Báo động nghệ thuật "thổi giá" !

Thứ Sáu, 25/09/2020, 09:35
Tôi vẫn nhớ là hồi tháng 4 ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt cũng vì liên quan đến chuyện thổi giá các thiết bị y tế. Cụ thế, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR nhằm xét nghiệm, phòng chống COVID-19 có giá khởi điểm chỉ vào khoảng 2,3 tỉ đồng, nhưng sau khi thực hiện một quá trình định giá, mua bán lòng vòng thì CDC Hà Nội đã mua vào với giá 7 tỉ đồng. Tức là cao hơn mức giá nhập tới 3 lần.

Kính gửi Toà soạn Báo ANTG GT - CT

Tôi đã đọc báo và theo dõi rất kỹ vụ việc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã liên kết với một công ty BMS để sử dụng một hệ thống Robot hiện đại, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Rất nhiều tờ báo dẫn lời Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hệ thống robot này được nhập khẩu với giá 7,4 tỉ đồng, đã gồm VAT, nhưng sau đó lại được các đối tượng liên quan cấu kết, "thổi" lên tới 39 tỉ đồng.

Tôi vẫn nhớ là hồi tháng 4 ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt cũng vì liên quan đến chuyện thổi giá các thiết bị y tế. Cụ thế, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR nhằm xét nghiệm, phòng chống COVID-19 có giá khởi điểm chỉ vào khoảng 2,3 tỉ đồng, nhưng sau khi thực hiện một quá trình định giá, mua bán lòng vòng thì CDC Hà Nội đã mua vào với giá 7 tỉ đồng. Tức là cao hơn mức giá nhập tới 3 lần.

Hệ thống robot nhập khẩu với giá 7,4 tỉ đồng, được các đối tượng liên quan cấu kết, "thổi" lên tới 39 tỉ đồng...

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ công an cho biết ông Nguyễn Nhật Cảm đã có những hành vi sai trái trong việc chỉ định thầu, khiến CDC Hà Nội phải nhập thiết bị với một mức giá mà nói theo ngôn ngữ dân gian là "khét lèn lẹt" như vậy.

Thưa quý báo, từ 2,3 tỉ được thổi lên 7 tỉ (lại thổi trong bối cảnh cả nước đang phòng chống COVID-19) đã là khủng khiếp lắm rồi. Thế mà trong câu chuyện mới nhất liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, người ta đã thổi từ 7,4 tỉ lên tới 39 tỉ. Điều tôi thắc mắc ở đây là, trong vụ việc CDC Hà Nội, mọi thứ diễn ra theo kiểu mua - bán rõ ràng, nhưng trong vụ việc Bệnh viện Bạch Mai, lại không phải là mua bán, mà lại là hợp tác kinh doanh. Theo lý, hợp tác kinh doanh có nghĩa là không có bên mua, không có bên bán.

Vậy thì trong trường hợp này, việc chọn đối tượng hợp tác liệu có phải thông qua hình thức đấu thầu hay không? Nếu câu trả lời là "không" thì đây liệu có phải là một kẽ hở chết người để người ta âm thầm móc ngoặc với nhau trong việc đẩy giá thiết bị, khiến những người liên quan trực tiếp có thể thu lợi bất chính, còn người sử dụng thiết bị - tức là người bệnh phải chịu thiệt hay không? Bởi tôi đã đọc phân tích rằng, nếu giá thiết bị là 7,4 tỉ đồng thì chi phí khấu hao máy móc cho mỗi ca bệnh chỉ là 4 triệu đồng.

Nhưng nếu nó bị đẩy tới 39 tỉ đồng thì chi phí khấu hao sẽ lên tới 23 triệu đồng. Và người ta đã tính rằng, từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, do vậy số tiền chênh lệch, chiếm đoạt của người bệnh có thể lên tới 10 tỉ đồng. Khủng khiếp! Thực sự khủng khiếp! Kiếm tiền trên lưng bệnh nhân theo cách này thì quả là rất thiếu nhân tính!

Vậy thì liệu chúng ta có thể áp dụng những quy định trong luật đấu thầu để xử lý vụ việc này giống như xử lý vụ CDC Hà Nội mua thiết bị Realtime PCR được không? Từ hàng loạt những vụ việc như thế này, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan như thế nào với hàng loạt những vụ đấu thầu hoặc hợp tác kinh doanh giữa các cơ quan đơn vị Nhà nước với các đối tác bên ngoài? Liệu người ta có thể dễ dàng lợi dụng chuyện đấu thầu (mà trong rất nhiều trường hợp chỉ là đấu thầu giả tạo) hoặc hợp tác kinh doanh với rất nhiều kẽ hở để đục khoét của công, chiếm lợi bất chính hay không?

Đây là những trăn trở rất lớn của tôi, rất mong được tòa soạn trả lời. Xin chân thành cảm ơn tòa soạn!

Nguyễn Nhật Hoàng (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Nguyễn Nhật Hoàng! 

Chúng tôi rất đồng cảm với những trăn trở của độc giả. Đúng như độc giả viết, xét về lý vụ CDC Hà Nội mua Realtime PCR là một vụ mua - bán đúng nghĩa, bắt buộc phải tuân thủ những quy định của luật đấu thầu. Tất cả những ai không tuân thủ những quy định này, khiến thiết bị được nhập vào với một cái giá "trên trời" đều sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng vụ việc của Bệnh viện Bạch Mai lại không phải là mua bán, mà là hợp tác kinh doanh.

Về điều này, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã trả lời như sau trên báo Tuổi trẻ TPHCM: "Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công nên phải có trách nhiệm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thấp nhất. Đây không phải là hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài khu vực công nên cần phải đấu thầu. Mục đích cuối cùng là tạo sự cạnh tranh, công bằng, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội". Thưa độc giả, chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời này giúp cho độc giả thoả mãn được thắc mắc đầu tiên của mình.

Tới đây, chúng tôi muốn đề cập tới một khía cạnh thứ 2, rất quan trọng, đó là bất luận mua - bán hay hợp tác thì giá cả của các sản phẩm đều phải được một bên thứ 3 định giá. Chắc chắn là trước khi nhập hệ thống Realtime PCR, CDC Hà Nội đã phải mời một đơn vị định giá rõ ràng. Và trong vụ việc hợp tác kinh doanh của Bệnh viện Bạch Mai cũng vậy, chắc chắn cũng phải có một đơn vị đánh giá các sản phẩm hợp tác, và giá ấy phải là giá thị trường thực sự của sản phẩm. Ấy vậy mà sau đó sản phẩm hoặc được thổi từ 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng, hoặc từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra: Vậy các đơn vị thẩm định giá trong 2 trường hợp này đã hoàn thành đúng trách nhiệm của mình hay chưa? Liệu có sự thông đồng bí ẩn nào đó giữa đơn vị thẩm giá với các bên mua/bán hoặc hợp tác kinh doanh hay không? Cho nên qua những câu chuyện này, chúng ta nhận thấy, không chỉ xử lý những người tham gia vào quá trình mua - bán hay hợp tác mà còn phải điều tra xử lý ngay cả những đơn vị thẩm định giá. Có như vậy mới tạo ra sự răn đe, khiến các đơn vị này không dám thực hiện công việc của mình một cách qua loa, mờ ám.

Thưa độc giả Nguyễn Nhật Hoàng, đúng như độc giả đề cập, từ hai câu chuyện trong ngành Y, chúng ta bắt buộc phải nhìn ra những phi vụ mua - bán, hợp tác trong những ngành nghề khác. Xin lấy 2 ví dụ rất nóng hổi ở 2 lĩnh vực khác cũng được dư luận rất quan tâm thời gian qua.

Một là ở lĩnh vực giao thông vận tải, trong quá trình Bộ Giao thông Vận tải đấu giá quyền thu phí dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Kết luận điều tra của Bộ Công an mới đây cho biết là tháng 10 năm 2013, Bộ GTVT đã quyết định đấu giá công khai quyền thu phí trên cao tốc này trong thời hạn 5 năm, với giá khởi điểm là 2004 tỉ đồng. Thoạt đầu, có tới 6 công ty quan tâm đến hồ sơ bán đấu giá, song cuối cùng chỉ còn lại 2 công ty là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ, tức Út "trọc".

Và kết quả điều tra cho biết Út "trọc" đã tìm cách tác động đến tư lệnh ngành Giao thông lúc đó là ông Đinh La Thăng để tạo điều kiện cho mình làm việc. Mặc dù các công ty này không có khả năng tài chính, làm ăn thua lỗ nhưng Út "trọc" vẫn chỉ đạo cấp dưới báo cáo tài chính khống, để đủ điều kiện làm hồ sơ đấu giá. Kết quả cuối cùng: Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá! Chỉ cần nhắc lại sơ sơ như vậy độc giả cũng đủ hiểu toàn bộ quá trình đấu giá đã diễn ra với những sai phạm liên tiếp như thế nào.  

Hai là ở lĩnh vực tài nguyên môi trường, khi thành phố Hà Nội đã làm việc với một đối tác Đức để mua hoá chất Redoxy - 3C để xử lý tình trạng ô nhiễm sông hồ trên địa bàn Hà Nội. Trong giai đoạn 2016-2019, Hà Nội đã mua khoảng hơn 400 tấn hoá chất với chi phí vào khoảng 137 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là Hà Nội không mua trực tiếp từ đối tác Đức, mà lại mua qua một đại lý trung gian, đó là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, và Arktic được cho là có mối quan hệ thân quen với lãnh đạo cấp cao của Hà Nội thời gian đó.

Việc mua bán qua một đại lý trung gian có diễn ra công khai, minh bạch hay không, có giúp Hà Nội vừa tiết kiệm được kinh phí vừa đạt được hiệu quả tốt nhất hay không? Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an thì việc không mua trực tiếp, mà mua qua đại lý trung gian của Hà Nội đã khiến Nhà nước thất thoát khoảng 41 tỉ đồng.

Vậy đấy! Hàng loạt những vụ mua - bán hoặc hợp tác kinh doanh của các cơ quan đơn vị Nhà nước với các đối tác bên ngoài đã vi phạm luật lệ, điển hình nhất là Luật Đấu thầu. Cho nên, theo chúng tôi khi điều tra xét xử những con người cụ thể, liên quan đến những sai phạm cụ thể, chúng ta cũng phải xem xét lại quy trình mua - bán hợp tác của mình.

Và trong quá trình đó, hai câu hỏi quan trọng nhất là: Tính công khai, minh bạch có được đảm bảo không? Các cơ chế giám sát có được vận hành một cách hiệu quả không? Chúng tôi tin rằng, khi quá trình này được các bên liên quan xem xét một cách cẩn mật, từ đó đưa ra những thay đổi thích hợp thì trong tương lai có thể hạn chế thất thoát một cách tối đa.

Hy vọng là những chia sẻ trên đây cũng đã phần nào thỏa mãn những câu hỏi của độc giả.

Xin chân thành cảm ơn!

Vương Trọng Tín
.
.