Cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm nhằm vào học sinh, sinh viên

Thứ Năm, 08/05/2025, 07:57

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, nhóm đối tượng phạm tội trên không gian mạng nhằm vào học sinh, sinh viên để đe dọa, dẫn dắt các em và gia đình chuyển khoản cho nhóm đối tượng này.

Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án gọi điện/video call nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại. Sau đó, đối tượng lợi dụng tâm lý sợ hãi của các em học sinh, sinh viên để đe dọa, thao túng và gây áp lực tâm lý cho các nạn nhân.

Kịch bản bọn chúng tạo ra là thông báo cho các em có liên quan đến các vụ án đang điều tra nếu không làm theo yêu cầu của đối tượng sẽ bị bắt giữ, yêu cầu các em không được liên hệ với gia đình, tìm các địa điểm kín như nhà nghỉ, khách sạn… và làm theo hướng dẫn do bọn chúng soạn sẵn. Có nhiều vụ án, đối tượng đe doạ nếu không chuyển tiền sẽ bị đưa sang Campuchia làm việc hoặc hứa hẹn đi du học.

Cảnh báo thủ đoạn mới của  tội phạm nhằm vào học sinh, sinh viên -0
Bị hại trình báo tại cơ quan Công an.

Đơn cử, ngày 27/4/2025, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được đơn trình báo của anh N.Đ.M (SN 1977), trú tại TP Từ Sơn (Bắc Ninh) về việc con gái anh là cháu N.V.H.M (SN 2002) nghi vấn bị bắt cóc tống tiền.

Theo lời trình bày của anh N.Đ.M, con gái anh ra khỏi nhà lúc 14h như thường ngày, đến buổi tối không thấy cháu M về nhà, gia đình lo lắng đi tìm khắp nơi nhưng đều không có thông tin. Đến khoảng 20h cùng ngày, có đối tượng lạ gọi vào số điện thoại của anh M nói: "Con gái anh đã bị bắt cóc, yêu cầu gia đình chuyển 100 triệu đồng để chuộc nếu không sẽ bán sang Campuchia".

Trước tình hình đó, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng của Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an nhanh chóng điều tra. Với quyết tâm cao độ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã triển khai, cử nhiều tổ công tác rà soát, xác minh, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Đến 12h45' ngày 28/4, tổ trinh sát đã phát hiện cháu M tại một nhà nghỉ ở xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Quá trình điều tra xác định: Khoảng 12h36' ngày 27/4, cháu M nhận được một số điện thoại lạ 0916.149… gọi đến tự xưng là Trần Ngọc Minh, Công an tỉnh Bắc Ninh thông báo cháu M đang liên quan đến một vụ án rửa tiền trong TP Hồ Chí Minh. Người đàn ông này yêu cầu cháu M cài đặt ứng dụng Zoom trên điện thoại rồi đọc mã ID phòng và mật khẩu để đăng nhập vào phòng Zoom. Khi cháu M vào phòng Zoom thì thấy có 4 người khác nữa tên là Nguyễn Văn Sơn, Trần Văn Nghĩa (cùng mặc quần áo Cảnh sát) và 2 người tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát, Ngân hàng Nhà nước.

Các đối tượng đe dọa cháu M tuyệt đối không được nói với ai, nếu không sẽ phạt tù từ 10 đến 15 năm, yêu cầu cháu M tự thuê nhà nghỉ, cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng, mạng xã hội sau đó tắt máy đợi các đối tượng liên lạc. Sau đó, các đối tượng dùng tài khoản Zalo, số điện thoại của cháu M, nhắn tin đe dọa gia đình cháu M, yêu cầu chuyển tiền chuộc; sau khi gia đình cháu M chuyển 100 triệu thì không chuyển nữa và trình báo Công an tỉnh Bắc Ninh.

Quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, cháu M thừa nhận bị các đối tượng trên không gian mạng dụ dỗ, dẫn dắt, lừa đảo chứ không phải bị ai bắt cóc, tống tiền. Quá trình xác minh, Công an tỉnh Bắc Ninh xác định các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có vị trí tại Campuchia...

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự nhận được đơn trình báo của cháu N.T.G (SN 2005), trú tại quận Cầu Giấy, sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Cháu N.T.G đã nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông tự xưng là Trung úy Nguyễn Văn Nam, công tác Phòng Công an kinh tế TP Hà Nội, thông báo cho cháu G đang là nghi can trong vụ việc hình sự, yêu cầu cháu G vào TP Hồ Chí Minh khoảng 5-10 ngày để trình báo và phối hợp điều tra vụ việc. Cháu G cho biết, đang vướng lịch học ở Hà Nội nên không thể vào TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu.

Sau đó, các đối tượng hướng dẫn cháu G tải phần mềm Zoom, cung cấp một ID cuộc họp trên phần mềm Zoom và yêu cầu cháu G tham gia. Trong cuộc họp, cháu G được đối tượng thông báo về một đường dây lừa đảo, các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã lấy tên của cháu G và nhiều người nữa để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản có quy mô lên tới 31 tỷ đồng và gửi cho cháu G công văn, tang vật thu giữ liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, đối tượng  bật camera để cháu G nhìn thấy trên màn hình máy tính hình ảnh đồng chí Công an mặc quân phục có bảng tên là Trần Hiếu Nghĩa, số hiệu quân nhân, có sử dụng súng và còng tay và yêu cầu cháu G giữ bí mật về vụ án này với người thân trong vòng 72 giờ tới, nếu không sẽ phải chịu tội hình sự.

Đối tượng tiếp tục đe dọa nói đối tượng trong đường dây lừa đảo đã khai báo "cháu G đã bán thông tin của bản thân với giá 600 triệu đồng", do đó cháu G phải  chụp ảnh thẻ sinh viên 2 mặt để gửi cho đối tượng và yêu cầu cháu G chia sẻ màn hình điện thoại và máy tính trong suốt thời gian trao đổi để phối hợp điều tra. Đồng thời yêu cầu cháu G nộp tiền vào tài khoản chỉ định để chứng minh mình vô tội.

Cháu G thông báo không có tiền thì các đối tượng hướng dẫn cháu G nói dối với gia đình nộp tiền để chứng minh tài chính theo yêu cầu của "Thông báo chương trình học bổng đồng hành kỳ 47  - năm học 2025-2026"… Sau đó, nhóm đối tượng gửi cho cháu G email từ địa chỉ dhqg.truongdaihockinhteueb@gmail.com về thông báo danh sách top 15 học sinh nhận học bổng toàn phần tại Đại học Quốc gia Đại học Kinh tế; chỉ cách để nói chuyện với mẹ về vấn đề chứng minh tài sản để đi du học.

Bằng thủ đoạn thao túng tâm lý, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, tuyên truyền cho mọi người xung quanh biết về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm.

Khuyến cáo người dân khi gặp các thủ đoạn lừa đảo như trên tuyệt đối không cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân; không chuyển tiền cho bất kì ai khi chưa biết rõ về nhân thân lai lịch của họ; các cơ quan Nhà nước khi cần làm việc với người dân sẽ mời đến làm việc bằng văn bản, làm việc trực tiếp tại trụ sở; không có cơ quan Nhà nước nào làm việc qua điện thoại. Người dân cần bình tĩnh, khai thác thông tin của đối tượng, tố giác ngay đến cơ quan Công an để phối hợp xử lý…

Minh Hiền
.
.