Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để kích động, xuyên tạc lịch sử
Những ngày này, nhiều hoạt động tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã được tổ chức trên cả nước (17/2/1979 – 17/2/2025).
Thế nhưng, đây cũng là dịp mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động triệt để lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, vu khống Đảng, Nhà nước ta né tránh, lãng quên, không quan tâm đến chính sách đối với thương binh, cựu binh, thân nhân liệt sĩ tham gia cuộc chiến đấu; xuyên tạc, kích động hận thù dân tộc, chia rẽ mối quan hệ bang giao trong bối cảnh mới.
Những luận điệu xuyên tạc, kích động
Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Thành quả bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Thế nhưng, trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 nhằm làm cho một bộ phận quần chúng hiểu sai về lịch sử dân tộc, nhất là giới trẻ. Từ đó tạo sự hoài nghi, phai nhạt niềm tin đối với Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ mối quan hệ truyền thống hữu nghị, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Những ngày qua, các trang tin như VOA, RFA, RFI, BBC cũng như một số trang mạng YouTube, Twitter, Facebook của các tổ chức Việt Tân, Triều đại Việt, Tiếng dân… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận, tọa đàm, phỏng vấn để đưa ra các thông tin xuyên tạc lịch sử dân tộc.
Từ những luận điệu xuyên tạc về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cho thấy âm mưu của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động là vu cáo đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong đảm bảo chủ quyền, biên giới quốc gia như kết quả phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, từ đó hòng tạo môi trường xã hội, chính trị bất ổn để dễ bề thực hiện mưu đồ chống phá. Các đối tượng viết bài xuyên tạc Việt Nam nhượng đất cho nước láng giềng, lấy cớ kích động tâm lý bất bình trong nhân dân; xuyên tạc Việt Nam xâm chiếm đất của các nước láng giềng hoặc các nước láng giềng xâm lấn đất của Việt Nam nhằm gây nghi ngờ, phá hoại tiến trình, kết quả phân giới cắm mốc của nước ta với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ đó các đối tượng trên rêu rao rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước “nhu nhược, hèn yếu” nên không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trắng trợn bịa đặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước im lặng vì đã thỏa hiệp với nước ngoài thao túng chủ quyền biên giới nước ta…
Việc lợi dụng vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền về biên giới, biển đảo nhằm xuyên tạc sự thật, kích động dư luận và gây rối vốn là âm mưu quen thuộc của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, số đối tượng chống đối. Như một chu kỳ, cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm các sự kiện như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam (1979), trận hải chiến bảo vệ Trường Sa (1988)… các đối tượng lại ra sức xuyên tạc sự thật về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền và biên giới biển, tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tâm lý bài nước này, thân nước kia. Chúng kích động sự chống đối Đảng, Nhà nước, hạ thấp vị thế, vai trò, sức mạnh của đất nước, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng kêu gọi Đảng, Nhà nước ta phải từ bỏ chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không”, đòi Đảng ta “thực hiện liên minh quân sự” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển. Càng nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biên giới đất liền, chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân “xuống đường để thể hiện lòng yêu nước”, từ đó gây mất an ninh, trật tự và kiếm cớ để gây bạo loạn, biểu tình chống phá.
Ngoài ra, lợi dụng các sự kiện trên, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử tộc người, quan hệ tộc người, bôi nhọ chủ trương phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, nhất là những khu vực từng diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Với những luận điệu thâm độc, chúng cho rằng Đảng, Nhà nước, Quân đội đẩy đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới vào cuộc chiến vô nghĩa, bỏ mặc đồng bào bị sát hại... Từ đó kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc và xuyên tạc người Kinh đã lấy đất, phá rừng, gây khó khăn cho đồng bào các dân tộc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh của quân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Minh chứng sinh động phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, kích động
Lịch sử dựng nước, giữ nước đã chứng minh lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. Khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia đứng trước những thách thức hoặc bị xâm phạm, người dân đặc biệt quan tâm, thường xuyên dõi theo những thông tin liên quan và có các ý kiến thể hiện quan điểm. Lợi dụng tâm lý này, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động đã đưa ra những thông tin sai sự thật hòng bẻ lái dư luận, kích động người dân nhằm xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với quốc tế.
Nhìn lại lịch sử, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo, Đảng, Nhà nước, quân dân ta luôn thể hiện tinh thần quyết chí, đồng lòng, quyết tâm bảo vệ từng vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Trong những thời điểm mà chủ quyền quốc gia trên Biển Đông bị đe dọa, toàn dân ta luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, đó là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ lãng quên cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 cũng như các sự kiện có liên quan đến chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Cuộc chiến đấu chính nghĩa này là một trong những trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là chủ trương nhất quán đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội luôn quan tâm đến các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, trong đó có các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Không có sự phân biệt về chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh khác để bảo vệ Tổ quốc. Đối với các cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc được hưởng các chế độ, chính sách liên quan, trong đó có Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, các cựu chiến binh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia từ tháng 2/1979 đến ngày 31/12/1988 được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng.
Để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã phối hợp với các ban, ngành Trung ương, đoàn thể xây đài tưởng niệm, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ như xây dựng và nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang quốc gia; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lấy tên một số anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu để đặt tên đường phố, trường học... Nhiều hoạt động ý nghĩa được tiến hành như Hội thảo quốc gia, gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu…
Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đều có các hoạt động đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và thăm hỏi, động viên cựu chiến binh, thương binh từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Mới đây, ngày 5/2/2025, trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Trước đó, ngày 26/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; thăm, chúc Tết, tặng quà công nhân lao động, lực lượng biên phòng, các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đồng bào dân tộc, hộ nghèo tại vùng đất biên cương này của Tổ quốc. Ngày 8/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Thực tiễn trên đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng, Nhà nước ta né tránh, lãng quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979; bác bỏ luận điệu xuyên tạc việc không quan tâm chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cuộc chiến. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giai đoạn lịch sử bi hùng đó đã nhắc nhở tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau rằng, phải luôn tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng đất nước giàu mạnh, đủ sức đối phó với mọi tình huống xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Những bài học đắt giá từ các cuộc chiến tranh, xung đột hiện nay ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia có tiềm lực quân sự giàu mạnh đã và đang đặt ra những thách thức vô cùng to lớn trong việc giữ vững ổn định cũng như bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Điều đó càng chứng minh rằng quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giải quyết các vấn đề liên quan là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Do đó, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, kích động để không mắc mưu các thế lực thù địch, phần tử xấu. Phải có trách nhiệm với bản thân, với đất nước, phải trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản để có khả năng nhận biết thông tin, không bị kẻ xấu lợi dụng.