Hành vi buôn bán hàng giả bị xử lý như thế nào?

Thứ Năm, 20/02/2025, 07:03

Hỏi: Tôi có mua một chiếc túi xách hàng hiệu tại cửa hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với giá 45 triệu đồng. Sau khi nhận hàng, tôi nghi ngờ chiếc túi xách mình mua là hàng giả. Nếu túi xách mà tôi mua là hàng giả thì tôi phải làm gì và hành vi buôn bán hàng giả bị xử lý như thế nào? (Minh Thu, quận Ba Đình, Hà Nội)

Hành vi buôn bán hàng giả bị xử lý như thế nào? -0
Ảnh minh họa

Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Hảo - Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh, cho biết: Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về “hàng giả”. Tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã liệt kê dấu hiệu nhận biết hàng giả gồm: Giả về chất lượng và công dụng; giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo; giả về các loại tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: “1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. 2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu”.

Nếu chiếc túi xách bạn mua được xác định đúng là hàng giả thì bạn cần giữ nguyên hiện trạng hàng hóa, chứng từ mua bán và liên hệ ngay với người bán để yêu cầu đổi trả hoặc hoàn lại tiền hoặc yêu cầu bồi thường. Trường hợp phát sinh tranh chấp, bạn cần làm đơn tố cáo kèm chứng cứ liên quan gửi đến cơ quan Quản lý thị trường hoặc Cơ quan Công an nơi bán hàng để yêu cầu xử lý.

Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi bán hàng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

 - Về xử lý hành chính: Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì mức phạt tiền cao nhất là 50 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề... và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

- Về xử lý hình sự: Buôn bán hàng giả là tội danh được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân phạm tội này thì có thể bị phạt tiền đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Ban KT-PL
.
.