50 năm, nghĩ về “ngón vắn, ngón dài” trong một bàn tay

Thứ Hai, 05/05/2025, 05:57

Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bắc Nam thống nhất, non sông liền một dải, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước vẫn luôn đoàn kết chung lòng dựng xây quê hương, đất nước. Dẫu vậy, một số người trước đây từng “bên kia chiến tuyến”, rời đất nước sau giải phóng, đến nay họ vẫn định kiến, giữ cách nhìn tiêu cực, thù hận về quê hương, cho rằng “bị phân biệt đối xử” nên không có khái niệm hòa hợp…

Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi gắn kết giữa các tư liệu lịch sử với quan điểm của những người đã trải qua các cuộc kháng chiến, chính kiến của cả người “bên này và bên kia”, đánh giá hoàn cảnh lịch sử trước đây và bối cảnh, xu thế hôm nay… Từ đó, đưa ra cách luận giải khách quan với mong mỏi rằng, vết thương còn có ngày lành sẹo, bầu bí một giàn, lòng ái quốc chính là cội nguồn cho tinh thần hòa hợp dân tộc, hướng về đất mẹ, như lời khuyên bảo của Bác Hồ năm xưa: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta”… 

I -  Quê hương thanh bình, đổi mới, sao mãi ôm hận thù, định kiến? 

Tái diễn những luận điệu lạc lõng 

50 năm trong dòng chảy lịch sử chưa phải là quãng thời gian quá dài nhưng với một dân tộc, chừng đó đủ để đánh giá, nhìn nhận về các chặng đường, các mốc hoạch định chiến lược, đủ để thực hiện những lộ trình phát triển. 50 với một đời người lại là quãng thời gian dài, rất dài. Nhưng sau 50 năm, nếu một tư duy, một định kiến cho đến bây giờ vẫn không thay đổi, vẫn mang sự thù hận, nguyền rủa mảnh đất đã sinh ra mình chỉ vì ngày trước khác biệt tư duy vì “bên này, bên kia” chiến tuyến, thì đó là tư duy bảo thủ, cố chấp, là cách họ tự tách mình ra khỏi dòng chảy thời cuộc.

Thật đáng tiếc khi cho đến lúc này, đất nước đã giải phóng được nửa thế kỷ, đồng bào chung sức, chung lòng xây dựng từ đống đổ nát sau chiến tranh, từ đói kém và lạc hậu, tới nay đã tạo một Việt Nam với vị thế, hình ảnh mới trên bản đồ khu vực và thế giới thì một số người vẫn mang nặng tư duy thù hận năm xưa, vẫn có cái nhìn ác cảm, tiêu cực về quê hương, đất nước. 

5-tai.jpg -0
Tái diễn những luận điệu lạc lõng.

Những ngày qua, trong khi đồng bào dù ở trong hay ngoài nước đều một lòng hướng về Tổ quốc, bằng những hoạt động khác nhau kỷ niệm ngày Bắc Nam thống nhất, núi sông liền một dải thì một bộ phận người Việt định cư tại Mỹ và một số nơi khác lại tiếp tục điệp khúc chống đối cực đoan, xới lại sự hận thù.

Trên một số trang mạng xã hội của các tổ chức, nhóm chống đối ở hải ngoại tiếp tục phê phán việc Nhà nước Việt Nam tổ chức diễu binh, diễu hành, cho rằng cần lựa chọn “cách im lặng” mới là giải pháp để hòa giải, hòa hợp. Một số người Việt tại Mỹ vẫn tái diễn điệp khúc “50 năm, triệu mảnh đời biệt xứ; 50 năm là 50 mùa quốc hận, đất nước còn quằn quại dưới cùm gông”… Họ lu loa rằng, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, thống nhất đất nước nhưng không thống nhất được lòng dân vì lãnh đạo không làm chuyện nhân nghĩa mà ngược lại chỉ làm chuyện bất nghĩa”; mỉa mai “diễu binh xong rồi, ăn mừng xong rồi, giờ đối diện với thực tế kinh tế chông chênh, biển đảo bị mất, luật pháp tệ hại…”.

Một số đối tượng lợi dụng vụ nổ súng liên quan người cha của cháu bé bị tai nạn giao thông ở Vĩnh Long (hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra lại; Bộ Công an chỉ đạo Công an Vĩnh Long khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm sai phạm nếu có) để bôi lem, quy chụp lên niềm tự hào trong lễ diễu binh, diễu hành, miệt thị “sự thối nát của hệ thống pháp luật”! 

Trang Việt Tân lại giở trò “hội luận về biến cố 30/4 trong ký ức ba thế hệ”, trực tuyến trên mạng xã hội vào sáng 3/5/2025. Với “khách mời” là những người có lịch sử chống phá Việt Nam, số này đã mượn diễn đàn hội luận để mỉa mai về lễ diễu binh, diễu hành, miệt thị các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tái diễn luận điệu coi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là “nội chiến, huynh đệ tương tàn”… 

Một số nhóm nhỏ người Việt tại California (Mỹ) tụ tập dưới biểu ngữ “tưởng niệm ngày quốc hận”, nghe “diễn văn tưởng niệm” với lời lẽ nặng sự hận thù. Đây là hành động có tính thường niên của bộ phận người Việt rời đất nước sau 30/4/1975, tới nay vẫn ôm chặt tư tưởng thù hận, chống đối đất nước. Họ được cổ súy bởi những mắt xích vốn là người Việt cực đoan, số này lĩnh ấn tiên phong trong việc hô hào, kêu gọi tụ tập, tuần hành và các hành động thành lập, tham gia các tổ chức phản động tại hải ngoại. Cũng vì sự vận động của số chống đối này mà tháng 8/2009, tại thành phố Westminster, họ thông qua cái gọi là “nghị quyết 4257” về việc coi ngày thứ bảy cuối cùng mỗi tháng tư là “Ngày Thuyền nhân Việt Nam”. Ở cấp tiểu bang California thì đưa ra cái gọi là “Nghị quyết ACR-40”, công bố tháng tư là tháng của người Mỹ gốc Việt với 6 điểm, trong đó tung hô những khẩu hiệu như “nỗ lực tranh đấu vì lý tưởng tự do”, coi lá cờ vàng ba sọc đỏ là “biểu tượng của người Mỹ gốc Việt”; lấy tuần lễ từ 24 đến 30/4 hằng năm là “tuần tưởng niệm tháng tư đen, ngày quốc hận”… 

Theo lệ đó, năm nay, một nhóm người Việt ở hải ngoại được quay video phát lên mạng xã hội, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ, miệng hô những lời lẽ hướng về giới trẻ nhằm kích động chống phá: “Hỡi các bạn trẻ mang trong mình dòng máu Việt. Chúng tôi không chứng kiến cuộc chiến tranh Việt Nam, không sống dưới tiếng bom rơi đạn lạc nhưng chúng tôi lại lớn lên trong đất nước không tự do – một đất nước mà người dân bị buộc phải cúi đầu, phải im lặng và phải nhớ ơn một chế độ ngoại lai đã cưỡng chiếm miền Nam, nhân danh hai từ “giải phóng”. Đó là chế độ cộng sản”!

Với luận điệu kích động đó, các đối tượng xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “không mang lại sự hòa hợp dân tộc mà phát động các cuộc trả thù tàn bạo”, “không mang lại dân chủ mà áp đặt xã hội dưới chế độ độc tài”, “không giải phóng con người mà xiềng xích cả nước bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch và sự sợ hãi”…  

Đáng nói, dù được hô hào trước đó nhiều ngày thì thực tế số lượng người tụ tập với lời lẽ kích động trên chỉ lèo tèo, họ cố kéo theo cả phụ nữ, trẻ em để “tạo khí thế”. Điều đó cho thấy, số người bị dụ dỗ, kích động chống phá tại hải ngoại đang ngày càng thưa vắng, dù những thành phần cốt cán bằng nhiều cách kêu gọi tụ tập trên mạng xã hội. 

30/4 đã là ngày đại lễ của cộng đồng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu, ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Sau 50 năm, Việt-Mỹ từ hai bên chiến tuyến, từ đối đầu, đối súng đã trở thành đối tác, bình thường hóa quan hệ từ 1995 và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Nửa thế kỷ đi qua, những người lính từng theo Mỹ, đứng “bên kia” chiến tuyến, giờ cũng đã ở sườn núi của cuộc đời hoặc khuất núi theo quy luật tự nhiên. Chừng đó thời gian là thêm một, hai thế hệ nữa sinh ra, trưởng thành, đủ để nhận thức về cuộc sống, chứng kiến những đổi thay của quê hương, của quan hệ Việt – Mỹ trong giai đoạn mới, đủ trải nghiệm, hiểu biết về quá khứ và hiện tại, về những điều nên làm và không nên làm.

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu những luận điệu trên diễn ra cách đây mấy chục năm, dẫu biết như thế là sai lạc thì phần nào đó có thể hiểu được với tâm lý của những người rời đất nước ra hải ngoại, khi mà trạng thái hận thù sau chiến tranh vẫn còn nặng nề. Nhưng bây giờ, 50 năm với một đời người là quãng thời gian dài, rất dài, đủ làm thay đổi những nhận thức, tư duy.

Với bối cảnh mới, tại sao hiềm khích, hận thù vẫn còn, thậm chí vẫn dai dẳng trong một bộ phận người Việt ở hải ngoại? Tại sao chúng ta cùng đất mẹ, bầu bí một giàn lại chưa thể hòa hợp, lại mãi điệp khúc nguyền rủa quê hương? Nguyên nhân do đâu và làm thế nào để hòa hợp dân tộc là vấn đề không mới, đã được bàn luận nhiều. Điều quan trọng là phải gỡ bỏ định kiến, đưa đến cách nhìn khách quan cả trong quá khứ và hiện tại để thiện chí hướng đến ngày mai vì một quê hương thanh bình, ổn định và phát triển. 

Hiểu đúng một giai đoạn lịch sử

Người Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ có thể chia thành ba đợt, bắt đầu lần đầu tiên vào năm 1975, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ dẫn đến việc sơ tán do Hoa Kỳ bảo trợ của khoảng 125.000 người Việt Nam, chủ yếu là số người làm việc cho chế độ cũ và thân nhân của họ. Trong cuối những năm 1970, làn sóng thứ hai của người Việt di cư vào Hoa Kỳđược gọi là nhóm di cư “thuyền nhân”. Đợt thứ ba di cư vào Hoa Kỳ trong suốt những năm 1980 đến 1990. 

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là một trong những cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài, vớihơn 2 triệu người Việtsinh sống và làm việc trên khắp nước Mỹ. Việc người Việt di cư sang Mỹ giai đoạn trước, sau 30/4/1975 do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là hệ quả của chính sách tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn cũ khi liên tiếp dội vào những người lính và người dân về nạn “tắm máu” khi chính quyền Sài Gòn sụp đổí.

Lo lắng điều này, nhiều người vội vàng di tản khỏi Sài Gòn trước 30/4/1975 cùng thân nhân của họ. Một bộ phận khác sau thời điểm trên cũng tìm cách bán, sang tên nhà cửa, tài sản để di tản. Cùng với đó, nhiều người dân thành thị có điều kiện kinh tế khá giả, họ cũng tìm cách sang Mỹ với hy vọng có điều kiện làm ăn hơn. Nhiều người khác đời sống khó khăn, do có người thân, bạn bè vận động, rủ rê cũng ra đi…

Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, việc nhiều người Việt Nam di cư sang Mỹ trước, sau 30/4/1975 nằm trong bối cảnh lịch sử chịu nhiều tác động chi phối lúc bấy giờ. Chúng ta cũng cần thấy rằng, do sau giải phóng, đất nước bước vào giai đoạn tái thiết kinh tế từ đống đổ nát của chiến tranh, lại duy trì chế độ tập trung bao cấp trong thời gian dài nên nền kinh tế rơi vào trì trệ, đời sống người dân chật vật. Điều kiện đó diễn ra khi viễn cảnh nhiều người Việt sang Mỹ định cư sau 30/4/1075 đời sống khá giả đã tác động đến tâm lý, tư tưởng người ở lại, họ cũng muốn di cư tìm kiếm đời sống kinh tế tốt hơn. Một mặt, khi đó mặc dù chúng ta đã đề cập đến vấn đề hòa hợp dân tộc nhưng với tâm lý vẻ vang sau chiến thắng, chúng ta chưa thực sự làm tốt các giải pháp này một cách thực chất. Với số người làm việc cho chế độ cũ và người thân của họ, tâm lý “bên thua cuộc” khi đó còn nặng nề, lại bị tác động luận điệu tuyên truyền “tắm máu” trước đó và sự rủ rê ở bên ngoài nên nhiều người di tản cũng là dễ hiểu… 

Những diễn biến đó là một thực tế của lịch sử và hoàn toàn lý giải được trong bối cảnh lúc bấy giờ – đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với bộn bề công việc tái thiết, ngổn ngang gian khó, lại bị bao vây cấm vận. Vì vậy, cần hiểu hoàn cảnh đó để chia sẻ với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn lịch sử chứ không thể lấy thực trạng di cư như vậy để phán xét, quy chụp bôi nhọ. Trong lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới, việc một bộ phận người dân bên thua cuộc di tản sang nước khác sau khi kết thúc chiến tranh cũng là chuyện bình thường bởi bối cảnh hậu chiến đặt ra những vấn đề có tính quy luật khiến sự di tản khó tránh khỏi. 

(Còn nữa) 

Đăng Minh
.
.