Trong tiệm cà phê rang xay tôi thấy trái tim tôi trên miền cao nguyên
Tôi uống cà phê từ rất lâu rồi mới đọc được câu này. Cảm giác như nó được viết tặng cho mình vậy.
Để có thể viết ra được một câu ca ngợi cà phê tinh tế, mạnh mẽ và tuyệt vời như thế, tôi nghĩ hẳn phải yêu cà phê nhiều lắm. Nói một cách cụ thể hơn là yêu cà phê buổi sớm. Hay vì những bình minh mà thêm yêu cà phê(?!)
Nói một cách rất thành thật là tôi không thể làm được gì ra hồn nếu như buổi sớm hôm đó không có được một ly cà phê. Nó là thứ tốt nhất để khởi động một ngày, xua tan những mệt mỏi, lấy lại sự tĩnh tại và nguồn năng lượng.
1. Tôi tập tành uống cà phê từ năm học lớp 10. Ở tuổi đó tôi đã xa nhà một năm rồi. Từ Quảng Ngãi tôi vào Quy Nhơn sống nội trú, học trường chuyên tỉnh.
Thời đó, tuổi đó là tuổi còn con nít, lắm mơ mộng viển vông, nhưng cũng nhiều trải nghiệm và rèn luyện tự lập. Tôi với vài người bạn trai tập tành uống cà phê, hút thuốc lá. Tất nhiên là không phải ngày nào cũng uống cũng hút. Thỉnh thoảng mới "tập làm người lớn" bằng cách nhấm nháp ly cà phê đắng nghét và chuyền tay nhau điếu thuốc Jet thơm lừng.
Có lẽ tôi chính thức biết uống và nghiện cà phê là khi trở thành sinh viên.
Năm thứ nhất đại học ở KTX Tân Phú - Thủ Đức. Những tiệm cà phê đơn sơ nằm dưới những tán lá tràm bông vàng. Chúng tôi uống cà phê và nghe Tuấn Ngọc hát nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương…
Ngày này qua ngày khác. Cà phê thì có thể uống ngày ba cữ, nếu trong túi rủng rẻng tiền. Còn giọng ca Tuấn Ngọc thì nghe hoài không biết chán. Trong số những nhạc phẩm mà Tuấn Ngọc thể hiện, tôi mê mẩn bài Chiều một mình qua phố của Trịnh Công Sơn: Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em/ Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím…
Cà phê đen quánh. Giọng ca Tuấn Ngọc. Và nỗi nhớ nhung mối tình đầu giày vò trầy xước lồng ngực tuổi trẻ.
Chợt nghĩ, nếu những ngày tuổi trẻ xanh xao ấy mà không có những ly cà phê "giội xuống bình minh" hay "hun nóng canh khuya" thì mình sẽ tồn tại thế nào?
Nhiều bạn bè của tôi không thích cà phê, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, họ thích bia rượu hơn. Cà phê là thức uống dành cho những kẻ mộng mơ, nhàn tản(?!). Bia rượu là niềm vui thú trần gian có thực hơn gấp nhiều lần. Đó là chưa kể, với nhiều người thì cà phê chỉ là… đắng nghét và làm họ mất ngủ (!)
2. Đây là điều thật khó tin với cả chính tôi. Tôi viết cả trăm bài tùy bút, nhưng dường như chưa có bài nào viết riêng về cà phê.
Và, đây là lần đầu tiên tôi "làm chuyện ấy".
Lục lọi trong trí nhớ (không được tốt cho lắm) thì ly cà phê đầu tiên có lẽ được uống ở một tiệm trên đường Nguyễn Thái Học - Quy Nhơn. Đó là một ly cà phê đen nóng. Thật lạ, ngay từ khi tập tành cà phê, tôi chưa bao giờ uống cà phê pha sữa hoặc bỏ quá nhiều đường cho ngọt như chè.
Nếu như vào một quán nào mà người phục vụ mang đến cho tôi ly cà phê sữa, thì chắc chắn rằng đó là sự nhầm lẫn. Và dù cực kỳ dễ tính, tôi phải yêu cầu được đổi. Cà phê mà pha sữa thì đâu còn là cà phê. Sữa trộn vào cà phê, đó có lẽ là thức uống mà tôi khó hình dung nổi.
Thử nhắm mắt lại mường tượng những không gian cà phê trong suốt 27 năm sống ở Sài Gòn.
Mấy cái tiệm cà phê vỉa hè khá sơ sài trên góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1) nằm chênh chếch trước cổng trường Đại học Tổng hợp. Cà phê ở đây dở tệ, nhưng được cái gần trường, và ngồi lâu quen mặt thì có thể… ký sổ. Dãy tiệm cà phê này đã bị xóa sổ từ lâu, nhường mặt bằng cho những tiệm thức ăn nhanh.
Cà phê vườn hoa cạnh nhà thờ Huyện Sĩ, góc Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi (Quận 1). Đó là góc cà phê mà tôi thường ngồi mỗi chiều thời sinh viên. Cà phê ở đây cũng tàm tạm. Nhưng ngồi đấy nhìn sang nhà thờ Huyện Sĩ rất hay.
Góc vườn hoa ngày ấy, chiều chiều cũng xuất hiện nhiều cô gái bán hoa son phấn vẫy tay mời khách. Nay không gian ấy thay đổi khá nhiều. Mỗi lần chạy xe qua, tôi lại đưa mắt tìm tôi những ngày tháng bơ vơ thầm lặng bên ly cà phê đen đá lanh canh.
Cà phê Hồ Con Rùa. Đó là tiệm cà phê nằm ở vòng xoay, gần góc đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1). Cà phê cóc, bàn xếp ghế xếp dây nhựa đặc thù một thời. Cạnh tiệm cà phê là sạp báo lớn của hai ông già. Có một thời gian dài, sáng nào tôi cũng ngồi cà phê ở đây với một ổ bánh mì và mấy tờ nhật báo. Cà phê bình dân nên không thể đòi hỏi chất lượng cao.
Cà phê Bông Giấy nằm trên đường Trần Quốc Thảo (Quận 3). Cà phê hẻm Trịnh nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3). Đó là những tiệm cà phê mà tôi cũng ngồi suốt một thời gian dài. Cà phê Bông Giấy và hẻm Trịnh nay vẫn còn, nhưng không gian thu hẹp lại. Thỉnh thoảng tôi vẫn về lại đó ngồi, nhưng cảm giác không còn là chỗ của mình nữa.
3. Những không gian cà phê kỉ niệm mà tôi vừa điểm qua, có thể thấy đó là những không gian bình dân. Cà phê ở đấy khó lòng mà gọi là ngon được. Nhưng không phải là tôi chưa từng uống những ly cà phê ngon và đắt tiền. Đó là những tiệm cà phê phong cách Pháp ở xung quanh tòa nhà Sunwah (Quận 1). mà thỉnh thoảng tôi ghé vào. Nhớ mãi lần đầu tiên vào một tiệm cà phê sang trọng trên đường Tôn Thất Đạm. Cà phê đen pha phin rơi những giọt chậm rãi.
Nhạc Pháp êm dịu. Nhưng cà phê nhỏ xong rồi mà không thấy mang hũ đường ra, tôi bèn gọi, lúc ấy người phục vụ mới trở ra và chỉ vào cái lọ trông như cái lọ đựng xì dầu ở mấy quán ăn. Hóa ra là đường nước. Tôi đỏ mặt, thấy mình nhà quê một cục.
Có một thời gian dài tôi mê cà phê Trung Nguyên, thường ngồi ở tiệm trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1). Tôi cũng hay ngồi ở Highland Coffee nơi góc đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Cao Vân (Quận 1).
Nhưng có thể nói, tôi thấy mình chỉ thực sự uống cà phê hay nhận ra cà phê ngon từ khi những tiệm cà phê rang xay tại chỗ mở ra. Đó là những tiệm cà phê Take Away (cà phê mang đi) với không gian nhỏ bé, chủ yếu phục vụ người đi làm buổi sớm, tạt ngang mua ly cà phê xách vào công ty. Nhưng tôi ít khi nào mang đi mà ngồi đó. Tôi thích ngồi trong những tiệm cà phê nằm trên đường Hoàng Sa, khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc.
Trong số đó, nơi neo giữ tôi lâu nhất là tiệm Chiêu Café Sách. Nơi mà tôi có thể ngồi cà phê và viết lách cả ngày. Nói về nơi ngồi viết, tôi chợt nhớ cà phê Phong Nguyệt trên đường Trần Quốc Thảo (Quận 3), cà phê Thức trên đường Lê Quý Đôn (Quận 1), và cà phê Đen Trắng trên đường Tú Xương (Quận 3). Đó là những nơi mà tôi ngồi viết được. Còn lại có những nơi tôi chỉ ngồi rồi đi chứ không thể viết được gì, mặc dù ở đấy rất mát mẻ và yên tĩnh.
Không phải là người mê tín, những tôi rất tin rằng, có những tiệm cà phê mà "phong thủy" của nó hợp với người viết. Như Hemingway thường ngồi viết trong tiệm cà phê ở phố Place St Michel (Paris - Pháp). Bắt đầu bằng một ly cà phê sữa buổi sáng, chai Rum St.James vào buổi trưa, để rồi tiếp tục những trang viết cho tới chiều. Còn tôi thì ly đen buổi sáng với ly trà đá và dĩa cơm văn phòng buổi trưa.
Cà phê rang xay tức là cà phê nguyên chất được rang xay tại chỗ. Trong không gian bé nhỏ, tiếng động cơ ồn ã, nghe hơi khó chịu nhưng bù lại mùi cà phê thơm lừng quyến rũ. Cà phê rang xay không có màu đen kịt mà có màu nâu nâu, gọi là nâu hổ phách hay nâu cánh gián.
Ở khu Phan Xích Long (Phú Nhuận) có rất nhiều tiệm cà phê rang xay tại chỗ ngon nổi tiếng. Tôi thường ngồi ở một quán có tên là Tèo (trên đường Hoa Lan - Phú Nhuận). Cà phê Tèo giá rẻ mà rất ngon.
Trong tiệm cà phê rang xay, giữa tiếng cơ khí ồn ã, giữa những tiếng nói cười tưởng chừng bất tận, mùi cà phê chợt bùng lên như một cơn gió rồi chuyển động vòng tròn.
Trong tiệm cà phê rang xay, tôi thấy trái tim mình như bay lên miền cao nguyên, nơi có những rẫy cà phê bạt ngàn, nơi có giọng ca hoang dã Y Moan mà tôi từng bị mê hoặc, nơi có chàng nhạc sĩ Y Phôn Ksor "Đi tìm lời ru mặt trời" mà tôi từng uống rượu cùng (*). Nhưng khi bay trên miền cao nguyên đó, tôi lại thấy mình nhớ nhất là William Saroyan, tác giả của tập truyện ngắn "Người có trái tim trên miền cao nguyên" tuyệt hay.
Và, nói một cách nào đó thì tôi yêu văn chương của William Saroyan còn hơn của Hemingway rất nhiều.
Nhưng câu chuyện về cà phê của tôi, dường như chỉ mới được bắt đầu.
(*) Vùng đất Tây Nguyên Việt Nam, từng có một thời được gọi với cái tên là Cao nguyên Trung phần.