Mảnh vỡ của cuộc du hành

Thứ Sáu, 09/03/2018, 09:59
Dấu chân du khách đi qua khoét xuống như vết hố sâu, tạo vết hằn bám vào thân thể một vùng đất. Ở nông thôn, hành trình mở mang bờ cõi du lịch đón khách nhiều khi hóa thành sự bẽ bàng không dứt trong lòng cư dân bản địa.

Ngồi trong quán nhỏ chiều trong vườn trái cây xa xa tuốt miệt Bạc Liêu, tôi cố nhớ lại gương mặt chị Huyền, cô gái có giọng ca uốn cong và đẩy vồng một đoạn âm lên đầy, cao vút, day dứt. Chị gạt một dáng cô gái đứng đâu đó cuối mỏm nước chiều vào tầm với của tôi. Để tôi tự hỏi người con gái ấy rồi có theo chồng bỏ má lại ở cuối đoạn lục bình trôi không? Người ấy có nhớ rạch này, bờ nọ và đám hoa bời bời nở không? - Người ấy chọn gì cho số phận của cô?

Câu hỏi chập làm một khi chủ quán nói chị Huyền bỏ về Cần Thơ để đi hát cho quán karaoke. Cũng không có gì đặc biệt. Mưu sinh và phận số đẩy người ta đi như thuyền. Nhưng vườn trái cây sẽ mất một giọng ca có thể uốn vồng cả bờ nước và để nó xói mòn tim óc người nghe. Bạc Liêu nhạt dần những tay đờn chánh hiệu và cô đào ca điệu vọng cổ buồn thê thiết như phần đời không được chọn tìm. 

Du khách tới miền Tây nhiều, muốn được chóng vánh ngồi xuống bàn nhậu, lô xô đẩy ghế bàn, và muốn tiếng đờn cất cánh bay theo giọng ca - buồn, càng buồn càng hay. Xong du khách vội vàng đứng dậy, đi mua nước dừa nước mía, lao xao trèo lên xế hộp, mua đầy cây trái, bánh phồng. Ra về. Giọng ca còn chưa kịp hết nội dung.

Nhưng không ca sĩ nào chối từ. Không tay đờn nào ngoảnh mặt. Người du khách vội bước, ai có thời gian ngấn ngá cả ngày để nghe một điệu buồn của ai ai đó xa lạ mà họ không thể hiểu. Họ muốn nhìn thấy câu vọng cổ, ngắm nghía chút người nữ mặc bà ba lưng ong bên cây đờn kìm lẩy lên từng nhịp. Phải thật cảm thông cho lữ khách, sẵn lòng khoát tay bỏ qua cho cảm thức nông mỏng vội vàng mà họ không thể cưỡng lại.

Tôi cố gắng làm hòa với sự im tiếng không còn giọng ca của chị Huyền. Như một du khách - tôi thành thật tưởng tượng chị sẽ ca hát ra sao trong tiếng nhịp dập thô vội trong điệu nhạc của dàn máy karaoke ngoài Cần Thơ. 

Chẳng cần hiểu chút gì cũng làm được một khúc vọng cổ. Chẳng cần rưng rưng uốn cho đường thở vồng lên thổn thức để hiểu cuộc lấy chồng xa xứ với con gái xứ này nghĩa là gì. Tiếng ca rồi cũng được gả bán cho ai đó - cho một sản phẩm du lịch thẳng thớm dễ dùng.

Hố sâu của du khách có thể đào tới mức nào? - Câu trả lời quá tàn bạo đến mức ta phải lờ nó đi.

Một lần, tôi thấy trên Instagram là hình ảnh hai chàng trai du khách Mỹ vào ngôi đền Thần Mặt Trời (Wat Arun) ở Bangkok và cởi quần đứng ngay trước một tòa tháp để chụp tấm hình khoe mông kiểu thời thượng đang tràn ngập thế giới mạng. "Khoe mông" như một kiểu đánh dấu nơi mình đến, được thực hiện khắp thế giới, và du khách nồng nhiệt "chơi tới" chứng tỏ sự đam mê du lịch và khao khát nổi tiếng của mình.

Người Thái đến Wat Arun để cầu nguyện, và ngôi đền mang tên vị Thần Mặt Trời của Đạo Hindu. Nhưng dưới niềm thích thú muốn chứng tỏ mình đến vùng đất lạ, người khách không từ bất cứ kiểu diễn đạt nào, in hằn vào nền văn hóa đó một tiếng cười chế nhạo khi chưa kịp mở tri giác để đón nhận sự khác biệt văn hóa đó ùa vào mình. 

Ngôi đền giờ xuất hiện trên mạng với hai chàng trai khoe mông ngay dưới tòa tháp prang - một biểu tượng thờ kính tín ngưỡng quan trọng với hoa văn chi tiết lấp lánh. Chẳng còn gì địa phương và ẩn lặng riêng biệt, ngôi đền hóa thân thành trò đùa không gì khác biệt trong cách thể hiện toàn cầu đang thôn tính từng chút văn hóa bản địa cuối cùng.

Mỗi lần vác ba lô đứng ở một bến xe địa phương ở bất cứ chốn nào đó tại Đông Nam Á, tôi như đang thò tay xé toạc sự riêng tư của người bản địa, bước vào, xăm soi, sờ soạng và chiêm ngưỡng những ánh mắt lạ lùng như một cuộc trình diễn xa lạ. Đổi lại, cư dân bản địa dò xét tôi, nhìn vào ánh mắt xanh biếc của những chàng trai mới rời đại học từ nửa kia bán cầu và thò chân xuống thế giới này. 

Người tài xế quyết định sẽ coi ánh mắt lơ ngơ đó là "con mồi" hay "kẻ ngoại bang", hay "du khách", hay "người xâm phạm" - cỡ nào thì cũng bị dán nhãn. Hành vi họ thay đổi, ứng biến với hàng ngàn va đập mỗi ngày len lỏi sâu vào đối thoại, ánh nhìn và cách đời sống lẳng lặng đang dần biến đổi.

Cô gái ở miền Đông bắc Thái nói về chuyện cặp bồ với anh Châu Âu. Chàng trai người Campuchia chợt nhận ra họ có thể kiếm tiền bằng cách bán thuốc kích dục cho du khách truy hoan từ khắp ngả đổ về. Đứa bé con ở khu phố ma túy tại Manila biết rằng chúng có thể mở cửa xe hơi bất ngờ và chộp bất cứ thứ gì trong tay du khách ngỡ ngàng. Làn sóng cưỡng chiếm của văn minh ùa tới. 

Văn minh ở đây là tiền, định danh về thịnh vượng, chuẩn mực về cách để thành công - rời khỏi lễ nghi tàn khói nhang và lời cầu nguyện kín đáo. Mọi thứ bị buông thõng như cách người ta thả một chai thủy tinh xuống gờ đá, vỡ vụn.

Con người không chối bỏ được hấp lực của văn minh (và văn minh ở đây có nghĩa là ngập tràn đồ vật và sự thỏa mãn vật chất không ngừng). Họ chậm chạp xoay lưng với đóa hoa thờ cúng dâng lên vị thần. Họ nhắm mắt đưa chân vào sự xâm lăng với va đập. Họ đáp trả. Phục vụ. Ứng đối. Phản âm. Bị bóp méo.

Một nghệ sĩ gốm lâu đời ở Chiang Mai kể: "Người ta đổ đến đây, giá đất rẻ, khí hậu mát, mọi thứ sạch sẽ, trong lành. Và rồi họ lái xe hung dữ như thể họ đang chạy trên cao tốc ở Bangkok. Họ bấm còi. Họ làm Chiang Mai không còn chút yên tĩnh. Tôi không còn muốn sau chiều từ xưởng ra đạp xe vào thành phố nữa. Đầy áp lực".

Ông rời xa Chiang Mai, quây kín khu xưởng mình thành nơi tĩnh lặng để yên thân làm gốm. Ông biết hoa văn người phương Tây ưng, và sản xuất thật nhiều để bán đi Châu Âu, Trung Quốc. Có những hoa văn ông chỉ còn vẽ và nung cho riêng bản thân, vì sợ chẳng ai còn nhớ tới. 

Thầm kín hơn, ông sợ chúng biến mất khi chính ông vẽ quá nhiều mớ họa tiết phụng sự người khách trả tiền bằng ánh nhìn văn minh Châu Âu. Sẽ không còn hoa văn cô gái Thái nhảy múa hoặc ngả vào tay người yêu, mắt đong đưa nhìn. Sẽ không còn rắn thần Naga cuộn mình dưới đáy thành khối lớn đầy quyền lực.

Cuộc va đập của thác lũ du khách cười đùa, mang theo đủ máy móc thiết bị ghi hình, và cơn háo hức ngắm nhìn điều mới lạ, đã hóa thành một bên kích cầu, đánh một đòn thâm trầm đau đớn vào vận hành đời sống mỏng manh đã tồn tại đâu đó vài trăm năm bên người sinh tồn trong xứ sở. Người đến muốn vui. Người ở muốn tiền. Đôi bên hài lòng đón nhận và phục vụ.

Đâu đó giữa những chuyến du hành lan man qua vài trăm dặm đường, tim tôi thắt lại khi thấy mình đứng đó, xoay trở ngột ngạt vì sự mất đi không cưỡng nổi. Sự mất đi của tiếng vọng cổ thật tim thật tình. Sự bẽ bàng của tháp prang trong Đền Thần Mặt Trời. Sự lơ ngơ ám ảnh của người thiếu nữ vùng núi đo đếm túi tiền du khách.

Tôi thật không hiểu mình mất gì, cho tới khi không tìm được mảnh lấp lánh đã vỡ tan tành. Và dòng thác lũ du khách trong thế giới thẳng băng này, đang cuốn tất cả chúng ta đi, không ngại ngần nhân nhượng.

Thật kỳ dị khi nhận ra mọi cuộc du hành đều bắt đầu rất phẳng…

Khải Đơn
.
.