Phải không, những con đường "ma ám"?

Thứ Năm, 23/08/2018, 09:26
Không chỉ là những câu chuyện truyền tai, rỉ rả trong cuộc sống đời thường, rất nhiều vùng đất, con đường, con kênh, ngôi làng ở miệt châu thổ ĐBSCL mà danh từ "Ma" đã ám ảnh các cư dân, từ đời này qua đời khác. 

Bóng tối của những câu chuyện ma quỷ này thậm chí còn được lưu lại, ghi trong sử sách bằng cách biến chúng thành tên đường, tên đất, tên sông…

Đi tìm con đường ma

Từng là một trong những địa danh chất chứa nhiều câu chuyện huyễn hoặc nhất ở miền Tây Nam bộ, con đường ma (còn gọi là lộ ma) nằm ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) hiện nay nhìn khá khang trang, thông thoáng. Nhưng với những người cao tuổi trong vùng, nó vẫn vô cùng kỳ bí. 

Nguyên nhân của việc này chính là con đường đó từng là pháp trường chuyên xử trảm, bêu đầu những kẻ phạm tội của triều đình nhà Nguyễn. 

Điều đáng nói, không chỉ có bọn trộm cướp tội phạm mà con lộ ma này còn bêu đầu nhiều người dân, anh hùng từng đứng lên phản đối chính sách hà khắc của vua quan thời bấy giờ. Có lẽ vì thế mà dù không biết có linh hồn hay không nhưng con lộ ma đến nay vẫn khiến nhiều người lạnh sống lưng.

Lần theo dấu tích lịch sử thì vào năm Gia Long thứ 7 (1808) chúa Nguyễn Ánh khi ấy đã cho xây thành Định Tường, lúc này mang tên là thành Trấn Định với mục đích ngăn quân bạo nghịch, giữ yên dân nằm ở địa phận thôn Mỹ Chánh, Mỹ Tho ngày nay. 

Con lộ ma, nay tên là đường Thái Sanh Hạnh.

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì thành Trấn Định được đắp bằng đất, có dạng hình vuông, rộng hơn hai ngàn mét, có cửa trước và sau. Hệ thống hào sâu 8 mét, rộng gần 20 mét có cầu bắc qua của thành bốn mùa nước ngọt dồi dào, tôm cá sinh sôi lại ăn thông ra sông lớn, thuận lợi cho phát triển lâu dài. 

Trong thành, ngoài những kho tàng chứa lương thảo, quân dụng, vũ khí thì trên 4 phía của cổng thành cũng được đắp cao hơn, đặt súng thần công bảo vệ. 

Mặc dù được xây dựng công phu trong khoảng 2 năm nhưng thành Trấn Định, sau này đổi tên là thành Định Tường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi bởi đến năm 1826, vua Minh Mạng, người kế ngôi vị của Gia Long đã phá bỏ thành Định Tường, xây thành Định Tường mới trên một khu đất khác gần đó. 

Kể từ khi thành mới được xây dựng, khu đất ở thành cũ bị bỏ hoang. Dân cư trong vùng ngày nay còn kể lại rằng, triều đình lúc bấy giờ đã nhiều lần treo biển bán và cho thuê khu đất đó để người dân kinh doanh, làm nhà ở nhưng tuyệt nhiên không có ai tìm tới. 

Sau này, triều đình nhà Nguyễn ngày càng bất ổn khiến các cuộc bạo loạn, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Đây cũng chính là giai đoạn mà khu đất bỏ hoang của thành Định Tường cũ được đưa vào sử dụng với mục đích là pháp trường chuyên xử chém khiến nơi này là một trong những nơi đáng sợ nhất mà người dân quanh vùng sợ hãi mỗi khi nhắc tới.

Theo đó, cả khu đất rộng hàng ngàn mét bị bỏ hoang, cỏ cây mọc rậm rạp mà lại nằm không quá xa khu dân cư nên được chọn làm nơi hành quyết những tử tội một cách công khai để thị uy với dân chúng. Trong nhiều năm liền, cứ đến dịp mùa thu là tất cả các tử tội lại bị đem ra pháp trường nơi đây hành quyết. 

Không ai biết tại khu đất đó đã chứng kiến bao nhiêu người bị rơi đầu, bao nhiêu kẻ bị phanh thây, tùng xẻo nhưng chắc chắn, những hình ảnh kinh hoàng đó còn in đậm trong trí nhớ của người dân và chính con đường đất dẫn ra pháp trường mà dần dần, chẳng ai biết vì sao, tất cả mọi người đều gọi nó là con Lộ Ma. 

Tới thời vua Tự Đức, con đường này đã thôi không còn là nơi hành quyết phạm nhân nữa.

Một thời gian sau, khi người Pháp đưa quân bằng nhiều hướng tấn công và chiếm giữ được thành Định Tường, khu pháp trường đó dần bị bỏ hoang và được dùng làm bãi rác cho người dân. Đó cũng chính là lý do khiến cuối con Lộ Ma này còn được người dân gọi là ngã ba Sở Rác. 

Ngày nay, cả hai cái tên trên đều không xuất hiện nữa mà thay bằng đường Thái Sanh Hạnh - con đường mang tên một chiến sỹ cộng sản kiên trung của đất Tiền Giang đã hy sinh trong kháng chiến; nhưng trong ký ức của dân trong vùng, nơi này vẫn cứ là một con đường đáng sợ.

Chuyện người ở ấp Đôi Ma

Cách thành phố Hồ Chí Minh chừng hơn một giờ chạy xe, xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) cũng yên bình như bao vùng đất ven biển khác, chỉ có điều, tại đây có ấp Đôi Ma (thuộc xã Kiểng Phước). 

Tuy nhiên, ấp nằm ven biển với nghề phơi cá khô, ngâm mắm, đan lưới đặc trưng này không chỉ có tên ấp gắn với chữ Đôi Ma mà còn có cả con đường chạy dọc ấp dẫn ra biển, nơi có sẵn một con kênh và cái vịnh nho nhỏ, ngôi miếu hoang cũ (đã không còn) đều mang tên Đôi Ma. 

Với những người lần đầu tới vùng đất này, cái tên Đôi Ma dễ gợi cảm giác gờn gợn, hãi hùng; tuy nhiên, với những cư dân lâu đời nơi đây, Đôi Ma lại là câu chuyện đầy tình người, lòng nhân ái.

Chúng tôi tìm đến ấp Đôi Ma vào giữa trưa một ngày trời nắng chói chang. Hỏi đường đến ngôi miếu cổ Đôi Ma trong truyền thuyết, anh Nguyễn Văn Quang, 41 tuổi, một người sinh sống ngay ở đầu ấp cho biết: "Hồi còn bé, tôi cũng có nghe ông nội kể chuyện về ngôi miếu Đôi Ma nằm sát ven biển, ở ngay cuối con đường đất Đôi Ma chạy ra sát biển nhưng hiện nay nó không còn nữa. 

Nhiều người cho rằng, ngôi miếu đó đã bị chiến tranh hoặc mưa bão phá hủy. Câu chuyện bắt đầu bằng việc có một chàng trai họ Nguyễn đem lòng yêu một cô gái họ Phạm. Ban đầu, cả hai gia đình đều ưng thuận bởi họ là cặp đôi trai tài gái sắc nổi tiếng cả vùng. 

Sau đó, gia đình chàng trai chẳng may lâm vào cảnh hoạn nạn, bỗng chốc trở nên túng thiếu bần hàn, cha mẹ cũng lần lượt theo nhau qua đời. Thấy vậy, gia đình nhà cô gái bèn ngăn cản, muốn bội lời hẹn ước. 

Quá đau buồn, chàng mang bệnh rồi cũng lìa trần trong nỗi đau xót khôn nguôi của tất cả người dân trong làng. Người yêu của chàng, cô gái họ Phạm kia sau khi đã thề nguyền một đời thủy chung, nhân một đêm mưa gió đã trầm mình xuống vịnh nước xiết cùng một di nguyện cuối cùng, được chôn bên cạnh người mình yêu. 

Sau đó, vào những đêm trăng sáng, người dân thường thấy hai bóng người cười nói trong tiếng sóng vỗ rì rào ở phía vịnh nước. 

Tiếng đồn vang xa, chuyện về hai bóng người đó chẳng những không khiến ai sợ hãi mà còn lay động trái tim của bao người. Họ bèn đặt cho cái vịnh đó là vịnh Đôi Ma, một cái tên nghe nhuốm màu liêu trai kỳ dị nhưng lại đầy ý nghĩa về sự thủy chung son sắt. 

Sau đó, một ngôi miếu nhỏ được dựng lên sát bên bờ vịnh để mọi người nhang khói. Con đường đất nhỏ từ phía đầu làng đi ra tới bờ vịnh cũng được đặt tên là đường Đôi Ma. Sau này, gần như tất cả các địa danh chính của vùng đất này đều gắn với danh từ Đôi Ma.

Theo những tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu, vùng đất Kiểng Phước này nói riêng và vùng đất Gò Công nói chung từng một thời gian dài là nơi nương náu của vua Gia Long-Nguyễn Ánh nên có rất nhiều tài liệu lịch sử cụ thể ghi chép về đất và người nơi đây. 

Cụ thể, trong cuốn "Đại Nam nhất thống chí" hay cuốn "Nam kỳ lục tỉnh dư địa chí" đều cho rằng, đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, có kênh rạch đan xen vừa ngược lên phía Gò Công lại vừa dễ dàng xuôi về phía biển. Hơn nữa, cái tên ấp Đôi Ma và ngôi miếu thờ cũng chính là do vua Gia Long đặt cho vùng đất này lúc ông vẫn còn đang trong cuộc chiến trường chinh với nhà Tây Sơn. 

Sau này, khi truy đuổi tới vùng đất Đôi Ma, không bắt được Nguyễn Ánh nên quân Tây Sơn đã đốt trụi ngôi miếu. Có thể nói, trong gần một ngày tìm hiểu về vịnh Đôi Ma và những câu chuyện xa xưa vừa hư vừa thực nơi đây, chúng tôi khá bàng hoàng và bất ngờ bởi nó tuy đã xảy ra khá lâu nhưng lại in đậm trong tâm trí từng người dân nơi đây, trải qua từ thế hệ này tới thế hệ khác.

Đường Đôi Ma ở ấp Đôi Ma.

Mặc dù vùng đất này gắn liền với những câu chuyện liêu trai kỳ dị cũng như nhiều dấu mốc lịch sử khác nhưng ngày nay, ở Đôi Ma điều mà chúng tôi dễ dàng nhận ra là nó cũng bình thường như rất nhiều ngôi làng ven biển khác mà mình đã qua. 

Ở đó, men theo con đường Đôi Ma đã được đổ bê-tông, chúng tôi len lỏi bên những giàn phơi cá khô của ngư dân để tìm tới vịnh Đôi Ma. Bây giờ, một con đập chắc chắn đã được xây dựng ngay trước con kênh vịnh Đôi Ma để ngăn mặn, khử phèn cho nông dân trồng lúa. 

Nước ở con kênh này cũng vì thế mà không chảy xiết, vịnh Đôi Ma ở phía dưới con đập cũng êm đềm sóng vỗ, làm nơi trú ngụ của một số ghe thuyền của ngư dân trong vùng.

Và, khi những câu chuyện đầy liêu trai ma quái đã dần chìm vào quá khứ, chỉ còn để người ta kể cho nhau nghe những lúc nhàn rỗi thì cuộc sống thực tế ở đây đã phát triển hơn rất nhiều. Khu đất ven vịnh Đôi Ma giáp với dòng kênh bây giờ đã là một cảng cá với hàng chục tàu ghe phía biển thường xuyên neo đậu. 

Vì thế, nơi đây đã hình thành một khu phố sầm uất, đổi tên là thị trấn Vàm Láng. Những cư dân đến sau hầu như không ai biết rằng, ấp Đôi Ma của xã Kiểng Phước ngày trước bao trùm cả thị trấn Vàm Láng bây giờ.

Đoàn Đại Trí
.
.