Mỹ tuyên chiến với đại dịch opioid
"Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian, nỗ lực và tiền bạc để đối phó với cuộc khủng hoảng opioid bởi đây là vấn đề nghiêm trọng chưa từng thấy", Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra hôm 10-8 và coi cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện (opioid) là tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng thời cho phép các cơ quan chức năng có thêm nguồn lực và quyền hạn để chống lại đại dịch này.
Cuối tháng 7, một ủy ban chống vấn nạn nghiện ma túy do Tổng thống Donald Trump sáng lập đã đề xuất, chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn quốc để đối phó với nạn sử dụng các loại thuốc giảm đau có chứa ma túy.
Sự lạm dụng thuốc giảm đau đang gây nên đại dịch ở Mỹ. |
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã minh chứng cho tuyên bố của Tổng thống Donald Trump - từ năm 1999, số người Mỹ chết vì lạm dụng thuốc nhóm opioid đã tăng 4 lần.
Trong giai đoạn 2000-2015, hơn 500.000 người qua đời vì dùng thuốc quá liều, trong đó phần lớn có liên quan tới thuốc nhóm opioid. CDC ước tính, việc lạm dụng thuốc giảm đau opioid có thể khiến Mỹ tiêu tốn 78,5 tỷ USD mỗi năm.
Cùng ngày 10-8, Hội đồng Y khoa bang Georgia ban hành quy định yêu cầu tất cả bác sĩ địa phương phải trải qua khóa đào tạo về kê đơn thuốc đối với thuốc nhóm opioid.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vừa quyết định bổ nhiệm 12 công tố viên có trách nhiệm truy tố các vụ gian lận liên quan đến thuốc nhóm opioid.Hơn 1 tháng trước (13-7), ông Jeff Sessions từng tuyên bố, đây là vụ vi phạm đạo đức nghề y chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, và việc này xảy ra ở khoảng 30/50 bang của nước này.
Thượng tuần tháng 8, Bộ Tư pháp công bố chương trình trấn áp tình trạng bác sĩ kê thuốc giảm đau gây nghiện vì mục tiêu kiếm lời. Bộ Tư pháp cũng cho biết, đã truy tố hơn 400 người, trong đó có các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện, không cần thiết cho điều trị, cũng như các nhà thuốc bán các loại thuốc tương tự cho người nghiện.
Và số đối tượng này có liên quan tới vụ lừa đảo y tế lên tới 1,3 tỷ USD. Theo thống kê của Hiệp hội Y khoa về nghiện của Mỹ, khoảng 2-3 triệu người nghiện thuốc giảm đau theo đơn và khoảng 90 người chết mỗi ngày do dùng thuốc nhóm opioid quá liều.
Các trường công ở bang Maryland - Mỹ được yêu cầu trữ loại thuốc dùng cho những trường hợp lạm dụng thuốc nhóm opioid. |
Còn theo tờ The New York Times, thuốc giảm đau theo đơn và chất gây nghiện đã góp phần dẫn tới 60.000 trường hợp tử vong do dùng quá liều ở Mỹ trong năm 2016, tăng 19% so với năm 2015.
Từ năm 2000, hơn 300.000 người đã thiệt mạng do nghiện thuốc giảm đau opioid. Trong khi đó, hãng CNN đặt câu hỏi, liệu số tiền được huy động có dùng để cải thiện việc điều trị cho hàng triệu người đang bị nghiện hay không.
Theo giới truyền thông, hàng chục thành phố và nhiều bang đang khởi kiện các hãng dược phẩm lớn của Mỹ đã gây ra vấn nạn "nghiện ma túy" tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Bởi sau khi sử dụng nhóm thuốc opioid để giảm đau, phần lớn bệnh nhân đã nghiện các loại thuốc này như nghiện ma túy. Và dù bác sĩ đã ngừng kê đơn sau điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân bị nghiện đã chuyển sang sử dụng heroine với giá thành rẻ hơn.
Tiến sĩ Andrew Kolodny, đồng Giám đốc nghiên cứu về thuốc giảm đau opioid thuộc Đại học Brandeis cho rằng, Mỹ đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiện opioid và quá nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thuốc quá liều.
Bởi có khoảng 12,5 triệu người Mỹ đã sử dụng sai thuốc giảm đau trong năm 2015. Tuy chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng Mỹ tiêu thụ tới 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện trên thế giới.
Theo giới chuyên môn, những loại thuốc giảm đau có chứa tiền chất ma túy như opioid có độ nguy hiểm gấp 50 lần so với heroine và việc lạm dụng các loại thuốc này giống như con dao hai lưỡi.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa yêu cầu Công ty dược phẩm Endo loại bỏ thuốc giảm đau Opana ER ra khỏi thị trường bởi những rủi ro liên quan tới loại thuốc này lớn hơn lợi ích mà nó đem lại cho người sử dụng.
Ngoài ra, Opana ER còn liên quan tới vụ lây nhiễm bệnh viêm gan C và gây ra rối loạn tiểu huyết khối. Đây là lần đầu tiên FDA yêu cầu một công ty loại bỏ một loại thuốc giảm đau do lo ngại gây hại cho sức khỏe người dùng.
Theo thống kê, West Virginia là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ bởi chỉ trong năm 2016, bang này đã có hơn 800 người chết do dùng thuốc quá liều và con số này vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, số ca tử vong vì thuốc giảm đau ở bang Ohio cũng tăng 36% so với năm 2015.