Không thể phủ nhận giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 26/05/2025, 05:12

Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Thấy rõ giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không ngừng tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng của Người.

Nhận diện luận điệu sai trái, xuyên tạc

Một trong những luận điệu nguy hiểm mà các thế lực thù địch xuyên tạc là cho rằng Hồ Chí Minh không phải nhà tư tưởng, không có tư tưởng hoặc nếu có thì đó chỉ là những quan điểm rời rạc, thiếu hệ thống, không đủ tầm vóc để gọi là một hệ tư tưởng.

Các đối tượng thù địch thường nguỵ biện rằng, Hồ Chí Minh là người hoạt động thực tiễn, không viết lý luận theo nghĩa hàn lâm, không có hệ thống học thuyết riêng như C.Mác, Ph.Ăngghen hay Lênin. Họ lý sự rằng, ở Hồ Chí Minh không có các tác phẩm lý luận tầm cỡ và vì bản thân Hồ Chí Minh cũng tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng nên quy kết “không có khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Không thể phủ nhận giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh -0
 Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, một số kẻ đội lốt “nhà phản biện”, “nhà nghiên cứu”, “nhà khoa học” còn cố tình ngụy biện rằng Hồ Chí Minh chỉ là người “sao chép” chủ nghĩa Mác - Lênin, không có sự sáng tạo gì mới nên không thể gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Ở đây không đơn thuần là sự hoài nghi học thuật mà là các thế lực thù địch, phản động âm mưu nhằm hạ bệ biểu tượng tư tưởng cách mạng, tạo ra khoảng trống lý luận để tung quan điểm lệch lạc, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là trong thế hệ trẻ. Họ muốn phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh để từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chế độ XHCN, thúc đẩy mô hình “đa nguyên, đa đảng”. Đây là chiêu bài chính trị quen thuộc nhưng rất nguy hiểm. Những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học được lặp đi, lặp lại, nhất là trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đối tượng lại tìm cách “khuấy” lên dưới nhiều chiêu trò như toạ đàm, hội luận, phỏng vấn, phân tích...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng nhưng trên thực tế, trong quá trình hoạt động cách mạng, tư tưởng của Người đã dần được hình thành và được bạn bè thế giới công nhận. Trong đó tiêu biểu là tư tưởng về độc lập dân tộc và CNXH với nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát triển nhiều luận điểm mới, phù hợp và sáng tạo. Nếu chủ nghĩa Mác - Lênin tập trung vào đấu tranh giai cấp ở phương Tây thì Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vấn đề dân tộc và giải phóng thuộc địa. Nếu chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập nhiều về vai trò của giai cấp vô sản thì Hồ Chí Minh nhận thấy vai trò to lớn của nông dân và các tầng lớp bị áp bức trong xã hội thuộc địa, nửa phong kiến.

Tư tưởng không nhất thiết phải được thể hiện bằng những bộ sách đồ sộ hay khái niệm trừu tượng, hàn lâm mà có thể hiện diện qua các tác phẩm chính luận, bài viết, bài nói, hành động và trên hết là qua sự chỉ đạo đúng đắn và hiệu quả đối với thực tiễn cách mạng. Các nhà khoa học chỉ rõ rằng, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng theo đúng nghĩa của một nhà cách mạng hành động, nơi mà lý luận luôn được kiểm chứng và phát triển qua thực tiễn sôi động của Người. Do đó, không thể nguỵ biện rằng, ở Hồ Chí Minh không có các tác phẩm lý luận tầm cỡ và vì bản thân Hồ Chí Minh cũng tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng, từ đó đưa ra quan điểm sai trái, phủ nhận tư tưởng của Người.

Thế giới đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi

Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, bởi Người có sự chuẩn bị kỹ càng về lý luận, có khả năng dự báo, xác định đúng hướng đi cho phong trào của quần chúng khi đang còn tự phát. Có tầm nhìn chính trị bao quát, rộng mở để giải quyết những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng. Có khả năng tổ chức thành lập một chính đảng cách mạng để quy tụ, tập hợp quần chúng để đấu tranh. Có khả năng vượt qua những khó khăn, thử thách để thực hiện tư tưởng của mình trong thực tiễn cách mạng.

Người đã có rất nhiều tác phẩm lý luận thể hiện tư duy sâu sắc, nhất quán và mang tính hệ thống về cách mạng Việt Nam. Trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu những sự kiện quan trọng gắn liền với những bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (15 tập).

Bộ sách tập hợp khoảng 3.300 tác phẩm, bài nói, bài viết, điện, thư... của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1912 đến năm 1969 đã được xác minh và thẩm định, cung cấp nhiều tư liệu làm sáng tỏ sự nghiệp, những giá trị lớn lao của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó phải kể đến năm tác phẩm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh - năm di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia: “Đường Kách mệnh” (1927), “Nhật ký trong tù” (1942-1943), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (17/7/1966) và “Di chúc” (10/5/1965-19/5/1969).

Năm tác phẩm tiêu biểu được xếp hạng bảo vật quốc gia cũng như toàn bộ di sản của Người có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn cụ thể, là kim chỉ nam, mang giá trị định hướng trường tồn. Đó không phải là những mảnh ghép rời rạc như luận điệu các thế lực xấu mà là sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế. Đồng thời, minh chứng cho những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng thế giới, sự cống hiến của Người vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã chứng minh tính đúng đắn và sức sống mạnh mẽ của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đã dẫn dắt nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ và thống nhất đất nước, xây dựng XHCN, đưa đất nước tiến lên hiện đại. Không chỉ có giá trị trong lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh còn mang tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là minh chứng sinh động cho giá trị khoa học, giá trị cách mạng và giá trị nhân văn cao cả của một tư tưởng vĩ đại.

Đại hội XI (2011), Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Định nghĩa này không chỉ mang tính lý luận sâu sắc mà còn thể hiện sự đúc kết từ thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Điều này đủ sức bác bỏ quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn không có hệ thống lý luận độc lập.

Trước khi khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh xuất hiện thì thế giới đã thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh cho tư tưởng, văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, UNESCO đã ban hành Nghị quyết khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư cách nhà tư tưởng của Người. Nghị quyết ghi nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Chính các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đã thừa nhận và ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh như một hệ thống tư tưởng có ảnh hưởng lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện thế giới. Tại nhiều hội thảo quốc tế, các học giả đã nhấn mạnh tính nhân văn, tính thực tiễn và tính định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là sự đóng góp quan trọng vào kho tàng tư tưởng cách mạng thế giới. Hiện nay, đã có 35 công trình tượng, tượng đài Hồ Chí Minh được xây dựng tại 22 quốc gia trên thế giới.

Đây chính là sự bác bỏ đầy thuyết phục của cộng đồng quốc tế đối với các luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh hiện nay, khi sự nghiệp cách mạng bước vào giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen thì việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Điều này cũng chứng tỏ rằng, những luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh không những phi khoa học mà còn đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Chu Thắng – Trịnh Thúy
.
.