Đề nghị truy tố Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ án “Buôn lậu” và “Trốn thuế” xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Cầm đầu đường dây buôn lậu vàng số lượng đặc biệt lớn này là bị can Nguyễn Thị Hóa (SN 1972, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và em chồng Hóa là Nguyễn Thị Gái (SN 1970, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trong số các bị can còn lại, nhiều người có quan hệ gia đình, thân thích với chị em Hóa và Gái.
23 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu”. Hai bị can bị đề nghị truy tố về tội “Trốn thuế” là Lê Xuân Tùng (SN 1980, ở Hà Nội), Giám đốc Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh (SN 1979, ở Hà Nội), Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý.
![Đề nghị truy tố Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/14/d044abbe_75db_48b7_b9b6_ebb6736-1739502001623.jpeg)
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Hóa là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành đường dây buôn lậu vàng từ Viêng Chăn (Lào) về chợ Karon, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào), sau đó vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) để tiêu thụ tại các tiệm vàng ở Hà Nội.
Từ ngày 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, Hóa đã buôn lậu 310kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng. Hành vi của bị can Hóa phạm vào tội “Buôn lậu”, quy định tại Điều 188 BLHS.
![Truy tố Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/14/le_xuan_tung_44_53052-1739498725489.jpeg)
Bị can Gái đã góp vốn cùng bị can Hóa để buôn lậu vàng, thực hiện việc giao dịch, thỏa thuận nhận đặt vàng với Lê Minh Tuân (Chủ tiệm vàng Tuân Đức) giúp Hóa theo dõi tiền mua bán vàng tại Lào và nhận tiền thanh toán.
Từ ngày 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, bị can Gái và bị can Hóa đã buôn lậu 310kg vàng, tổng trị giá hơn 454 tỷ đồng, cùng hưởng lợi 310 triệu đồng.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có chủ của nhiều tiệm vàng và quản lý nhiều tiệm vàng gồm: Trần Anh Sơn (Quản lý tiệm vàng Minh Hưng), Nguyễn Thị Vân (Quản lý tiệm vàng Kim Linh), Đặng Văn Định (Chủ tiệm vàng Minh Phúc), Trần Công Quán (Chủ tiệm vàng Nhật Vượng), Đàm Anh Tuấn (Chủ tiệm vàng Tuấn Quang), Nguyễn Khắc Bồng và Lê Minh Tuân (Chủ tiệm vàng Tuân Đức).
Những bị can trên dù biết rõ bị can Hóa tổ chức nhập lậu vàng từ Lào về Việt Nam, nhưng để có nguồn vàng bán cho khách và làm nguồn nguyên liệu chế tác vàng trang sức bán kiếm lời nên họ vẫn mua số lượng lớn vàng nhập lậu từ bị can Hóa.
Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra xác định, để giảm số tiền thuế phải nộp, bị can Lê Xuân Tùng đã chỉ đạo bị can Lê Thúy Quỳnh không hạch toán, không ghi chép đầy đủ các khoản thu trong sổ kế toán liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp vào phần mềm kế toán Misa.
Hành vi này dẫn đến việc xác định số tiền thuế phải nộp không đúng thực tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 6 tỷ đồng. Hành vi của bị can Tùng phạm vào tội “Trốn thuế” quy định tại Điều 200 BLHS.
Bị can Quỳnh được xác định đã chỉnh sửa, cân đối số liệu, lược giảm các giao dịch, mua bán vàng để cập nhật trên phần mềm Misa, xuất hóa đơn điện tử, bán hàng và kê khai với cơ quan thuế, làm giảm doanh thu, giảm số tiền thuế phải nộp, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 509 triệu đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã kê biên 36 bất động sản của các bị can, trong đó 21 nhà đất của Nguyễn Thị Hóa (15 thửa ở tỉnh Quảng Trị và 6 thửa ở thành phố Đà Nẵng). Nguyễn Thị Gái cũng bị kê biên 5 bất động sản ở tỉnh Quảng Trị.