Tản mạn về thư viện, văn hóa đọc và giáo dục đại học
- “Thư viện sách sống” - Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta
- Thư viện sang trọng nhất thế giới
- Lan tỏa rộng hơn văn hóa đọc trong cộng đồng
Một người bạn tâm sự với tôi: "Là người làm việc trong ngành văn hóa, mình biết rằng đọc sách rất có ích. Nhưng không hiểu sao mình cảm thấy rất nản. Đọc sách, nhất là các loại sách nghiên cứu, đối với mình chẳng khác gì tra tấn. Có những cuốn sách được cả thế giới ca tụng, nhưng mình vẫn không sao đọc hết".
Bạn tôi không phải là người duy nhất có băn khoăn ấy. Rất nhiều tác giả đã viết hoặc nói về sự xuống cấp của văn hóa đọc. Cách đây khoảng 10 năm, nhóm "Sách hay" đã tổ chức cả một hội thảo với chủ đề "Người Việt có mê đọc sách?".
Nhưng chắc chắn những người làm giáo dục là những người trăn trở nhất. Bởi lẽ, nếu người thầy không ham mê đọc sách thì sẽ chẳng bao giờ ra thầy, còn người học không ham mê đọc sách thì sẽ mãi mãi chỉ là người học gạo mà thôi. Tại sao rất nhiều người Việt Nam không có niềm ham mê đọc sách? Làm thế nào để khơi dậy niềm ham mê ấy?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhắc đến cái mà tôi gọi là "hiệu ứng điện thoại". Nếu trong thành phố chỉ riêng bạn có điện thoại, thì cho dù đắt tiền đến mấy, công nghệ cao đến mấy, chiếc điện thoại đó vẫn chỉ là một vật vô dụng mà thôi.
Nếu trong thành phố chỉ có vài chiếc điện thoại, nó cũng chẳng có thêm bao nhiêu công dụng. Chiếc điện thoại chỉ thực sự có ích khi trong thành phố có hàng ngàn, hàng trăm ngàn thuê bao. Và đến lượt nó, tiện ích của chiếc điện thoại, khi số lượng thuê bao đủ lớn, lại trở thành động lực thúc đẩy nhiều người khác gia nhập cộng đồng những người dùng điện thoại.
Tương tự như vậy, một cuốn sách dù hay, dù cao siêu, khi đứng độc lập cũng chẳng có mấy giá trị. Bất kỳ cuốn sách nào cũng chỉ thực sự có giá trị khi nó nằm trong - và gắn liền với - mạng lưới những tri thức của nhiều người, nhiều ngành, thuộc nhiều quốc gia và nhiều thời đại khác nhau.
Tác giả trước thư viện Đại học Korea. |
Mỗi cuốn sách đều có các tiền bối, những kẻ đồng thời, những bè bạn và kẻ thù của nó. Điều này đúng với mọi cuốn sách nhưng chúng ta có thể cảm nhận một cách đặc biệt rõ ràng khi đọc một cuốn sách triết học.
Nói vắn tắt, để hiểu và yêu thích một tác phẩm, nhất là tác phẩm nghiên cứu, chúng ta cần phải có hiểu biết ít nhiều có hệ thống về lĩnh vực liên quan, cho phép ta định vị tác phẩm trong mạng tri thức chung và chuyên ngành.
Hiệu ứng điện thoại cũng khá hiệu quả để giải thích sự kích thích, nuôi dưỡng và phát triển niềm ham mê đọc sách: Càng đọc nhiều, càng đọc có hệ thống, chúng ta càng thích thú với những cuốn sách mới.
Về nguyên lý của hiện tượng này chúng tôi đã phân tích khá kỹ trong cuốn Văn chương như là quá trình dụng điển. Đọc một cuốn sách, nói cho cùng, là giao tiếp với nó. Trong những trường hợp may mắn, cuốn sách trở thành một người bạn tinh thần, trong trường hợp không may, cuốn sách có thể trở thành một kẻ chúng ta căm ghét, nhưng nói chung càng đọc nhiều, chúng ta càng có nhiều người quen.
Việc đọc một cách hệ thống và có phương pháp sẽ giúp chúng ta phân loại những người quen đó, giúp chúng ta chủ động khi gặp lại họ - trong khi đọc những cuốn sách mới. Dù yêu hay ghét, họ cũng khiến ta quan tâm hơn: Ít ra thì họ, những cuốn sách ấy, những người quen tinh thần ấy, cũng có một người quen chung với chúng ta, đó là cuốn sách mới.
Những điều trên đây hàm ý điều gì? Chắc bạn đọc đã đoán ra: ham mê đọc sách, hay nói rộng hơn là văn hóa đọc, được tạo nên nhờ hai yếu tố: thư viện và cách đọc.
Nói đến cách đọc là nói đến giáo dục, đến vai trò hướng dẫn của người thầy. Người thầy, dù ở trường hay ở nhà, phải trang bị cho học sinh những kiến thức đủ rộng và đủ sâu.
Nói cách khác, phải giúp các em làm quen với những cuốn sách nền tảng, theo một trình tự hợp lý, trình tự cho phép các em định vị được tác phẩm cần đọc trong mạng tri thức rộng lớn hơn. Bằng cách đó, người thầy cũng giúp các em mở rộng dần mạng tri thức cá nhân, nhân lên mãi niềm đam mê đọc sách.
Nhưng điều kiện tiên quyết đối với niềm đam mê đọc sách của cá nhân và đối với văn hóa đọc nói chung là sự hiện diện một hệ thống thư viện tốt. Khi nói "một thư viện tốt" tôi không muốn nói rằng đó là một thư viện to đẹp hay có thiết bị hiện đại - mặc dù nhà cửa to đẹp và thiết bị hiện đại có thể ít nhiều tăng hiệu quả sử dụng của thư viện.
Một thư viện tốt trước hết phải là một thư viện phong phú và đa dạng về tài liệu. Càng nhiều tư liệu càng tốt. Cả hay lẫn dở. Một thư viện lý tưởng phải chứa đựng tất cả những gì nhân loại từng viết ra.
Chất lượng của thư viện cũng ảnh hưởng to lớn đến chất lượng giáo dục. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục đại học, theo tôi, chính là sự yếu kém của hệ thống thư viện.
Có thể nói rằng thư viện là bộ não, linh hồn và cũng là diện mạo của trường đại học. Ở các trường đại học lớn nước ngoài mà tôi từng đến thăm, toà nhà đẹp nhất, rộng lớn nhất và thiêng liêng nhất bao giờ cũng là thư viện. Không những thế, thư viện gần như không bao giờ đóng cửa, cả buổi tối và cả mùa nghỉ đông, khi các giảng đường vắng lặng và tuyết phủ kín sân trường.
Ở Mỹ, các trường đại học đều có thư viện rất lớn. Nhưng số lượng sách cụ thể ở đó cũng không quan trọng lắm, vì họ có hệ thống thư viện liên bang. Khi tôi học ở Illinois State University, tức là đã khá lâu rồi, muốn tìm một đầu sách, tôi chỉ cần lên mạng của thư viện nhà trường, lập tức tôi biết những thư viện nào trong cả nước Mỹ đang có cuốn đó, cuốn nào đã có người mượn rồi, cuốn nào còn có thể mượn.
Sau khi nhập yêu cầu, vài ngày sau tôi sẽ nhận được thông báo qua thư điện tử - cuốn sách tôi yêu cầu đã đến thư viện nhà trường, và tôi đến mượn về. Nguồn tư liệu khổng lồ như thế cho phép người ta có thể tìm được ngay tất cả những gì quan trọng mà nhân loại từng viết ra trên khắp thế giới.
Chẳng hạn, nếu ai đó nghiên cứu về chè, anh hay chị ta chỉ cần bỏ ra vài ba tháng đọc, anh hay chị đã có thể nắm được hầu như tất cả những gì nhân loại đã viết về chè. Tiếp đó, nếu anh hay chị muốn viết gì thêm, đóng góp thêm, anh hay chị ta đã có hiểu biết của những chuyên gia hàng đầu, thực sự đứng trên vai những người khổng lồ. Chỉ có như thế, chất lượng giáo dục đại học mới có thể ở đỉnh cao thế giới.
Ở Việt Nam thì ngược lại, tòa nhà đẹp nhất bao giờ cũng là hiệu bộ, phòng đẹp nhất thường là phòng họp, và thư viện thường là nơi đóng cửa sớm để các thủ thư kịp đi đón con. Không những thế, phần lớn các thư viện đại học của ta rất ít tài liệu.
Thư viện quốc gia Pháp. |
Sự yếu kém của hệ thống thư viện đại học là hệ quả trực tiếp của cách nghĩ của các nhà quản lý. Tôi có một người bạn, trước đây học ở Mỹ, rất nhiều hoài bão. Chị cùng chồng đã lập ra một tổ chức phi chính phủ, xin được rất nhiều sách, đóng cả container gửi về Việt Nam.
Khi đó tôi xin cho Khoa Quốc tế khoảng 8 nghìn cuốn, còn lại hai vợ chồng người bạn đem đến tặng các trường đại học. Rất đáng buồn là nhiều trường không nhận, với lý do không có chỗ chứa. Việc nhập sách về đã khó rồi, phải qua không biết bao nhiêu công đoạn, nhưng việc tặng sách còn khó hơn.
Cách nghĩ, đó là vấn đề: chúng ta chưa ý thức đủ về tầm quan trọng của thư viện, chứ chưa hẳn là thiếu tiền mua sách.
Lý do sâu xa hơn là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Trong một thời gian rất dài, nền dịch thuật của chúng ta có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt, ít bản dịch đáng tin cậy, một số bản dịch thậm chí giống như là những bài đánh đố, phần lớn sách dịch tập trung vào văn học, trong khi cần thiết nhất là các sách nghiên cứu kinh điển, trước hết là triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học... Kết quả là nhận thức của chúng ta về thế giới vừa lạc hậu vừa phiến diện.
Nhiều giáo viên văn học - cũng như các hội viên hội nhà văn Việt Nam - chưa bao giờ đọc, thậm chí chưa bao giờ biết đến những cái tên cực kỳ quan trọng đối với người cầm bút như Roland Barthes, Schklovskij, James Joyce hay Noam Chomsky. Cũng vậy, nhiều giáo viên dạy triết học chưa bao giờ đọc Plato, Aristotle.
Trong một bài viết Kế hoạch 500 cuốn sách in trên Talawas và Lao Động (2004), tôi có đề xuất một chương trình dịch thuật: "Theo tôi, nếu nói riêng về khoa học xã hội và nhân văn thì trí tuệ Ðông Tây kim cổ về cơ bản có thể gói gọn trong khoảng 500 cuốn sách quan trọng nhất, trong đó chúng ta đã dịch được chừng 50 cuốn với chất lượng tương đối tốt (triết học Trung Hoa, Marx và một số tác giả phương Tây khác).
Nếu chúng ta tổ chức dịch được 50 cuốn/ năm thì sau 9 năm chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch. Còn nếu chúng ta dịch được 100 cuốn/ năm, thì chỉ mất 5 năm. Lúc đó chúng ta mới có thể bắt đầu nghĩ đến một đội ngũ trí thức thực thụ. Tất nhiên, điều này khó khăn hơn không phải gấp đôi mà rất nhiều lần (…) Kế hoạch nói trên là về khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cũng có thể áp dụng cho khoa học tự nhiên".
Song song với kế hoạch dài hạn này, tôi cũng đề xuất một chương trình cấp bách khác, đó là dịch các tác phẩm mang tính phổ biến tri thức. Loại sách này cũng có thể chia thành hai loại, loại phổ thông và loại ở trình độ cao. Loại sách phổ thông dùng cho tất cả mọi người. Nó cho phép cung cấp kiến thức một cách dễ hiểu nhưng chính xác, toàn diện và có hệ thống về từng ngành khoa học xã hội. Loại sách trình độ cao dùng cho sinh viên các chuyên ngành hẹp và cả các giảng viên đại học thuộc các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, loại sách này hiện nay cực kỳ cần thiết ngay cả đối với các giảng viên đại học của chính các chuyên ngành hẹp đó.
Chúng ta thường hay nói cần nâng cao dân trí. Những muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao trí tuệ của chính những người đi dạy, tức là "giáo trí". Tất nhiên, cả hai loại phải là những cuốn sách do các tác giả có uy tín viết, do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, đã được thử thách và công nhận.
Niềm vui lớn đối với tôi là bài viết Kế hoạch 500 cuốn sách được nhiều người hưởng ứng, được nhiều báo đăng lại, góp phần khởi động một phong trào dịch thuật rộng lớn và sự ra đời của Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mà tôi là giám đốc đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, sự nghiệp dịch thuật vì mục đích khai trí vẫn còn ngổn ngang, đòi hỏi nỗ lực của rất nhiều người.
Bởi vì nếu không quan tâm đến dịch thuật, nếu không xây dựng được một kho dữ liệu ngang tầm nhân loại, chúng ta mãi mãi chỉ có thể đào tạo một đội ngũ những người có bằng cấp mà không phải trí thức. Nếu không có một hệ thống thư viện tốt thì mọi cải cách giáo dục đều thất bại, mọi chiến lược đi tắt đón đầu vào kinh tế tri thức hay cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chỉ là khẩu hiệu suông.