Mùa hè trên ngực biển

Thứ Ba, 05/06/2018, 07:03
Đêm gió mượt mà bên bãi biển Bingin, ở Bali, Indonesia.

Một người đàn ông ngồi chiêu chai bia Bintang cuối cùng trong ngày. Ông là chủ một quán cafe cho dân lướt ván, tên Didi. Du khách ghé qua, mua một quả dừa, quăng quần áo và thiết bị trên bờ, lao vào cơn sóng. 

Người ta nhớ tới Bali như một chốn để tránh thoát những tổn thương xảy ra đâu đó trong cuộc đời ở phần khác của thế giới. Biển chữa lành vết thương. Những buổi chiều dưới hoàng hôn, bài tập yoga trị liệu có thể giúp cơ thể và tâm hồn quay về lại hòa hợp sau những bối rối bất an ngoài kia.

Đã nhiều năm tôi không đến nơi nào có biển. Hầu hết con đường chỉ diễn ra trên núi, đồi, những cuộc chạy xe máy mải miết vào rừng sâu. Biển làm tôi kiệt sức.

Didi lại gần, cho một cốc nước nóng và nói: "Đừng sợ, cô sẽ sớm quen thôi. Con người đều từ biển. Chúng ta sinh ra từ biển. Rồi cô sẽ học được biển không có ý định hại mình". 

Ngoài xa, sóng cuộn thành từng dải thẳng băng, gấp nếp vào nhau và chậm rãi ủi vào bờ san hô nhuốm rêu xám.

Didi tới Bali 27 năm trước, khi bãi biển này còn là những khối đá nhô ra chưa có tay con người nào khuất phục. Ông yêu một cô gái người Java, rồi cưới bà, ở lại đảo, mở một quán cafe. Con trai ông được mệnh danh là một trong những tay lướt ván cự phách nhất Bali. Có hàng ngàn người đã biến Bali trở thành quê nhà như vậy. 

Một cô kế toán từ Hà Lan quyết định dành vài năm nghỉ ngơi ở Bali, và chọn nơi này làm nhà. Tay lướt ván người Đức tới đây mỗi mùa hè, và cùng vợ sinh ba con, rồi quyết định dọn hẳn về đây ở. Hai cô gái người Trung Quốc quyết định chọn Bali làm ngôi nhà thứ hai, khi muốn mở một tiệm bán trang phục bơi cho du khách trên đảo.

Chừng 5 năm trước, ở bãi biển Balangan, Bingin - phần đuôi của Bali - chỉ toàn đàn ông. Cánh đàn ông đổ về đây tìm sóng, lướt ván. Phụ nữ không đến đây. Họ tập trung ở Ubud, tập yoga, chăm sóc cơ thể, nghỉ dưỡng. Những tác phẩm văn học thương mại bán chạy trở thành “kinh thánh” của người du lịch để họ tìm đến Bali. 

"Các cậu trai luôn hỏi tôi tại sao ở đây chẳng có cô gái nào. Giờ thì họ tha hồ. Cả thiên đường rồi đó!" - Didi cười. Con đường du lịch bừng nở tại Bali đã đưa những phụ nữ mê lướt ván về đây, hiện hữu, sống động, cười khúc khích trên sóng.

Bãi biển Bingin như một thiên đường. Phụ nữ khắp thế giới xuất hiện, xinh đẹp, rạo rực và khỏe khoắn. Họ như muốn thoát khỏi quần áo để hòa tan mình vào cát biển, san hô và bầu trời. 

Họ bơi trên những quãng sóng với ngực trần và mảnh quần bikini mỏng tang. Họ đứng dậy trên ván và đỉnh ngọn sóng, thân thể mảnh mai và cong vút như một mũi tên phóng về phía mặt trời trên cao.

Hiếm nơi nào ở Đông Nam Á giống Bali, nơi du khách không say ngập ngụa trong quán bar ngoài bãi biển, hay chìm trong cuộc chơi thâu đêm không dứt ở phố đèn đỏ. Mỗi bãi biển có một nhóm du khách theo từng sở thích riêng. Họ chơi lướt ván trên sóng dài. Họ cưỡi các đợt sóng ngắn. Họ chơi lặn gần bờ để ngắm cá và san hô. 

Nhiều người đến đây nhiều tháng mỗi năm để tập thể thao, chăm sóc cơ thể, để ngắm mặt trời lên giữa biển xanh biếc. Bali là con mắt giữa biển khơi, trong veo, yên lặng.

Xa biển hơn, những nghệ sĩ trẻ, họa sĩ, người làm đồ thủ công tụ về các ngôi làng ẩn sau đồng lúa tại Ubud. Dòng xoáy văn hóa Hindu giáo, Hồi giáo, nét địa phương của người Nam Đảo, Java... quấn quýt thành một dải đầy màu sắc trong kiến trúc, điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, in vải, đồ tre, lá...

Mỗi sớm mai, người cầu nguyện đặt thức quà cúng những vị thần trời đất lên hiên cửa nhà, rảy vài giọt nước hoa thơm, cắm nhang lầm rầm khấn nguyện. Anna là một nhà thơ. Cô mở một tiệm bán đồ tắm ở sát biển. 

Những bộ bikini được may thủ công, đặt hàng trong những gia đình người Bali, hoặc tự Anna thực hiện khi yêu thích. Anna chuyển về Bali sống sau một biến cố lớn trong đời. Cô ly hôn và muốn dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. 

Trước biển mỗi sớm, cô viết thơ, viết bất cứ những gì trào lên trong tâm trí, và uống một tách trà nhẹ. Và đó là khi ngày bắt đầu. Anna kể, Bali đã chữa lành cô, chữa lành những năm tháng lơ lửng, ồn ào và không giúp cô nhìn sâu vào bản thân.

“Khi có đủ tĩnh lặng, người ta mới nhìn vào bản thân. Kỳ nghỉ ở Bali trong hai tuần đã tháo gỡ tôi thành từng phần. Tôi lướt ván mỗi chiều. Ngã xuống sóng biển. Chân tay bị san hô cào xước. Nhưng dường như tôi thấy lại mình trong những năm tháng đi học, ước mơ trở thành nhà thơ, muốn có một ngôi nhà nhỏ cạnh biển, và sống bên ai đó thấu hiểu mình và mình thấu hiểu họ”.  

Anna nói cô chưa có ai thấu hiểu mình. Nhưng thấu hiểu bản thân đã là điều quá khó, sao ta có thể trông đợi ai đó thấu hiểu mình trọn vẹn trong đời? – Cô cười buồn bã. Ánh mắt đong đầy nước. Nhưng thật yên ả và thư thái.

Có điều gì ở Bali khiến người ta phải nhìn sâu hơn vào tâm can? – Sự cô đơn tuyệt đối trước biển, nỗi sợ bị bỏ lại, bị trôi đi ngoài xa vĩnh viễn khiến con người độ lượng hơn với bản thân và dần độ lượng hơn với cả kẻ đã làm tổn thương mình. Níu kéo một tình yêu. Giận dữ vì sự mất mát. Hay nhầm lẫn về giá trị cuộc đời. 

Chẳng gì ở Bali có thể giải quyết. Nhưng hòn đảo cho người ta một cơ hội nhìn thấy bản thân dưới làn nước trong veo và tự thấy bản ngã mình hòa vào ngày có nắng biển trong suốt.

Một doanh nhân người Úc ngồi cạnh tôi trong quán nói: “Nếu bạn tới Bali lần một, đó chỉ là kỳ nghỉ; nếu bạn tới lần hai, bạn yêu nó; và đến lần thứ ba quay lại, bạn không thể trở về nữa” – David cười. 

Ông quyết định đưa cả gia đình đến Bali sống, dừng lại toàn bộ công việc kinh doanh ở Sydney. Ông lướt ván hàng ngày. Con gái ông cũng trở thành một tay lướt ván. 

Ông nói: “Những gì bên trong bạn, Bali sẽ phóng chiếu lên hàng chục lần. Bạn nghiện rượu, bạn dùng thuốc, bạn si mê, Bali sẽ là cơn sóng đánh dạt bạn đi. Ở đây, bạn phải nhìn vào bản thân nhiều hơn bất cứ nơi nào khác”.

Giọng của Didi có mùi cồn. Cốc nước nóng ông rót đã giữ ấm tôi trong gió biển chiều. Giọng Didi khản như một người uống whisky lâu năm. Trầm. Đục. Và khát. 

Một cậu trai ở Bali suốt sáu năm trời để lướt ván, sống trong căn nhà nhỏ kế quán của Didi kể: "Lần đầu tiên tôi tới đây, đêm nào cũng xuống quán ngồi uống với Didi. Ông ấy luôn giúp đỡ, chuyện trò. Ở tuổi 20, khi rời khỏi nhà và chẳng có bạn bè, cậu hiểu sự cô đơn không? Ông ấy luôn giúp đỡ những người mới đến Bali, chuyện trò với họ, giúp đỡ họ tìm quán ăn, xe máy, đường đi, bác sĩ...".

Cậu trai đã trò chuyện với ông suốt hai năm, mỗi buổi tối sau giờ ra biển, trước khi bắt rễ và thương quen với ngôi làng lướt ván.

"Tôi không biết tại sao con người luôn muốn có nhiều hơn. Họ không thể ngừng lại. Nhưng thứ chúng ta cần là sống hòa thuận với Trái Đất chứ không phải ăn thịt nó. Tại sao không thể dừng lại khi vừa đủ? Tại sao phải luôn chế ra xe hơi chạy nhanh hơn, những công trình tiêu thụ nhiều nguyên liệu hóa thạch hơn? Tại sao phải giết nhiều loài động vật hơn, khi thứ để ta sống suốt đời chỉ là thịt gà, bò hay những món hoa trái đơn giản?".

"Bali là nơi của sự đầy đủ. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi nhiều hơn. Người ở Bali sống hàng ngàn năm giữa biển khơi, chẳng thiếu thốn gì. Thiên nhiên cho họ tất cả và hòa thuận với họ. Ngay cả những ngọn sóng, chúng cũng chơi đùa với ta. Đâu có gì mà phải hi sinh một bên để bên kia sinh tồn?".

Tôi nói với Didi, có lẽ con người không biết dừng lại. Họ không thể kiểm soát được bản thân trong cơn đói thèm được nhấn chìm tất cả dưới bàn chân chinh phục của mình. 

Họ không thể ngừng lại. Những người ở Bali như Didi quá xa với "loài người" xa xôi trong đất liền, nơi họ định vị cả thế giới bằng các chiều kích và tốc độ xuyên qua thanh quản và lồng ngực nhau. Phải có thứ gì đó hi sinh. Để con người tồn tại.

Như với Didi, ông đã đóng băng thời gian Paris lại thành 27 năm dài ở Bali, để tìm thấy hạnh phúc, để mỗi chiều cưỡi sóng băng về hoàng hôn, để nhìn con trai lớn lên như vị thần biển và con gái cài đóa hoa bừng nở như hoa trái thiên đường.

Như David đã tìm thấy hệ phóng chiếu lên cơn mê cuồng sóng biển của ông.

Như Anna đã tìm được nơi để thả những vần thơ và nỗi đau của cô xuống hiên nhà sớm mai – trước biển.

Bali đã mọc mầm trong ngực từng người như cách ta được một vùng đất cho ân phước được hạnh phúc.

Khải Đơn
.
.