Ký ức xấu xí

Thứ Sáu, 28/04/2017, 15:18
Ký ức xấu như một thước phim quái đản cắn rứt tôi. Nó giục giã tôi, thôi thúc tôi viết ra nó như một sự sám hối, một sự tạ lỗi muộn mằn của tôi với chị Hiên...

Kính thưa các anh các chị trong Tòa soạn Báo An ninh Thế giới Cuối tháng.

Tôi đã định đào sâu chôn chặt cái kí ức kinh khủng này. Tôi đã định bụng sẽ mang nó xuống mồ cùng với bí mật gia đình ghê tởm mà tôi đã từng chứng kiến, vì nó xảy ra trong gia đình bé nhỏ của tôi, nó là nỗi ám ảnh man rợ nhất trong ký ức tuổi thơ tôi. Đó là câu chuyện xấu xí đáng khinh bỉ của những bậc sinh thành ra tôi, như một nỗi nhục nhã mà tôi không bao giờ hé lộ ra với ai, không bao giờ dám nghĩ tới, hay nhớ lại.

Thế nhưng, không hiểu sao, trong những ngày vừa qua, khi liên tục đọc những tin tức về những câu chuyện ấu dâm trên các phương tiện báo chí, ký ức đã đánh thức trở lại và câu chuyện cũ tôi từng chứng kiến lại bỗng nhiên trở về, như những thước phim quay chậm, đã hành hạ trí não tôi trong nhiều năm, nhiều ngày.

Tôi không biết giờ này chị Hiên sống ra sao. Chị phiêu bạt ở đâu nơi nước Đức xa xôi, chị còn sống hay đã chết. Chị có gượng dậy nổi để làm lại cuộc đời hay chị cũng như một cái cây non đã bị giày xéo nhiều lần không đủ sức để vươn lên sống sót.

Nhiều năm rồi, tôi đã cố quên hình bóng của chị. Tôi cố quên nụ cười mếu xệch và nắm tiền lẻ chị dúi cho tôi vào một chiều chạng vạng mùa đông. Chị trở về ngõ nhà tôi, thân tàn ma dại. Chị không dám bước chân vào nhà tôi. Chị đứng dưới ngõ lạnh trời mưa và ngước lên căn phòng cửa sổ của tôi sáng đèn. Chị đã huýt sáo. Đó là ám hiệu riêng của hai chị em tôi mỗi khi gặp nhau.

Tôi mở toang cửa sổ ra nhìn thấy bóng chị liêu xiêu dưới cây cơm nguội. Chị không mặc áo mưa. Chiếc áo khoác gió mỏng manh không che chắn nổi thân hình gầy guộc của chị dưới trời mưa. Mái tóc của chị ướt lết bết. Chị rít thuốc lá liên tục. Chị kéo tôi đứng bên ngõ thì thầm:

- Huân ơi, chị sắp đi rồi, đi xa lắm.

- Chị đi đâu ạ?

- Chị sang Đức. Chị đi tìm bố mẹ chị. Sắp xa Hà Nội rồi chị rất nhớ em. Chị không về đây nữa đâu. Sẽ không bao giờ quay trở lại đây nữa. Lớn lên, em đi tìm chị nhé. Em nhớ nghe lời mẹ, học giỏi, vào đại học, đừng lang thang như chị hỏng cả đời người.

- Sao chị lại đi? Sao chị không ở lại đây nữa?

Tôi buột miệng hỏi chị mà trong lòng xót xa. Có một nỗi dày vò thương cảm dâng lên trong lòng tôi. Nước mắt tôi cứ thế trào ra. Chị Hiên bẹo má tôi, dúi cho tôi nắm tiền lẻ, chị quát to lên:

- Ơ kìa sao lại phải khóc. Đàn ông đàn ang mà mít ướt thế thì sau này làm sao trở thành chỗ dựa cho phụ nữ được. Nín đi em. Mình sẽ còn gặp nhau mà.

- Sao chị lại đi? Sao chị không ở lại đây nữa?

Tôi chỉ nói được có thế rồi nghẹn ngào úp mặt vào chị khóc. Người chị gầy sắt như que củi. Tôi hiểu, bố mẹ chị sẽ trở về mang chị sang Đức để mong cứu vớt chị và tìm lại cho chị cuộc đời. Hoặc chị sẽ tự sang Đức tìm bố mẹ. Tôi hiểu điều đó mà sao tôi thấy trong lòng đau đớn quá.

Có lẽ sự tàn tạ, bất hạnh của cuộc đời chị là một phần lỗi của tôi chăng? Tôi là một phần lý do can dự trong nỗi đau thể xác và tinh thần của chị chăng. Chắc chắn là thế. Trong nỗi đau của chị, sự sa đọa bê tha của chị tôi có lỗi. Bởi tôi được sinh ra bởi những người tội lỗi, những người đã cưỡng đoạt cuộc đời của chị và ném chị vào vực thẳm của số phận.

Ký ức xấu như một thước phim quái đản cắn rứt tôi. Nó giục giã tôi, thôi thúc tôi viết ra nó như một sự sám hối, một sự tạ lỗi muộn mằn của tôi với chị Hiên.

Tôi lớn lên cùng với chị Hiên trong nhà bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi buôn bán hàng ăn cắp ở chợ Trời. Nghĩa là tất cả những thứ hàng hóa mà kẻ cắp ăn trộm được, mang ra chợ Trời để bán với một cái giá rất rẻ mạt cho những người buôn như bố mẹ tôi. Từ quạt cóc, đến nồi cơm điện, máy sấy tóc cho đến những cái to hơn như xe đạp, phụ tùng xe máy... Tất tật thứ bà rằn mà kẻ cắp hoặc người tiêu dùng cần tiền mang ra chợ để bán với cái giá rất rẻ mạt thì bố mẹ tôi mua vào để rồi bán lại cho người tiêu dùng cần.

Chị Hiên là con của chú Lâm cô Liên. Chú Lâm là em ruột của bố tôi. Cô Liên là vợ chú Lâm, tôi gọi bằng cô, mẹ của chị Hiên. Chú Lâm và cô Liên sang Đức xuất khẩu lao động rồi tìm cách ở lại bên đó bám trụ để sinh sống. 

Cô chú sinh ra chị Hiên ở Đức nhưng tròn một tuổi gửi về cho bố mẹ tôi nuôi hộ để cô chú rảnh rang làm ăn gây dựng cơ đồ. Nếu để chị Hiên bên đó, cô chú không đủ tiền thuê người trông mà đi học thì không có ai đưa đón. Thành ra cách tốt nhất là đưa chị Hiên về Việt Nam gửi gắm cho bố mẹ tôi nuôi hộ.

Tôi và em Hòa cùng chị Hiên lớn lên trong tổ ấm gia đình của bố mẹ tôi. Cuộc sống những năm tháng bao cấp rất vất vả, nhọc nhằn, bố mẹ tôi bám mặt ngày đêm ngoài chợ Trời để kiếm sống nuôi mấy anh em tôi khôn lớn nên không có nhiều thời gian để tâm đến chúng tôi.

Chuyện kinh hoàng nhất xảy ra vào năm chị Hiên lên 9 tuổi. Một hôm, bố từ chợ trở về nhà nửa buổi gọi chị Hiên đang chơi đồ hàng với anh em tôi trước ngõ vào nhà. Bố dặn hai anh em tôi đừng vào nhà, để bố nói chuyện với chị Hiên một lúc.

Tôi nhớ hồi đó chị Hiên bụ bẫm, hai má hồng hào, đôi mắt tròn đen lay láy lúc nào cũng như đang cười. Chị Hiên thường buộc hai bím tóc đen nhánh rập rờn hai bên má. Chị Hiên ngoan ngoãn và dịu dàng, biết chăm sóc tôi và em Hòa, nhường nhịn anh em tôi. Bố mẹ đi vắng, chị Hiên nấu cơm, tắm cho hai anh em, dắt các em đi nhà trẻ và đón các em về. Có lẽ do chị biết thân biết phận bố mẹ đẻ đi làm ăn xa, ở cùng với hai bác ruột nên chị ngoan ngoãn và lam làm, bố mẹ tôi thương quý chị lắm.

Nhưng cái buổi sáng kinh hoàng và ghê tởm hôm ấy, bố trở về nhà đột ngột, gọi chị Hiên vào đóng chặt cửa buồng. Khi bố mở cửa vội vã đi khỏi nhà, tôi thấy chị Hiên ngồi rũ rượi nơi xó nhà, hai bím tóc sổ tung, những vết xây xước trên cổ chị rơm rớm máu. Chị Hiên ngồi đó đờ đẫn, hoang dại như một bông hoa vừa mới chớm nụ đã bị bão giật cho non bấy.

Chúng tôi chạy lại ôm lấy chị, chị Hiên lúc đó mới òa lên khóc. Chị gục đầu khóc nức nở. Tôi thấy chiếc áo hoa màu tím của chị tuột đứt một chiếc cúc. Dưới đũng chiếc quần hoa màu tím, loang lổ vệt máu tươi. Tôi hoảng hốt kêu lên: "Chị Hiên bị chảy máu kìa". Chị Hiên nghe tôi nói vậy chỉ biết co rúm người lại và khóc to hơn.

Em Hòa quá nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Chỉ có tôi là nhận thấy rõ sự bất thường của bố trong thỉnh thoảng những bữa sáng bố trở về đột ngột và lôi tuột chị Hiên vào nhà. Mỗi lần như vậy, chị Hiên co rúm người lại sợ hãi, mặt cắt không còn một hạt máu. Chị ngoái nhìn tôi với ánh mắt tuyệt vọng. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của chị Hiên.

Ngày đó tôi mới 7 tuổi, chị Hiên 9 tuổi, ánh mắt cầu cứu van lơn, tuyệt vọng của chị đã găm vào ký ức tôi đau buốt mãi cho đến tận bây giờ. Nhìn dáng chị co rúm sợ sệt, lủi thủi bước vào nhà theo cái khoát tay của cha tôi, tôi thấy trên gương mặt cam chịu của chị là một nỗi thất thần đến kinh hoàng. Sau mỗi lần bị cha gọi vào phòng riêng xong chị Hiên lại ngồi co rúm ở một góc và khóc. Có lần tôi lân la đến bên chị, chị nói với tôi:

- Huân ơi, chị muốn đi sang Đức tìm bố mẹ chị. Chị muốn đi lắm.

- Chị nói với bố mẹ em chưa?

- Chị nói rồi mà bố mẹ bảo cứ ở nhà bố mẹ đi làm gửi tiền về nuôi.

- Nghĩa là bố mẹ không đồng ý cho chị sang ư?

Chị Hiên cúi đầu lặng thinh trước câu hỏi của tôi. Một lần tôi nói với bố gọi điện cho chú Lâm về mang chị Hiên sang Đức kẻo chị ấy nhớ bố mẹ. Bố tôi trừng mắt quát tôi: "Mày biết cái gì mà xỏ vào chuyện của chị Hiên".

Từ đó tôi không bao giờ dám nói chuyện của chị Hiên cho bố nữa. Có lần tôi thấy trong điện thoại, chị Hiên nghẹn ngào khóc nói với cô Liên: "Mẹ ơi, xin bố mẹ hãy về nhà và đưa con theo cùng bố mẹ. Con muốn sang với bố mẹ". Cơn nức nở của chị không biết có động lòng đến cô Liên không mà chỉ tháng sau cả cô Liên chú Lâm bay về nhà tôi.

Đó là những ngày chị Hiên vui như tết. Nhưng niềm vui đó dần dần tắt ngúm khi gần đến ngày bay, chú Lâm và cô Liên vẫn động viên chị Hiên ở lại để cô chú bay sang Đức làm ăn.

Cô Liên ôm chị Hiên vào lòng và bảo: "Một năm bố mẹ về thăm con gái một lần. Sau này học hành xong, trưởng thành, bố mẹ về đưa con sang đoàn tụ".

Những lúc ấy chị Hiên khóc nhiều lắm, nhưng tôi đoán chị chưa một lần nào dám kể cho cô Liên hay chú Lâm về bí mật khủng khiếp mà chị đang chịu đựng. Đó là những lần bố tôi bất thường trở về nhà gọi chị Hiên vào phòng và mỗi lần như thế chị Hiên bơ phờ hoảng loạn như gặp phải ác mộng.

Tôi, thằng bé con chưa tròn 10  tuổi, nhạy cảm và yêu thương chị đã rón rén rình xem bố gọi chị Hiên vào phòng làm gì. Khi chứng kiến thấy bố kéo tụt quần chị Hiên xuống, chị Hiên non bấy run rẩy như một con chim non trước sức mạnh hoang dại của một gã đàn ông thú tính là bố, tôi vẫn chưa thể hình dung được cái gì đang xảy ra. Tôi ngây người mở to mắt nhìn bố làm chuyện người lớn với chị Hiên, cũng chỉ nhỉnh hơn tôi vài tuổi.

Tôi đã lao đến cửa phòng đập cửa rầm rầm và la hét lên: "Bố! Bố làm gì chị Hiên đấy. Bố mở cửa ra đi! Không được làm thế với chị Hiên". Hôm đó, bố lao ra cửa và đánh tôi hộc máu mũi, và đánh cả chị Hiên thâm tím mặt. Bố đe hai chị em. "Lớ xớ mà nói chuyện này ra với mẹ thì bố giết cả hai chị em nhà mày".

Tối về nhà, mẹ hỏi có chuyện gì thế mà mặt mũi hai chị em sưng tím. Bên mâm cơm bố thản nhiên trả lời: "Quân mất dậy, tao phải đánh cho chúng nó chừa cái tội mất dậy. Hư là tao đánh chết bỏ mạng luôn".

Tôi và chị Hiên đã rất sợ trận đòn và lời đe nẹt của bố. Vì sợ, chị Hiên đã chịu đựng những lần bố bất thình lình trở về nhà. Và vì sợ, tôi đã không dám mách mẹ chuyện chị Hiên bị bố bắt nạt.

Tuổi thơ của chúng tôi đã lớn lên trong nỗi sợ hãi đến khốn cùng… Mỗi lần thấy chị Hiên non bấy run rẩy trong nước mắt thì thầm với tôi: "Khi nào đủ mười bảy tuổi, chị sẽ ra khỏi nhà em. Chắc chắn thế. Sau này em nhớ tìm chị nhé" thì tôi lại thừ ra bên chị và ứa nước mắt vì thương chị. Nhưng lúc đó tôi vẫn còn bé lắm, tôi là con trai lại tồ tẹt nữa, tôi chưa bao giờ hình dung hết những nỗi đau đớn ê chề chị Hiên phải trải qua trong tuổi thơ. Nỗi đau mà sau này nó đã giết chết đời chị.

(Còn nữa)
Một người giấu tên

Lời Ban biên tập

Xin chào anh và xin được chia sẻ với anh, người đàn ông giấu tên về câu chuyện gia đình riêng mà anh đã tâm sự với chúng tôi.

Ấu dâm là một tội ác khủng khiếp nhất mọi thời đại. Nạn ấu dâm vẫn đang diễn ra hàng giờ, hằng ngày bên cạnh cuộc sống của chúng ta mà chưa bao giờ chúng ta kiểm soát được tội ác này. Chúng tôi hiểu được nỗi đau quá lớn của anh qua câu chuyện anh chia sẻ về việc bố đẻ của anh đã lạm dụng và cưỡng đoạt chị họ anh suốt những năm tháng ấu thơ, đẩy chị họ anh vào vũng lầy của số phận.

Chúng tôi cũng hiểu thêm một điều buồn bã rằng, cũng như chị họ anh, bố anh đã gián tiếp bạo hành tinh thần anh, đã giết chết tình cảm của anh, một người con đối với bố, khắc sâu vào tâm trí anh, suy nghĩ anh hình hài của một tội ác man rợ nhất. Để rồi chính anh cũng là nạn nhân của  một nhân cách méo mó bệnh hoạn của bố anh.

Cuộc đời của chị Hiên đã trượt dài trong tội lỗi, trong đau khổ, trong mất mát. Chúng tôi hiểu cảm giác của anh, như một người có lỗi lớn trong nỗi đau của chị. Tôi nghĩ, có những thứ trong quá khứ không thể sửa chữa được.

Có những nỗi mất mát buộc ta phải đối diện để dũng cảm vượt qua. Anh nên tìm gặp lại chị Hiên để giúp chị ấy thoát khỏi vũng lầy đau khổ. Chỉ có anh, khoảng trong trẻo nhất trong tuổi ấu thơ của chị ấy, để chị có thể nương tựa vào đó mà đứng lên.

Câu chuyện của chị Hiên còn dài, chúng tôi xin mời quý độc giả đọc phần còn lại của câu chuyện "Ký ức xấu xí" trên số báo tiếp theo để biết được số phận của chị Hiên và những người còn lại trong câu chuyện này.

ANTGCT số 188
.
.