Nhà Clinton “dính chàm” trong thỏa thuận hạt nhân Nga
Những thỏa thuận tai tiếng
Từ năm 2009, FBI đã có những bằng chứng về kế hoạch đưa hối lộ, lại quả, tống tiền và rửa tiền của Nga trên đất Mỹ nhằm tăng cường lợi ích hạt nhân của Moscow, dù vậy chính quyền Obama vẫn thông qua hai thỏa thuận hạt nhân gây tranh cãi với Nga, theo một báo cáo mới của Nghị viện Mỹ.
Hai thỏa thuận hạt nhân giữa Nga và Mỹ được ký kết vào năm 2010 và 2011. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thỏa thuận cho phép Công ty Rosatom - công ty hạt nhân do Chính phủ Nga kiểm soát, có thể mua Công ty khai khoáng Canada Uranium One vào năm 2010. Thỏa thuận này giúp Nga kiểm soát tới 1/5 nguồn cung uranium của Mỹ.
![]() |
Tranh cãi về thỏa thuận Uranium One đã nổ ra nhiều năm qua khi công chúng biết được ông Bill Clinton đã thu về hàng triệu USD tiền diễn thuyết ở Nga, trong khi vợ ông - bà Hillary - đứng đầu Bộ Ngoại giao trong các hoạt động liên quan đến việc cấp phép thỏa thuận.
Thỏa thuận thứ hai (được ký năm 2011) cho phép chi nhánh của Rosatom là Tenex bán uranium đã được làm giàu cho các nhà máy hạt nhân của Mỹ. Trước đó, Tenex chỉ có thể bán uranium phục hồi từ các món vũ khí hạt nhân bị bỏ đi của Nga.
Sự liên quan của nhà Clinton
Để đạt được thỏa thuận Uranium One, Nga đã chi một số tiền lớn cho nhà Bill Clinton, lớn gấp nhiều lần số tiền họ dành cho những quảng cáo trên Facebook mà giới truyền thông và đảng Dân chủ cho rằng dùng để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Theo National Review (NR), việc Nga mua quảng cáo trên Facebook bắt đầu từ tháng 6-2015 - trước khi ông Donald Trump bước vào cuộc đua - và chủ yếu để cổ súy tư tưởng cánh tả (thúc đẩy tư tưởng quá khích về phân biệt chủng tộc, nhập cư, súng ống...) hơn là việc tranh cử. Nhà chiến lược gia chính trị lâu năm của ông Clinton, Mark Penn, ước tính chỉ có 6.500 USD thực sự nhắm vào cuộc bầu cử.
Trong khi đó, một khoản thanh toán tới 500.000 USD đã được chi từ một ngân hàng thân Kremlin cho một bài phát biểu duy nhất của ông Clinton. Nó được xem là một phần của kế hoạch nhiều triệu USD nhằm mua chuộc cựu Tổng thống và vợ ông, lúc đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton. Vào thời điểm đó, Nga mong muốn đạt được sự chấp thuận của Mỹ trong việc mua lại Uranium One, thông qua đó có thể tiếp cận hàng chục tỷ USD dự trữ uranium. Khi thỏa thuận tiến triển, 2,35 triệu USD đã được trả cho Quỹ Clinton từ năm 2009 đến 2013.
![]() |
Ông Robert Mueller hiện là Công tố viên đặc biệt đứng đầu ủy ban điều tra ông Trump về mối quan hệ với Nga. |
Ngày 19-10 vừa qua, The Hill còn cho biết, năm 2010 ông Bill Clinton đã tìm cách gặp các quan chức hạt nhân Nga trong khi thỏa thuận đang được xem xét. Ông đã xin phép Bộ Ngoại giao để làm điều này, trong khi người đứng đầu Bộ Ngoại giao lúc đó là bà Hillary Clinton.
Citizens United đã công bố các tài liệu bổ sung (công bố theo yêu cầu của Đạo luật Tự do thông tin) vào ngày 20-10, cho thấy trong khi chồng bà muốn gặp các quan chức hạt nhân Nga, thì bà Hillary lại bàn việc gặp gỡ với cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Nga hiện tại Vladimir Putin. Trong một email vào ngày 1-3-2010, bà Hillary đã hỏi liệu mình có thể bỏ qua kỳ nghỉ của Nhà Trắng trong Ngày Thánh Patrick để gặp các nhà lãnh đạo Nga.
Tờ NR cho rằng chính quyền Obama, với Ngoại trưởng Clinton đứng đầu, đã thỏa hiệp với Nga về lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Chính phủ đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao quyền kiểm soát 1/5 nguồn cung uranium của Mỹ sang Nga. Tệ hơn nữa, vào thời điểm chính quyền chấp thuận việc chuyển giao, họ biết rằng công ty con của Rosatom ở Mỹ đã tham gia vào một doanh nghiệp đã từng phạm tội gian lận, tống tiền và rửa tiền.
FBI nắm rõ vụ việc
Mặc dù mãi đến năm 2015 những việc làm phi pháp của công ty Nga mới bị tờ New York Times phanh phui, nhưng 2 nghị sĩ John Solomon và Alison Spann phát hiện FBI đã có nhân chứng về hoạt động này từ đầu năm 2009.
Theo báo cáo trình Quốc hội của 2 nghị sĩ này, FBI đã sử dụng một nhân chứng bí mật trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nga như một phần của cuộc điều tra. Theo các tài liệu của tòa án và FBI, người này đã thu thập hồ sơ tài chính, ghi âm bí mật và các email vào năm 2009, cho thấy các doanh nhân người Nga đã thỏa hiệp với một công ty vận tải uranium của Mỹ bằng các khoản tiền hối lộ, tiền lại quả và thậm chí đe dọa.
Bộ Tư pháp cũng biết về vụ việc, nhưng thay vì đưa cáo buộc này ra vào năm 2009, thì họ lại kéo dài việc điều tra thêm 4 năm nữa trong khi chính quyền Obama ủng hộ các thỏa thuận hạt nhân với Nga. Bằng chứng thu thập được của 2 nghị sĩ trên cho thấy FBI đã ém nhẹm các thông tin về hoạt động tội phạm của Nga, vào thời điểm nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong quyết định ký kết thỏa thuận với Moscow.
Hoạt động của người Nga được các quan chức cấp cao trong chính quyền ủng hộ, những người này về sau đều có phần lại quả, một nhân viên của FBI ghi trong bản khai có tuyên thệ.
Những nhân vật “dính chàm”
Ngoài cựu Tổng thống Bill Clinton và bà Hillary, danh sách những người liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Nga còn có Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu Tổng chưởng lý Loretta Lynch và nhiều người khác. Tất cả những người này thời gian qua đã thúc đẩy nỗ lực cáo buộc ông Trump có liên hệ với Nga, trong đó, ông Mueller thậm chí còn dẫn đầu cuộc điều tra đặc biệt.
FBI có nhân chứng về chiến dịch hối lộ và tống tiền của Nga xung quanh các thỏa thuận hạt nhân, nhưng dưới thời cựu Giám đốc FBI James Comey, nhân chứng này đã được yêu cầu ký một bản thỏa thuận không tiết lộ (NDA). Thậm chí, người này còn bị Bộ Tư pháp (lúc đó do Loretta Lynch đứng đầu) đe dọa nếu việc này bị tiết lộ trước Quốc hội.
Ông Robert Mueller hiện là Công tố viên đặc biệt đứng đầu ủy ban điều tra ông Trump về mối quan hệ với Nga. Theo thông tin điện tín bị rò rỉ trên trang WikiLeaks, ông Mueller có quan hệ gần gũi với ông Comey, và đã bay tới Moscow năm 2009 để cung cấp cho Nga 10 mẫu uranium giàu (HEU). "Đại sứ quán ở Moscow được yêu cầu cảnh báo ở mức cao nhất tới Liên bang Nga rằng Giám đốc FBI Mueller có kế hoạch đưa mẫu HEU một khi ông đến Moscow vào ngày 21-9", điện tín viết.
Trong phiên điều trần ngày 18-10, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley lưu ý rằng Phó Tổng chưởng lý hiện nay - Rod Rosenstein - người đã bổ nhiệm ông Mueller phụ trách cuộc điều tra ông Trump, cũng bị ràng buộc với chiến dịch hối lộ uranium của Nga. Khi đó, ông Rosenstein giám sát việc điều tra các hành vi phạm tội trong chiến dịch của Nga.
Ông Grassley nói trong phiên điều trần: "Tôi nghĩ sẽ không hợp lý khi để ông Rosenstein giám sát các cuộc điều tra liên quan đến Nga, vì ông ta cũng tham gia vào vụ án uranium của Nga".
Chính quyền Obama biết rằng các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội đang cố gắng ngăn chặn thỏa thuận. Do đó, Bộ Tư pháp đã che giấu những gì họ biết. Bộ này cho phép các doanh nghiệp gian lận để tiếp tục thỏa hiệp với ngành công nghiệp uranium của Mỹ, thay vì bắt tay khởi tố và có thể đã chấm dứt thỏa thuận. Các công tố viên đợi 4 năm trước khi âm thầm kiến nghị xóa trường hợp này, vi phạm các nguyên tắc tố tụng của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, chính quyền đã ngăn cản Quốc hội, đe dọa người cung cấp thông tin của FBI không được tiết lộ công khai.