Giải pháp nào bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương?

Thứ Ba, 10/12/2019, 14:30
Phật viện Đồng Dương còn có tên gọi là Khu di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Chăm Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.


Di tích này được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Trải qua thời gian và bị nhiều tác động tiêu cực, đến nay, Phật viện Đồng Dương trông không khác gì một phế tích, nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt". Vì vậy, vấn đề bảo tồn, khảo cổ và phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Khẳng định giá trị

Ông Hoàng Châu Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara.

Bia ký còn ghi lại cho biết vào năm 875, do lòng tin vào Phật giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay "đô thị giải phóng" (moksapura), nơi "trú ngụ" của Phật (Buddhapada). Năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện.

Pho tượng Lakmindra - Lokesvara được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m là đề tài nghiên cứu khá lý thú bởi theo nhận định chung bức tượng này được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương. Nhờ cuộc khai quật này đã thu hút các nhà nghiên cứu tìm về, đồng thời đánh giá đây là một trong những di tích quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Theo khảo tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m, khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.

Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.

Vết tích nền móng còn lại cho thấy đây là một bức tường thành khá lớn và cao. Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục Đông - Tây và 3 hồ nhân tạo lớn. Có 2 hồ ở góc Đông Bắc và một ở góc Đông Nam. Thành ngoại có 2 cửa Đông và Tây. Bên trong thành ngoại lại có thành nội.

Thành nội bao lấy đền thờ trung tâm trong đó có tháp chính mà một phần còn lại ngày nay được chống đỡ. Thành nội còn có một tháp đặc biệt còn gọi là Tháp Giếng. Tháp nằm phía góc Tây Nam của thành nội, nguyên trong tháp có một cái giếng mà ngày nay đã bị vùi lấp.

Theo lời truyền miệng, đó là cái giếng ăn thông với khu vực Ao Vuông cách đó không xa. Nếu ném một trái bưởi xuống giếng thì hôm sau sẽ phát hiện trái bưởi tại Ao Vuông. Nhiều người cho rằng có một đường huyệt đạo bí mật dẫn thủy liên kết giữa khu Hoàng cung và Phật viện. Đây có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ trong hệ thống giếng của người Chăm xưa. Đó cũng là một hướng giải thích cho cái giếng thiêng không vơi không đầy trên đỉnh đồi nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1978, người dân địa phương tình cờ phát hiện một pho tượng đồng quý giá tại khu vực di tích Phật viện Đồng Dương. Tượng cao 1,14m, đế cao 0,143m. Theo nhận định của giới chuyên môn thì đây chính là tượng Lakmindra - Lokesvara được thờ ở gian thờ của tháp thờ trung tâm tại Phật viện Đồng Dương.

Tháp Sáng, công trình trung tâm tại khu di tích Phật viện Đồng Dương.

Đây không chỉ là tượng đồng Chămpa lớn nhất được biết đến mà còn là một tác phẩm thể hiện rõ nét tính phong phú, phức tạp của nghệ thuật Chămpa thuộc 1 giai đoạn phát triển năng động và giàu tính bản địa nhất trong lịch sử xứ xở này.

Ngay sau khi phát hiện, do nghi ngờ rằng đây là 1 pho tượng đúc bằng vàng nên cư dân địa phương đã bẻ gãy những ngón tay của 2 bàn tay và 2 vật cầm tay (pháp khí) để đem đi thử vàng. 2 vật cầm tay này là 1 đóa sen và 1 con ốc. Đóa sen được cầm ở bàn tay phải, còn con ốc được cầm ở bàn tay trái. Đóa sen (padma) có 5 cánh, rộng 4cm và dài 4cm. Con ốc (sankha) dài 7cm và đường kính khoảng 10cm, được chế tác dựa theo mẫu hình của 1 loại ốc nhỏ thường thấy ở ven biển miền Trung, khác với những hình ốc to lớn thường thấy trong tay của các tượng thần Visnu trong nghệ thuật Ấn Độ giáo.

Pho tượng Lakmindra - Lokesvara này cũng là pho tượng Quán Thế Âm nữ thân duy nhất cầm đóa sen và con ốc đã xuất hiện trong nghệ thuật Đông Nam Á. Hiện nay, ngoài pho tượng Lakmindra - Lokesvara thì phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Bài toán bảo tồn

Cho đến nay, Phật viện Đồng Dương đã không còn nguyên vẹn. Sự xâm thực của thời gian, thiên nhiên và bàn tay con người, nhất là giai đoạn chiến tranh cùng những trận bom đạn oanh tạc không thương tiếc đã khiến Phật viện trông không khác gì một phế tích, nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt". Di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một số bức tường gạch cũ, rõ nét nhất là công trình tháp Sáng được chèn chống bởi những trụ sắt kiên cố để tránh nguy cơ bị đổ sập.

Cuộc khai quật khảo cổ của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp tại Đồng Dương năm 1901 - 1902 (Ảnh tư liệu).

Nhưng những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương được khảo cổ tìm thấy đã thể hiện giá trị, hình thành nên một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ IX, được gọi là phong cách Đồng Dương. Những tác phẩm điêu khắc này được các bảo tàng thế giới, quốc gia lưu giữ, bảo vệ. Vì vậy, vấn đề bảo tồn, khảo cổ và phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng, để bảo tồn Phật viện Đồng Dương trước hết phải có giải pháp tối ưu để tu bổ, tôn tạo di tích. Việc phục dựng lại các mảng tường đã bị đổ phải được thực hiện theo mẫu của mảng tường còn lại theo nguyên tắc đối xứng.

Tại Đồng Dương, sau khi đào phát lộ các nền móng kiến trúc, cần tái định vị những thành phần kiến trúc còn sót lại của công trình, dùng gạch mới mô phỏng gạch Chăm để xây dựng bổ khuyết, gia cố các mảng tường còn lại.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá rằng với những giá trị đặc biệt của di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương, di tích này xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời các cơ quan chức năng và địa phương nên hướng tới đề nghị công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Về giải pháp bảo tồn khu di tích Phật viện Đồng Dương, Tiến sĩ Lê Đình Phụng cho rằng cần phải đánh giá tổng thể hiện trạng di tích, từ đó đề ra những giải pháp tiếp theo vì kể từ sau cuộc khai quật năm 1902 của H.Parmentier đến nay, hầu như chưa có cuộc nghiên cứu đầy đủ nào về di tích này.

Đây là những hạn chế, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn. Tiến sĩ Lê Đình Phụng nhấn mạnh phải kiên quyết giữ lại tháp Sáng như một biểu tượng của di tích. Việc xây dựng biểu tượng của di tích cần lấy tháp Sáng làm trung tâm biểu tượng. Điều này rất quan trọng đối với việc phát huy giá trị của di tích Phật viện Đồng Dương sau này.

Ngày 7-12-2019, UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt cho Phật viện Đồng Dương. Đây là bước ngoặt quan trọng để các cơ quan hữu quan cùng chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, khảo cổ, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương.
Ngọc Thi
.
.