Tôi hận bà nội và bố tôi đến tận xương tủy

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:37
Bà nội tôi là người đã nhẫn tâm gây ra cho mẹ tôi, cho gia đình nhỏ của tôi. Hậu quả của nó là sự hủy hoại cuộc sống của mẹ tôi, phá nát hạnh phúc gia đình tôi...

Kính thưa quý tòa soạn!

Câu chuyện gia đình mà tôi sắp kể ra đây quá đau lòng. Bà nội tôi là người đã nhẫn tâm gây ra cho mẹ tôi, cho gia đình nhỏ của tôi. Hậu quả của nó là sự hủy hoại cuộc sống của mẹ tôi, phá nát hạnh phúc gia đình tôi, và làm tan nát cuộc đời khốn khổ của mấy chị em tôi.

Trong gia đình tôi, ít ai nhắc tới bi kịch này. Ngay cả khi mẹ tôi còn sống, một đời bà trăn trở để tìm cách giải quyết bi kịch, chữa lành vết thương lòng mà không một ai giúp bà. Sau này khi mẹ mất, cũng không ai đả động tới câu chuyện đau lòng của mẹ tôi. 

Thậm chí đến bố tôi, nạn nhân trong câu chuyện độc ác mà bà nội gây ra, thì ông cũng chưa từng một lần đối diện với nó. Ông bỏ rơi mấy mẹ con tôi, bỏ rơi vợ với tấn bi kịch mà mẹ mình gây ra, cứ lầm lũi sống theo sự sắp đặt của bà nội, cho đến tận phút lâm chung ông cũng không hề có ý định đi tìm lại hai đứa con gái ruột thịt của mình. 

Tôi không hiểu ông là người chồng nhu nhược, người cha độc ác hay là một người con đần độn nhất nghe theo mọi sắp đặt của đấng sinh thành, để mặc nhiên nhi nhiên mà tiếp tay cho tội ác.

Cho đến hôm nay, đọc được trên báo câu chuyện đau lòng của cặp vợ chồng TQ, tưởng rằng con trai mình đã chết sau khi sinh ra. Song sự thực là mẹ chồng của họ đã không muốn con trai và con dâu có con, trong khi hai người còn quá trẻ, chưa có việc làm, nên bà đã bế đứa trẻ sơ sinh đem cho người khác nuôi. 

Bà mẹ chồng đã giấu kín bí mật này cho đến khi bà từ giã cõi đời, mặc con dâu và con trai ruột của bà không sinh thêm được đứa con nào nữa. Hai người con của bà sống cô độc không con cái, nương tựa vào nhau, và cả đời chưa từng nguôi ngoai nỗi đau mất con trai. Một hành động thật nhẫn tâm và quá độc ác đối với con trai, con dâu và cháu nội của mình. 

Đến bây giờ, khi hai vợ chồng nhờ manh mối từ phía bà đỡ mà biết được sự thật đau đớn rằng con trai họ đã bị chính bà nội bế đem cho đi, và hiện nay vẫn còn sống ở đâu đó, khiến cho cặp vợ chồng già bất hạnh kia đã khóc hết nước mắt vì đau đớn, phải lên báo để kể lại câu chuyện của mấy chục năm trước với hy vọng tìm kiếm tung tích con trai.

Một câu chuyện quá buồn và ám ảnh mấy chị em tôi, càng làm cho chị em tôi không bao giờ có thể nguôi quên nỗi đau mà mẹ tôi đã từng phải gánh chịu tương tự.

Nguyên nhân của tấn bi kịch này bắt nguồn từ quan niệm phong kiến, cổ hủ lạc hậu trọng nam khinh nữ của gia tộc tôi, khi mẹ tôi không thể sinh được cho dòng họ nhà chồng một mụn con trai nối dõi. Ông nội tôi là con trai độc đinh, đẻ ra bố tôi cũng là độc đinh nốt. Kỳ lạ dòng họ Phan tôi bảy đời đều độc đinh. Đến đời bố tôi thì mẹ tôi đẻ mãi cũng chỉ ra con gái. 

Vì áp lực phải sinh được cho nhà chồng một đứa con trai mới không mang tội bất hiếu không biết đẻ với tổ tiên nhà chồng, mà mẹ tôi ngay sau khi kết hôn, nhiệm vụ quan trọng và lớn nhất của mẹ là đẻ và đẻ. Nhà chồng của mẹ tôi mấy đời buôn bán ở chợ Đồng Xuân nên kinh tế gia đình khá giả. 

Mẹ chồng của mẹ tôi có sạp hàng buôn bán trên Hàng Đào, nên ngay từ thời xưa nhà nội tôi đã có của ăn của để. Khi cả đất nước đang ở thời bao cấp, mua gạo thịt theo khẩu phần tem phiếu thì nhà ông bà nội tôi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc, không bao giờ phải thiếu đói.

Mẹ tôi chỉ phải làm nhiệm vụ duy nhất là đẻ con, cố đẻ cho được con trai để nối dõi tông đường. Nhưng lẽ đời đã hiếm thì lại hoi, mẹ cố thế nào cũng không ra được mụn con trai sau 4 lần sinh nở. Áp lực phải có con trai khiến cho mẹ gần như kiệt sức vì mệt mỏi, lo lắng, và hậu sản. Không đẻ được con trai, mẹ chồng nói ra nói vào, đay nghiến mẹ như thể mẹ là nguyên nhân khiến cho dòng tộc họ Phan sa sút, không ngẩng mặt lên với ai được. 

Từ ngày cưới mẹ về làm dâu cho họ Phan, công việc buôn bán làm ăn của bà nội tôi khó khăn dần, tiền không kiếm ra được nhiều như trước, một phần do ông nội tôi và bố tôi ham mê cờ bạc, của cải cứ theo chân ông và bố đội nón ra đi, cuộc sống gia đình chín mười miệng ăn dồn lên vai bà nội. Mẹ tôi một đàn con thơ nheo nhóc nên cũng chẳng giúp được gì.  

Khó khăn như vậy nhưng do tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ ăn sâu vào máu rồi nên ông nội và bố có ham mê cờ bạc, có lấy hết vốn liếng của bà nội đi đánh bạc thì bà nội và cụ nội cũng chẳng nói năng gì. Bà nội cứ thế nai lưng ra làm việc để nuôi cả nhà. Đã thế bà lại giục mẹ tôi cố gắng đẻ cho ra con trai.

Bi kịch khủng khiếp nhất bắt đầu từ nỗi khát con trai của dòng tộc nhà nội. Mẹ mang thai lần thứ năm, bà mụ khám phát hiện ra là song thai. Sức khỏe yếu, áp lực phải cố cho được mụn con trai khiến mẹ như rơi vào trầm uất. Do mệt mỏi, đến tháng thứ 8 mẹ trở dạ sinh non. 

Trước khát khao phát cuồng phải có bằng được một đứa cháu trai đích tôn của bà nội và dòng tộc họ hàng bên nhà chồng mà mẹ rơi vào trầm cảm. Ông trời hình như đã đùa dai mẹ. Lần mang song thai thứ 5 này mẹ lại tiếp tục sinh ra một đôi em gái nữa. Bà nội thất vọng đến nỗi, ngay khi biết mẹ sinh thêm hai đứa con gái, bà đã kêu bà mụ gói ghém hai đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng còn đỏ hỏn đem cho nhà ai có nhu cầu hiếm muộn.

Mẹ sinh non, lại song thai nên vừa sinh xong, chưa kịp nhìn mặt con, biết là hai con gái mẹ đã lên cơn hậu sản băng huyết mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, còn yếu ớt lắm, mẹ đã thều thào hỏi tôi các em ở đâu. 

Lúc này, đứa con gái lớn của mẹ mới lên 10 tuổi là tôi, người duy nhất ở cạnh mẹ để chăm sóc cho mẹ sau khi sinh nở, chỉ biết cúi đầu khóc vì xót xa thương mẹ. Ông bà nội quá thất vọng nên không ngó ngàng gì đến mẹ, mặc dù mẹ vừa sinh xong, băng huyết người rất yếu ớt. Bố tôi biết mẹ sinh hai con gái đã bỏ đi uống rượu hai ngày chưa về.

Khi mẹ đã tỉnh, bà nội vào nói với mẹ: "Mày lại đẻ thêm hai đứa con gái. Nhà đã chục miệng ăn rồi, tao không đủ sức nuôi nên bảo bà mụ đem cho nhà người ta rồi". Mẹ tôi nằm như chết trên giường, thân hình mỏng dính xanh xao run rẩy.

Tôi không bao giờ quên nổi những năm tháng đắng cay khủng khiếp nhất của đời mẹ. Tôi không thể hình dung nổi vì sao mẹ lại vẫn sống mà không thể chết. Mẹ không chết ngay được, dù thân thể bà trải qua 5 lần sinh nở, bị băng huyết, sức tàn lực kiệt, còn trái tim bà thì như đã chết một nửa rồi kể từ khi bà nội mang hai đứa em gái sinh non cho đi. 

Mang nặng đẻ đau, chưa kịp bế ẵm hai sinh linh bé bỏng thì mẹ chồng đã nhẫn tâm dứt hai đứa trẻ đi đem cho người ta. Mẹ vẫn lay lắt sống có lẽ là vì chúng tôi, bốn đứa con thơ nhỏ dại của bà vẫn còn trứng nước cần bàn tay mẹ chăm sóc. Mẹ vẫn sống sót sau chừng ấy biến cố đau xót. 

Mãi đến sau này, trước giờ khắc lâm chung của mẹ, tôi mới hiểu ra rằng, giai đoạn tưởng như có thể chết đi được, thì mẹ vẫn sống, cố sống được đến ngày hôm nay là vì cả 4 đứa con của mẹ, và cả hai đứa em mẹ chưa nhìn rõ mặt. Mẹ gắng sống để tìm các em và đưa hai em trở về nhà.

Nhưng mãi cho đến khi mẹ không thể cố được nữa, cái chết đến và đưa mẹ đi xa, vĩnh viễn rời bỏ những đau khổ thì mẹ vẫn chưa có cách chi để tìm kiếm được hai em. Đó là nỗi thống khổ và mất mát lớn nhất của đời mẹ. Nó còn đau đớn gấp ngàn lần việc bố tôi bỏ mẹ tôi để đi đến ở với một người đàn bà khác để kiếm mụn con trai.

Chính bà nội tôi đã đi hỏi cưới thêm người vợ lẽ cho bố tôi. Thời của bố mẹ tôi, việc bố có thêm một người vợ làm lẽ nữa vẫn đang được xã hội ngó lơ, nhập nhèm dung túng.  Không phải bố là trường hợp duy nhất mà có nhiều người đàn ông thậm thụt đi lại với người khác ngoài vợ để cố sinh được con trai nối dõi tông đường. Bà nội hỏi về cho bố một cô vợ lẽ quá lứa lỡ thì, mẹ tôi hằng ngày sống trong cảnh chồng chung.

Cho đến khi người vợ sau đẻ được con trai cho gia đình bên nội tôi, thì lúc đó mấy mẹ con tôi mới được bà nội riêng ra cho một căn nhà khác. Bốn chị em tôi sấp ngửa với gánh hàng xén của mẹ để tồn tại. Còn bố tôi thì ở nhà chính với người vợ mới và con trai.

Mẹ tôi buôn bán gánh hàng xén để nuôi nấng mấy chị em tôi, đồng thời bà đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm hai đứa con thất lạc. Bà mụ đỡ đẻ cho mẹ tôi thời ấy không còn sống nữa để tìm được manh mối về hai con. Còn bà nội tôi thì nói với mẹ tôi rằng, bà chỉ bảo bà mụ bế hai đứa trẻ đi cho nhà ai hiếm muộn mà không biết bà mụ bế cho cụ thể gia đình nào. Bà nội tôi khuyên mẹ tôi quên hai đứa trẻ kia đi để mà sống, mà nuôi đàn con khôn lớn.

Cắn răng chịu đựng nỗi đau bị chồng bỏ rơi, bị gia đình nhà chồng, mẹ chồng hắt hủi, nhưng vì muốn tìm lại hai em mà mẹ vẫn phải qua lại với bà nội tôi, với mong mỏi một ngày nào đó bà nghĩ lại bà sẽ nói với mẹ nơi hai em gái tôi đang được nuôi dưỡng để mẹ có thể đến đó tận mắt nhìn các con, ôm chúng vào lòng và cầu xin được trả lại con. Có thể những gì mẹ chịu đựng đã quá sức đối với mẹ. 

Thế nên, ở tuổi 47, mẹ đã kiệt sức, mang tâm bệnh rồi ra đi. Trước giờ phút lâm chung, mẹ kêu tôi gọi bà nội tới cho mẹ xin được trăng trối lời cuối. Tôi không thể nào quên được hình ảnh mẹ lúc đó, gầy gò nằm trên giường với hai mắt trũng sâu. Khi bà nội đến, mẹ ôm lấy hai tay bà, nước mắt từ từ lăn trên gương mặt đã mất hết thần khí. Mẹ chỉ nói được đúng 1 câu rồi mất: "Con xin mẹ tìm hai cháu nội và đưa các cháu về nuôi nấng. Đều là giọt máu của dòng họ Phan cả".

Bà nội tôi không nói gì, đứng ra cất đặt đám tang cho mẹ. Từ bấy đến nay, gia đình lớn của tôi trải qua quá nhiều biến cố. Mẹ tôi mất đi trong lòng vẫn ôm một nỗi hận chất chứa của người mẹ bị cướp mất con. Nhưng bà nội tôi không một mảy may đếm xỉa đến lời khẩn cầu của mẹ trước phút lâm chung.

Ông bà nội tôi rồi lần lượt khuất núi. Bố tôi may mắn ở với người vợ thứ hai khá yên lành và sinh thêm được một trai một gái. Các em đều lớn lên ngoan ngoãn và đó cũng như là phúc phận trời ban cho bố và dòng họ Phan. Còn mấy chị em tôi tự nuôi nấng nhau lớn lên và cũng dần trưởng thành, mỗi đứa có một phúc phận riêng. Tuy thiệt thòi vì bố bỏ rơi, mẹ mất sớm song mấy chị em tôi nương tựa vào nhau để lớn lên... 

Tôi vẫn giữ trong lòng nỗi đau của mẹ, vẫn lặn lội tìm kiếm bao nhiêu năm nhưng không rõ tung tích của hai em. Nghe đồn, bà nội tôi đã cho một gia đình người Hoa buôn bán ở chợ Đồng Xuân hai em của tôi, và sau năm 1975, cả gia đình người Hoa đó đã di cư về nước hay đi đâu không ai rõ.

Huyền Nghi (Hà Nội)

Lời Ban biên tập

Bà Huyền Nghi kính mến!

Chia sẻ cùng bà nỗi đau, mất mát lớn mà suốt bao nhiêu năm, đặc biệt là mẹ bà và các chị em bà đã trải qua. Ngày xưa, bi kịch của việc trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến nước ta đã gây nên bao bi kịch, bao nỗi bất hạnh cho biết bao số phận con người. 

Và không chỉ ở Việt Nam mà một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có quan niệm lạc hậu này và đã gây ra bao tấn bi kịch mà đến bây giờ sử sách, báo chí còn ghi lại như một bằng chứng của tội ác. Đó là khi các sản phụ sinh con, gia đình sẽ giết chết những bé gái và chỉ giữ lại những bé trai may mắn được ra đời. 

Tục trọng nam khinh nữ trong xã hội đã gây ra biết bao tội ác. Và có lẽ đến hôm nay, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, quan niệm cũ đó chưa chắc đã hết, khi tình trạng mất cân bằng giới tính trong sinh con do can thiệp y tế vẫn còn xảy ra.

Trở lại câu chuyện của mẹ bà, gia đình bà, có lẽ trường hợp bà nội bà cũng là quá hi hữu cho sự cuồng tín mê muội trong quan niệm trọng nam khinh nữ.

Chúng tôi có thể hiểu và thông cảm nỗi đau của bà. Chỉ chia sẻ với bà điều cần làm lúc này là hãy bằng mọi giá tìm lại hai người em ruột thịt của bà để nếu may mắn tìm được, dưới suối vàng chắc mẹ bà mới có thể thanh thản mỉm cười mà siêu thoát. 

Bằng các kênh thông tin, mạng xã hội, chúng tôi hi vọng với sự kiên trì của bà, biết đâu bà sẽ tìm lại được hai em ruột của mình. Kính chúc bà may mắn và hãy nên tha thứ cho bà nội của bà vì chỉ có tha thứ mới giúp bà sống hạnh phúc thanh thản hơn mà thôi. 

ANTG CT số 193
.
.