một ứng dụng với cây xúc xích đeo tai nghe xanh biết “quẩy” mọi lúc mọi nơi, vậy thôi đã đủ để họ điên cuồng. 

Đôi khi, họ cười vì biểu cảm của Trump còn nhiều hơn vì chính sách của ông. Và họ cười ngặt nghẽo vì những trò ghép hình kỳ cục. Màn múa quạt của Khá “bảnh” cũng kỳ cục. Kỳ cục nên hài hước chứ chẳng vì ý tứ gì sâu xa.

Kỳ cục không chỉ là một tính từ. Kỳ cục có cả một lịch sử triết học. “Absurdism” dịch một cách chính thống ra tiếng Việt là “chủ nghĩa phi lý”. Nhưng bản thân từ “absurd” vừa có thể dịch là “phi lý”, vừa có thể dịch là “kỳ cục”, hai từ với ngữ nghĩa rất gần nhau, chỉ khác một chút sắc thái mà thôi. Gọi là “phi lý” bởi với các triết gia phi lý, cuộc đời thực là... phi lý, thật là kỳ cục. 

Họ cho rằng chúng ta làm việc cật lực để tìm một ý nghĩa cho cuộc đời nhưng cuối cùng lại tìm ra, cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì sất! Phi lý làm sao! Và theo một lý thuyết từ xa xưa về hài kịch, khi một vật trượt khỏi quỹ đạo hành xử thông thường thì nó gây cười. Hiểu theo nghĩa đấy thì bản thân cuộc đời, vì phi lý, vì khác với những gì ta tưởng, thành ra tự thân nó nực cười.

Ngày nay, thanh thiếu niên, dù có thể chưa từng đọc các trước tác của Albert Camus - triết gia phi lý quan trọng bậc nhất - nhưng cuộc sống bị nhũng nhiễu với quá nhiều luồng thông tin trái chiều đã đẩy họ đến nỗi hoang mang. Họ hoang mang cả trước những vùng kiến thức đã được chứng minh. Họ nghi ngờ cả những chuẩn mực mà thế hệ trước khăng khăng là đúng. 

Trong một bài viết bày tỏ quan điểm riêng trên tờ Washington Post, nhà báo Elizabeth Bruenig cho rằng, tôn giáo và truyền thống gia đình ngày càng đóng vai trò mờ nhạt đối với người trẻ. 

Họ tự tháo mình khỏi những mô hình cũ, họ không chờ đợi một công việc ổn định làm cả đời, họ cởi mở với việc ly hôn, có thể sống mà không cần con cái, họ cô đơn, họ bất mãn với nhiều thứ trong xã hội. Không thể phiên dịch được thế giới, họ hài hước hóa nó trong những thứ vô nghĩa và vô bổ. 

Liệu chăng, đó là lí do khiến một thập niên qua, riêng ở Việt Nam khi nền kinh tế ngày càng thịnh vượng cũng là lúc chúng ta đối mặt với càng nhiều hiện tượng nhố nhăng, nào là Khá “bảnh”, Lệ Rơi, rồi Vanh Leg, Bà Tưng,...

Một góc nhìn khác để giải mã sức hút của Khá “bảnh” là sự hứng thú muôn đời của con người vào công lí giang hồ. Khá xuất thân xã hội đen, lý lịch tì vết tiền án tiền sự, anh ta chẳng những không giấu giếm mà còn sẵn sàng kể lại những chiến tích xa xưa của mình để nhận được sự tán dương của khán giả. 

Rồi anh ta làm cả phim ngắn về tình huynh đệ của thế giới ngầm. Bộ phim của Khá có thể tồi tệ về chất lượng nhưng một khía cạnh nào đó, nó vẫn phản ánh những tưởng tượng lãng mạn cố hữu của nhiều người về giới giang hồ.

Hình tượng giang hồ để đời của Châu Nhuận Phát trong phim “Bản sắc anh hùng”, phản ánh niềm tin của chúng ta vào một thế giới giang hồ hào sảng.

Trong mắt người thường, thế giới giang hồ tuy chém giết đấy nhưng hào sảng và mỹ lệ. Họ đã quá quen với giới giang hồ trong phim Hong Kong những năm hoàng kim, đã quen với hình tượng đại ca có tình có nghĩa của Châu Nhuận Phát trong Bản sắc anh hùng hay Tung hoành tứ hải, còn trước đó nữa, là hình tượng Robin Hood anh hùng hành hiệp trượng nghĩa, hay hình tượng Bố già thâm trầm sắc sảo ở phương Tây. 

Ở Hollywood có hàng chục tác phẩm về gangster đường phố, từ Taxi Driver, Goodfellas của Martin Scorsese đến Pulp Fiction, Resevoir Dogs của Quentin Tarantino, toàn những kinh điển của điện ảnh thế giới. Mỗi bộ phim nhìn một góc độ khác nhau, có thể không duy mĩ hóa nhưng luôn khơi mở sự tò mò, hiếu kỳ, thông cảm từ phía mọi người.

Và với một thế hệ nổi loạn như ngày nay, việc bị cám dỗ bởi trào lưu giang hồ không có gì khó hiểu khi họ, như đã nói ở trên, trước quá nhiều luồng dư luận thất điên bát đảo, trở nên hoang mang và nghi ngờ mọi thứ. Họ có những bức xúc ngầm ẩn không biết thể hiện ra thế nào, họ lại thiếu ý thức để đặt niềm tin vào những người có năng lực để làm điều đó và dẫn đến việc họ muốn tự mình giải quyết, thanh toán lẫn nhau như giang hồ vậy.

Chưa kể, với Khá “bảnh”, ta còn có thể phân tích hiện tượng này trên thực tế rằng, danh tiếng đang trở nên méo mó hơn bao giờ hết. Nói theo cách Andy Warhol, ai cũng có thể nổi tiếng trong 15 phút. 

Trường hợp điển hình, Kim Kardarshian. Từ một cuốn băng khiêu dâm, Kim Kardarshian phô bày toàn bộ cuộc sống của cô và gia đình trên một show thực tế đã kéo dài gần 15 năm. Mọi việc Kim làm đều được lên báo, dù là Kim mua một thỏi son, hay cãi nhau với bạn bè, hay đơn giản là bước khỏi xe ô tô.

“Chúng ta sống trong một thế giới với thứ tự ưu tiên kỳ quặc, nơi mà việc Kim mua một chiếc Lamborghini lên trang nhất, còn trẻ con Nigeria hứng chịu hạn hán hay các bệnh nhi máu trắng ở Anh thì không ai để ý”, theo diễn viên kỳ cựu David Harewood.

Tại sao chúng ta quan tâm tới Kim? Tại sao chúng ta quan tâm tới Khá “bảnh”? Chúng ta có thể yêu hoặc ghét Kim, cũng có thể yêu hoặc ghét Khá. Nhưng, bất chấp là yêu hay ghét, chúng ta dường như đều dành sự quan tâm tới họ, tranh cãi về những điều họ đang làm, chúng ta muốn biết thêm về họ và cuộc đời của họ, càng nhiều càng tốt. 

Chúng ta muốn chõ mũi vào đời tư của người khác và Kim hay Khá sẵn sàng phô bày đời tư của họ cho chúng ta xem nên chúng ta bu vào câu chuyện của họ, để tung hô hoặc để dè bỉu hoặc để suy tư xã hội hoặc để... cho vui.

Và trước khi trách Khá “bảnh” vì chiêu trò nhố nhăng, chúng ta cũng nên tự trách mình vì đã dễ dàng sa bẫy. 

Hiền Trang
.
.