Thủ đoạn của người đàn bà lừa mua bán ngoại tệ để chiếm đoạt 140 tỷ đồng

Thứ Ba, 15/04/2025, 12:20

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, dù không có khả năng mua ngoại tệ USD từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng khác với giá rẻ, nhưng Huệ vẫn giới thiệu với nhiều người rằng mình có nguồn mua USD từ những nơi này với giá rẻ rồi bán ra thị trường để hưởng lãi suất chênh lệch.

Để bị hại tin tưởng, Huệ lên mạng Internet xem tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại rồi lựa chọn tỷ giá USD của ngân hàng, đồng thời gọi điện đến các cửa hàng vàng bạc để hỏi tỷ giá USD trên thị trường tự do.

Tiếp đó, Huệ tự đưa ra mức giá cụ thể để thông báo với những người cả tin. Tỷ giá USD mua vào của Huệ đưa ra luôn thấp hơn so với giá thị trường tự do, nhưng cao hơn so với giá của ngân hàng. Huệ giải thích rằng, đó chính là phần chi phí tiền hoa hồng khi mua USD tại ngân hàng thương mại cho các bị hại.

Thủ đoạn của người đán bàn lừa mua bán ngoại tệ để chiếm đoạt 140 tỷ đồng  -0
Bị cáo Huệ tại phiên tòa sơ thẩm. 

Sau khi các bị hại góp vốn đầu tư, Huệ chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Bằng thủ đoạn trên, Huệ đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại tổng số tiền hơn 140 tỷ đồng.

Trong số các nạn nhân của Huệ có bà L (ở Hà Nội) bị chiếm đoạt 21,1 tỷ đồng. Thông qua mối quan hệ xã hội, bà L quen biết Huệ. Khi đó, Huệ rủ bà L góp vốn đầu tư mua USD từ Ngân hàng Nhà nước với giá rẻ rồi bán ra thị trường tự do để hưởng lãi suất chêch lệch.

Từ ngày 15/8 đến 23/10/2022, bà L đã chuyển cho Huệ 30 tỷ đồng. Để bà L tin tưởng, Huệ chuyển lại cho bà L 8,9 tỷ đồng và nói rằng, đó là tiền lãi. Hai bên chốt số tiền Huệ còn cầm là 21,1 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Huệ sử dụng chi tiêu cá nhân và trả nợ rồi cắt đứt liên lạc với bà L.

Một bị hại khác là bà T (ở Hà Nội) cũng bị Huệ lừa đảo chiếm đoạt hơn 94,6 tỷ đồng. Thủ đoạn của Huệ là rủ bà T góp vốn cùng đầu tư mua bán USD để hưởng chênh lệch.

Huệ nói đang có sẵn 170.000 USD và bán cho bà T với giá 23.750 đồng/USD. Bà T đã chuyển cho Huệ hơn 5 tỷ đồng và nhận về 170.000 USD.

Sau lần đó, bà T tin tưởng Huệ. Trong các ngày 16/9 đến 25/10/2022, bà T đã chuyển cho Huệ hơn 298 tỷ đồng để đầu tư mua bán USD. Nhận số tiền trên, Huệ dùng hơn 185 tỷ đồng để mua USD, số tiền còn lại là hơn 94,6 tỷ đồng Huệ chiếm đoạt của bà T.

Tại cơ quan điều tra, Huệ thừa nhận đã đăng ký, sử dụng 11 tài khoản ngân hàng cùng đứng tên Trần Thị Minh Huệ để nhận và chuyển tiền cho các bị hại. Số tiền nhận được, Huệ chỉ sử dụng một phần để mua USD trên thị trường tự do với giá cao để trả cho bị hại. Huệ khai, do làm ăn thua lỗ nên đã sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Đối với hành vi mua bán USD của Huệ với chủ cửa hàng vàng là ông Đào Tiến Hùng (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Vũ Tài Minh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng hai cá nhân khác, cơ quan điều tra xác định đã vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cơ quan điều tra đã có công văn kiến nghị và chuyển phần tài liệu có liên quan đến Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Cầu Giấy để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Quá trình xét xử, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cần làm rõ hành vi giao dịch mua bán bất động sản và các giao dịch chuyển tiền, đồng thời đề nghị trả hồ sơ yêu cầu làm rõ các giao dịch với người liên quan nhằm thu hồi triệt để tài sản cho các bị hại; làm rõ xem có hành vi rửa tiền hay không…

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án. 

Nguyễn Hưng
.
.