Cổ tích luôn luôn có thật

Thứ Năm, 15/09/2016, 17:52
Điều kỳ diệu đã xảy ra với người phụ nữ tật nguyền như tôi khi con gái được 1 tuổi, Tuấn đã đặt vấn đề với gia đình tôi muốn lo cho mẹ con tôi như lo cho một người vợ và con ruột của mình...

Kính thưa các anh các chị trong chuyên mục Chuyện khó tin nhưng có thật!

Gia đình, họ hàng, người thân của tôi vẫn thường nói với tôi, cuộc đời tôi là một phép màu, tôi đã viết nên câu chuyện cổ tích của cuộc đời mình. Một câu chuyện cổ tích hiếm hoi trong đời thực.

Thưa các anh các chị. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo phía bắc Tổ quốc. Từ nhỏ tôi là một đứa trẻ bất hạnh vì có hình hài dị dạng không giống ai. Không hẳn tôi là một đứa trẻ không tay, chân như Nick Vujicic, nhưng hai chân và tay tôi mang dị tật, bé tí, quặt quẹo. 

Tôi đứng chỉ bằng một đứa bé lên 10, mà không thể đứng nổi với đôi chân yếu ớt, dị tật. Cha mẹ phải đóng cho tôi những miếng gỗ gưới chân và tay để mỗi lần di chuyển, tôi lê trên những miếng gỗ để người không bị trầy xước.

Không có nỗi khổ đau, cay đắng và tủi phận nào hơn với nỗi khổ khi mang một hình hài không giống ai. Từ bé, khi lân la chơi với đám bạn trong xóm, chúng la hét và chế giễu tôi như một thứ dị hợm quái thai. Không biết bao lần tôi khóc thầm vì tủi thân, vì bạn bè hắt hủi không cho chơi cùng.

Mặc dù cơ thể dị dạng, sức khỏe yếu, việc đi lại rất khó khăn nhưng tôi luôn khao khát được đến trường. Tôi thèm lắm những buổi ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế ở lớp học, tựa ngực vào thành bàn cho khỏi ngã và nhìn lên bảng say sưa nghe cô giáo đánh vần từng chữ cái, dạy từng phép cộng trừ nhân chia. Tôi thèm được đi học, khao khát được đi học đến nỗi tôi lê tấm thân tật nguyền của mình đến trường và xin cô giáo cho tôi được vào lớp học.

Vì bị tật, việc ghi chép khó khăn, không mang được sách vở bên mình nên cô giáo rất thương, đã sắp xếp cho tôi ngồi ở vị trí đầu lớp học để tiện nghe cô giảng bài. Thấy con gái hai đầu gối và khuỷu tay non bấy bị trầy xước vì lê trên 4 miếng gỗ để đến trường, bố mẹ tôi thương lắm. Mẹ tôi khóc, bảo với tôi: “Thôi con đừng đi học nữa, ở nhà với bố mẹ và các em kẻo con đi lại vất vả cực khổ quá, bố mẹ không đành lòng”.

Mỗi lần nghe bố mẹ bàn đến việc nghỉ học, không đến lớp nữa là tôi lại khóc như mưa. Tôi sợ nhất là phải bỏ học. Nếu không còn được đến lớp nữa thì đối với tôi đó là một bi kịch đau đớn nhất, nỗi thất vọng khủng khiếp nhất, và nỗi buồn này cũng khiến tôi đau khổ nhất. Vì thế, bằng mọi giá tôi vẫn nhất quyết đến trường mặc cho mỗi lần di chuyển trên tấm gỗ là hai cùi chân và hai cùi tay tóe máu.

Hằng ngày, tôi dậy sớm hơn chúng bạn hàng tiếng đồng hồ để di chuyển. Trên đường tới lớp, mặc cho chúng bạn lấy sự dị biệt của thân thể tôi ra làm trò cười, chọc ghẹo, chế giễu, tôi vẫn cắn răng chịu đựng, miễn là được đến lớp và ngồi trong lớp cùng các bạn nghe cô giáo giảng bài.

Thật may mắn là tôi có những người bạn. Những đứa bạn giàu lòng nhân ái và dũng cảm đã ở bên cạnh tôi, sẵn sàng bảo vệ, sẵn sàng giúp đỡ để tôi thực hiện trọn vẹn mơ ước đến trường. Các bạn đã thay nhau cõng tôi trên quãng đường dài đến lớp rồi khi tan học, trở về nhà. Các bạn cũng bỏ qua mọi lời dẻ bỉu đầy ác ý của lũ trẻ tuổi học trò chưa biết nghĩ suy để giúp đỡ tôi đến trường.

Cứ thế, các bạn thay nhau cõng tôi đến trường trong 12 năm trời đi học, không quản ngày nắng xối hay ngày mưa sa, bão lũ. Bên cạnh tình thân mến ấm áp của những người bạn, tôi đã được chở che, được yêu thương, được trưởng thành. 

Học hết cấp 3, biết mình không thể có điều kiện thi đại học hay tiếp tục theo đuổi đam mê học tập nữa, tôi đành ở nhà. Tôi học nghề thêu thổ cẩm từ cả đôi bàn tay và đôi bàn chân què cụt dị dạng của mình. Kiên trì và có sự quyết tâm cao, tôi đã thành thạo nghề thêu và dệt nên những tấm thổ cẩm xinh đẹp cho mẹ tôi mang ra chợ bán.

Công việc của tôi khá thuận lợi, tôi xin mẹ lên thị trấn Sapa mở cửa hàng thêu dệt thổ cẩm, tiện cho khách thập phương đi du lịch ghé qua cửa hàng vừa có thể mục sở thị quá trình dệt tấm thổ cẩm, vừa có thể lựa được một món hàng ưng ý để mua về làm kỷ niệm.

Trong những năm tháng tuổi thanh xuân tràn đầy niềm tin yêu đó, tôi đã gặp gỡ và trao thân gửi phận nhầm cho một gã sở khanh. Hắn là bạn học của tôi ở bản. Hắn hay gùi nông sản ở bản về chợ Sapa bán. Hắn hay uống rượu và say khướt ở chợ không về được nhà. Hắn cũng thường ghé qua cửa hàng của tôi ngồi chơi, xem tôi dệt thổ cẩm và xem khách thập phương ghé mua mang về làm kỷ niệm.

Tôi đã choáng ngợp trước tình cảm của hắn. Trái tim mù quáng loạn nhịp vì lần đầu biết yêu, tôi không đủ khôn ngoan, tỉnh táo để phân biệt được đâu là tình cảm thực lòng, đâu là sự chiếm đoạt tàn nhẫn vì vụ lợi, vì những mưu đồ đen tối của một thằng đàn ông trong đầu chỉ tính toán chuyện bạc tiền. 

Yêu nhau rồi, trao thân cho hắn rồi, tôi mới biết hắn nghiện rượu và ham tiền. Hắn moi đến đồng tiền cuối cùng tôi kiếm được từ mồ hôi và nước mắt để uống rượu với chúng bạn, để ăn chơi sa đà.

Đau khổ hơn khi tôi biết mình có thai, báo tin cho hắn để chuẩn bị đám cưới thì hắn lạnh lùng bảo: “Nếu tôi muốn có hắn thì trục cái thai trong bụng đi. Cô còn chưa lo nổi thân cô, thì lo được cho ai. Đã tật nguyền còn muốn có con có cái làm gì”.

Quá đau khổ nhưng trái tim mù quáng vì yêu, tôi đã nghe theo lời hắn và nhờ hắn đưa vào bệnh viện để bỏ thai. Hắn không những không đưa tôi vào viện mà lạnh lùng bảo tôi nhờ bố mẹ đưa vào. Trong lúc tôi đi viện, đau khổ hoang mang vì phải bỏ đi đứa con trong bụng thì hắn âm thầm mở khóa hòm vét sạch số tiền mà tôi dành dụm bấy lâu nay. Hắn còn khuân sạch đống thổ cẩm tôi vừa dệt xong.

Người ta bảo trong họa có phúc ắt đúng với trường hợp của tôi. Đúng lúc tột cùng hoang mang, tôi đã gặp được một thiên thần của đời mình. Anh là Tuấn, một y sĩ trẻ ở thành phố vừa mới ra trường, tình nguyện lên miền núi làm việc. Khi tiếp nhận bệnh nhân như tôi, anh rất quan tâm chú ý. Anh đã dành thời gian thăm khám và trò chuyện với tôi, nhờ bác sĩ sản klhoa ở bệnh viện tư vấn giúp.

Không hiểu sao, trời đất xui khiến gì mà ngay từ phút đầu tiên gặp, chúng tôi đã cảm giác như từng gặp nhau, thân thuộc với nhau ở đâu đó từ lâu lắm rồi. Tuấn khuyên tôi đừng bỏ cái thai, thứ nhất là nguy hiểm tính mạng do sức khỏe của tôi không đảm bảo. 

Thứ nữa là Tuấn khuyên, hoàn cảnh của tôi tật nguyền như thế này, có được một đứa con để sau này nương nhờ lúc tuổi già là vô cùng cần thiết. Dù thế nào cũng không nên bỏ con vì con cái là ân phước mà số phận đã ban tặng cho mình. Nghe lời khuyên của Tuấn, tôi đã không bỏ con mà trở về nhà.

Mọi dông bão rồi cũng qua đi. Khi biết tôi không bỏ con mà giữ lại, người yêu của tôi đã biến mất tăm cùng toàn bộ tài sản tôi tích cóp được. Tôi cắn răng làm lại từ đầu, nước mắt khô cạn vì đau khổ. Quãng thời gian đó, tôi vẫn giữ liên lạc với Tuấn với mục đích nhờ Tuấn tư vấn và thăm khám cho tôi trong quá trình mang thai và sau này là sinh nở.

Lần nào tôi gọi điện thoại xin tư vấn, Tuấn cũng niềm nở hướng dẫn tôi chu đáo tận tình. Cậu còn dẫn bạn bè dưới xuôi lên Sapa du lịch ghé cửa hàng xem tôi dệt thổ cẩm bằng đôi chân và đôi bàn tay tật nguyền, rồi mua hàng cho tôi. Những lần gặp nhau, hai đứa lại ríu rít chuyện trò thương mến. Sau này, thân nhau lắm, Tuấn thường chở tôi đi khám thai vào những tháng cuối thai kỳ. Ngày tôi sinh nở, Tuấn cũng là người đỡ đẻ cho tôi và quan tâm chăm sóc hai mẹ con trong 1 tuần ở bệnh viện.

Mẹ con tôi sống sót được là nhờ Tuấn, nhờ sự ban phước kỳ diệu của số phận. Tuấn thường chủ động qua lại lui tới thăm khám cho em bé và giúp đỡ mẹ con tôi trong thời gian ở cữ. Đứa trẻ ngày một lớn lên, bụ bẫm và đáng yêu trong sự chăm sóc tận tình chu đáo của gia đình và của Tuấn. Tuấn yêu em bé một cách kỳ lạ mà chính anh cũng không thể giải thích được. 

Công việc của tôi ở cửa hàng thổ cẩm cũng đủ cho mẹ con rau cháo nuôi nhau. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi khi con gái được 1 tuổi, Tuấn đã đặt vấn đề với gia đình tôi muốn lo cho mẹ con tôi như lo cho một người vợ và con ruột của mình.

Thưa các anh chị trong tòa soạn!

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào tin nổi vì sao Tuấn lại quan tâm tới mẹ con tôi, yêu thương mẹ con tôi vô điều kiện và dám chấp nhận hy sinh tất cả để đến với tôi. Tôi không chỉ là tật nguyền, thân hình dị dạng vì tay chân bị teo tóp, mà tôi còn là gái lỡ thì, có một đứa con riêng, trong khi Tuấn là nam thanh niên có nghề nghiệp ổn định, có một tương lai rộng mở, lại chưa từng yêu ai. Bao nhiêu cơ hội cuộc đời tốt đẹp đến vậy, sao Tuấn không chọn lại chọn làm chồng tôi, một người mẹ đơn thân tật nguyền.

Không thể kể hết những ghềnh thác trên con đường chúng tôi đến được với nhau. Tôi từ chối Tuấn, bố mẹ Tuấn từ bỏ Tuấn vì dám vô ơn với bố mẹ để yêu thương tôi, lấy tôi làm vợ. Một hành trình khó khăn, nhọc nhằn và vô cùng gian truân để Tuấn thuyết phục được tôi đồng ý làm vợ và thuyết phục được bố mẹ chấp nhận tôi là một người con dâu.

Thưa các anh các chị! Phải 18 năm sau, khi con trai đầu lòng của tôi và Tuấn thi đỗ Đại học Y thì sự thuyết phục của Tuấn đối với bố mẹ ruột mới thành công. Lần đầu tiên, ông bà đánh đường lên Sapa thăm gia đình con trai và nhận tôi làm con dâu, nhận cháu nội. Vợ chồng tôi mừng mừng tủi tủi. Lần đầu tiên tôi thấy chồng khóc.

Bao nhiêu năm nay anh vẫn đưa các con về xuôi thăm ông bà nội. Ông bà vẫn lạnh lùng không nhận cháu, nhưng Tuấn kiên trì với bổn phận làm con, kiên trì thuyết phục bố mẹ bằng tình yêu thương vun đắp của hai vợ chồng và hai đứa con, một là con riêng của tôi và một là con chung của chúng tôi. Tuấn đã cảm hóa được bố mẹ anh khi chứng minh cho bố mẹ một câu chuyện cổ tích được Tuấn viết thành công trong đời thường.

Bạn bè, thiên hạ vẫn nói về gia đình tôi, rằng chắc là kiếp trước nợ tôi duyên phận nên kiếp này Tuấn gặp được tôi để trả nợ. Còn tôi thì thấy cuộc đời mình như một câu chuyện cổ tích, một phép lạ giữa đời thường mà tôi còn may mắn hơn cả Lọ Lem. Lọ Lem còn có nhan sắc tuyệt trần. Còn tôi, thân hình xấu xí, tật nguyền, lại từng có con riêng... vậy mà gặp được hoàng tử của đời mình còn hơn mọi câu chuyện cổ tích khác tôi từng được đọc.

Không có một câu chuyện cổ tích nào đẹp đẽ, kỳ lạ và nhiều sự hi sinh lớn lao của nhân vật chính trong chuyện như câu chuyện cuộc đời tôi. Và giờ đây, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi là các con đã trưởng thành. Con trai của tôi với Tuấn đã bước vào giảng đường đại học, học đúng ngành mà cả bố và mẹ đều mơ ước. Còn gì màu nhiệm hơn như vậy phải không anh chị?

Thào Thị May - Sapa

Chị Thào Thị May thân mến!

Lâu lắm chúng tôi mới lại nhận được một câu chuyện cổ tích đẹp và có hậu như câu chuyện chị đã chia sẻ. Đọc câu chuyện của chị, chúng tôi chỉ muốn bay đi tìm chị ở Sapa... để mục sở thị câu chuyện tình đẹp như mơ của chị. Phải nói một cách công bằng, đây mới là câu chuyện cổ tích kỳ lạ nhất, đẹp đẽ nhất mà chúng tôi từng đọc. 

Chị nói đúng, nàng Lọ Lem còn có nhan sắc mới gặp được phép màu. Người đẹp cũng có nhan sắc mới kết duyên được với hoàng tử đội lốt quái thú. Chị không có gì cả, nhan sắc không, còn bất hạnh vì tật nguyền, vì có đứa con riêng trong mối tình dang dở. Thế nhưng chị đã gặp được hoàng tử tốt nhất trên đời, người đã yêu thương chị, chăm sóc và dâng hiến cuộc đời cho chị.

Công việc làm báo đã thôi thúc chúng tôi muốn đi tìm chị ngay để chia sẻ câu chuyện cổ tích này. Nhưng trong thư chị có nói chồng chị là một y sĩ ở bệnh viện huyện, anh sống giản dị, hiền lành, ít nói và kín tiếng, không thích chị chia sẻ chuyện riêng tư lên mặt báo, và không thích báo chí viết về cuộc đời của anh chị. 

Chia sẻ lên chuyên mục Chuyện khó tin nhưng có thật, không đưa ảnh, không đưa địa chỉ cụ thể thì chị mới dám viết, và khi chị viết ra niềm hạnh phúc của mình, chị cũng đã giấu anh. Tôn trọng anh chị muốn có một cuộc sống riêng tư, bình dị, lặng lẽ như phong cách anh chị đã lựa chọn từ trước đến nay nên chúng tôi chỉ biết liên lạc với chị qua email để bày tỏ niềm vui cũng như lời chúc phúc tới anh chị.

Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều phép lạ nhiệm màu... Ai có duyên phận, người đó sẽ được cuộc đời ban tặng phải không chị.

ANTG GT 104
.
.