Cảnh giác âm mưu chuyển hoá đoàn viên, thanh niên bằng thủ đoạn “truyền thông đen”, trí tuệ nhân tạo
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), không gian mạng đã trở thành một mặt trận tư tưởng - văn hóa đầy thách thức. Trí tuệ nhân tạo đang trở thành vũ khí để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu chuyển hóa nhận thức, đặc biệt nhắm vào đoàn viên, thanh niên thông qua chiêu trò “truyền thông đen” hết sức tinh vi, nguy hiểm.
1. “Truyền thông đen” là thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội bất hợp pháp. Khác với truyền thông chính thống, “truyền thông đen” sử dụng các phương pháp thao túng tâm lý, bóp méo sự thật và kích động cảm xúc để gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của công chúng, đặc biệt là thế hệ thanh niên.
“Truyền thông đen” thường được triển khai trên các nền tảng mạng xã hội - nơi có tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng và khả năng tiếp cận rộng rãi. Năm 2024, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi ngày có khoảng 21.000 tin, bài có nội dung sai lệch, xuyên tạc được phát tán trên không gian mạng tại Việt Nam. Những thông tin này thường được ngụy trang khéo léo dưới dạng “tin nóng”, “phân tích độc lập”, “ý kiến phản biện” hoặc các bài viết, video mang tính giải trí tưởng chừng vô hại để thu hút sự chú ý của thế hệ trẻ.
Trí tuệ nhân tạo nâng tầm “truyền thông đen” bằng cách tạo ra các nội dung giả mạo tinh vi như video deepfake, hình ảnh chỉnh sửa hoặc bình luận tự động, khiến việc nhận diện thông tin sai lệch trở nên khó khăn.
Với sức mạnh vượt trội trong xử lý thông tin và cá nhân hóa trải nghiệm, AI đang bị các đối tượng thù địch lợi dụng như một vũ khí nguy hiểm để phục vụ các mưu đồ chính trị. Bằng cách tận dụng thuật toán AI phân tích hành vi người dùng, chúng tạo ra nội dung độc hại ngụy trang dưới dạng giải trí, dễ dàng thu hút những người còn thiếu kinh nghiệm phân biệt thông tin.

Rõ ràng, mục đích của các đối tượng thù địch là lợi dụng sự non nớt về chính trị của không ít thanh niên để gieo rắc tư tưởng lệch lạc, phản động, đe dọa an ninh quốc gia. Tinh vi hơn, các đối tượng còn triển khai chatbot AI hoặc ứng dụng giả mạo để lôi kéo thanh niên tham gia các hành vi bất hợp pháp như phát tán thông tin sai lệch, lừa đảo trực tuyến, thậm chí tham gia các nhóm phản động khiến thanh niên vô tình trở thành nạn nhân hoặc đồng phạm. Do thiếu hiểu biết pháp luật và sự cả tin, nhiều bạn trẻ bị thao túng, trở thành công cụ cho các thế lực thù địch mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, một trong những âm mưu nguy hiểm nhất là sử dụng AI để làm tê liệt sức sáng tạo và ý chí phấn đấu của thanh niên.
Các ứng dụng AI cung cấp giải pháp tức thời, từ bài giải bài tập đến nội dung sáng tạo khiến thanh niên phụ thuộc và mất khả năng tư duy độc lập, dẫn đến lười biếng tư duy và thiếu động lực học tập. Đồng thời, các trò chơi hoặc nội dung giải trí độc hại được AI tạo ra khiến thanh niên chìm đắm trong thế giới ảo, xa rời thực tế, làm suy giảm ý chí rèn luyện, khiến thanh niên trở nên thụ động, không còn khát vọng cống hiến cho xã hội.
Đây là chiêu trò tinh vi, là một công cụ quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị ở nước ta mà không cần sử dụng vũ lực, thông qua việc tác động vào tư tưởng, nhận thức và niềm tin của thế hệ trẻ nhằm đào tạo mầm mống chống đối, phá hoại từ bên trong, làm suy yếu nền tảng chính trị của đất nước.
2. Sự tinh vi của chiêu trò “truyền thông đen” nằm ở chỗ chúng thường lợi dụng các khe hở về pháp lý, kỹ thuật, đặc biệt là khai thác tâm lý, sự tò mò của giới trẻ cũng như tận dụng tối đa các thuật toán AI để đẩy mạnh chiến dịch chống phá với các hình thức như:
Một là tin giả (Fake news), thông tin độc hại có tính hệ thống. Tin giả không chỉ là bịa đặt thông thường mà được tạo ra với mục đích cụ thể là đánh lừa, thao túng dư luận. Các thế lực thù địch sử dụng AI để tạo ra và lan truyền các nội dung xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông; các nội dung giả mạo, video deepfake hoặc bài viết xuyên tạc các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam nhằm làm suy yếu lòng tự hào dân tộc…
Những nội dung này sử dụng công nghệ AI để tạo video giả mạo hình ảnh, giọng nói của các nhân vật lịch sử hoặc lãnh đạo khiến chúng trông chân thực và khó kiểm chứng. Chúng thường được xây dựng dựa trên một phần sự thật hoặc các sự kiện có thật nhưng bị bóp méo, thêm thắt các yếu tố sai lệch để tạo tính thuyết phục giả. Ví dụ, trước thềm Đại hội Đảng XIII (năm 2021) hoặc các kỳ họp Quốc hội, những tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội thường xuất hiện với những bài viết mang tính suy đoán, không có căn cứ về “gian lận phiếu bầu”, “phe phái đấu đá nội bộ”, “thay đổi nhân sự cấp cao vì tham nhũng”... Mục đích của những thông tin này nhằm gây hoang mang, làm suy giảm niềm tin vào tính công khai, minh bạch của hệ thống chính trị ngay trong những thời điểm then chốt của đất nước.
Trên thực tế, quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, với sự thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất cao từ cơ sở đến Trung ương. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh chứ không phải do "đấu đá" hay "thanh trừng" như những thông tin ác ý kẻ xấu đưa ra.
Hai là kích động, gây sốc và đánh vào tâm lý đám đông. AI phân tích dữ liệu để đề xuất các bài viết, video với tiêu đề giật gân như “sự thật bị che giấu” hoặc “bí mật lịch sử” để thu hút sự chú ý tức thời, khai thác tâm lý tò mò, thích khám phá những điều “bị che đậy” hay “khác biệt” của giới trẻ. Những nội dung này được AI tối ưu hóa để phù hợp với sở thích của từng cá nhân, dễ dàng thu hút thanh niên trên các nền tảng như TikTok hay YouTube… AI còn tự động tạo các bình luận kích động, khuếch đại tâm lý đám đông trên mạng xã hội khiến thanh niên dễ bị cuốn vào các luồng thông tin sai lệch.
Trong các thời điểm nhạy cảm chính trị, đặc biệt là khi đất nước chuẩn bị các sự kiện trọng đại, những nội dung này thường được đẩy mạnh, nhắm vào những vấn đề đang được quan tâm rộng rãi. Điển hình là việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, một sự kiện pháp lý quan trọng được người dân đồng lòng đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã lợi dụng bằng cách tung ra các thông tin xuyên tạc về “tính dân chủ”, “quyền tự do ngôn luận” trong quá trình sửa đổi, thậm chí bịa đặt về việc “hiến pháp mới không đáp ứng nguyện vọng của dân”, nhằm gây chia rẽ và hoài nghi về thể chế. Một số đối tượng đã lập các trang web giả mạo đăng tải bài viết với tiêu đề “Hiến pháp mới không thể giải quyết gốc rễ vấn đề dân chủ” hay “ý kiến người dân bị bỏ qua trong quá trình sửa đổi Hiến pháp”…
Ba là sử dụng KOLs (Key opinion leaders). Các thế lực thù địch không chỉ tự sản xuất nội dung mà còn móc nối hoặc lợi dụng các KOLs, YouTuber, TikToker có tầm ảnh hưởng lớn trong giới trẻ để lan truyền thông tin sai lệch. Họ thể hiện dưới vỏ bọc “nhà hoạt động xã hội” hoặc “người phản biện độc lập”, thực chất là công cụ phục vụ các âm mưu chống phá.
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao năm 2023, hơn 60% các kênh mạng xã hội có nội dung sai lệch được vận hành từ nước ngoài, sử dụng AI để tạo video deepfake giả mạo hình ảnh, giọng nói của người nổi tiếng, làm tăng độ nguy hiểm và khó kiểm chứng. Những nội dung này thường được ngụy trang dưới dạng “phản biện xã hội” để thu hút giới trẻ với mục tiêu chính là định hướng sai lệch tư tưởng của thanh niên Việt Nam.
Bốn là xây dựng “hệ sinh thái” thông tin độc hại thông qua các hội nhóm trá hình và kênh mạng giả danh. Chúng không hoạt động đơn lẻ mà xây dựng một mạng lưới phức tạp gồm các trang web, blog, kênh YouTube, tài khoản mạng xã hội liên kết với nhau, tạo thành một “hệ sinh thái truyền thông đen”. Chúng lập ra các hội nhóm trên mạng xã hội, giả danh các cộng đồng “trí thức trẻ” hoặc “người yêu lịch sử” để lan truyền các nội dung sai lệch. Các hội nhóm này sử dụng AI để tự động đăng bài, bình luận và khuếch đại thông tin sai lệch trên nhiều nền tảng, tạo cảm giác về một “luồng dư luận” mạnh mẽ chống lại chế độ chính trị hoặc lịch sử dân tộc. Trong các thời điểm quan trọng như việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng hoặc kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, những hội nhóm này sẽ đồng loạt đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các thành tựu cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng có thể sử dụng AI để tạo ra các bình luận tự động, tạo ra những video deepfake giả mạo hình ảnh, giọng nói của người nổi tiếng, lãnh đạo để tung tin giả một cách khó nhận biết, làm tăng độ nguy hiểm và khó khăn trong việc kiểm chứng.
3. Để bảo vệ đoàn viên, thanh niên trước những âm mưu “chuyển hóa” thông qua chiêu trò “truyền thông đen”, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đoàn, gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời khuyến khích vai trò tự thân của mỗi thanh niên trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị và kỹ năng số. Một số giải pháp chính cần quan tâm như:
Thứ nhất, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) đã nhấn mạnh rằng công tác đấu tranh trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Để thực hiện hiệu quả, Đoàn cần đổi mới giáo dục chính trị tư tưởng theo hướng hiện đại, hấp dẫn. Các buổi học không chỉ là lý thuyết khô khan mà cần tích hợp các hoạt động trải nghiệm, kể chuyện, thảo luận mở, tranh biện về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội để thanh niên tự tìm tòi, lý giải.
Việc sử dụng các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) hay video tương tác có thể giúp nội dung trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và phát triển các kênh truyền thông chính thống, hấp dẫn trên không gian mạng. Điều này bao gồm việc phát triển các fanpage như “Thanh niên Việt Nam”, kênh YouTube “Tuổi trẻ sáng tạo” hoặc các tài khoản TikTok chính thức của Đoàn để cung cấp thông tin tích cực và định hướng dư luận. Việc sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, hình thức trình bày sáng tạo như video ngắn, infographic… là cần thiết để phù hợp với sở thích của giới trẻ.
Mặt khác, cần thành lập và vận hành hiệu quả đội ngũ “phản ứng nhanh” và “chiến sĩ không gian mạng”. Cần phát triển các nhóm “cộng tác viên dư luận xã hội trẻ” hoặc “đội phản ứng nhanh thông tin xấu độc” để kịp thời phát hiện, phân tích, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch một cách hiệu quả. Song song đó, việc đào tạo kỹ năng cho thanh niên về nhận diện, phân tích, phản biện và lan tỏa thông tin tích cực là rất quan trọng.
Thứ hai, có sự phối hợp đa chiều từ gia đình, nhà trường và xã hội. Để tạo thành một “lá chắn thép” bảo vệ thanh niên, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các chủ thể trong xã hội. Cha mẹ cần đồng hành, hướng dẫn con em sử dụng mạng xã hội an toàn, khuyến khích thảo luận về các vấn đề xã hội để rèn luyện tư duy phản biện. Nhà trường cần đổi mới giáo dục chính trị, tư tưởng bằng cách lồng ghép các bài học về lịch sử, pháp luật và kỹ năng số vào chương trình giảng dạy, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện. Báo chí nâng cao chất lượng tin bài, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các vấn đề xã hội; tăng cường tính hấp dẫn, dễ tiếp cận để thu hút độc giả trẻ. Đội ngũ trí thức, chuyên gia cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia trong việc phân tích, và đưa ra các lập luận bác bỏ những thông tin sai trái một cách khoa học, thuyết phục, cung cấp góc nhìn đa chiều cho công chúng.
Ngoài ra, để đối phó hiệu quả với các chiến dịch “truyền thông đen”, đặc biệt trong các thời điểm chính trị nhạy cảm, vai trò quản lý của nhà nước về an ninh mạng cũng là nội dung thiết yếu. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến an ninh mạng, xử lý tin giả, tội phạm mạng, đảm bảo tính răn đe và khả thi trong thực thi. Đồng thời, cần tăng cường khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý bằng cách đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, trang bị các công cụ, phần mềm hiện đại để tự động phát hiện, phân tích, gỡ bỏ các nội dung xấu độc.
Thứ ba, phát huy vai trò tự thân của mỗi đoàn viên, thanh niên. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần nắm vững cách kiểm chứng thông tin, sử dụng các công cụ như Google fact check, các ứng dụng xác minh nguồn tin để nhận diện thông tin sai lệch. Tham gia các phong trào tình nguyện, hoạt động xã hội như “Mùa hè xanh”, “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng” để củng cố lý tưởng và ý thức trách nhiệm với đất nước. Những hoạt động này không chỉ giúp thanh niên rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống mà còn tạo cơ hội để họ trực tiếp chứng kiến những thành tựu phát triển của đất nước. Từ đó, họ sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện và vững vàng hơn trước những thông tin xuyên tạc, đặc biệt là những thông tin cố ý bóp méo về tình hình kinh tế - xã hội để phục vụ mục đích chính trị.
4. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, cuộc chiến chống lại “truyền thông đen” không chỉ là nhiệm vụ của riêng tổ chức Đoàn mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chỉ khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng chung tay, chúng ta mới có thể xây dựng một “hệ sinh thái tư tưởng” lành mạnh, giúp thanh niên vững vàng trước những âm mưu phá hoại tư tưởng, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên số.