Hành vi cho vay lãi nặng bị xử lý như thế nào?
Hỏi: Đầu năm 2024, con tôi có vay 200.000.000 đồng để kinh doanh với lãi suất 4.000đ/triệu/ngày. Con tôi đã trả lãi đầy đủ trong 1 năm nhưng gần đây chủ nợ đòi tăng lên 5.000đ/triệu/ngày. Tính ra tiền lãi con tôi đã trả cho họ còn cao hơn tiền gốc. Xin tòa soạn cho biết hành vi cho vay với lãi suất như trên có phải là cho vay lãi nặng không? Con tôi cần làm gì để thoát khỏi tình cảnh này? (Việt Nga, TP Việt Trì, Phú Thọ)
Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Hảo - Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh cho biết: Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP định nghĩa "cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất cao nhất mà các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay. Trong trường hợp này, người cho vay với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày tương đương 12%/tháng, tức 144%/năm. Tổng số tiền lãi suất là 288.000.000 đồng/năm, cao gấp 7,2 lần lãi suất tối đa cho phép, hành vi cho vay của chủ nợ là hành vi cho vay lãi nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị Quyết số 01/2021/NQ-HĐTP.
Như vậy, con của bạn chỉ phải trả mức lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 40.000.000 đồng/năm. Theo thông tin bạn cung cấp, con bạn đã trả lãi trong 1 năm qua, ít nhất đã trả 288.000.000 đồng tiền lãi, sau khi trừ đi 20%/năm tương đương với 40.000.000 đồng thì số tiền 248.000.000 đồng được coi là khoản tiền thu lợi bất chính.
Hành vi cho vay lãi nặng nêu trên của chủ nợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: "2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Con bạn cần làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh nơi người cho vay cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Riêng đối với phần lãi suất vượt quá mức lãi suất giới hạn theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì vô hiệu và được trả lại cho người vay theo quy định tại mục 2.2 Công văn số 4688/VKSTC- V14 ngày 9/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.