Bán căn nhà mặt phố
Con cái phương trưởng đã ra ở riêng. Nhà quanh quẩn hai vợ chồng già, khéo thu xếp cũng còn dư phòng tầng trệt. Phố ấy cửa hàng cửa hiệu mua mua bán bán rậm rịch hết đêm sang ngày, cho người thuê mỗi tháng cũng có năm, bảy triệu đút túi. Viên chức quèn như Cầm, làm gì ra năm, bảy triệu bây giờ?
Ấy là chưa kể một bước tới chợ, hai bước ra bãi tắm. Rồi bệnh viện, rồi rạp hát, rồi quây quần anh em bạn bè… Tất tật những gì thuộc về nhu cầu vật chất tinh thần hàng ngày của cư dân đô thị, đều có sẵn, ổn định và quen thuộc hàng chục năm nay. Chả thế mà ở cái thành phố ven biển này, nhiều người ví khu phố Cầm ở chả khác gì quận Nhất trung tâm Sài Gòn.
Bỏ quận Nhất về quận… Mười Tám(!), có chăng là muốn đi ở ẩn.
Tựa lưng vào thành ghế đá mát lạnh dưới gốc cây vú sữa, ngắm cơ ngơi mới của Cầm, mình buột miệng:
- Vui thú điền viên ở tuổi này, có sớm quá không?
Cầm vừa tủm tỉm vừa chế nước sôi vào ấm trà, mãi sau mới hỏi lại, như đánh trống lảng:
- Bác đi máy bay, sợ nhất lúc nào?
Mình hơi lạ, nhưng cũng nhớ ngay đến nhân vật Tsudik trong truyện ngắn của Shukshin(*). Chàng nông dân Nga ấy ngồi trên máy bay, lúc thì ước được ngã xuống tầng mây bông trắng xốp mềm mại ngoài cửa sổ, lúc thì chột dạ "lỡ bây giờ có cái đinh vít nào trên máy bay tuột ra thì sao nhỉ"?...
Mình không lãng mạn, không quá ngây thơ như Tsudik, nhưng quả thật trong suốt những chuyến bay, nhãng đi thì thôi, chứ sực nghĩ đang lênh phênh trên chín tầng trời, phó mặc tất cả cho máy móc, thì cũng hơi chờn chợn.
- Có người bảo sợ nhất lúc máy bay cất cánh. Theo thống kê thì phần lớn tai nạn thường xảy ra vào lúc đó. Nhưng em lại sợ nhất lúc hạ cánh. Bác biết vì sao không?
Không đợi mình trả lời, Cầm tiếp luôn:
- Gặp tay lái xoàng, hay những khi thời tiết xấu, nó giảm độ cao đột ngột, tim mình cứ rơi hẫng ra ngoài.
Nhấp ngụm trà mới pha, Cầm chép miệng:
- Em bây giờ ví như máy bay đang giảm độ cao. Không hạ từ từ, uỵch một cái xuống đất là có chuyện.
À, hiểu rồi, hiểu rồi. Tay này bán nhà phố mua nhà vườn là để "tiếp đất" không bị sốc. Không làm ăn phi pháp, không tham nhũng, không buôn gian bán lận…, nhưng cũng cần "hạ cánh an toàn". Tất nhiên, với đám công chức viên chức ba cọc ba đồng như hắn, phải hiểu hạ cánh an toàn theo nghĩa khác. Đơn giản là tránh làm đứt đoạn cái nhịp sống thường ngày.
Gần trọn cuộc đời gắn với cơ quan, đành rằng nhiều lúc thấy đơn điệu nhàm chán, nhưng dẫu sao cũng còn được tung tẩy đi đây đi đó, nhìn trời nhìn đất, hóng hớt chuyện gần chuyện xa, con sâu cái kiến là mình mà ông nọ bà kia cũng là mình. Tóm lại, dù thế nào đi nữa thì vẫn có cảm giác mình đang làm việc, đang cần cho sự hoạt động của một guồng máy…
Rời cơ quan, bó chân bó cẳng ở nhà, có bà vợ duy nhất đủng đỉnh ra đụng vào chạm, bonsai không biết chơi, sách đọc không biết hứng, ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người thừa, già nhanh, xuống dốc nhanh, kịch đường tàu nhanh là cái chắc.
Có thể ví cái đoạn về hưu là đoạn cua gắt trên con đường đời. Không chuẩn bị sẵn một tâm thế để thích ứng, dễ lạc tay lái, mất lái chính là ở đoạn đó. Cho nên xưa nay trong vở kịch đời sống của những anh làm công ăn lương, màn về hưu là màn lắm ngậm ngùi cay đắng và cũng lắm tiếng cười hơn cả.
Cầm chuẩn bị sẵn vườn, sẵn ao, thích thì thừa chỗ dựng giàn trước cửa cho dăm bảy chục giò phong lan đung đưa. Về hưu, y cứ việc lẩn mẩn trồng rau, cho cá ăn, ngày hai cữ phun nước tưới lan. Thế là làm lụng, là lao động chứ gì nữa?
Chẳng qua là chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ bàn giấy sang cây cỏ đất đai. Mà kết quả có khi còn rõ rệt hơn, cầm nắm được hẳn hoi, vui thật, hạnh phúc thật.
Ai đã từng trồng cây hẳn đã trải qua cảm giác: trái cây, mớ rau, bông hoa… tự tay mình làm ra, bao giờ cũng ngọt, cũng ngon, cũng đẹp lạ lùng, chứ không tầm thường như những thứ cùng loại mua ngoài chợ. Ngoài chợ giá tiền trăm, thì của mình có khi tiền triệu mới xứng đáng.
Có lần mình đọc được ở đâu đó một tài liệu khoa học, chứng minh dân làm vườn, với những hoạt động đa dạng thường xuyên hàng ngày, tốt cho sức khỏe bằng mấy những anh tập thể dục thể thao bài bản. Nhìn cơ ngơi mới của Cầm, có thể hình dung ra lối sống lành mạnh sau hưu của hắn.
Nhưng chả phải chỉ có Cầm mới khôn ngoan biết tính trước, lo xa. Nhiều ông chưa đến ngày về đã nhắm trước cho mình một suất hợp đồng ở cơ quan, tổ chức xã hội nào đó. Hội hè các loại bây giờ nhiều lắm. Hội hè lùng tùng xòe. Có hội sinh ra cốt vui vẻ cả làng, đã trở thành bãi đáp ưa thích của nhiều quan chức đến tuổi hưu. Lương hưu lĩnh đủ, lại còn thêm khoản lương hợp đồng. Nhưng quan trọng hơn là vẫn được tiếp tục "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Ai dành dụm được chút vốn, có mặt bằng thì chuyển sang làm kinh tế, lớn thành lập công ty tư nhân, nhỏ mở quán cà phê, cơm tấm. Rảnh rỗi, con cháu cho tiền thì đi du lịch. Không tiền, không sức khỏe, không quan hệ thân quen, không những điều kiện cần thiết khác thì đành ngồi nhà đánh cờ, tập dưỡng sinh, "giao ban" định kỳ ở quán xá, hay tụ tập sinh hoạt câu lạc bộ thơ phường.
Một số ít người về hưu rồi, không còn bị ràng buộc bởi chuyện này chuyện kia, bỗng dưng mở rộng tầm mắt, nghĩ thoáng, phát ngôn mạnh bạo, thích đạp xe, thích ăn cơm bụi, lắng nghe tâm sự chị ve chai, kết bạn với trẻ đánh giày, bán vé số… Có bác quay ra nghiền ngẫm viết hồi ký, hoặc hí hoáy chơi facebook. Chơi "phây" dễ nghiện. Suốt ngày bận bịu hết "lai" lại "còm".
Bận bịu viết bài, bận bịu chụp ảnh. Lâu lâu con cháu mời đi nhà hàng, ngồi vào bàn rồi vẫn tranh thủ chụp kiểu ảnh để cúng "phây". Đầu hói răng giả bỗng cải lão hoàn đồng, "hi hi, he he" y như bọn 9X, 10X. Thiên hạ có câu "sáu mươi tuổi mới vào đời", ngẫm ra cũng có khối trường hợp áp dụng được.
Không nhớ rõ từ khi nào, mình đã mất khái niệm về ngày thứ bảy, chủ nhật, thậm chí là cả một số dịp lễ tết. Có lẽ từ lúc phải kiếm sống bằng nghề báo.
Một giai đoạn không dễ quên trong cuộc đời. Vợ thất nghiệp. Các con còn đang học phổ thông. Lương viên chức hội văn nghệ địa phương chưa chắc đủ nuôi một mình mình. Xoay trần ra viết báo. Bạ gì viết nấy. Hết ngày này qua ngày khác, gõ máy chữ liên hồi kỳ trận. Ngừng gõ máy là ngừng nhuận bút, ngừng tiền tiêu cho cả nhà.
Mất khoảng mười năm, khi đứa con cuối cùng tốt nghiệp đại học, kiếm được việc làm, cũng là lúc những con chữ đúc trên cái máy cổ lỗ của mình bảo nhau rụng lả tả như răng ông lão. Áp lực mưu sinh mất dần, nhưng không có nghĩa mất luôn thói quen làm việc. May. Mình không có nhà phố bán đi mua nhà vườn như Cầm. Nhưng vẫn có thể nghĩ ra được việc để làm lai rai.
Ngày ngồi vào bàn vài ba tiếng, bây giờ là trước màn hình máy vi tính, khéo thì kiếm được vài trăm chữ, nghìn chữ, vụng thì ba dòng không nên hồn. Văn chả ra văn, báo không ra báo. Dở dở ương ương. Nhưng viết được hay không, với mình lúc này không quan trọng. Có khi đang viết, mấy ông bạn già ới đi cà phê cũng tắt máy đi liền. Cốt sao cho tinh thần thật thong dong thoải mái nhẹ nhõm.
Khác gì Cầm trồng rau hay tưới lan?
***
Tào lao quanh đề tài hưu thì phải tốn mấy ấm trà nữa cũng chưa hết chuyện. Hưu già hưu non. Hưu cô đơn hưu cô độc. Hưu chật vật hưu nghèo túng. Hưu dựa dẫm hưu phụ thuộc. Hưu cạn nghĩa hưu cạn tình. Lại có thứ hưu xong xuôi mọi thủ tục chế độ rồi, bàn giao đâu vào đấy rồi, mà vẫn kẽo cà kẽo kẹt ngày ngày chường mặt ra ở cơ quan đủ tám tiếng…
- Ông cụ nhà em ngày trước có tí chữ nho, cụ dạy chữ HƯU gồm bộ "nhân đứng" và chữ "mộc", người tựa vào cây - Cầm nói - Tựa vào cây để nghỉ ngơi. Hưu là nghỉ ngơi.
- Chữ nho thì tớ mù tịt. Tớ chỉ nghĩ đơn giản: già thì tránh đi chỗ khác.
Cầm quay nhìn mình, thong thả như muốn đúc kết câu chuyện phiếm ở tầm vĩ mô:
- Vậy thì chả cứ những anh già đi làm nhà nước… Tuổi già nói chung như cỗ xe nặng leo dốc, không biết tự buông bỏ là khốn nạn lắm. Cố tình giữ lại, cố tình níu kéo cũng chả được bác ạ. Nhiều thứ tự khắc tuột ra khỏi tay, tự khắc rơi rụng dần. Có cây để tựa cũng tốt. Nhưng không cần tựa vào cái gì có khi còn tốt hơn…
7-5-2017
(*): Vaxili Shukshin - nhà văn Nga (1929 - 1974)