Hết quan hoàn gì?

Chủ Nhật, 17/09/2017, 15:12
Dạo này cũng không có gì quá vui, lại cũng chẳng có gì gọi là quá buồn. Đời sống nhàn nhạt như đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ vậy.

Ngô tôi hết nằm lại ngồi, hết ngồi lại đi, hết đi lại đứng, hết đứng lại nằm… Quẩn quẩn quanh quanh bèn lôi sách ra đọc.

Chắc giờ người ta không đọc sách nữa, mà nếu có đọc chắc cũng đọc loáng thoáng như nắng như mưa rồi thôi. Mặc cho tiền nhân từng mơ mộng hồn nhiên mà luận, "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc", nghĩa là trong sách có người đẹp như ngọc như ngà. Nhưng ngà ngọc giai nhân nào trong sách, giai nhân ngà ngọc chỉ có mấy em xinh đẹp trong giới showbiz mà thôi.

Thế nên, không đọc sách nữa mà chuyển sang đọc báo thì chắc cũng không có gì gọi là thua lỗ, thói quen thua lỗ chỉ của mấy ông tập đoàn kinh tế nhà nước chứ Ngô tôi thân phận thảo dân lấy gì mà làm lỗ với thua.

1.  Đọc báo thấy có lá thư của ông Barack Obama gửi cho ông Donald Trump rất hay, ông Barack Obama thì dân chơi hẳn rồi, từng làm tổng thống của một cường quốc mà không là dân chơi thì không lẽ là dân thường. Ông Donald Trump cũng là dân chơi không kém ông Obama, ông Donald Trump vừa là tỷ phú lại vừa là tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama.

Lá thư của dân chơi Barack Obama gửi cho dân chơi Donald Trump có nhiều đoạn nhiều ý, nhưng Ngô tôi thích nhất câu này vì nó gần gũi với quan niệm Á Đông của người nước mình, "Chúng ta là những cư dân tạm trú tại văn phòng này". Cái văn phòng mà dân chơi Barack Obama từng là cư dân tạm trú rồi nhắc nhớ dân chơi Donald Trump chính là nơi quyền lực nhất thế giới đó chính là Nhà trắng.

Tại sao chỉ là "Những cư dân tạm trú", vì những dân chơi này cho dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ làm tổng thống theo nhiệm kỳ, cố lắm thì cũng hai nhiệm kỳ là phải nói lời tạm biệt để trở thành nhà diễn thuyết, viết sách, tham dự sự kiện hay là người chuyển tải thông điệp ở điểm nóng quốc tế nào đó. Chính vì vậy, đích xác họ chỉ là những cư dân tạm trú trên vũ đài quyền lực mà thôi.

Người nước mình đơn giản hơn, nói trực diện mà rất ngắn gọn "Hết quan hoàn dân". Không hoa hòe hoa sói, không tạm trú tạm vắng gì cả, "Quan nhất thời, dân vạn đại". Lừng lừng lẫy lẫy mấy nghìn năm lịch sử, những vương triều hết thịnh rồi suy, những cuộc tranh hươu đuổi nai, những binh biến can qua đã chứng minh điều này. Không ai mãi mãi giữ được quyền lực cho riêng mình cả.

Minh họa: Lê Phương.

Chuyện cũ không chép lại, chuyện sử không nhắc lại, Ngô tôi giữ phép của kẻ hậu sinh vậy. Chỉ biết là không vị hoàng đế nào, không vị vua nào có thể mường tượng ngày toàn bộ gia thất phải rồng rắn trốn chạy khỏi hoàng cung, cũng không vị quân vương nào có thể nghĩ đến cảnh phải treo cổ tự vẫn, phải bị biệt giam vào ngục tối, phải bị vùi thây qua loa nơi đồng không mông quạnh. Đó là chưa kể đến những cảnh bị vũ nhục, bị coi khinh…

Đến vua còn bị vậy, thì người khác có xá gì.

Bên chốn phương Bắc có ông Tần Thủy Hoàng, thống nhất lục quốc, lập nên một đế chế rực rỡ, đam mê trường sinh cốt cầu bất tử. Ném không biết bao nhiêu tâm huyết, ném không biết bao nhiêu vàng bạc triều thần để học đạo, tu tiên ra đảo tầm thuốc tiên. Cuối cùng, vẫn quéo.

Quéo thì chưa đau, đau nhất là sinh ra dân chơi Tần Nhị Thế một phát ngông ngông nghênh nghênh mất luôn nước, thuật ngữ "Nhị Thế Tổ" của người phương Bắc ám chỉ những tay chơi khiến sạt cả cơ nghiệp được thừa hưởng từ cha ông này.

Đa sự mang mang để thấy rằng những cư dân tạm trú, vĩnh viễn chỉ là những cư dân tạm trú, trong quãng thời gian tạm trú nếu không cố xây dựng thành quả để được nhắc nhớ, nếu không cố tu chỉnh răn mình lời nói nhất quán với hành động thì cuối cùng lời tiếng của ngày hôm sau chỉ toàn là lời khó nghe mà thôi.

2. Mấy tuần trước, ông nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ, một thời dân chơi lật tay làm mưa ngửa tay làm gió phải kêu than với báo giới vì bị một cán bộ phường hành, hành liên quan đến chuyện lương hưu. Không chỉ bị hành, mà thái độ của cán bộ phường cũng có thể gói gọn trong mấy chữ, "vô cảm, hách dịch, cửa quyền".

Thiệt ra thì chuyện nghe vậy biết vậy, hay có gì cũng chỉ phiên phiến thôi, chứ lẽ đâu một ông quan to mặc dù đã trả áo mão cân đai nhưng không lẽ không thể gọi điện thoại để chấn chỉnh một cán bộ phường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ông quan to hoàn dân đã hiểu những gì mà dân đã chịu đựng từ bấy lâu nay.

Chuyện xa chuyện xăm ở đâu không biết, chuyện biết chắc chắn là nhân dân bị cán bộ phường xã hành vốn dĩ đã lâu. Đoán chắc là cũng có những cán bộ phường tốt, những cán bộ phường thực hiện đúng chuyên môn phần việc của mình, tiếc là số này không nhiều. Còn số cán bộ phường xã sẵn sàng viết hẳn vào lý lịch của nhân dân vì chưa đóng tiền thuế phí, xây dựng nông thôn mới chắc chắn không phải là ít.

Câu chuyện ông quan to về hưu bị cán bộ phường hành lý ra phải ra một hình mẫu để chấn chỉnh, để xây dựng, để những ông quan đang đương nhiệm vạch ra kế sách ngăn chặn tình trạng quan liêu cửa quyền thì đáng tiếc chỉ ầm ào chút xíu xiu lại thôi. 

Thiệt ra thì có một câu chuyện ai cũng đều thấy nhưng ít ai chịu suy tính, đó chính là hiện tại người ta dễ thỏa mãn với những thứ mình có được mà không quan tâm đến cái chung, hoặc có tư duy "thời thế này nó thế, mỗi mình mình thì có làm gì được".

Một cá nhân có làm gì được hay không? Vốn thường nghe, dã tràng xe cát hay cánh én không làm nên mùa xuân. May mắn là cũng có Ngu Công dời núi đấy thôi. Ngu Công cứ kiên nhẫn từng chút một rồi cũng đến lúc có người thấy chuyện hay chuyện đúng mà làm theo, dần dần cũng bạt được núi mà hình thành nên đường.

Không phải Chính phủ kiến tạo cũng đang từng chút từng chút một cố gắng không ngừng để đặt nền tảng cho một hy vọng tương lai đó hay sao? Thay vì nguyền rủa bóng đêm, phải chịu khó bật lên một que diêm là vì vậy.

Khi Tổng Bí thư cương quyết với chống tham nhũng, chống suy thoái trong đội ngũ lãnh đạo, chống tham vọng quyền lực, nhân dân đã có cơ hội để vỡ ra cái câu mà dân chơi Barack Obama đã viết cho dân chơi Donald Trump, "Chúng ta là những cư dân tạm trú tại văn phòng này".

Chính chỉ vì là những cư dân tạm trú trên quyền lực, trên vị trí được giao phó nhưng lại không làm tròn chức trách, nhưng lại bao che bảo vệ cho cái sai, tiếp tay cho cái tiêu cực nên một vị bộ trưởng ngày nào phút chốc biến thành người không còn cả tư cách, bị cả Quốc hội ra nghị quyết kỷ luật... Đâu chỉ có vậy, việc cứ cố ấn người thân vào những vị trí có màu có mỡ cuối cùng lại biến thành trò đàm tiếu cho thế gian.

Rồi một ông nguyên Bí thư Tỉnh ủy, quyền lực to nhất một tỉnh, tưởng rằng không ai có thể làm gì vẫn phải muối mặt về vườn với hàng loạt khuyết điểm đã được nêu rõ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Rồi một ông từng làm Phó Chỉ đạo một ban to vật vã ở Tây Nam Bộ, rồi một bà làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi một bà làm Thứ trưởng… cũng đã không bình yên cho đoạn cuối con đường hoạn lộ hoặc tuổi tác của chính mình.

Ngay cả những ông đại gia lắm tiền khét tiếng một thời, mối quan hệ đầy rẫy khắp nơi, cứ tưởng đã vững vàng như lũy sắt thành đồng vẫn bị xộ khám, vẫn bị điều tra, vẫn bị bêu lên các cơ quan ngôn luận như bình thường.

Đó là những chuyện mà khi còn đương chức, khi còn đương son Ngô tôi tin rằng tuyệt đối không ai có thể hình dung ra được.

3. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng", vốn dĩ thì vạn vật trong chốn nhân gian không thể hiểu này vẫn được mặc định "sinh ký tử quy", sống gửi thác về. Huống hồ chỉ là vài năm nhiệm kỳ lãnh đạo ít ỏi. Và nếu không tận dụng quãng thời gian ấy để khẳng định chính mình, để vì cái chung mà phụng sự thì về sau chén cơm ăn làm sao ngon, chén trà uống làm sao còn đủ dư vị.

Suy cho cùng trong cõi đời này người ta chỉ mong sống náo nhiệt ở quãng thời gian tuổi trẻ, sống bình an ở quãng thời gian về già. Mà nếu quãng thời gian đầy nhiệt huyết ấy lại lầm tưởng quyền lực ở trong tay mình vĩnh viễn để từ đó mặc sức làm cái sai, mặc sức vơ vét, mặc sức trịch thượng, mặc sức đề bạt người thân quy hoạch người nhà thì chắc chắn không thể có quãng thời gian bình yên về sau rồi.

Chuyện của tương lai hình thành từ hôm nay, nếu hôm nay không ý thức được hành động của mình, nếu hôm nay không hiểu hoặc cố tình không hiểu đến ngày mình sẽ rời bỏ vị trí, quyền lực đang nắm giữ để từ đó xây dựng những điều tốt đẹp cho mai sau thì khi cơn vui khép lại rồi chỉ còn những nơm nớp lo âu mà thôi. Lúc ấy, đã muộn màng nhiều.

Quan trọng hơn, lúc nào nhân dân không minh bạch, khi lúc nào nhân dân không công bằng, chuyện đời cũng như đạo trời đều có nét tương đồng, gieo nhân nào thì gặt quả đó.

Nhất là những lần gieo nhân khi mình chỉ đang là những người định cư! 

Ngô Nguyệt Hữu
.
.