Văn hóa tranh luận

Thứ Tư, 22/11/2017, 09:30
Đây là một phạm trù văn hóa cần và buộc phải có trong một xã hội có ý thức và muốn có sự phát triển văn minh.

Chúng ta cũng đã biết, thế giới và nhân loại phát triển được là nhờ vào sự tự tư duy và nhận thức của con người. Qua các thế hệ và diễn tiến lịch sử, các hệ thống quan niệm, hệ thống tri thức được hình thành và trở thành nền tảng cơ bản, cốt lõi cho việc hình thành nên tri thức cá nhân, tri thức mang tính đặc tính bản thể trong sự phong phú và đa dạng của tri thức nhân loại.

Và việc hình thành tri thức là kết quả của quá trình không chỉ tự tư duy của mỗi cá nhân, mà chân lý (tri thức khách quan đúng đắn) được hình thành khi xảy ra sự tranh luận giữa các tri thức bản thể xuất phát từ các cá nhân đơn lẻ hay nhóm được đại diện cho một số đông (có cùng nhận định) nào đó.

Và như vậy, tranh luận là một sự tương tác có tính đối trừ và bổ khuyết các quan niệm, đánh giá có ý thức của (nhóm) người này với (nhóm) người kia để tìm đến sự hợp lý cuối cùng. Nên tranh luận quả thực là một hành vi (lý tính tích cực) quan trọng trong quá trình đúc kết, chọn lọc các tri thức có tính chuẩn mực hay nguyên tắc có tính phổ quát và bền vững.

Nhưng tranh luận thì cần điều gì là quan trọng?

Tranh luận (một hay một vài vấn đề): thứ nhất, xuất phát từ sự khác nhau của các tri thức cá nhân (bao hàm cả sự tiên liệu, phỏng đoán), nên bắt buộc người ta trước hết phải có sự không đồng nhất trong nhận định (hoặc chưa hiểu rõ, hiểu khác) về một đối tượng của việc cần phải đem ra bàn thảo; thứ hai là cần phải có tri thức để có thể dùng nó làm cơ sở, tiền đề cho các lập luận trong tranh luận. 

Bởi vậy, nếu con người ta không có tri thức (lý tính) để đảm đương việc truyền tải ý niệm, sự nhận định, đánh giá về vấn đề đang bàn thảo thì sẽ chỉ dẫn tới bế tắc trong tranh luận, và rồi chỉ làm cho cuộc bàn luận lại trở thành cuộc cãi vã, hoặc lạc đề. 

Và những con người trong những cuộc tranh luận như thế thì thường không đạt được tri thức mới hay giải quyết được chính vấn đề đang cần làm tường minh hoặc cần phải xác tín về một sự chắc chắn hơn.

Tranh luận cần có sự tôn trọng giữa những người tham gia vào cuộc tranh luận, dùng các tri thức, sự tư duy, kinh nghiệm, lý thuyết, sự tiên đoán, khái quát,… và tất cả các cơ sở có thể dùng được liên quan đến vấn đề để lập luận nhằm tìm ra những kết luận, nhận định cốt lõi của vấn đề. 

Trong nhà trường cần có sự tương tác tích cực bằng các cuộc tranh luận giữa giáo viên và học sinh, giữa các học trò với nhau.

Không tấn công vào cá nhân người đang tranh luận mà phải xét đến sự công bằng về vị thế đối với bất kể ai, cũng không dùng các ngôn từ, ký hiệu ngôn ngữ không chuẩn tắc, có tính gây chia rẽ hoặc xúc phạm, miệt thị.

Tranh luận cần xét đến là một văn hóa, không phải chỉ đơn giản là hành vi đơn lẻ hay có tính chất rời rạc hoặc thực hiện bằng phương cách nào cũng được.

Tranh luận xảy ra ở những đâu?

Tranh luận, được diễn ra ngay trước hết cả trong chính mỗi bản thân chúng ta, nó được biểu hiện qua sự tự vấn, tự đấu tranh với chính các tri thức trong bản thân để tìm ra những tri thức mới (chính là sự sáng tạo) hoặc hoàn thiện các tri thức của chính mình hơn lên. 

Tranh luận, cần phải được diễn ra ở mọi cấp độ con người, mọi nơi, mọi lúc: từ gia đình tới nhà trường; từ doanh nghiệp tới các cơ quan công quyền; từ người già với người trẻ; từ người quốc gia này với các quốc gia khác; từ quá khứ tới hiện tại và tiếp diễn trong tương lai.

Trong gia đình, việc tranh luận cũng vô cùng quan trọng. Một đứa trẻ cũng cần được học hỏi các tri thức, tiếp nhận thông tin và học cách xử lý vấn đề qua tranh luận để hình thành nên ý thức và nhân cách. Nên chúng ta cần phải trò chuyện và tạo ra các cuộc tranh luận, đặt ra những câu hỏi và dần trả lời cho đứa trẻ những vấn đề cần thiết, phù hợp với mỗi lứa tuổi và tình cảnh lúc đó.

Trong nhà trường, giữa giáo viên và học sinh, giữa các học trò với nhau phải thường xuyên được tương tác tích cực bằng các cuộc tranh luận, không thể duy trì trạng thái giáo viên dùng kinh nghiệm và hiểu biết của mình để chiến thắng người học, mà phải công bằng trong tranh luận và dùng chính vị trí của người đang học để tranh luận. Không dùng các quy định về kỷ luật, quy chế quản lý để đưa vào làm giới hạn các cuộc tranh luận.

Đối với nhà nước, việc tranh luận càng phải được thực hiện thường xuyên. Tranh luận về chính sách, tư tưởng quản lý (quản trị), tư tưởng về học thuyết, chủ thuyết triết học chính trị, kinh tế, luật pháp, khoa học,…tranh luận một cách công khai và rõ ràng. 

Thông qua các cuộc hội thảo, các buổi làm việc chuyên môn, các diễn đàn dân sự, các xuất bản phẩm để có một môi trường và không gian tranh luận cho bất kỳ người dân nào trong xã hội cũng có thể tham gia. 

Và đặc biệt, trong các cuộc tranh luận với nhà nước, với các ban bệ, cơ quan nhiều quyền lực, chắc chắn nhà nước không được dùng ý chí và sự uy quyền để áp đặt và tước đoạt tư tưởng của người khác. 

Vì một cuộc tranh luận chỉ có thể khởi phát nếu có sự không đồng nhất về quan điểm. Nên nếu không thừa nhận hoặc làm triệt tiêu sự khác biệt trong nhận thức, tư tưởng chính là triệt tiêu mọi cuộc tranh luận. 

Và như vậy thì cả xã hội chỉ còn một sự thinh lặng hoặc những tiếng nói đồng nhất, những lời ca tụng nhiều màu sắc. Mà một quốc gia thì không thể phát triển hay kiến tạo được điều gì nếu chỉ có đơn nhất một tư tưởng mà không có tranh luận. 

Mỗi con người đã là một thực thể khác nhau, nên không thể tước bỏ quyền được suy nghĩ, biểu đạt và tư duy khác nhau giữa các cá thể hay nhóm cá thể (nếu các tư tưởng, ý tưởng có sự tương đồng).

Chúng ta hiện nay có văn hóa về tranh luận hay không?

Tôi cho là rất ít tranh luận đúng nghĩa mà phần nhiều là các cuộc cãi vã vô bổ, những cuộc ẩu đả về ngôn từ và cuối cùng là quay ra xúc phạm, miệt thị nhau khi không thể chiến thắng được đối phương. Mà vấn đề thì vẫn không được bàn tới và không tìm ra được phương cách giải quyết hay đúc rút ra được bài học hoặc tri thức đúng đắn nào.

Tại làm sao lại như vậy?

Cần trò chuyện và tạo ra các cuộc tranh luận, đặt ra những câu hỏi cần thiết, phù hợp với mỗi lứa tuổi của trẻ. Ảnh trong bài: L.G.

Bởi những người tham gia tranh luận thường thiếu đi tri thức cần thiết (nền tảng), kể cả thông tin, dữ kiện, nên họ bế tắc, và vì để bảo vệ quan điểm của mình tới cùng (bảo thủ trong sự thiếu hiểu biết) nên thành ra họ không còn muốn tranh luận vào vấn đề mà tìm cách để làm sao cho những người khác thấy rằng người đang tranh luận không xứng đáng, không có hiểu biết hoặc quá tầm thường cho vấn đề cần tranh luận.

Tiếp theo là do từ xưa tới nay, trong gia đình và nhà trường, cho tới cả các cơ quan công quyền, thường không duy trì hay khuyến khích các cuộc tranh luận, mà đặc biệt là tranh luận công khai. Do những người quản lý, người đi trước, người hơn tuổi, tự xem mình là có vị thế và hiểu biết hơn, nhiều kinh nghiệm đã tước bỏ cơ hội được tranh luận đối với những người xung quanh. 

Ví dụ như cha mẹ thường áp đặt lên con cái những tư tưởng của chính mình hoặc tư tưởng mang tính ý thức hệ (lạc hậu). Thầy cô trong trường lớp thì theo khuôn mẫu mà giảng giải, không thúc đẩy các học sinh tranh luận, với tư duy người học luôn kém người dạy, hoặc thường mang kỷ luật, quy chế hoặc các nhiệm vụ thành tích ra để triệt tiêu các tư tưởng khác biệt (mà muốn tranh luận vấn đề tới cùng). Đây là một hạn chế vô cùng lớn trong công tác đào tạo và giáo dục của nước ta.

Có một nguyên nhân cốt yếu nữa, đó là những tư tưởng lớn mang tầm triết học, có thể phản bác hay thiết lập ra chủ thuyết thường bị coi thường và bị triệt tiêu bằng quyền lực. 

Và không có điều kiện để phản biện, tranh luận trực tiếp học thuyết tư tưởng (bằng chuyên môn (tri thức lý tính), kinh nghiệm (đánh giá sự phù hợp), tính lịch sử (đúc rút), tính tiên nghiệm (hoài nghi và tiên đoán dựa trên những cơ sở có chừng mực)).

Karl Marx đã từng nói, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Và thế giới (cả tri thức) đều vận động và phát triển không ngừng. Thế nên bắt buộc chúng ta phải tương tác với những cá nhân khác. Mà trong sự tương tác ấy bao hàm phần nhiều là sự tranh luận với nhau.

Nếu chỉ có sự thinh lặng dù không chắc hẳn đồng nhất về tư tưởng (tư duy), hoặc sự ca tụng giả tạo thiếu hiểu biết hay có mục đích để an thân thì chúng ta chỉ có những bước lùi.

Vì vậy, để quốc gia có thể phát triển được, chúng ta phải duy trì một xã hội mà phải tôn trọng sự đa dạng về tư tưởng của con người. Từ đây mới có thể tạo ra các cuộc tranh luận công khai có chất lượng, con người sẽ tìm ra và khai phá được những giá trị tri thức mới hoặc dự đoán được những gì có thể xảy ra trong tương lai. 

Nếu không có tự do tư tưởng thì không có các cuộc tranh luận, mà không có các cuộc tranh luận thì mọi tri thức đều trở nên cũ kỹ, lạc hậu và là các tri thức chết (vô giá trị).

Tôn Minh
.
.