Mờ mắt vì tiền, buông lỏng quản lý (Kỳ 1)
Y tế và giáo dục được xem là hai trong số nhiều lĩnh vực thiết yếu, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như có tác động xã hội rất lớn. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực cố gắng, ngành y tế đã có những thành tích lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vẫn có không ít "con sâu làm rầu nồi canh" đi ngược lại với dòng chảy tốt đẹp đó khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng.
"Ăn" xuyên qua đại dịch COVID-19
Chiều 19/2, khi chúng tôi có mặt tại Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội, lúc này CBCS của đơn vị vẫn đang khẩn trương tiếp tục mở rộng điều tra vụ án môi giới hối lộ và nhận hối lộ liên quan đến nhóm đối tượng là cán bộ ở Sở Y tế Hà Nội.
Nhắc đến vụ án, chỉ huy Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế không khỏi bức xúc bởi thái độ "không biết sợ" của số cán bộ thuộc Sở Y tế Hà Nội và những đối tượng có liên quan khi thực hiện hành vi môi giới và nhận hối lộ kéo dài xuyên qua cả đại dịch COVID-19 cho đến thời điểm trước khi vụ án bị phát hiện, điều tra mà trước đó sức nóng về đại án liên quan đến Việt Á dường như vẫn chưa kết thúc.
Việc ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc, chỗ ở, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với một số lãnh đạo, cán bộ của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội và một số đối tượng môi giới hối lộ chỉ là giai đoạn đầu của vụ án.
Những thông tin của vụ án bắt đầu từ công tác trinh sát nắm tình hình, phát hiện về bức xúc của dư luận, nhất là một số phòng khám, nhà thuốc buộc phải chi tiền hối lộ mới có giấy phép hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội. Trước tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Ban chỉ huy Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã báo cáo lãnh đạo Phòng và được chỉ đạo tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu, tập trung điều tra làm rõ.
Được sự chỉ đạo toàn diện của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, trực tiếp là Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát Kinh tế, Đội 7 đã tập trung áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tháo gỡ từng nút thắt trong xác minh nguồn thông tin, làm rõ bản chất của vụ án, đối tượng có liên quan.
Theo hồ sơ của Phòng Cảnh sát Kinh tế, những cơ sở hành nghề y dược tư nhân nào thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề muốn được cấp hoặc gia hạn giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ bản bán lẻ thuốc, giấy đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đã phải thông qua các đối tượng môi giới hối lộ gồm: Bùi Lan Anh (SN 1985, ở phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Thị Bích (SN 1984, ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội); Đỗ Doãn Tiến (SN 1977, ở phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) để móc nối "làm" giấy phép.
Chi phí mà nhóm này đưa ra để cấp mới, cấp lại giấy phép từ 15 triệu đến 60 triệu đồng/giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động. Các đối tượng khá "sòng phẳng" trong ăn chia khi thống nhất đối tượng môi giới hưởng lợi từ 7 đến 52 triệu đồng, chi cho cán bộ Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội từ 6 đến 30 triệu đồng/giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động.
Hồ sơ vụ án cho thấy, để "thông đồng bén giọt", tạo thành một chuỗi khép kín "môi giới- nhận hối lộ", các đối tượng móc nối với Nguyễn Văn Đức khi đó là Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội. Giúp việc cho Đức là Trần Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân và Đỗ Đình Long, cán bộ để làm những thủ tục cấp giấy phép không đúng quy định cho nhà thuốc, phòng khám có nhu cầu.
Qua điều tra, từ năm 2018 đến nay, Bích, Lan Anh khai đã nhận tiền của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám, tổng số tiền là 11 tỷ đồng. Hai đối tượng này hưởng lợi hơn 1,8 tỷ đồng, số còn lại đưa hối lộ cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế TP Hà Nội.
"Từ năm 2018 cho đến tháng 2/2025, có nghĩa là ngót nghét hơn 7 năm, xuyên qua cả đại dịch COVID-19 khi đại án Việt Á bị phanh phui, xét xử thì số đối tượng này vẫn tiếp tục "không biết sợ" mà nhận hối lộ. Hành vi của các đối tượng khiến dư luận vô cùng bức xúc"- chỉ huy Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế thông tin.
Lập hồ sơ "ma" để trục lợi
Lật giở hồ sơ về những sai phạm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước có thể thấy rất nhiều vụ án vẫn còn chưa nguôi nỗi bức xúc trong nhân dân. Tại TP Hà Nội, "cơn bão" Việt Á cũng càn quét, "thổi bay" nhiều lãnh đạo ở một số đơn vị trong và ngoài ngành y tế. Điển hình như vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội với bị cáo Trương Quang Việt là cựu Giám đốc Trung tâm và Lê Minh Tuyến, cựu Trưởng phòng Tài chính CDC cùng một số bị cáo khác.
Trong vụ án, cơ quan truy tố cáo buộc, năm 2020, CDC Hà Nội tổ chức đấu thầu mua 28.300 kit xét nghiệm với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Hành vi của Trương Quang Việt và Lê Minh Tuyến bị quy kết là đã vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 9,1 tỷ đồng.
Hay như vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, từ đó làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám, chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Để "ăn" được tiền, các đối tượng cũng dùng thủ đoạn làm sai lệch hồ sơ liên quan đến đấu thầu những thiết bị. Rõ ràng, việc làm sai lệch hồ sơ là phương thức chung trong những vụ án sai phạm liên quan đến lĩnh vực y tế trong thời gian qua dù tội danh của các đối tượng có khác nhau.
Bên cạnh sai phạm phổ biến trong đấu thầu, trục lợi bảo hiểm y tế cũng là vấn đề nhức nhối gây thất thoát số tiền rất lớn. Thủ đoạn phổ biến là thống kê khống dịch vụ khám chữa bệnh. Một số cơ sở y tế lập danh sách bệnh nhân giả hoặc kê thêm các dịch vụ không cần thiết để tăng số tiền thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế. Lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Cụ thể, một số bệnh viện, phòng khám chỉ định bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm không cần thiết để tăng doanh thu, trong khi quỹ bảo hiểm y tế phải chịu chi phí. Đặc biệt, thủ đoạn giả mạo hồ sơ bệnh án khi cơ sở y tế lập hồ sơ giả về tình trạng bệnh nhân, thậm chí có trường hợp kê đơn thuốc cho bệnh nhân đã mất để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc lợi dụng kẽ hở trong thanh toán bảo hiểm cũng xảy ra. Một số bệnh nhân và cơ sở y tế thông đồng để khám chữa bệnh nhiều lần trong thời gian ngắn, sử dụng thẻ bảo hiểm của người khác để trục lợi.
Theo ghi nhận của PV, trong thời gian qua, rất nhiều vụ án liên quan đến trục lợi bảo hiểm nhằm rút ruột tiền của Nhà nước đã bị Cơ quan Công an phát hiện, xử lý. Đơn cử như vụ làm giả giấy nghỉ bệnh để trục lợi bảo hiểm tại Đồng Nai.
Tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 19 bị can liên quan đến việc làm giả hơn 130.000 giấy nghỉ bệnh nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội. Các đối tượng, bao gồm chủ các phòng khám tư nhân và nhân viên y tế, đã lập khống giấy tờ để người lao động nộp cho cơ quan bảo hiểm, chiếm đoạt số tiền lớn từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Cuối năm 2024 vừa qua, Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 16 bị can về các tội "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các đối tượng, trong đó có cán bộ y tế, đã lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi từ Công ty TNHH Manulife Việt Nam, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác và gian lận bảo hiểm y tế. Các đối tượng đã lập khống hồ sơ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhằm trục lợi từ các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Tháng 7/2023, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái An cùng 6 nhân viên y tế đã bị khởi tố về tội "Gian lận bảo hiểm y tế". Các bị can đã lập khống bệnh án, kê khai dịch vụ y tế không thực tế để chiếm đoạt tiền từ quỹ bảo hiểm y tế.
Còn tại Lâm Đồng, vào tháng 9/2024, Lê Việt Nam, nhân viên khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội gian lận bảo hiểm y tế. Đối tượng này đã lợi dụng vị trí công tác để lập khống hồ sơ khám chữa bệnh, chiếm đoạt tiền từ quỹ bảo hiểm y tế. (còn nữa)