Dấu hiệu thi công ẩu tại dự án đường gần 115 tỷ đồng ở Thanh Hoá
Sự việc diễn ra tại dự án “Nâng cấp tuyến đường từ xã Quang Trung – Ngọc Liên – Ngọc Sơn – Ngọc Trung – Lam Sơn , huyện Ngọc Lặc đi xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân”, tỉnh Thanh Hoá.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là dự án công trình giao thông, cấp III; do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Lặc làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư hơn 114, 8 tỷ đồng (giá trị xây lắp hơn 104 tỷ đồng), do Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Thanh (Phố 1, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá) trúng thầu thi công. Nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 85 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện Ngọc Lặc và các nguồn huy động hợp pháp khác 82 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong vùng; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Theo thiết kế được phê duyệt, dự án đường có chiều rộng nền đường Bn=7,5m, mặt đường Bm=5,5m, lề đất B1=2x1,0m=2,0m. Trong đó, nền đào (đào đất mái taluy 1/1, lớp đất sát đáy áo đường dày 50cm đạt K≥0,98, gồm: lớp đắp đất 30cm, lớp xáo xới đầm lèn lại dày 20cm) và nền đắp (đắp bằng đất đồi đạt độ chặt K≥0,95, lớp sát đáy áo đường dày 50cm đạt K≥0,98 và E0≥42Mpa; trước khi đắp đào thay phần đất không thích hợp (hữu cơ, bùn) với chiều dày (0,3-0,5)m; mái ta luy đắp 1/1,5, gia cố mái bằng trồng cỏ; một số vị trí đọng nước thường xuyên gia cố bằng BTXM M200). Đối với những vị trí nền đường cũ bị sình lún được đào xử lý triệt để và hoàn trả đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cấp đường.


Kết cấu áo đường: Mặt đường bê tông nhựa (BTN) có cường độ yêu cầu Eyc≥133Mpa, gồm các lớp: Lớp mặt (bằng bê tông nhựa chặt C16 (BTN C16) dày 6cm, tưới nhựa thấm bám 1,0kg/m2) và lớp móng (bằng cấp phối đá dăm có tổng chiều dày 45cm, gồm lớp móng trên CPĐD loại I dày 15cm và lớp móng dưới CPĐD loại II dày 30cm; trên đường cũ tăng cường lớp móng CPĐD loại I dày 15cm, bù vênh tạo mui luyện bằng CPĐD loại I.


Dối với rãnh thoát nước, đoạn qua khu dân cư sử dụng rãnh chịu lực, tiết diện chữ nhật, chiều rộng lòng rãnh 0,5m, thân rãnh bằng BTCT M250, tấm đan nắp rãnh bằng BTCT M300 kết hợp bó vỉa, thu nước mặt đường qua các lỗ trên tấm đan, hố thu bố trí trung bình 30m/hố. Đoạn Km3+456 - Km4+605 và Km9+679 - Km9+984 đã được đầu tư rãnh nên thiết kế nâng cao thành rãnh và hoàn trả, bổ sung đan rãnh, bó vỉa bằng BTXM M200.

Hiện dự án đang trong quá trình thi công nhưng qua ghi nhận của phóng viên, một số vị trí mặt đường vừa mới thảm chưa lâu đã bị rạn chân chim, hư hỏng phải bóc lên thảm lại; hệ thống cống qua đường và mương thoát nước bằng bê tông cố thép bị rỗ tổ ong; nhiều tấm đan cũ nứt vỡ được tận dụng lại… Ngoài ra, quá trình thi công dự án, đơn vị thi công không cắt cử người điều tiết giao thông, cắm cọc tiêu, biển cảnh báo an toàn tại các vị trí...

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Thanh (đơn vị trúng thầu thi công dự án) cho biết: Đây là dự án sử dụng vốn trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025. Dự án khởi công năm 2023, thời hạn thi công đến hết năm 2025, trong đó UBND huyện Ngọc Lặc chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay nhiều vị trí trên tuyến vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công… Đại diện đơn vị thi công thừa nhận có việc thảm lại mặt đường ở một số vị trí cũng như các nội dung phóng viên phản ánh ở trên.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngọc Lặc, cho biết: Dự án đang trong quá trình thi công, trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu, nếu nhà thầu thực hiện không đúng ban sẽ không nghiệm thu, bàn giao.